Vì sao Việt Nam chưa vội mừng sau quyết định giảm thuế của ông Trump? (BBC Tiếng Việt)

Không ít nhà sản xuất ở Việt Nam đã có thể phần nào thở phào nhẹ nhõm khi ông Donald Trump hạ mức thuế đối ứng từ 46% xuống còn 20%.
Trước đó ba tháng, cũng chính họ đã cảm thấy bàng hoàng khi "Ngày Giải phóng" của ông Trump đã giáng một đòn đau vào nỗ lực chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất vì mức thuế dường như bít cửa hàng hóa của họ đến Mỹ.
Gió dường như đang đổi chiều khi vào tối 2/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo trên mạng xã hội rằng ông đã chốt được một thỏa thuận thương mại với Việt Nam.
Theo đó, "Việt Nam sẽ trả cho Hoa Kỳ mức thuế 20% đối với mọi hàng hóa được đưa vào Lãnh thổ của chúng tôi, và 40% đối với mọi hàng hóa trung chuyển".
Nhưng khi nhiều người khấp khởi vì mức thuế đối ứng được giảm đi đáng kể, thì cũng là lúc nhiều câu hỏi và băn khoăn được đặt ra.
End of Đọc nhiều nhất
"Việc mức thuế 20% được đàm phán cuối cùng là lợi hay hại cho Việt Nam sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc liệu (và ở mức độ nào) các thị trường trong chiến lược 'Trung Quốc + 1' khác có đạt được những thỏa thuận tương tự hay không, và những thỏa thuận đó sẽ được so sánh với kết quả của Việt Nam như thế nào", ông Marco Forster - giám đốc về ASEAN của công ty Dezan Shira & Associates, làm việc tại TP HCM - nhận định với BBC News Tiếng Việt.
Quan sát từ bài đăng của Tổng thống Trump, ông Forster đánh giá Mỹ vẫn tiếp tục chuyển dịch sản xuất hàng tiêu dùng sang Việt Nam nhưng muốn đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng của mình.
Nhà phân tích này nói rằng dù ngành sản xuất Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu Trung Quốc, việc được miễn thuế khi nhập khẩu các mặt hàng quan trọng như bông và linh kiện điện tử từ Mỹ sẽ hỗ trợ đáng kể các ngành dệt may và điện tử.
"Dù sao chúng ta sẽ phải chờ đến ngày 9/7 để có thêm thông tin rõ ràng."
Thậm chí, có sự thất vọng về con số 20% này, theo chia sẻ của Joe Jurken, Giám đốc điều hành The ABC Group, với Reuters.
Ông Jurken cho rằng mức thuế này thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc (nước đang chịu thuế 55%) và có thể khiến một số thương hiệu tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc thay vì chuyển sang Việt Nam – một quá trình tốn kém và mất thời gian.
Tiến sĩ Sven David - Giám đốc công ty tư vấn VIET Transformation Advisors có trụ sở tại TP HCM - nói với BBC rằng việc Mỹ áp mức thuế 20% đối với hàng hóa Việt Nam có thể được xem là một thành công chiến thuật đáng kể nhưng cũng đánh dấu một sự thay đổi trong cách nhìn nhận: Việt Nam không còn đơn thuần là một địa điểm sản xuất thân thiện trong friend-shoring, mà đang ngày càng được coi là một đối thủ cạnh tranh chiến lược.
Friend-shoring nghĩa là các công ty hoặc quốc gia chuyển sản xuất, chuỗi cung ứng hay đầu tư đến những quốc gia "đáng tin cậy" hoặc "đồng minh" nhằm giảm thiểu rủi ro về an ninh kinh tế, chính trị hoặc địa chính trị.
Vì sao Việt Nam dễ tổn thương?

Nếu buộc phải chỉ ra sai lầm nào mà Việt Nam đã mắc phải, thì đó chính là yếu tố vốn từng giúp nhiều người dân ở đây trở nên giàu có, theo phân tích của ông Forster.
"Điều này không phải là một bước đi sai lầm có chủ đích, mà đúng hơn là một điểm yếu cố hữu trong mô hình kinh tế hướng xuất khẩu cực kỳ thành công của Việt Nam. Điểm yếu đó là gì? Đó là việc Việt Nam đã quá tập trung vào thị trường Mỹ và bị ràng buộc sâu sắc, không có giải pháp thay thế, và phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng lấy Trung Quốc làm trung tâm."
Điểm yếu này trở nên dễ tổn thương hơn khi chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy.
Hàng hóa trung chuyển mà ông Trump nhắc đến, theo nhiều nhà quan sát, là ám chỉ Trung Quốc. Chính tờ Hoàn Cầu Thời Báo thân nhà nước Trung Quốc cũng cho rằng con số đó tác động đến doanh nghiệp quốc gia này.
Các ngành chủ lực của Việt Nam như công nghệ, hay thậm chí là dệt may - phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu Trung Quốc.
