Lý lịch của tân Chủ tịch nước có nhiều vùng tối (Nhiều tác giả)
Nguyễn Đức Chung (đang ở tù vì tham nhũng), ông này bị đồn đoán là con của cố chủ tịch nước Lê Đức Anh. Nhưng trong danh sách con cái của Lê Đức Anh do đảng cộng sản công bố thì không có tên Nguyễn Đức Chung. Trong khi đó người con đọc lời cảm tạ trong lễ truy điệu Lê Đức Anh là Lê Mạnh Hà, thì lại có khuôn mặt được cho là rất giống Võ Nguyên Giáp.
‘Tò mò’ gia thế của tân Chủ tịch nước để giúp Đảng gìn giữ kỷ cương
Nguyễn Nam, VNTB, 06/03/2023
Chuyện thực thi quyền giám sát này được căn cứ vào Quy định số 69-QĐ/TW, "về kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm", do Thường trực Bộ Chính trị, ông Võ Văn Thưởng ký ban hành ngày 6/7/2022.
Muốn giám sát chuyện tham nhũng quyền lực, chống lợi ích nhóm cục bộ trong bộ máy nhà nước, nhất thiết người dân phải được biết gia thế của các lãnh đạo đương nhiệm, mà tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là đơn cử.
Những hình thức xử lý kỷ luật nào được áp dụng đối với đảng viên để cho vợ, chồng, con lợi dụng chức vụ của mình để trục lợi ?
Câu trả lời ở đây là căn cứ vào Điều 31 Quy định 69/QĐ-TW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương quy định như sau :
Vi phạm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ :
1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách :
a) Làm những việc pháp luật không cấm nhưng ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương, vai trò tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm nêu gương của đảng viên ; vi phạm nội quy, quy chế, kỷ luật nội bộ cơ quan, đơn vị.
b) Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác được giao trong thực thi nhiệm vụ, công vụ hoặc trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ được giao hoặc bỏ vị trí công tác trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
c) Không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Thiếu trách nhiệm dẫn đến thực thi nhiệm vụ, công vụ không đúng quy định, quy trình gây hậu quả cho tổ chức, cá nhân.
d) Không báo cáo cấp có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong tổ chức, đơn vị thuộc quyền trực tiếp quản lý.
đ) Yêu cầu tổ chức, công dân thực hiện thủ tục hành chính không đúng quy định.
e) Vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, chỉ đạo của cấp trên nhưng không chủ động, kịp thời báo cáo tổ chức, cơ quan có thẩm quyền biết ý kiến, đề xuất của mình trước khi thực hiện.
g) Can thiệp, tác động hoặc để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.
2. Trường hợp đã kỷ luật theo Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ) :
a) Được giao quản lý, sử dụng tiền, tài sản, quỹ của Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhưng có hành vi chiếm giữ, cho thuê, cho mượn, cho vay trái quy định.
(…)
3. Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ :
a) Lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để tham mưu, đề xuất ban hành chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, chế độ, chính sách trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (…).
Theo như quy định trên thì nếu đảng viên để cho vợ, chồng, con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) lợi dụng chức vụ của mình để trục lợi mà gây ra hậu quả ít nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Nếu sau khi xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, mà đảng viên vẫn tiếp tục để vợ, chồng, con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) lợi dụng chức vụ của mình để trục lợi thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Trường hợp đảng viên là người có chức vụ thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức.
Trong trường hợp đảng viên để cho vợ, chồng, con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) lợi dụng chức vụ của mình để trục lợi mà gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức.
Tin rằng người ký ban hành Quy định 69/QĐ-TW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương, chắc chắn hiểu tường tận các yêu cầu mà Bộ Chính trị đã đặt ra, qua đó ông Võ Văn Thưởng sẽ chủ động công khai gia thế của cả dòng họ hai bên nội, ngoại của mình để người dân thực thi quyền giám sát được Hiến định tại Điều 2.2 "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân".
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 06/03/2023
************************
Đi tìm lai lịch bí ẩn của danh nhân mới nổi
Dương Tử, VNTB, 05/03/2023
1. Ngay trong ngày Võ Văn Thưởng đăng quang 2/3, duy nhất chỉ có báo Tiền Phong hân hoan cử phóng viên về tận"quê quán Vĩnh Long", xã An Phước, huyện Mang Thít. Phóng viên chỉ gặp được 2 người : Phó chủ tịch xã, kể huyên thiên về "xã tôi đạt danh hiệu nông thôn mới". Anh hiệu trưởng trường Trung học cơ sở ở quê nhà kể chút kỷ niệm học suốt 12 năm cùng bạn Thưởng.
