Đánh thuế bất kể bạn thù, Trump khiến Trung Quốc hưởng lợi (Thụy My)

 Courrier International nhận định, với đe dọa áp đặt mức thuế khổng lồ, Donald Trump đã đối nghịch với nhiều nước trên thế giới. Trung Quốc, đối thủ chiến lược của Mỹ không mơ ước gì hơn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. REUTERS - Dado Ruvic

Bắt đầu vào hè, đa số tuần báo chọn những đề tài nhẹ nhàng đưa lên trang bìa. Le Nouvel Obs đề nghị « 30 ý tưởng để tách khỏi thời sự hàng ngày », hồ sơ Le Point dành cho « Cuộc sống của những người siêu giàu ». L’Express băn khoăn về nước Pháp trong hai năm tới, trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, The Economist nói về « Bi kịch của Công đảng » Anh quốc, Courrier International đặt vấn đề « Phải chăng Trung Quốc đã chiến thắng » nhờ các chính sách của tổng thống Mỹ ? Ở các trang trong, chiến tranh ở Ukraina, Trung Đông và những vấn đề liên quan đến ông chủ Nhà Trắng được quan tâm nhiều nhất.

Không chỉ Nga, mà Mỹ cũng gây bất ổn cho châu Âu

Le Point nhận định « Quá trình ly dị giữa châu Âu và Hoa Kỳ đang tăng tốc ». Dưới thời Donald Trump, nước Mỹ đã buộc châu Âu phải tách rời cả về an ninh, kinh tế lẫn chính trị. Vladimir Putin tin rằng châu Âu chỉ là chư hầu của Mỹ và sẽ trở thành mồi ngon nếu Washington bỏ rơi. Kịch bản này không phải là không thể diễn ra : Lầu Năm Góc đang xem xét khả năng rút đi một số trong 80.000 binh sĩ Mỹ được triển khai ở châu Âu, và sẽ loan báo vào cuối mùa hè. Thời điểm này tệ hại hơn bao giờ hết, vì châu lục lo ngại Kremlin gia tăng cuộc chiến đa diện. Mỹ rút bớt quân không chỉ để xoay trục sang châu Á, mà còn phản ánh tâm lý không ưa châu Âu của ông Trump.

Ngược với tất cả những người tiền nhiệm từ sau Đệ nhị Thế chiến, Donald Trump coi cựu lục địa như đối thủ chứ không phải đồng minh. Trump áp đặt thuế quan, hỗ trợ tích cực những chính khách chống châu Âu. Không chỉ Viktor Orban ở Hungary, mà cả thủ lãnh cực hữu Hà Lan Geert Wilders, ứng cử viên dân tộc chủ nghĩa Ba Lan Karol Nawrocki, đảng cực hữu Đức AfD. Đây là sự thay đổi hẳn quan điểm : các phe dân túy chống Bruxelles được cả Washington lẫn Matxcơva ủng hộ ; trong khi các đảng truyền thống bảo thủ, xã hội lẫn cánh trung bị Trump làm ngơ. Chính sách này đi kèm với việc bỏ rơi Ukraina, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho an ninh châu Âu.

Theo tổng thư ký NATO Mark Rutte, trong sáu tháng đầu năm nay các đồng minh châu Âu và Canada đã viện trợ 35 tỉ euro cho Kiev, còn Washington ngưng cung cấp vũ khí, không có bất cứ cam kết nào kể từ khi Trump nhậm chức. Trong một bài viết chung với thủ tướng Đức Friedrich Merz trên Financial Times, tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định « Nguồn gây bất ổn chính cho châu Âu là từ Nga », nhưng theo Le Point, nay cần kể thêm cả Mỹ. Châu Âu dự kiến tăng cao ngân sách quốc phòng, nhưng sẽ kém hiệu quả nếu không kèm theo ưu tiên cho kỹ nghệ vũ khí của châu lục, tiêu chuẩn hóa và có chính sách mua chung. Nhất là quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình trước Matxcơva và Washington.

