Gia tăng sức ép kinh tế với Moskva, G7 đồng thuận giới hạn giá dầu của Nga (Thùy Dương, Thu Hằng , Trọng Nghĩa, BBC)

Theo AFP, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết thượng đỉnh G7 sẽ đưa ra "một loạt đề xuất cụ thể để gia tăng sức ép đối với Nga và chứng tỏ sự ủng hộ tập thể của chúng tôi (G7) đối với Ukraine".



Thùy Dương, RFI, 28/06/222

Tại thượng đỉnh G7 diễn ra ở Bayern, Đức, hôm nay, thứ Ba 28/06/2022, lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới quyết định sẽ triển khai biện pháp giới hạn giá trần nhập khẩu dầu lửa của Nga.

AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết chỉ vài giờ trước khi thượng đỉnh bế mạc, các nhà lãnh đạo nhóm G7 tại Đức đồng ý bắt đầu tiến hành các việc cần làm để triển khai cơ chế giới hạn giá trần dầu lửa nhập khẩu từ Nga. G7 yêu cầu các vị bộ trưởng khẩn cấp bàn bạc về định mức giá trần dầu lửa, tham vấn các nước thứ ba và khu vực tư nhân, với mục đích đưa ra mức giới hạn.

Thông cáo cuối cùng dự kiến ​​đượđưa ra vào cui cuc hp này s bao gm mt tha thun trên nguyên tc v vic phát trin cơ chế chưa tng có và phc tp này nhằm ngăn chặn Nga bán dầu vượt quá một mức giá nào đó. Hôm qua 27/06, Jake Sullivan, cố vấn ngoại giao chính của tổng thống Mỹ Biden, nhận định việc G7 đạt được đồng thuận về vấn đề này sẽ là "một bước tiến ngoạn mục" và "một trong những thành quả có ý nghĩa nhất của G7".

Theo Hoa Kỳ, giới hạn giá trần dầu lửa của Nga có thể sẽ mang lại mối lợi kép : giảm nguồn thu của Nga qua việc bán dầu lửa và hạn chế hậu quả của việc tăng giá đối với các nước tiêu thụ dầu của Nga.

Tuy nhiên, đại diện Mỹ cũng như giới chuyên gia đều nhấn mạnh đến sự phức tạp và các khó khăn kỹ thuật của một dự án chưa có tiền lệ này.

G7 yêu cầu để nông phẩm Ukraine được lưu thông tự do

Để hạn chế khủng hoảng lương thực thực phẩm trên thế giới, hôm qua G7 ra thông cáo kêu gọi Nga "khẩn cấp ngừng vô điều kiện các vụ tấn công nhắm vào các cơ sở hạ tầng nông nghiệp và vận tải của Ukraine", để nông phẩm Ukraine "được tự do lưu thông từ các cảng của nước này ở Biển Đen". Cho đến nay, ngũ cốc của Ukraine vẫn đang mắc kẹt lại các cảng biển, nhất là cảng Odessa hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga.

Thùy Dương

*******************

G7 muốn gây thêm sức ép với Nga và tăng hỗ trợ cho Ukraine

Thu Hằng, RFI, 26/06/2022

Tối 25/06/2022, nguyên thủ các nước nhóm G7 đã đến lâu đài Elmau, dưới chân núi Alpes ở bang Bayern của Đức để tham dự cuộc họp thượng đỉnh từ ngày 26/06, với trọng tâm là chiến tranh Ukraine, khủng hoảng lương thực toàn cầu và khí hậu.

g72

Cờ của các nước G7 tại nơi diễn ra thượng đỉnh (26-28/06/2022), lâu đài Elmau, dưới chân núi Alpes ở bang Bayern của Đức. © wikipedia

Theo AFP, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết thượng đỉnh G7 sẽ đưa ra "một loạt đề xuất cụ thể để gia tăng sức ép đối với Nga và chứng tỏ sự ủng hộ tập thể của chúng tôi (G7) đối với Ukraine".