Vì không công bố cha mẹ ông Thưởng là ai, chính là mảnh đất cho các luồng dư luận và các nhà đoán mò tha hồ tìm tòi.
Tuyệt đối không ai nói gì đến thân nhân, gia đình, nhà cửa của Võ Văn Thưởng (!)
Nhà báo cũng chẳng hỏi gì nữa hết.
Bài báo gây ra sự hẫng hụt lớn cho bạn đọc Việt Nam.
Hay là, báo Tiền Phong chơi đòn thâm nho, xỏ lá sếp cũ (anh Thưởng từng là bí thư trung ương Đoàn, cấp trên của báo Tiền Phong !) (1)
Và bí ẩn vẫn còn lại. Ai nuôi dưỡng ông Thưởng khi sống ở Mang Thít, Vĩnh Long suốt thời gian 12 năm học tiểu học và trung học ?
2. Trang Cổng Thông tin Chính phủ cũng viết mập mờ về nơi sinh của Võ Văn Thưởng ngày 2/3, như sau :
"Tiểu sử đồng chí Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam :
Đồng chí Võ Văn Thưởng sinh ngày : 13/12/1970 ; dân tộc Kinh ; vào Đảng ngày 18/11/1993, chính thức ngày 18/11/1994 ; quê quán xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long ; trình độ lý luận chính trị : Cao cấp ; trình độ chuyên môn : Thạc sĩ Triết học.
Cư dân Việt băn khoăn vì sao bỏ trống nơi sinh ?
3. Theo Wikipedia mục Võ Văn Thưởng :
Phần Xuất thân và giáo dục như sau : Ông Võ Văn Thưởng sinh ngày 13 tháng 12 năm 1970 tại Hải Dương, nguyên quán ở An Phước, Mang Thít, Vĩnh Long. Gia đình của ông rời vùng miền Nam trong thời kỳ Chiến tranh chống Mỹ…
Không có một câu một dòng nào nói về đấng sinh thành của ông là ai ?
4. Nhiều khả năng đây là cha mẹ ông Võ Văn Thưởng (?)
Cũng vì để trống mà không công bố cha mẹ ông Thưởng là ai, chính là mảnh đất cho các luồng dư luận và các nhà đoán mò tha hồ tìm tòi.
Có nguồn tin nói rằng, ông Võ Văn Thưởng là con ông Nguyễn Quang Hà và bà Phan Lương Cầm.
Năm 1968, bà Phan Lương Cầm (sinh năm 1943) gọi Tố Hữu bằng cậu ruột, bà đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Cũng những năm đó, ông Nguyễn Quang Hà sinh năm 1937, cũng đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Hai người gặp nhau và yêu nhau.
Kết quả mối tình này là cậu bé sau này có tên Nguyễn Văn Thưởng ra đời. Vì ông Hà đã có vợ con ở Việt Nam nên hai người không thành đôi được. Ông Nguyễn Quang Hà sau khi lấy bằng Tiến sĩ, được điều về công tác tại Viện Điều tra, Quy hoạch rừng (năm 1972), và năm 1992 làm bộ trưởng Bộ Lâm Nghiệp. Năm 1995, Bộ Lâm nghiệp, Nông nghiệp & Công nghiệp thực phẩm và Thủy lợi sát nhập thành bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông Nguyễn Quang Hà làm thứ trưởng.
Trong vụ án ma túy Lã Thị Kim Oanh (2003), ông Hà có dính líu, bị bắt giam, nhưng đến phiên phúc thẩm, ông Hà được hưởng án treo.
Bà Phan Lương Cầm sau khi sinh, mang con về cho mẹ tại Hải Dương nuôi nấng. Sau khi lấy bằng Tiến sĩ, bà Cầm về giảng dạy tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Tháng 4/1982 Võ Văn Kiệt ra Hà Nội giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Được ông Tố Hữu mai mối, ông Kiệt và bà Cầm đến với nhau. Không biết đám cưới của hai người được tổ chức lúc nào, nhưng từ năm 1992, khi ông Võ Văn Kiệt giữ chức thủ tướng Chính Phủ, thì bà Cầm được gọi là phu nhân thủ tướng. Anh Thưởng được đổi sang họ Võ.