Đối với L’Express, « Sau hội nghị thượng đỉnh NATO, khó khăn mới bắt đầu ». Khi chấp nhận tất cả mọi yêu sách của Donald Trump, châu Âu tỏ rõ thế yếu. Những hội nghị lần tới ở Thổ Nhĩ Kỳ và Albani sẽ là lúc để thay đổi thái độ. Riêng về hồ sơ Ukraina, theo L’Express, Putin và Trump đã làm châu Âu ý thức được về thái độ lười lĩnh trong quân sự của mình. Putin khiến họ hiểu ra một cách trễ tràng, rằng nếu gởi một, hai sư đoàn sang Ukraina trước ngày 24/02/2022 thì có lẽ cuộc xâm lăng đã không diễn ra. Trump thì thẳng thừng nói rằng sẽ không bảo vệ nếu châu Âu không chịu chi ra để tự vệ.

Những « chiếc bẫy » của Donald Trump trên mạng xã hội

Le Nouvel Obs cảnh báo về « Chiếc bẫy của Trump ». Tổng thống Hoa Kỳ chiếm lĩnh không gian truyền thông, với những dòng tweet, các tuyên bố, quyết định ; mỗi ngày ông lại giương ra một cái bẫy mà khó thể không rơi vào. Cũng như mọi người, tác giả bài viết mỗi sáng thức dậy đều tự hỏi Trump đã nói hoặc làm gì khi mình đang ngủ, và hiếm khi thất vọng vì luôn có một chuyện gì đó xảy ra.

Trump là người đầu tiên lãnh đạo bằng mạng xã hội : tuyên bố chiến tranh hoặc hòa bình (khi thì vuốt ve Iran, khi lại lên án) ; gọi ứng cử viên Dân Chủ cho chức thị trưởng New York, Zohran Mamdani là một « người cộng sản điên rồ » ; nói tổng thống Pháp « chẳng bao giờ hiểu được điều gì cả » … Các tweet của Trump còn là vũ khí : Wall Street Journal kể rằng ông cố tình viết ưu tiên cho con đường ngoại giao với Iran để ru ngủ trong khi biết rõ Israel sẽ tấn công vào hôm sau.

Dù người ta cho rằng một tổng thống không nên phát biểu những điều như vậy, than thở về vốn từ nghèo nàn của Trump hay việc nay nói thế này mai nói thế khác, nhưng đó là một thực tế chính trị. « Hệ thống Trump » là one-man-show : tổng thống xử sự như một hoàng đế - ông thích các vương triều hơn, coi dân chủ là « một kinh nghiệm thất bại ». Là nhà lãnh đạo siêu cường số một thế giới, những tuyên bố của ông đều gây tác động kể cả ở những nước xa xôi nhất. Nhưng không nên quên điều cốt yếu là toan tính lật đổ trật tự quốc tế do chính Mỹ thiết lập sau Đệ nhị Thế chiến, thay bằng thống trị dựa trên sức mạnh. Dù không nói ra nhưng Trump đang thực hiện điều này, làm ngơ trước chủ nghĩa đa phương của Hoa Kỳ xưa nay.

Đánh thuế bất kể bạn thù, Trump khiến Trung Quốc hưởng lợi

Courrier International nhận định, với đe dọa áp đặt mức thuế khổng lồ, Donald Trump đã đối nghịch với nhiều nước trên thế giới. Trung Quốc, đối thủ chiến lược của Mỹ không mơ ước gì hơn : trong ván bài này, Bắc Kinh muốn đóng vai trò một cực ổn định. Một sự đảo lộn các giá trị vì Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo độc tài nhất từ sau Mao Trạch Đông.

Tờ báo Hồng Kông Yazhou Zhoukan được tuần báo Pháp trích dịch, trong bài viết mang tựa đề « Vùng lên, hỡi các nô lệ của thuế quan » cho rằng khi coi gần như cả thế giới là đối thủ, Donald Trump đã đẩy nhanh sự xuất hiện của « thế kỷ châu Á » được xây dựng xung quanh Trung Quốc. Việc các nhà đầu tư dịch chuyển sản xuất từ Hoa lục sang các nước ASEAN không làm giảm thâm hụt thương mại cho Hoa Kỳ. Đối với Donald Trump, giải pháp duy nhất là đưa sản xuất trở về Mỹ, thế nên ông rất kiên quyết trong việc đánh thuế lên các nước Đông Nam Á.

