Tô Lâm và đảng Cộng Sản: Cải cách hay trong cơn điên loạn (Chu Tuấn Anh)
1. Một góc nhìn về phong trào đổi mới
Nhiều người trong chế độ cộng sản Việt Nam thường bêu xấu Gorbachev là một kẻ phản bội, trở cờ và là người đã gây ra cái chết cho chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô. Nhưng những ai còn có ký ức của giai đoạn cải tổ thì đều biết rõ rằng thực tế chính Gorbachev là người phát động phong trào cải tổ trong thế giới cộng sản vào năm 1985. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chỉ thực hiện “Đổi mới” vào năm 1986 khi không gặp bất cứ một sự chống đối nào từ Liên Xô, thậm chí Gorbachev còn gây áp lực để buộc Việt Nam phải đổi mới và giảm lệ thuộc vào Liên Xô thời điểm bấy giờ.
Tuy nhiên, những cố gắng đổi mới trong chế độ Cộng sản thường đến sau một giai đoạn mô hình kinh tế-xã hội của chủ nghĩa cộng sản đã tích lũy đủ bất mãn để sụp đổ, và nhu cầu đổi mới hoặc cải tổ là vô cùng khẩn cấp (điều mà đảng cộng sản nói “thay đổi hay là chết”). Ở giai đoạn đổi mới, các chế độ cộng sản đều buộc phải tạo một không khí cởi mở, dân chủ trong nội bộ đảng và thậm chí là bên ngoài xã hội để mọi ý kiến có cơ hội trình bày, mọi vấn đề đều có thể được xét lại. Tại Trung Quốc ở thời kỳ buộc phải đổi mới, phe Đặng Tiểu Bình đã đưa Hồ Diệu Bang (nhiệm kỳ 1982-1987), và Triệu Tử Dương (1987-1989) làm tổng bí thư và lãnh đạo của chế độ. Họ đều là những người cởi mở và lương thiện nhất trong chế độ: Hồ Diệu Bang ủng hộ kinh tế tư nhân và kêu gọi chấp nhận các quyền dân chủ, quyền tự do ngôn luận; trong khi Triệu Tử Dương đòi tách biệt giữa đảng Cộng sản và Nhà nước và trong thời gian khi bị bãi nhiệm ông thẳng thắn nói Trung Quốc phải chấp nhận đổi mới theo hướng dân chủ.
Cho đến nay kết quả của phong trào cải tổ (hay đổi mới) trong thế giới các nước cộng sản rất rõ ràng:
Các nước Đông Âu nhìn nhận rằng dân chủ hóa là con đường duy nhất để thoát khỏi khủng hoảng. Họ đã chủ động dẹp bỏ các chế độ cộng sản để mở ra một tiến trình chuyển hóa về dân chủ với sự tham gia của đối lập. Kết quả là phần lớn các nước Đông Âu hiện nay đều có một mức thu nhập cao: Điển hình là Ba Lan có mức thu nhập đầu người trên 22,000 đô và vẫn đang là nền kinh tế tăng trưởng và năng động bậc nhất châu Âu.
Liên Xô đã cũng nhìn nhận chế độ cộng sản không thể sửa chữa và tiến hành dân chủ hóa. Nhưng quá trình dân chủ hóa diễn ra không có sự tham gia của đối lập dân chủ và chỉ được diễn ra dưới mong muốn chủ quan của những lãnh đạo cộng sản như Gorbachev và Yeltsin. Kết quả là dân chủ hóa đã không diễn ra và nó cũng vô tình mở ra một tiến trình sụp đổ kéo dài của nước Nga. Tuy nhiên, nhiều nước trong khối Liên Xô như khối Baltic đã không chia sẻ tương lai đó. Estonia hiện nay là một nước dân chủ với một nền kinh tế phẩm lượng cao với mức thu nhập bình quân đầu người trên 30,000 đô la.