Phải thừa nhận ông Võ Văn Thưởng là người thật thà và vô tư. Khi mới ngồi vào chức Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, khi được hỏi ông có biết ngày 17/2/1979 là ngày gì không ? Ông Thưởng trả lời rằng, tôi mới nhậm chức nên chả biết ngày 17/2/1979 là ngày gì cả.
Nếu như gọi ông chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, người đứng đầu quốc gia, là vua, thì bà Phan Lương Cầm là người hiếm hoi trong lịch sử, một lúc 2 chức danh khi còn sống, vừa là hoàng thái hậu (mẹ vua), vừa là đệ nhất phu nhân của cựu thủ tướng (FB Minh Luân)
Dương Tử
Nguồn : VNTB, 06/03/2023
Tham khảo
(1) Nhà báo Nhật Huy, "Vĩnh Long tự hào về người con ưu tú", Tiền Phong online, 03/03/2023
***************************
Cha của tân Chủ tịch nước là ai ?
Trần Quí Thường, VNTB, 04/03/2023
Ở các nước phương Tây, khi tranh cử cho vị trí nguyên thủ quốc gia, lý lịch của ứng viên là một trong những đề tài được báo chí khai thác nhiều nhất. Ở Việt Nam, đột ngột có một người nhận chức Chủ tịch nước mà không cần tranh cử, và thông tin về gia đình lại rất mơ hồ.
Nếu càng mập mờ thì người dân càng dễ bị lung lay bởi những lời đồn - Ảnh minh họa ông Võ Văn Kiệt và ông Võ Văn Thưởng
Việc mập mờ thông tin gia đình tân chủ tịch nước
Cho tới ngày 02/03 (lúc ông Thưởng tuyên thệ nhậm chức), thông tin về cha mẹ của ông này gần như không có gì được công khai. Mặc dù quá trình học tập, làm việc của ông này được công bố rất rõ ràng, chi tiết. Trang thông tin về ông Võ Văn Thưởng trên bách khoa từ điển mở Wikipedia bị sửa hơn 60 lần từ ngày 01/03 (từ lúc Quốc hội bắt đầu phiên họp bất thường). Chỉ tới ngày 03/03, các trang báo đảng mới đưa tin về cha và mẹ của tân chủ tịch nước.
Theo đó, ông Võ Văn Thưởng sinh ngày 13/12/1970 tại Hải Dương, nguyên quán ở An Phước, Mang Thít, Vĩnh Long. Gia đình của ông Thưởng rời vùng miền Nam trong thời kỳ Chiến tranh chống Mỹ. Báo chí nhà nước cũng đưa tin ông Võ Văn Thưởng là con trai Võ Trần Chí, cháu ngoại Võ Văn Kiệt. Phân tích các dữ liệu này, chúng ta sẽ thấy rất nhiều điểm bất hợp lý, đáng ngờ về gia thế, cha mẹ của tân chủ tịch nước.
Võ Trần Chí có phải là cha của Võ Văn Thưởng ?
Có 2 thông tin đáng chú ý về nhân vật này. Thứ nhất, Võ Trần Chí sinh năm 1927. Thứ 2, năm 1954 ông Chí không tập kết ra Bắc.
Võ Văn Kiệt sinh năm 1922, lớn hơn Võ Trần Chí 5 tuổi, cùng hoạt động cách mạng tại miền Nam. Nếu Võ Trần Chí là con rể Võ Văn Kiệt thì chẳng khác nào ông Chí ngủ với con gái của đồng chí ?
Nếu nói ông Võ Văn Thưởng sinh ra ở Hải Dương, là "con của một gia đình cách mạng miền Nam tập kết ra bắc" ; thì giai đoạn 1954-1975, Võ Trần Chí chỉ hoạt động ở miền Nam, làm sao có thể là cha của Võ Văn Thưởng ?
Võ Văn Kiệt có phải là ông ngoại Võ Văn Thưởng ?
Cũng dựa vào dữ liệu được các trang báo của đảng cộng sản công bố, ông Võ Văn Kiệt có 2 người vợ chính thức, 1 người không hôn thú. Và ông Kiệt chỉ có 1 người con gái duy nhất (đã chết năm 8 tuổi).
Người vợ đầu tên Trần Kim Anh (1932-1966), bà này sinh ra 3 con trai, 1 con gái. Năm 1966, bà Kim Anh cùng 2 người con bị thiệt mạng bởi tên lửa Mỹ, trong đó bao gồm người con trai út và người con gái duy nhất là Phan Thị Ánh Hồng. Vậy người con gái này mất khi mới 8 tuổi. Không thể sinh ra cháu ngoại cho ông Kiệt được.
