Tháng bảy và kỷ nguyên chạy loạn của đảng trưởng Tô Lâm (Chu Tuấn Anh)

 1.     Lý do tại sao cách mạng tinh giản bộ máy của Tô Lâm sẽ thất bại

Ngày 1/7/2025, ông Tô Lâm đã “tuyên bố hàng ngũ đã ngay ngắn, cả dân tộc hành quân về tương lai” sau khi hoàn tất việc sáp nhập chỉ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, và bỏ cấp huyện tiến về mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đúng là sự cồng kềnh của bộ máy chế độ là có thực, nhưng việc nhìn thấy vấn đề không chứng minh rằng ông Tô Lâm là người có một giải pháp đúng đắn.

Thực tế, không thể vẽ ra một cuộc rút gọn bộ máy để giải quyết một bài toán mà giải pháp duy nhất là phải dân chủ hóa đất nước để định nghĩa lại sinh hoạt chính trị và chức năng của chính quyền. Ông Triệu Tử Dương khi được trao nhiệm vụ làm tổng bí thư Trung Quốc để thực hiện một cuộc cải cách bắt buộc đã kết luận rằng phải tách biệt giữa đảng và nhà nước. Lý do giản dị là ông thấy sự cồng kềnh, sâu mọt của chế độ cộng sản Trung Quốc đến từ việc đảng Cộng Sản Trung Quốc nằm chềnh ễnh trong bộ máy chính quyền và nó là một đảng tham nhũng để trước hết là phải loại bỏ ra khỏi bộ máy nhà nước.

Nhưng sau gần nửa thế kỷ, những người cộng sản Việt Nam vẫn cố tình không nhìn nhận tình trạng cồng kềnh, thiếu hiệu quả của bộ máy chế độ hiện tại là vì sự tồn tại của bộ máy đảng trị trong hoạt động của chính quyền: ban Tuyên Giáo với hàng trăm ngàn dư luận viên vẫn nằm ngổn ngang đó phục vụ cho công việc tuyên truyền dối trá; đến lăng mộ của ông Hồ Chí Minh cũng phải có “ban quản lý lăng Bác” vừa như một đơn vị để coi sóc lăng mộ ông Hồ Chí Minh, vừa hoạt động như một lực lượng tuyên giáo. Những Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, Ban Chỉ Đạo Trung Ương về Phòng Chống Tham Nhũng Tiêu Cực và gần đây là những cơ quan Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật đều được đảng Cộng Sản Việt Nam lập ra để kiểm soát chính quyền và biến Quốc hội trở thành một cơ quan bù nhìn của đảng- Điều lệ đảng cao hơn chính Hiến Pháp mà họ đặt ra như ông Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định.

Nhưng điều đó cũng không phải sự tệ hại duy nhất. Chế độ Cộng Sản Việt Nam đã rơi vào tình trạng tham nhũng không lối thoát vì bộ máy chính quyền chỉ là công cụ tham nhũng của đảng viên chế độ và nhóm tư bản bè đảng. Nếu có một con số thống kê lương thiện thì phần lớn hoạt động của bộ máy an ninh Việt Nam là để đàn áp những tiếng nói uất ức của quần chúng dân oan với sự đền bù rẻ rúng trước nạn chiếm đoạt đất của nhóm tư bản bè đảng, đồng thời là sự bất mãn với chính sách không nhìn nhận đất đai là tài sản tư nhân (đất đai là của toàn dân) mà nhà nước và nhóm bè đảng có thể tùy tiện cướp đoạt, tước đoạt dưới mọi trường hợp và mọi điều kiện đền bù. Những chức vụ sinh đẻ ra từ trung ương đến địa phương chỉ để “tư bản hóa” chức tước trước nạn mua quan bán chức. Hải Phòng sau sáp nhập có tới tận 7 phó giám đốc công an. Trung Ương cần đến 4 phó thủ tướng để vận hành bộ máy, mỗi bộ cũng có tới 4-5 thứ trưởng và còn biết bao nhiêu chức tước ở các vụ, phòng ban của bộ máy chính quyền.