Ở phía bắc, Nhật Bản và Hàn Quốc của chịu áp lực mạnh của Trump, khiến hai nước này không có cách nào khác là phải liên kết với Trung Quốc. Song song đó, New Zealand xích gần với Liên Hiệp Châu Âu… Việc áp thuế thô bạo của Trump làm nảy sinh một khuynh hướng mới là hợp tác quốc tế, trong đó Trung Quốc là trung tâm.

Còn theo The New York Times, từ 2020 chủ tịch Trung Quốc đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, giúp nền kinh tế Hoa lục có thể đối phó, và thuế quan của Donald Trump cho thấy ông Tập có lý. Kirsten Asdal, cựu cố vấn bộ quốc phòng Mỹ giải thích, ý đồ của Tập Cận Bình là « làm thay đổi tương quan lực lượng, khiến thế giới phải lệ thuộc vào Trung Quốc nhưng Trung Quốc không lệ thuộc ai cả ». Giáo sư Evan Medeiros, đại học Georgetown nhận định : « Bắc Kinh dùng tất cả các phương tiện có được để làm hại và buộc Washington cũng như tất cả các nước ngả theo Mỹ phải trả giá ». Đối với họ Tập, thời kỳ Trung Quốc yếu hơn Hoa Kỳ đã trôi qua.

Vương Nghị nhìn nhận không muốn Nga bại trận ở Ukraina

Cũng liên quan đến Trung Quốc, vào lúc gần đến hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc được tổ chức cuối tháng Bảy, quan hệ đôi bên chừng như căng thẳng. Theo South China Morning Post được Courrier International trích dẫn, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tỏ ra cứng rắn hơn bao giờ hết, nhất là về Ukraina.

Theo nhật báo có trụ sở tại Hồng Kông, khi tranh luận với bà Kaja Kallas, đồng nhiệm châu Âu, Vương Nghị nói rằng Trung Quốc không có lợi gì nếu Nga bại trận ở Ukraina, vì Hoa Kỳ sẽ tập trung vào châu Á. Những lời lẽ này xác nhận những nghi ngại của nhiều người ở Bruxelles, và trái ngược hẳn với những tuyên bố chính thức của Bắc Kinh. Cho tới nay, Trung Quốc luôn từ chối đứng về bên nào, và bác bỏ cáo buộc của phương Tây là trợ giúp tài chánh và quân sự cho Nga. Nhưng nay giọng điệu của Vương Nghị đã làm lộ rõ bộ mặt thật của Bắc Kinh.

Châu Âu đang tiến hành mấy chục cuộc điều tra về tài trợ Nhà nước nhất là cho xe hơi điện sản xuất tại Hoa lục, bán phá giá làm xáo trộn thị trường. Bruxelles cũng tố cáo Trung Quốc ngưng cung cấp đất hiếm, và thái độ nhập nhằng đối với Matxcơva. Hai ngân hàng Trung Quốc bị cáo buộc giúp Nga tránh né cấm vận, nhưng Bắc Kinh nhiều lần đe dọa trả đũa nếu các ngân hàng này bị cho vào danh sách đen. Nhưng cũng theo South China Morning Post, tại Trung Quốc, thông tin chính thức về cuộc họp với Kaja Kallas không hề nhắc đến các chủ đề gai góc này, mà chỉ nhấn mạnh đến « lợi ích chung ».

Thiếu xe thiết giáp, quân Nga chuyển sang tấn công bằng mô tô

Trên chiến trường Ukraina, Le Point cho biết từ một năm qua, quân Nga gia tăng các cuộc tấn công bằng mô tô để khắc phục tình trạng xe thiết giáp đã bị lực lượng Kiev tiêu diệt khá nhiều. Chiến thuật này nay trở thành chủ thuyết quân sự mới của Nga.

Trên những con đường miền đông Ukraina đầy hố bom, những nhóm lính Nga lao xe gắn máy xuyên qua những cánh đồng và ngôi làng hoang tàn, phía sau một số xe có gắn cờ Nga hoặc Liên Xô. Nhưng việc tiến quân rất nguy hiểm : pháo binh Ukraina bắn phá trong khi các drone ghi hình và thả lựu đạn xuống những người lái xe mặc đồ kaki, đang tìm cách ẩn náu trong những ngôi nhà hãy còn đứng vững. Những cảnh này được đăng tải trên mạng X vàTelegram, ngày càng nhiều kể từ mùa xuân 2024.