Đàn áp phong trào dân chủ ở Trung quốc (6/1989)
Các chế độ cộng sản tại Trung Quốc và Việt Nam sau một giai đoạn bối rối lấy quyết định đảo ngược tiến trình đổi mới. Chế độ cộng sản Trung Quốc đã đàn áp Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương và tắm máu phong trào dân chủ Thiên An Môn, trong khi chế độ Cộng Sản Việt Nam đã đàn áp những người kêu gọi dân chủ đa nguyên như Trần Độ, Trần Xuân Bách. Họ chuyển hóa về những chế độ “chấp nhận cởi mở về kinh tế nhưng độc tài về chính trị”. Quả thực, thì sự cởi mở của kinh tế đã giúp họ tồn tại và giàu có lên nhanh chóng từ tình trạng đói nghèo cùng cực. Nhưng vấn đề vẫn còn nguyên. Trung Quốc đã bộc lộ những dấu hiệu khủng hoảng và tan vỡ khi bắt đầu tiệm cận mức thu nhập trung bình cao (khoảng 13,000 đô), còn Việt Nam đã đạt đến giới hạn tăng trưởng khi còn ở mức thu nhập trung bình thấp (khoảng 4,000 đô la Mỹ). Họ không tránh được một cuộc khủng hoảng nào cả mà chỉ mở ra một giai đoạn vay mượn kéo dài trước khi buộc phải đối mặt với những vấn đề họ đã không giải quyết.
2. Tô Lâm có phải một nhà cải cách ?
Ngày hôm nay, tại Việt Nam đều có một đồng thuận ngay cả trong chế độ rằng một giai đoạn đổi mới khác sẽ buộc phải diễn ra. Tuy nhiên, câu hỏi là ông Tô Lâm có phải là một nhà cải tổ mà chế độ đang cần? Đã không có một tinh thần cởi mở nào cần thiết cho thảo luận được ông Tô Lâm thể hiện ra ngoài sự gia tăng đàn áp ngột ngạt trong và ngoài đảng, cùng xu hướng công an trị cùng những điều luật hà khắc được Tô Lâm cổ võ.
Trong một lần duy nhất làm việc với an ninh Việt Nam, sau khi nghe chính một trong số sĩ quan làm việc với tôi đã đòi truy tố tôi về luật an ninh mạng chỉ vì “có suy nghĩ phản động, chống phá chứ chưa cần hành động cụ thể”, tôi đã càng thêm xác quyết rằng ông Tô Lâm hoặc ít nhất là những người thuộc phe Tô Lâm đã là đạo diễn của những vụ đàn áp hai chí hữu Trần Khắc Đức và Quách Gia Khang của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên.
Điều này nói lên quan điểm của những người phục tùng trong phe phái Tô Lâm là dùng vũ lực ép người khác thần phục tuyệt đối và triệt tiêu mọi suy nghĩ bất đồng, cho dù đó là người đồng đảng của họ. Ngược lại, những kẻ phục tùng Tô Lâm thì sẽ được phép ăn chia các ghế, chức tước từ trung ương đến địa phương. Không thể chối cãi rằng ông Tô Lâm đang mở ra một chế độ gia đình trị vô cùng hà khắc.
Ông Tô Lâm đã thực sự reo rắc một sự khiếp sợ lớn trong đảng và quần chúng. Tôi đã thấy thái độ lấm lét của đảng viên dưới thời Tô Lâm vì nếu bị phát hiện có một tư tưởng nào khác biệt, họ có thể bị đàn áp thẳng tay. Những người chuyên gia chế độ không dám nói sự thực: bất cứ ai bày tỏ sự phản đối với bất cứ chính sách kinh tế, mục tiêu tăng trưởng của ông Tô Lâm sẽ bị khép tội phản động, chống phá. Ở ngoài xã hội, những người chỉ thuần túy “lo làm kinh tế” cũng có thể bị cướp bóc, là nạn nhân của sự hà khắc còn những ai bàn đến chính trị sẽ được bộ máy công an trị đưa vào tầm ngắm.

