G7 đối phó với Trung Quốc và đương đầu với Nga (Anh Vũ)

Với chương trình đầu tư rộng lớn này, các nước phương Tây rõ ràng muốn chứng tỏ sự khác biệt với Trung Quốc, đặc biệt trong thiện chí đầu tư giúp các nước nghèo phát triển. Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh đã đổ tiền ồ ạt vào hàng loạt các nước đang phát triển để xây dựng một hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ dự án toàn cầu của họ.


G7 : Đầu tư 600 tỷ đô la cho hạ tầng cơ sở, chủ yếu ở Châu Phi

Anh Vũ, RFI, 27/06/2022

Thượng đỉnh nhóm G7 tại Đức ngày 26/06/2022 được mở màn bằng một chương trình đầu tư rộng lớn cho các nước đang phát triển, với ưu tiên là Châu Phi. Theo sáng kiến của Hoa Kỳ, chương trình hạ tầng cơ sở huy động 600 tỷ đô la này được cho là nhằm đối phó với đầu tư của Trung Quốc đang triển khai trên khắp thế giới những năm qua, trong khuôn khổ dự án "con đường tơ lụa mới".

g71

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu bên cạnh chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, thủ tướng Canada Justin Trudeau và thủ tướng Đức Olaf Scholz trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh G7 tại lâu đài Schloss Elmau vùng Bayern, gần Garmisch- Partenkirchen (Đức), ngày 26/06/2022. Reuters - Jonathan Ernst

Ít giờ trước khi tổng thống Mỹ đề xuất dự án tại cuộc họp thượng đỉnh 7 nước công nghiệp phát triển nhất, Nhà Trắng đã thông báo huy động 600 tỷ đô la cho chương trình đầu tư hạ tầng cơ sở quy mô trên toàn cầu. Riêng Hoa Kỳ sẽ góp 200 tỷ đô la trong 5 năm cho chương trình này.

Đặc phái viên RFI tại thượng đỉnh G7, Daniel Vallot cho biết thêm chi tiết : 

Đích thân tổng thống Joe Biden là người thông báo đề xuất, vì Nhà Trắng đã rất cố gắng để dự án này được thông qua tại thượng đỉnh G7 lần này.

"Dự án hạ tầng cơ sở quy mô toàn cầu" sẽ có nguồn vốn 600 tỷ đô la từ nay đến năm 2027, bao gồm các đầu tư công và tư cho các nước đang phát triển, theo mô hình nhà máy sản xuất vac-xin ở Senegal mà ông Joe Biden nêu lên : "Nhà máy này có tiềm năng hàng năm sản xuất hàng trăm triệu liều vac-xin ngừa Covid và các bệnh khác".

Ông Biden lấy ví dụ về lĩnh vực y tế, đồng thời cả năng lượng, giáo dục và kết nối Internet. Những đầu tư đó phải khác với những gì mà Trung Quốc đã tiến hành, bởi theo tổng thống Mỹ, dự án này là nhằm cạnh tranh với "Con đường tơ lụa mới" và những dự án đầu tư mà Bắc Kinh đã đổ tiền vào từ nhiều năm qua.

Tổng thống Mỹ nói : "Chúng ta hãy để các cộng đồng trên toàn thế giới nhận thấy những lợi ích trong quan hệ đối tác với các nền dân chủ ! Bởi khi các nước dân chủ chứng minh được tất cả những gì có thể đem đến, tôi tin chắc họ sẽ thắng trong cạnh tranh."

Những giá trị dân chủ đó là minh bạch, tôn trọng các chuẩn mực xã hội và môi trường. Đó là những điều mà các nước tố cáo Bắc Kinh làm ngơ.

Đối phó với Trung Quốc và đương đầu với Nga

Đó là hai mục tiêu chính của thượng đỉnh G7 lần này. Với Nga, chủ yếu vẫn là các trừng phạt. Bốn nước gồm Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản và Canada đã đề nghị cấm nhập khẩu vàng của Nga. Ba nước còn lại trong nhóm, là các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, cũng sẽ có quyết định theo hướng này trong khuôn khổ của EU.

Một chủ đề khác liên quan đến chiến tranh Ukraine là cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực cũng được bàn thảo. Đây là những chủ đề đang khiến không chỉ G7 mà nhiều nước khác cũng rất lo ngại. Lãnh đạo các nước Nam Phi, Senegal, Ấn Độ, Indonesia và Achentina cũng được mời tham dự phiên họp hôm nay của G7. Mục đích để các nước tham gia cùng tìm giải pháp cho khủng hoảng năng lượng và lương thực do cuộc chiến tranh Ukraine, nhưng đồng thời cũng là dịp để G7 tìm cách mở rộng mặt trận đoàn kết các nền dân chủ nhằm đối phó với mối đe dọa từ liên minh Nga –Trung đang hình thành.