2.     Một kỷ nguyên chạy loạn đang bắt đầu?

Nhưng thay vì phải lý luận một cách lương thiện như Triệu Tử Dương là phải tách sinh hoạt của đảng Cộng Sản ra ngoài bộ máy chính quyền (thời gian thất thế và bị câu lưu tại nhà thì Triệu Tử Dương cũng nói phần còn lại của sự thực là phải cở mở theo hướng dân chủ hóa) thì ông Tô Lâm chĩa mũi nhọn trước hết vào những người công chức, viên chức và vì thế người ta mới thấy cảnh vừa tức cười, vừa đáng thương khi những người công viên chức phải đi xe khách có khi dài tới 3-4 tiếng đồng hồ để tới trụ sở làm mới. Để rồi lại sinh đẻ thêm những dự án nhà công vụ để phục vụ cho lượng công viên chức này trong quá trình sinh hoạt.

Thay vì nhìn nhận vào sự thực là phải thay đổi chính quyền đã là một công cụ tham nhũng để có được một chính quyền lương thiện thì ông nhân danh sự xáo trộn do chính mình tạo ra để ra sức điều động phe Hưng Yên và thân tín của mình đi nắm các ban bệ từ Trung Ương đến địa phương dù đảng viên và quần chúng ai cũng nhìn thấy.

Ông Tô Lâm cũng không còn tìm thấy một thực tế nào khi nói rằng hàng ngũ đã ngay ngắn, nhưng sự xáo trộn mà ông gây ra đâu có khác gì một cuộc chạy loạn: trong hoảng loạn còn có tình trạng cướp và những mâu thuẫn giữa hai chính quyền tỉnh bị gộp với nhau.

Những người tuyên giáo sẽ bàng hoàng thấy rằng họ đang có nguy cơ trở thành nạn nhân của sự dối trá và thù hận họ đang tiếp tay. Những người công an viên sẽ chợt nhận ra họ đang trở thành nạn nhân của một chế độ công an trị nếu họ ít nhất không ngừng tiếp tay cho hoạt động đàn áp và nợ máu mà chính quyền đã gây ra. Đất nước đang rơi vào tình trạng loạn lạc và chạy loạn sau ngày 1-7. Tiếp tục tiếp tay cho một lực lượng đang làm bất ổn, xáo trộn đất nước để rồi đàn áp những người có thiện chí nhất, mong muốn hòa giải dân tộc nhất, và mong muốn ổn định trật tự cho đất nước là một quyết định không chỉ sai mà còn biến mình thành nạn nhân.

Ngược lại, việc giảm dần các đơn vị cấp tỉnh, giảm dần cấp huyện-xã chỉ có thể thực hiện một cách từ từ và trong một vài năm để tránh tình trạng đổ vỡ chính quyền. Cuộc chạy loạn chớp nhoáng vừa quẳng cho mỗi cán bộ 1-2 tỷ để về hưu sớm, vừa cưỡng ép sáp nhập, tách gộp sẽ gây ra những tai hại mà ngay cả những người tệ hại nhất đã nắm quyền trong đảng cộng sản cũng không thể tưởng tượng được đồng chí Tô Lâm của mình lại liều lĩnh như vậy. Nhưng im lặng và dung túng cho một sự bạt mạng cũng ngu xuẩn không kém!

3.     Không thể thay thế những giải pháp bắt buộc của đất nước

Bất cứ một người cộng sản nào lên nắm quyền cũng chỉ để thừa nhận vấn đề của chế độ không có giải pháp, nhưng với ông Tô Lâm không có giải pháp thì “chúng ta” cứ làm liều và nhắm mắt mà chạy.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sáp nhập các tỉnh thành chớp nhoáng không thể là giải pháp để lảng tránh một lộ trình dân chủ hóa để có một chính quyền lương thiện và tinh gọn vì chính quyền chỉ làm đúng chức năng của mình và không phải phương tiện tham nhũng nhờ đặt trên một định nghĩa “chính trị” một cách lương thiện. Trong đó có những xu hướng lớn như đa nguyên, tinh thần hòa giải dân tộc, nhà nước pháp trị, dân chủ đại nghị, tổ chức chính quyền vùng và tản quyền,… Đó sẽ là những giải pháp có ý nghĩa quan trọng với một mô thức tương lai của Việt Nam. Cuộc chạy loạn của Tô Lâm tuyệt đối không phải giải pháp.