Kết thúc chế độ Ceaucescu ở Romania (1989)
Như vậy, ông Tô Lâm không phải là người mở ra tiến trình cải cách hay cái mà ông ta tự gọi là Đổi Mới 2.0, nếu không muốn nói là ông ta đại diện cho thái độ thủ cựu và chuyên quyền nhất tương tự như Nicolae Ceaușescu tại Romania. Ở đây, cần phải nói thêm rằng Ceaușescu đã là lãnh đạo cộng sản Đông Âu duy nhất bị lật đổ trong bạo loạn chỉ vì tiếp tục tuyên thệ với chủ nghĩa Mác Lênin, tiếp tục duy trì bộ máy công an trị – cảnh sát mật để gài bẫy, chỉ điểm những người bất đồng chính kiến, tiếp tục duy trì một chính sách kinh tế vừa dựa trên kế hoạch trung ương, đầu tư cơ sở hạ tầng cùng sản xuất ồ ạt, vừa thắt lưng buộc bụng để trả vay nợ nước ngoài. Ông Tô Lâm đã không ý thức được những gì mình làm vô cùng tai hại, vì nó đặt ông vào số phận của một nạn nhân đã từ chối trở thành tác nhân của một tiến trình dân chủ bắt buộc phải đến.
3. Những mục tiêu, con số hoang tưởng
Ngay sau khi nắm được vai trò lãnh đạo tối cao chế độ cộng sản Việt Nam, ông Tô Lâm đã khởi xướng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo. Và quả nhiên, họ đã báo cáo con số tăng trưởng 7.96% trong quý II năm 2025, mức cao nhất trong vòng hai thập kỷ. Đại đa số quần chúng đều nhìn thấy rằng những thành tích này là dối trá vì lạm phát thực sự đã tăng lên chóng mặt và con số này đã thực sự có được vì những gói bơm tiền khổng lồ vào bất động sản (1.5 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 2, tăng 25% so với cùng kỳ). Nhưng giá nhà đất cũng đồng thời chững lại và không tiếp tục tăng bất chấp tăng trưởng tín dụng vào thị trường bất động sản. Điều này là một bằng chứng rõ rệt cho thấy nền kinh tế cởi mở nửa vời dựa trên cướp bóc và nạn tích trữ đầu cơ đã không còn hoạt động.
Theo thời gian, người ta tố giác ra rằng ông Tô Lâm không cải tổ, ông tìm mọi cách để theo đuổi sự vĩ cuồng trên các con số dù không thực hiện được hoặc thực hiện để chỉ có một tình trạng thảm hại hơn. Một trong những ví dụ điển hình của xu hướng đó là mục tiêu có được 2,000,000 doanh nghiệp cho đến năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu này họ đã áp đặt thuế dựa trên doanh thu và hóa đơn điện tử với các hộ kinh doanh gia đình, để ép các hộ kinh doanh chuyển sang mô hình doanh nghiệp. Một hành động điên dại ngoài sức tưởng tượng chẳng khác nào bắt trẻ sơ sinh học cách làm người lớn ! Kết quả là nó đã chỉ dẫn đến sự giải thể ngày một nhiều của các doanh nghiệp. Nếu họ báo cáo mức độ tăng trưởng lớn nhất thì tại sao số lượng doanh nghiệp giải thể lớn hơn số lượng doanh nghiệp mới lập ? Tồi tệ hơn khi tình trạng bị phát giác thì họ đưa ra quyết định ngừng báo cáo về số lượng doanh nghiệp giải thể (!?).