Đặc phái viên RFI Daniel Vallot tường thuật tình hình tại chỗ :

"Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski cũng được mời tham dự thượng đỉnh. Ông sẽ phát biểu trực tuyến vào thứ Hai (27/06) và chắc chắn như thông lệ, ông Zelensky sẽ lại yêu cầu cung cấp thêm vũ khí cho quân đội Ukraine và gia tăng trừng phạt Nga.

Trước đó, chính quyền Mỹ cho biết là muốn nhân thượng đỉnh G7 lần này để gia tăng sức ép đối với Moskva nhưng không nêu chi tiết các biện pháp có thể được thông qua. Tại Paris, điện Elysée cũng cho biết là thượng đỉnh G7 không phải là nơi để quyết định các biện pháp trừng phạt mà là để phối hợp chúng và bảo đảm là các biện pháp trừng phạt sẽ không bị lách.

Ngoài vũ khí hay các biện pháp trừng phạt mới, vấn đề tài trợ cho Ukraine cũng có thể được thông báo. Trong tuần qua, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đề cập đến một "kế hoạch Marshall" cho Ukraine".

G7 dự kiến cấm nhập khẩu vàng của Nga

Một trong các biện pháp được G7 dự kiến thông qua để gia tăng sức ép đối với chính quyền của tổng thống Putin là cấm nhập khẩu vàng của Nga. Theo tổng thống Mỹ Joe Biden, đây là "một nguồn xuất khẩu quan trọng" và như vậy "sẽ khiến Nga mất nhiều tỉ đô la". Chính phủ Anh thẩm định khối lượng vàng xuất khẩu trong năm 2021 đã mang về cho Nga gần 15 tỉ đô la.

Trước khi được G7 thống nhất thông qua, bốn nước Anh, Mỹ, Canada và Nhật Bản đã thông báo cấm nhập khẩu vàng của Nga. Luân Đôn cho rằng việc cấm giao dịch vàng trên thị trường Anh sẽ "tác động mạnh đến khả năng tài chính của Putin" và tránh để giới nhà giầu Nga lách trừng phạt của phương Tây bằng cách tích trữ vàng. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ nhắm vào vàng được khai thác sau khi Nga bị cấm vận vì gây chiến ở Ukraine.

Phát biểu tối 25/06, thủ tướng Anh Boris Johnson cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 không "bỏ rơi Ukraine", cảnh báo nguy cơ "mệt mỏi" trong việc hỗ trợ chính quyền Kiev, đồng thời thông báo Anh sẽ hỗ trợ thêm về kinh tế cho Ukraine.

Ngoài Ukraine, G7 còn mời 5 nước khác tham dự, gồm Indonesia, Ấn Độ, Senegal, Nam Phi và Achentina.

Thu Hằng

************************

Chiến tranh Ukraine : Nga khẳng định sẽ cung cấp tên lửa hạt nhân cho Belarus

Trọng Nghĩa, RFI, 26/06/2022

Đón tiếp đồng nhiệm Belarus Alexandre Lukashenko ngày hôm qua 25/06/2022 tại thành phố Saint-Pétersbourg, tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết là "trong những tháng tới" Moskva sẽ cung cấp cho Minsk loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Theo giới quan sát, đây là một lời đe dọa mới của Matxcơva là sẽ dùng đến vũ khí nguyên tử nếu căng thẳng với phương Tây leo thang do cuộc chiến tại Ukraina. 

g73

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Belarus Alexander Lukashenko, tại Saint-Petersbourg, Nga, ngày 25/06/2022. © Sputnik/Maxim Blinov/Kremlin via Reuters

Trong một phát biểu được truyền hình Nga phát sóng, tổng thống Putin nói rõ là vũ khí được chuyển giao sẽ là "các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M, có thể sử dụng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình, loại hạt nhân và thông thường".