Các nhà máy dệt may tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào sợi, vải polyester và các loại phụ kiện như cúc và khóa kéo nhập khẩu từ nước láng giềng phương Bắc, Reuters đưa tin.
Hàng trung chuyển được cho là nói về một sản phẩm chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc, vận chuyển đến Việt Nam rồi dán nhãn lại và xuất khẩu như hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Washington từ lâu cáo buộc Hà Nội tạo điều kiện cho việc trung chuyển nhằm giúp hàng hóa Trung Quốc né tránh thuế quan Mỹ.
Thậm chí Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick còn cho rằng Việt Nam mua 90 tỷ USD từ Trung Quốc, nâng giá, rồi chuyển đến Mỹ.
6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng trị giá 70,91 tỷ USD, trong khi nhập khẩu 8,91 tỷ USD từ thị trường này. Như vậy, Việt Nam đang có mức xuất siêu đạt 62 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 84,7 tỷ USD trong khi chỉ xuất khẩu qua thị trường này 19,1 tỷ USD. Mức nhập siêu từ Trung Quốc như vật đạt 55,6 tỷ USD, tăng đến 42,2%, theo số liệu của Cục Thống kê công bố vào ngày 5/7.
Sự tương đồng giữa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và hàng hóa Trung Quốc sang Việt Nam trong nhiều năm qua càng khuếch đại sự nghi ngờ của Washington hơn nữa.
Bên cạnh đó, sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt trong các ngành thâm dụng lao động, đã trở thành một gánh nặng chiến lược khi Mỹ bắt đầu dùng chính sách thương mại làm công cụ.
Đối với chuyên gia phân tích thương mại Robert Law từ công ty Asialink Business, bài toán thuế quan hiện nay liên quan nhiều hơn đến quan điểm của chính quyền Trump về thương mại hơn là bất kỳ điều gì khác mà Việt Nam đã làm.
Nhiều nhà quan sát đang có chung nhận định: Việt Nam, trớ trêu thay, có thể đang trở thành nạn nhân cho chính thành công của mình.
"Việt Nam có lẽ đã mắc phải một sai lầm chiến lược nghiêm trọng khi để kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ gần như 'giậm chân tại chỗ' nhiều năm qua, trong khi xuất khẩu của họ sang Mỹ lại tăng vọt," Giáo sư Zachary Abuza từ trường Nation War College, Mỹ - người có nhiều năm quan sát Việt Nam - nhận định với BBC News Tiếng Việt hồi đầu tháng Tư, không lâu sau khi ông Trump công bố thuế đối ứng toàn cầu.
Năm 2016, Mỹ xuất sang Việt Nam khoảng 10 tỷ USD hàng hóa và nhập khoảng 42 tỷ USD ở chiều ngược lại.
Tám năm sau, vào năm 2024, hai con số này lần lượt là 13 tỷ USD và 136 tỷ USD, theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ.
Yêu cầu thay đổi chiến lược

Việt Nam, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, buộc phải có những thay đổi lớn nếu mất đi khách hàng Mỹ - thị trường chiếm tới 1/3 kim ngạch xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á.
Giới lãnh đạo Việt Nam đã liên tục đưa ra những nhượng bộ không tiền khoáng hậu đối với Mỹ, thậm chí sẵn sàng đưa mức thuế nhập khẩu hàng Mỹ xuống mức 0%.
Thế nhưng, vì mức thâm hụt khổng lồ, Hà Nội không có nhiều lợi thế đàm phán trước Washington.
"Mức thuế [20%] này đang tạo ra một áp lực chi phí đáng kể lên mô hình xuất khẩu bấy lâu nay vẫn dựa vào việc được ưu tiên tiếp cận thị trường Mỹ. Từ góc độ chiến lược kinh doanh, đây không phải là một cuộc khủng hoảng, mà là một tín hiệu – một sự điều chỉnh, chứ không phải thảm họa," ông David nói với BBC.
Để không thụ động trước một rủi ro thương mại tương tự trong tương lại, nhiều chuyên gia đồng tình rằng Việt Nam cần có sự điều chỉnh bánh lái con tàu kinh tế vốn từng cho họ trái ngọt nhiều năm qua.
"Thỏa thuận này giúp Việt Nam có thêm thời gian, nhưng không phải là sự chắc chắn lâu dài. Khoảng thời gian quý báu đó cần được sử dụng một cách khôn ngoan: để củng cố vị thế thể chế, đa dạng hóa rủi ro kinh tế, và chuẩn bị sẵn sàng cho một hệ thống thương mại toàn cầu biến động hơn trong tương lai," Tiến sĩ Sven David nói thêm.
Hà Nội có thể buộc phải thích nghi nhanh chóng, đa dạng hóa không ngừng và chuẩn bị cho một thế giới mà chính sách thương mại vừa là lá chắn vừa là vũ khí.