Người vợ không hôn thú của Võ Văn Kiệt là bà Hồ Thị Minh chỉ sinh 1 người con trai là Phan Thanh Nam (1952), ở miền Bắc. Ông Nam là người đọc lời cảm tạ trong lễ tang ông Võ Văn Kiệt.
Còn bà Phan Lương Cầm thì học ở Liên Xô từ 1968-1973, kết hôn với ông Kiệt năm 1984, trong các tư liệu công khai thì bà này không có con. Vậy bà này và ông Kiệt cũng không thể có cháu ngoại. Tuy nhiên một số thông tin cho rằng Phan Lương Cầm chính là mẹ của Võ Văn Thưởng.
Bà Cầm đã tháp tùng ông Võ Văn Kiệt trong chuyến công tác Đông Đức 1973, với vai trò nữ hộ lý. Vì sợ bị dị nghị nên đã đôn năm sinh ông Thưởng lên năm 1970. Đây là thông tin được nhiều người cho rằng hợp lý nhất. Nó cũng trả lời cho câu hỏi tại sao ông Kiệt 62 tuổi mà vẫn phải cưới bà Cầm. Tuy là nguồn tin khó kiểm chứng, nhưng việc lập lờ của đảng càng làm củng cố thêm quan điểm này.
Nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng cộng sản Việt Nam cũng mập mờ về cha mẹ
Trường hợp được nhắc đến nhiều nhất là cựu Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh. Khi ông này nhậm chức Tổng bí thư, có nhiều tin đồn cho rằng ông là con rơi của Hồ Chí Minh. Đại Sứ Australia lúc bất giờ là bà Sue Boyd – người nổi tiếng là bộc trực- đã hỏi thẳng Nông Đức Mạnh có phải là con của Hồ Chí Minh không ? Ông Mạnh đã trả lời "Ở Việt Nam ai cũng đều là con của Bác". Câu trả lời lập lờ không phủ nhận cũng không khẳng định này càng củng cố thêm quan điểm rằng ông Mạnh là con ông Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa ông Nông Đức Mạnh
Ngay cả trường hợp của ông Hồ Chí Minh cũng có nhiều tranh cãi về nguồn gốc.
Một số người cho rằng ông Hồ không phải người Việt Nam, theo quan điểm này thù trong quá trình hoạt động cách mạng có thể dùng bí danh, nhưng khi thành công thì lại không quay lại họ cha mà vẫn giữ họ Hồ.
Gần đây nhất là trường hợp cựu chủ tịch Hà Nội, Nguyễn Đức Chung (đang ở tù vì tham nhũng), ông này bị đồn đoán là con của cố chủ tịch nước Lê Đức Anh. Nhưng trong danh sách con cái của Lê Đức Anh do đảng cộng sản công bố thì không có tên Nguyễn Đức Chung. Trong khi đó người con đọc lời cảm tạ trong lễ truy điệu Lê Đức Anh là Lê Mạnh Hà, thì lại có khuôn mặt được cho là rất giống Võ Nguyên Giáp.
Trước những tin đồn về các mối quan hệ bất minh này, thiết nghĩ Đảng cộng sản Việt Nam cần phải công khai minh bạch thông tin tiểu sử của các đảng viên. Vì nếu càng mập mờ thì người dân càng dễ bị lung lay bởi những lời đồn, dẫn tới suy giảm niềm tin vào cái gọi là đạo đức cách mạng và uy tín của lãnh đạo đảng cộng sản.
Trần Quí Thường
Nguồn : VNTB, 04/03/2023
**************************
Hãy ‘cập nhật dữ liệu’ cho tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng
Định Tường, VNTB, 04/03/2023
Sáng hôm 2/3/2023, ngay sau lễ tuyên thệ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu trước Quốc hội, đồng bào, nhân dân, cử tri cả nước.
Nếu không phải là nịnh nọt ‘vuốt đuôi’ Tổng bí thư, vậy thì cần kíp ‘giải thích thời sự’ để tân Chủ tịch nước không ảo tưởng nữa trong kế sách quản trị quốc gia.
Bài diễn văn có đoạn :
"Tự hào về cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, càng nhận thức sâu sắc về yêu cầu, nhiệm vụ khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, càng quyết tâm để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc ; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Ở đoạn trên cho thấy được viết theo mạch văn Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, được soạn để Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng ngày 26/1/2021.
Mạch văn đó được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc ở thể khẳng định như sau :
"Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa.
Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng : Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại ; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo ; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới ; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới" (dừng trích).
Mẫu câu : "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng : Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" còn được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sử dụng trong nhiều bài diễn văn khác nữa.
Thật tế cho thấy hoàn toàn trái ngược, khi mà từ năm 2014, tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện mà doanh nghiệp Việt Nam có thể làm để cung ứng cho việc hoàn thiện sản phẩm Galaxy S4 và máy tính bảng của hãng. Mồi ngon đưa đến tận miệng. Thế nhưng câu trả lời được đưa ra bởi các doanh nghiệp Việt Nam là chưa làm được.
Trong bản danh sách 170 món phụ kiện này có cả những thứ nghe qua thì rất đơn giản như con ốc vít, cọng cáp USB rồi đến cái sạc pin. Thế nên, câu chuyện về một Việt Nam không thể tự sản xuất nổi một con ốc vít bắt đầu ra đời và lan rộng ra công chúng.
Đằng sau câu chuyện ốc vít là cả một chuỗi dài đằng đẵng những vấn đề cần kiếm nguyên do. Không phải Việt Nam không làm nổi cái ốc vít, mà là nếu làm được cái ốc vít theo đúng chuẩn của Samsung, giá thành của nó sẽ cao hơn các nhà cung ứng khác rất nhiều. Tất nhiên, doanh nghiệp bỏ tiền sẽ chọn ở nhà cung ứng có giá bán thấp hơn. Và đó mới là ý nghĩa đích thực của câu nói Việt Nam không sản xuất nổi cái ốc vít thay vì hiểu theo nghĩa đen thuần tuý.
Thời điểm đó, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đưa ra lời giải thích khá nhẹ nhàng nhưng ‘rất đau’ về chính trị : môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa thực bình đẳng, nhiều doanh nghiệp không nhất thiết đầu tư vào công nghệ, quản trị nhưng vẫn cạnh tranh được nhờ vào mối quan hệ. Chừng nào còn tình trạng đó, sẽ khó cho đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Gần chục năm sau đó, mọi chuyện vẫn là dường như ‘dậm chân tại chỗ’.
"Để có một nền công nghiệp ô-tô, đầu tiên phải có một nền khoa học kỹ thuật và công nghệ cơ bản. Sau đó, phải có nền công nghiệp vật liệu, phải sản xuất ra thép hợp kim. Nhưng trên một chiếc ô-tô (sedan) có hơn 20.000 chi tiết linh kiện, dùng hơn 200 mác thép kim loại và Việt Nam chưa chế tạo được mã nào trong số 200 mã thép đó để có được công nghiệp ô tô. Đó là một sự thật.
Có một thời tôi hay nói mỉa mai là, duy nhất chỉ làm cái ốc vít bắt cho biển số và chỉ 6 tháng sau, nó gỉ mất rồi. Chúng ta chưa có công nghiệp ô-tô vì không có nền khoa học cơ bản. Công nghiệp ô-tô là ngành tích hợp của rất nhiều ngành khoa học cơ bản, như ngành vật liệu, động lực học, điện, điện tử, môi trường sinh thái…" – trích phát biểu của ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), trong một hội thảo chuyên ngành về công nghiệp phụ tùng ô-tô ngày 21/2/2023.
Điều mà người đứng đầu VASI muốn nói đến, là ở góc độ vật liệu, mỗi con ốc vít giá thành không lớn nhưng phải đầu tư công nghệ rất đắt để tiêu hao vật tư ít nhất và yêu cầu có nguồn vật liệu phù hợp.
Tại Việt Nam hiện nay các nhà máy thép chủ yếu sản xuất thép xây dựng chứ ít làm thép chế tạo ; gang thỏi để đúc chất lượng cao hơn cũng phải nhập ; nhôm chế tạo thì trong nước hoàn toàn không có. Vì vậy, nhìn từ góc độ vật liệu cũng cho thấy đang không hỗ trợ tốt cho việc phát triển công nghiệp chế tạo máy cơ khí…
Cá nhân người viết cho rằng dù có nói khiêm tốn, khiêm cung đến đâu đi nữa, thì mẫu câu "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", chỉ nên được hiểu theo nghĩa tuyên truyền cổ động chính trị có định hướng, tránh sử dụng tùy tiện như bài diễn văn nhậm chức của tân Chủ tịch nước.
Định Tường
Nguồn : VNTB, 04/03/2023
**************************
Vì sao ông Thưởng được chọn làm Chủ tịch nước ?