Ngoài ra, hai tổng thống Nga và Belarus còn cho biết ý muốn hiện đại hóa lực lượng không quân Minsk để có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuyên bố sau khi ông Lukashenko yêu cầu Nga cho "điều chỉnh" máy bay của Belerus để có khả năng vận chuyển vũ khí hạt nhân, ông Putin nhân xét : "Nhiều (chiến đấu cơ) Su-25 đang được quân đội Belarus sử dụng và có thể được cải tiến một cách phù hợp. Công việc hiện đại hóa này phải được thực hiện trong các nhà máy sản xuất máy bay ở Nga và việc đào tạo nhân viên phải được bắt đầu phù hợp tiến trình đó". 

Theo thông tín viên RFI Paul Gogo tại Moskva, với tuyên bố hạt nhân hóa quân đội Belarus, người đứng đầu Điện Kremlin vừa cho thấy quyền khống chế của Nga trên Belarus, đồng minh hiếm hoi của Moskva tại Châu Âu, vừa gửi đi một tín hiệu cứng rắn trước hội nghị thượng đỉnh của Nhóm G7 vào hôm nay, và thượng đỉnh của khối NATO vào thứ Ba 28/06 :

"Cuộc gặp Putin-Lukashenko lần này là dấu hiệu của việc sử dụng cụ thể quan hệ giữa Nga và Belarus vào các mục đích địa chính trị. 

Chắc chắn là tổng thống Lukashenko đã được lại mời đến Nga mà không thực sự có được bất kỳ lựa chọn nào khác, để giúp Vladimir Putin gửi đi một thông điệp tới phương Tây. 

Vả lại, chính tổng thống Belarus, sau những tuyên bố của ông Putin, là người đã tô vẽ thêm cho những thông báo mạnh mẽ của đồng nhiệm Nga. 

Alexander Lukashenko chỉ trích Ba Lan và Litva là "tìm kiếm sự đối đầu". Litva là vì đã làm dấy lên cuộc xung đột, vốn đang trong quá trình giải quyết, trên việc vận chuyển hàng hóa bị cấm vận Liên Âu giữa Nga và vùng đất Kaliningrad thuộc Nga, còn Ba Lan là vì sự hiện diện của hàng chục, thậm chí hàng trăm công dân Ba Lan trong hàng ngũ quân đội Ukraine, điều mà Nga không hề thích. 

Chiến dịch thông tin tuyên truyền vừa được tiến hành - bao gồm các thông báo mạnh mẽ, các vụ oanh kích và các cuộc tập trận chung với Belarus - rõ ràng là nhằm một mục tiêu cụ thể, trước một tuần lễ ngoại giao sôi động của Phương Tây, đặc biệt là hai thượng đỉnh G7 và NATO.

Nga, quốc gia gần như là đã từ bỏ mọi quan hệ ngoại giao với Phương Tây, như lại muốn nhăc nhở rằng họ vẫn nắm quyền kiểm soát trong khu vực, từ Biển Baltic đến Biển Đen, thông qua biên giới Ba Lan nằm trong tầm bắn. 

Sau cùng, những thông báo này làm dấy lên bóng ma về khả năng Belarus tham gia một cách tích cực và sẵn sàng trả giá vào cuộc chiến Ukraine, một sự tham gia mà cho đến nay tổng thống Belarus luôn từ chối". 

Trọng Nghĩa

*************************

Nga hứa cung cấp tên lửa Iskander-M có thể mang đầu đạn hạt nhân cho Belarus

BBC, 26/06/2022

Nga sẽ gửi hệ thống tên lửa tầm ngắn có thể mang đầu đạn hạt nhân cho quốc gia đồng minh Belarus trong những tháng tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết.

g74

Hệ thống tên lửa Iskander-M có thể mang đầu đạn thông thường và hạt nhân, với tầm bắn lên đến 500 km, hình ảnh tư liệu năm 2015

Ông Putin nói hệ thống Iskander-M "có thể phóng các tên lửa hành trình và đạn đạo, cả dạng thông thường và hạt nhân". Hệ thống này có tầm bắn lên đến 500 km.

Căng thẳng đã gia tăng giữa Nga và Phương Tây theo sau việc Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02.