Do không có đủ thiết giáp, quân Nga ban đầu dùng xe dân sự, từ xe hơi đến minibus, đôi khi cả xe trượt để tấn công vào phòng tuyến Ukraina, nhưng nay chủ yếu dùng mô tô. Thường là những nhóm gồm 8 chiếc xe gắn máy, mỗi chiếc chở một hay hai lính, mang theo thiết bị phát hiện drone và gây nhiễu. Các đợt tấn công bằng mô tô diễn ra liên tục để bao vây hoặc xâm nhập, làm rối loạn hậu cần Ukraina, thu hút hỏa lực để bảo vệ lực lượng tấn công thực sự, hoặc để tải thương, tiếp tế đạn dược.

Từ mùa xuân 2025, các lớp huấn luyện cách lái mô tô tránh né drone được tổ chức tại Nga hay các vùng chiếm đóng, kéo dài từ 16 giờ đến một tháng. Xe được nhập từ Trung Quốc có giá khoảng 2.000 euro, và theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), Matxcơva dự kiến mua 200.000 mô tô và 60.000 xe loại nhẹ khác của Trung Quốc. Tuy nhiên cũng theo ISW, tốc độ tiến quân của Nga vẫn ngang với mức…đi bộ. Thiếu sự yểm trợ và phối hợp với thiết giáp, drone, cộng với tác động của chiến tranh điện tử, các cuộc tấn công bằng mô tô khiến lính Nga thiệt mạng rất nhiều, nhưng Matxcơva chừng như vẫn giữ chủ trương này.

Đám cưới Jeff Bezos, điển hình cho lối sống của giới siêu giàu

Chuyển sang lãnh vực xã hội, hồ sơ gồm sáu bài viết của Le Point tập trung mô tả cuộc sống của giới siêu giàu, mà cụ thể là đám cưới của tỉ phú Jeff Bezos tại Venise gần đây. Ông Bezos đi vào Venise trên một chiếc tàu nhỏ, theo sau là cả một đội quân paparazzi và du khách. Dù sang trọng nhưng chiếc tàu này chẳng là gì so với du thuyền Koru của ông với bãi đáp trực thăng, dài 125 mét. Nhưng ông chủ Amazon đã phải thay đổi ý định dùng du thuyền riêng, theo yêu cầu của cảnh sát Venise.

Tình hình Iran sau vụ tấn công của Israel và Mỹ khiến an ninh phải đặt ở mức tối đa, với những người khách như Ivanka Trump và chồng là Jared Kushner, cũng như nhiều ngôi sao trong giới doanh nhân và giải trí. Có thể kể Bill Gates (Microsoft), Sam Altman (ChatGPT), Kim Kardashian, Mick Jagger… Các vệ sĩ từ các khách sạn 4 sao đi sang bảo vệ cho các yếu nhân tại các dinh cơ lộng lẫy đã được bao trọn, tình báo Mỹ theo sát gót con gái tổng thống, người nhái cảnh sát tuần tra dọc theo Grand Canal …Việc giữ an ninh nặng nề không kém dịp hội nghị thượng đỉnh G20 mà thành phố đã đón tiếp năm 2021, hay chuyến tông du của Đức giáo hoàng Phanxicô năm 2024.

Có đến 102 phi cơ riêng đậu tại các phi trường Venise, Vérone và Trévise trong ba ngày diễn ra đám cưới huy hoàng này. Các tổ chức bảo vệ môi trường, đứng đầu là Greenpeace và Extinction Rebellion tổ chức rất nhiều cuộc biểu tình để phản đối sự kiện. Tuy nhiên mối lợi cho thành phố Venise trong đám cưới này được ước tính khoảng 1 tỉ đô la, vì có những người khách sẵn sàng chi đến 100.000 đô la để mua sắm trong ngày.

Thụy My

6/7/2025

Nguồn: RFI Tiếng Việt