Sự thay đổi là điều cần thiết để không chỉ giải quyết bài toán hiện nay mà còn đối phó với những tình huống tương tự trong tương lai.
Việt Nam cần chủ động dự đoán những thay đổi chính sách ở nước ngoài để điều chỉnh vị thế của mình cho phù hợp, theo ông David.
"Trở thành đối tác được ưu tiên lựa chọn giờ đây không chỉ dựa vào vị trí địa lý hay chi phí, mà còn là sự đáng tin cậy về thể chế và tính nhất quán trong chiến lược."
Nhà phân tích Robert Law cũng đồng tình khi cho rằng Chính phủ Việt Nam có thể xem xét các sáng kiến nhằm phát triển thị trường xuất khẩu mới, như tổ chức các phái đoàn xúc tiến thương mại, hỗ trợ chi phí nghiên cứu thị trường chiến lược và cung cấp tín dụng xuất khẩu.
Việt Nam đã thực sự chủ động trong việc đa dạng hóa thị trường, tận dụng mạng lưới Hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng lớn của mình. Điều này mang lại sự ổn định dựa trên luật lệ và quyền tiếp cận ưu đãi đến các thị trường rộng lớn.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mang lại những lợi ích đáng kể, thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường mới như Canada, Mexico và Peru, đồng thời giúp Việt Nam giành được thị phần lớn cho các sản phẩm như hải sản ở Úc.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) và việc nâng cấp quan hệ với Brazil, tiếp tục mở ra những khu vực tiềm năng, sinh lợi chưa được khai thác.
Tuy nhiên, khoảng trống mà thị trường Mỹ, nếu mất đi, sẽ là quá lớn và khó có thể lấp đầy.
Theo ông Forster, việc chuyển hướng lượng lớn hàng hóa đang xuất sang Mỹ sang các thị trường mới trong thời gian ngắn là một nhiệm vụ khổng lồ. Việc tái cấu trúc các chuỗi cung ứng đã ăn sâu, vốn lấy Trung Quốc làm trung tâm, rất phức tạp và tốn kém.
"Ngay cả khi có ưu đãi thuế quan, các nhà xuất khẩu Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều yếu tố khác như cạnh tranh đa dạng, sở thích tiêu dùng khác nhau và các rào cản phi thuế quan dai dẳng ở các khu vực mới," ông Forster nhận xét.
Để thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, ông Forster cho rằng chính phủ nên kết nối các doanh nghiệp với khách hàng lớn tại thị trường mới, đưa ra các ưu đãi thuế cho việc thâm nhập thị trường, và tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp để họ cung cấp thông tin thị trường và xúc tiến thương mại quan trọng.
Bên cạnh đó, cải cách logistics như nâng cấp hạ tầng và đơn giản hóa thủ tục hải quan là những yếu tố thiết yếu để giảm chi phí hoạt động và tăng cường năng lực cạnh tranh.
"Những nỗ lực mạnh mẽ trong việc chống chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp thông qua tăng cường minh bạch và xác minh nguồn gốc nghiêm ngặt hơn, cùng với việc duy trì quan hệ ngoại giao thực dụng với Mỹ, là cực kỳ quan trọng để bảo vệ tính toàn vẹn thương mại của Việt Nam và thúc đẩy giảm thuế quan."
Các cải cách then chốt đối với Việt Nam mà bài phân tích đăng tải hôm 23/6 trên trang web của tổ chức nghiên cứu East Asia Forum (Úc) đề xuất trong đó có bãi bỏ các quy định về hệ thống cấp phép, chuyển hướng tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua cải cách ngân hàng, miễn thuế cho các hộ kinh doanh.
Ông Law từ Asialink Business cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng với những nỗ lực củng cố bộ máy hành chính và cấu trúc chính quyền. Mặc dù những thay đổi này cần thời gian để đi vào ổn định, nhưng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho thành công lâu dài của đất nước.
"Với việc gần đây vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển quốc gia đã được công nhận, Việt Nam đang thực sự đi đúng hướng", ông Law nói.
Tiến sĩ Sven David cho rằng thay vì chỉ dựa vào việc được ưu đãi khi tiếp cận thị trường, Việt Nam nên hướng đến việc xây dựng sức đề kháng và khả năng phục hồi.
Theo ông, đa dạng hóa thị trường chỉ là một giải pháp tình thế, còn tầm nhìn chiến lược dài hạn là phải chuẩn bị và củng cố cấu trúc bên trong.
"Thay vì tìm cách bảo vệ mô hình hiện có, ưu tiên của Việt Nam nên là chuẩn bị sẵn sàng cho mô hình phát triển kế tiếp. Các nhà hoạch định chính sách cần thúc đẩy sự chuyển mình và đổi mới, thay vì cố gắng cô lập nền kinh tế khỏi những thay đổi bên ngoài," ông David kết luận.
Nguồn: BBC Tiếng Việt
6/7/2025