Kể từ thời điểm này, ông Putin đã đề cập vài lần về vũ khí hạt nhân, và được xem là lời cảnh báo đến các quốc gia Phương Tây không được can thiệp vào cuộc chiến Ukraine.

Phát biểu tại thành phố St Petersburg, ông Putin cũng cho biết Nga sẽ giúp cải tiến loại máy bay chiến đấu SU-35 của Belarus để máy bay này có thể chuyên chở vũ khí hạt nhân, phản hồi trước yêu cầu từ Tổng thống Belarus Lukashenko.

Trong một diễn biến khác hôm 25/06, Ukraine cho biết lực lượng Nga "đã chiếm hoàn toàn" Severodonetsk, thành phố quan trọng ở miền đông Ukraine theo sau những tuần giao tranh ác liệt.

Chiếm thành phố này đồng nghĩa Nga hiện có thể kiểm soát gần như toàn bộ vùng Luhansk và hầu hết vùng Donetsk lân cận - hai vùng chính của Donbas.

Trong video ngày 25/06, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cam kết lấy lại "tất cả thành phố của chúng ta" hiện bị Nga chiếm đóng.

Nhưng ông nói rằng cuộc chiến tranh tại Nga đã bước sang giai đoạn khó khăn về mặt cảm xúc và ông không biết sẽ còn bao nhiêu cuộc tấn công và tổn thất.

Nga đã phóng một loạt các tên lửa nhằm vào những mục tiêu ở miền bắc và tây của Ukraine. Ít nhất 3 người thiệt mạng và một số khác có thể bị mắc kẹt dưới đống đổ nát tại thị trấn Sarny, tây Kyiv, một quan chức địa phương cho biết.

Một số rocket đã được phóng từ Belarus, Ukraine cho biết. Belarus đã cung cấp hỗ trợ hậu cần cho Nga nhưng quân đội của nước này không chính thức tham gia vào cuộc xung đột.

Cơ quan tình báo Ukraine nói rằng việc tấn công tên lửa là một phần trong các nỗ lực của Kremlin để kéo Belarus tham chiến.

Việc Nga chiếm được thành phố Severodonetsk diễn ra trước một tuần ngoại giao của các quốc gia Phương Tây, Tổng thống Mỹ Joe Biden bay đến Đức để dự Thượng đỉnh G7, theo sau là các cuộc hội đàm của Nato.

Trong những tháng gần đây, liên minh Nato đã cho thấy sự mỏi mệt nhưng hôm 25/06, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói Ukraine có thể chiến thắng Nga.

Trong bài phát biểu trên truyền hình với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko tại St Petersburg, ông Putin nói : "Chúng tôi đã đưa ra quyết định : trong vòng vài tháng tới chúng tôi sẽ trao cho Belarus hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M".

Ông cho biết tất cả chi tiết về việc chuyển giao này sẽ do bộ quốc phòng của 2 quốc gia phụ trách.

Tên lửa Iskander đã được triển khai tại vùng Kaliningrad, khu vực chiến lược nơi Hạm đội Baltic của Nga đồn trú - không có biên giới với lục địa Nga.

Vùng lãnh thổ phía tây được sáp nhập từ Đức vào năm 1945, sau Thế Chiến II, và giáp với các thành viên EU và Nato là Lithuania và Ba Lan.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Belarus Lukashenko cũng thảo luận về quyết định của Lithuania chặn tuyến vận tải đường sắt tới Kaliningrad, một động thái khiến Moscow giận dữ.

Nhà lãnh đạo Belarus nói rằng động thái của Lithuania là "một dạng tuyên bố chiến tranh" và "không thể chấp nhận được".

Thép và một số mặt hàng khác của Nga nằm trong danh sách trừng phạt của EU liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine. Lithuania nói việc chặn tuyến vận tải đường sắt này chỉ ảnh hưởng 1% việc vận chuyển hàng hóa thông thường của Nga trên tuyến vận tải này, bác bỏ điều mà Nga cho rằng "chặn" vùng Kaliningrad.

Nguồn : BBC tiếng Việt, 26/06/2022