Trung Quốc cũng đã không còn giải pháp, và sự im lặng của Tập Cận Bình là một sự thừa nhận. Sau một thập kỷ chạy theo những nghịch lý về kinh tế như bơm tăng trưởng ngành xây dựng, tích trữ đầu cơ bất động sản, lạm dụng kinh tế xuất khẩu, xuất khẩu năng lực dư thừa ra nước ngoài thông qua dự án Vành Đai Con Đường, Trung Quốc chợt nhận ra những động lực phát triển giả tạo đã hết thuốc, họ sẽ bơm tiền điên dại để kích cầu kinh tế tư nhân và tiêu dùng; nhưng kinh tế tư nhân cũng không thể khởi sắc vì tình trạng hỗn loạn và đàn áp tư nhân mà Tập Cận Bình gây ra, đồng thời tiêu dùng nội địa cũng không tăng trưởng vì giới trung lưu đã sụp đổ. Trung Quốc vốn là quan thầy của chế độ Cộng Sản Việt Nam nay cũng đã nhận ra sự bế tắc của mình.

Ngay cả một người như quan thầy Tập Cận Bình đã mất hết mọi uy tín cũng không huênh hoang làm liều như ông Tô Lâm: ông ta không cho rằng mình nhìn thấy vấn đề (mà ai cũng đã thấy) là tự có lời giải. Sự im lặng của ông Tập Cận Bình thời gian gần đây chỉ có thể là vì ông hiểu mình không có giải pháp và tốt hơn hết là hãy im lặng.

Tháng 7 cũng treo lơ lửng thuế quan sẽ được Mỹ áp dụng trở lại với Việt Nam và tháng 6 không cho thấy một tín hiệu nào đàm phán đã đạt được kết quả. Khả năng cao là họ sẽ không đi đến được một kết quả nào với chính quyền Donald Trump. Tuy vậy, ngay cả khi một kết quả có được thì nó cũng không giúp chế độ Cộng Sản Việt Nam giải quyết được bài toán hội nhập với thế giới- và sẽ không đặt ra chỉ khi nào chúng ta chấp nhận một thể chế dân chủ, đồng thời long trọng tuyên bố quyền con người và các Công ước, luật pháp quốc tế là một phần khăng khít của Hiến pháp và luật pháp Việt Nam. Tôi cũng đã trình bày điều đó trong bài Thương chiến: Những kẻ đơn phương sẽ đánh mất thế giới. Đó cũng chỉ là một ví dụ cho những vấn đề đang xếp hàng và cần những giải pháp đúng nhất, được phát biểu thành thực nhất.

Thực vậy, sẽ không có một giải pháp tạm bợ nào cho những vấn đề rất nền tảng và cấp thiết của đất nước, chúng ta sẽ chỉ kết luận được là đây chỉ là thời điểm để suy nghĩ lương thiện, đưa ra những giải pháp đúng đắn và lương thiện. Những giải pháp đó còn phải được thực thi với những con người đại diện cho một tổ chức chính trị, một đối lập dân chủ lương thiện và có bản lĩnh chính trị. Những người bài bản hơn như Gorbachev đã thất bại, và chắc chắn một tay mơ như tướng công an Tô Lâm chắc chắn sẽ thất bại.

Cũng nói thêm rằng chế độ đã lôi lại di sản thời kỳ Đổi mới năm 1986: sự thực thì không thể khác ngoài thập niên 80 là một thời kỳ Việt Nam bị cô lập và được biết đến như một chế độ tàn bạo đã gây ra thảm kịch về nhân đạo với trại tập trung, hạ nhục tập thể hàng triệu đồng bào miền Nam và phong trào thuyền nhân vượt biên tị nạn. Ngay cả thời điểm đó Việt Nam dân chủ hóa, Gorbachev hay Liên Xô cũng không phản đối nhưng họ đã chọn lựa đi theo con đường của Trung Quốc. Con đường này sẽ buộc phải chấm dứt vì chế độ cởi mở về kinh tế nhưng độc tài về chính trị sống nương tựa vào phong trào toàn cầu hóa xô bồ và chủ nghĩa thực tiễn đã đến hồi kết.

Sau ngày 1/7 chúng ta có thêm một nhiệm vụ là chấm dứt “kỷ nguyên chạy loạn” của ông Tô Lâm. Hãy biến nó thành một giai đoạn cụt lủn và vô duyên và mở ra một kỷ nguyên dân chủ để đất nước có một chỗ đứng, một đảm bảo trong một thế giới mới đang dần đến trên tinh thần hòa giải dân tộc và một trật tự để tuyệt đối không có thêm nạn nhân và sự đổ vỡ.

Chu Tuấn Anh

01/07/2025