Anh Vũ

*********************

Hạ tầng cơ sở : G7 muốn lái các nước đang phát triển ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc

Anh Vũ, RFI, 27/06/2022

Thời sự thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế trong ngày đầu tiên của thượng đỉnh nhóm nước công nghiệp phát triển G7 đang diễn ra tại Đức là Washington phát động một chương trình rộng lớn đầu tư cơ sở hạ tầng hướng tới các nước đang phát triển với nguồn vốn 600 tỷ đô la trong 5 năm.

g72

Một phiên họp của các lãnh đạo nhóm G7 tại lâu đài Elmau (Kruen - Đức) ngày 26/06/2022.  AP - Markus Schreiber

Chương trình có tên gọi "Đối tác cho hạ tầng cơ sở và đầu tư thế giới" theo sáng kiến của Hoa Kỳ, dự kiến huy động nguồn vốn 600 tỷ đầu tư dành cho các nước đang phát triển từ nay đến năm 2027. Chương trình này dựa trên những "giá trị được chia sẻ", sự "minh bạch", tôn trọng quyền của người lao động, môi trường và bình đẳng và "chúng ta đề xuất những lựa chọn tốt nhất" cho các nước đang phát triển, theo như lời bình luận của ông Biden tại phiên họp đầu tiên của G7 ngày 26/06/2022.

Cả tổng thống Mỹ cũng như các lãnh đạo khác tham dự G7 đều không hề nhắc đến tên Trung Quốc trong dự án này, nhưng giới quan sát đều hiểu rằng đó là một chương trình nhằm mục tiêu ngăn chặn đà bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới, một mục tiêu sẵn có từ trước của các nước phương Tây, đi đầu là Hoa Kỳ.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, nhận định rằng các nước đối tác của phương Tây, được ngầm hiểu là những nước đã đi theo hướng dân chủ thay vì theo Bắc Kinh, đã có lựa chọn để phát triển mạng lưới điện và hạ tầng cơ sở y tế của mình. Bà Ursula von der Leyen cho biết Liên Âu sẽ huy động 300 tỷ euros trong khuôn khổ chương trình để xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở thay thế cho các công trình trong dự án "Vành đai và Con đường" do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013.

Với chương trình đầu tư rộng lớn này, các nước phương Tây rõ ràng muốn chứng tỏ sự khác biệt với Trung Quốc, đặc biệt trong thiện chí đầu tư giúp các nước nghèo phát triển. Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh đã đổ tiền ồ ạt vào hàng loạt các nước đang phát triển để xây dựng một hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ dự án toàn cầu của họ.

Tuy nhiên, Trung Quốc luôn bị tố cáo là tiến hành các dự án không minh bạch, những nguồn vốn vay rủi ro. Ngoài ra bên cạnh các ưu đãi đầu tư, Bắc Kinh luôn kèm theo các điều kiện về chính trị hay văn hóa với các chính phủ. Những hệ quả như vậy đã được thấy rõ ở nhiều nước Châu Phi, sau chưa đầy một thập kỷ triển khai sáng kiến của Tập Cận Bình vẫn được gọi là " Con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc. 

Trong chương tình "đối tác toàn cầu cho hạ tầng cơ sở", riêng Hoa Kỳ hứa huy động 200 tỷ đô la trong 5 năm. Nhưng "huy động" đối với phương Tây không có nghĩa là viện trợ, hay các nước sẽ mang tiền của mình đổ vào các công trình hạ tầng cơ sở ở các nước đang phát triển. Các nguồn vốn đầu tư sẽ bao gồm các khoản vay, các nguồn tiền từ chính phủ hoặc tư nhân được các chính phủ khuyến khích.

Con số 600 tỷ trong 5 năm là rất lớn, không dễ dàng huy động được, nhất là vào thời điểm thế giới, chủ yếu các nước phương Tây, vừa chớm bước vào thời kỳ phục hồi sau đại dịch thì đã phải đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng lớn do cuộc chiến tranh tại Ukraine gây ra.

Câu hỏi lớn được đặt ra ở đây là, với ý đồ tốt như vậy, phương Tây có thể lật ngược xu thế các nước phát triển chạy theo sức hấp dẫn của nguồn tiền Trung Quốc ? Hoa Kỳ tin vào thành công. Cuộc phản công trên mặt trận kinh tế và quyền lực mềm Trung Quốc này "đã có từ nhiều năm qua, nhưng không thực sự quá muộn", theo như nhận xét của một quan chức Nhà Trắng. Theo quan chức này, ngày càng có nhiều nước nhận được nguồn vốn hay đầu tư trong khuôn khổ dự án "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc đã thấy rằng nền kinh tế của họ không hề được cải thiện, mà đất nước ngày thêm mắc nợ trầm trọng. Nhiều nước còn phải tính đến chuyện bán tài nguyên, công trình hạ tầng cho người Trung Quốc.

Dự án của các nước G7 về hạ tầng cơ sở toàn cầu vào lúc này chỉ cho thấy một điều: Phương Tây chưa bao giờ hết nỗi lo về tham vọng bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới.

Anh Vũ