Ý Nhi, Thoibao.de, 04/03/2023
Sau một một tháng rưỡi ghế Chủ tịch nước bỏ trống, nay chiếc ghế này đã có chủ. Đúng như những gì mà dư luận đã râm ran đồn đoán từ trước đó, ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, đã tuyên thệ trước Quốc hội để nhậm chức Chủ tịch nước Việt Nam.
Ông Thưởng trúng cứ vào ghế Chủ tịch nước sau cuộc bầu chọn mang tính hình thức với 487/488 phiếu thuận, trong một phiên họp bất thường mới của Quốc hội. Từ nay, ông Thưởng đã tham gia vào nhóm Tứ Trụ quyền lực của Việt Nam.
Trong bài tuyên thệ nhậm chức, ông Thưởng cho biết, ông sẽ "kiên quyết" tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng.
"Tôi, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xin tuyên thệ, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó," truyền thông nhà nước đăng tải.
Ông Thưởng được cho là một nhân vật thân cận với Tổng Trọng, ông từng tháp tùng ông Tổng công du Trung Quốc trong chuyến thăm vào cuối tháng 10/2022, ngay sau khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ thứ 3. Ông Thưởng cũng là người có những phát biểu mạnh mẽ về chống tham nhũng, ủng hộ công cuộc đốt lò của ông Tổng.
Trở thành thành viên của Tứ Trụ, dường như ông Thưởng đang đến gần chiếc ghế quyền lực nhất của Việt Nam, ghế Tổng bí thư Đảng, vì thông thường, vị trí Tổng bí thư được chọn từ Tứ Trụ.
VOA ngày 2/3 dẫn lời Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), có trụ sở ở Singapore, cho rằng :
"Ở Đại hội 13 năm 2021, các dàn xếp ở giới lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam đã không diễn ra đúng như kế hoạch, cụ thể là Đảng đã không thống nhất được việc lựa chọn một ứng cử viên thay thế Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại thêm nhiệm kỳ thứ 3 là trái với Điều lệ Đảng".
Theo Tiến sĩ Hiệp, ông Thưởng là người "gần gũi" với cả ông Nguyễn Phú Trọng và ông Vương Đình Huệ, nên việc chọn ông Thưởng làm Chủ tịch nước sẽ tạo điều kiện cho việc chuyển giao quyền lực của ông Trọng được "thuận buồm xuôi gió". Bởi ông Trọng đã nhắm ông Huệ làm người kế nhiệm mình trên ghế Tổng bí thư và "Đảng muốn một vị Chủ tịch nước có quan hệ tốt với ứng cử viên Tổng bí thư tương lai".
"Nếu Đảng cộng sản Việt Nam không thể thực hiện được một kế hoạch chuyển giao quyền lực êm thấm và không tiếp tục đạt được đồng thuận về việc chọn người kế vị chức Tổng bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng, thì điều này có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng lãnh đạo và một cuộc khủng hoảng như vậy có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định của Đảng cộng sản Việt Nam và có thể đe dọa an ninh của chế độ".
"Tình hình bất định trong chính trị Việt Nam, đặc biệt là ở thượng tầng lãnh đạo, đã gây nên sự bất an, cũng như thiếu lòng tin ở các nhà đầu tư và các đối tác quốc tế ở Việt Nam," Tiến sĩ Hiệp nói. "Việc bất định như vậy cũng tạo ra tâm lý ‘ngồi chờ và xem’ ở trong bộ máy công chức thực thi chính sách… làm trì trệ sự phát triển của Việt Nam".
Tuy những biến động chính trị trong bối cảnh chống tham nhũng của Việt Nam được giới quan sát xem là đấu đá và tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng, dưới cái tên mỹ miều là chống tham nhũng. Nhưng việc này cũng gây ra bất ổn chính trị và khiến các nhà đầu tư e ngại. Do đó, Đảng cần ổn định các vị trí lãnh đạo cao nhất để giảm bất ổn và tiêu cực đối với xã hội và đối với nền kinh tế.
Đáng nói, ngay sau khi ông Thưởng tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng, và khẳng định, sẵn sàng cùng tân Chủ tịch Việt Nam "thúc đẩy quan hệ song phương bền vững, lành mạnh và ổn định".
Nếu việc ông Thưởng nhậm chức là tin mừng đối với ông Tập, thì đây chắc chắn là mối lo cho dân Việt.
Ý Nhi
Nguồn : Thoibao.de, 04/03/2023