Tập Cận Bình và Tô Lâm
Ngoài những dự án mà ông Tô Lâm cùng Phạm Minh Chính vẽ ra bao gồm các dự án điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đường sắt cao tốc Việt-Trung, họ còn cho dọn đường dư luận mở ra “kỷ nguyên tăng trưởng dựa trên đầu tư công và bất động sản”. Nhưng tiếp tục đầu tư công thế nào khi cuộc khủng hoảng nợ công thế giới đã bắt đầu với dự báo nợ công toàn cầu sẽ vào mức 100% GDP vào 2030 đưa đến sự xét lại của nguồn vốn cho vay mượn để phát triển và tiêu dùng, dự án Vành Đai-Con Đường của Trung Quốc buộc phải chấm dứt và dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ còn khoảng 80 tỷ đô la (tương đương với chỉ 2 tháng xuất khẩu, trong khi con số tối thiểu cần thiết là mức tương đương với 6 tháng xuất khẩu), một dấu hiệu cho thấy ngân sách đã cạn kiệt. Dự án đất hiếm được coi là một mũi nhọn của chính sách phát triển của chính phủ ông Phạm Minh Chính thì hoàn toàn đặt trên một dữ kiện không có thực khi cho rằng đất hiếm của Việt Nam ở trữ lượng 20 triệu tấn. Gần đây, chúng ta mới phát giác ra rằng Việt Nam hiện không còn đất hiếm vì nạn khai thác lậu và những cánh rừng có quặng đất hiếm đã được Trung Quốc mua lại và khai thác ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Một câu hỏi đặt ra là nếu như vậy thì vai trò của bộ máy an ninh, bộ máy quản lý của chính quyền Cộng Sản Việt Nam đang nằm ở đâu? (tham khảo: “Tô Lâm và đảng Cộng Sản Việt Nam khó qua khỏi thử thách sống còn – Nguyễn Gia Kiểng trả lời Người Việt Channel).
Tô Lâm và đảng Cộng Sản Việt Nam đang thực hiện những mục tiêu hoang tưởng và ngoài sức thực hiện: họ cưỡng chế nền kinh tế, cưỡng chế quần chúng tiểu thương để đạt được mục tiêu xa vời thực tế, họ đặt ra những kế hoạch kinh tế không dựa trên một sự thực nào về tính khả thi: đẩy mạnh đầu tư công khi không có nguồn tiền, đẩy mạnh xây dựng bất động sản khi xu hướng tích trữ-đầu cơ đã đi vào ngõ cụt, đòi phát triển công nghiệp đất hiếm khi không có đất hiếm, vv.
Có một câu hỏi tôi đã đặt ra là: Tại sao chế độ Cộng Sản Việt Nam không thành thật thừa nhận tình hình khó khăn chung để hạ mục tiêu tăng trưởng vì một tình hình khó khăn chung? Có lẽ lý do đến từ sự thiển cận của họ: để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% với mọi giá, ông Tập Cận Bình đã áp chỉ tiêu tăng trưởng đến từng địa phương với mọi hậu quả dù là vay nợ, bơm tiền thông qua các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương. Những ai đạt được thì sẽ được thăng chức, thăng quyền; những ai không thực hiện được thì sẽ bị trừng trị. Do vậy, cả bộ máy trung ương và địa phương đã lao đầu vào thực hiện với sự hoang mang và bất chấp. Chế độ Cộng Sản Việt Nam đã chỉ tuyên bố hô hào tăng trưởng, ông Phạm Minh Chính đi từng địa phương, dự án; ông Tô Lâm phê phán địa phương này đóng góp cho ngân sách ít hơn địa phương kia vì Trung Quốc cũng làm vậy! Nhưng Việt Nam đâu cần chia sẻ những bi kịch của Trung Quốc (!?).
4. Bài toán thời kỳ đổi mới vẫn còn nguyên
Trong giai đoạn Đổi mới được khởi xướng từ năm 1986, họ đã đặt ra hai vấn đề mang tính sống còn của chế độ là “chủ nghĩa quan liêu”, và “nền kinh tế bao cấp, lạc hậu”. Ngày hôm nay, vấn đề vẫn còn nguyên khi ông Tô Lâm cho rằng cần phải “tinh giản bộ máy” vì chính quyền quá cồng kềnh với chi trả lương và các hoạt động thường xuyên chiếm 70% ngân sách, và đề ra việc phải phát triển kinh tế tư nhân.
Khi bỏ nền kinh tế bao cấp, họ đã đặt ra nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà ở đó nền kinh tế nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo để đảm bảo “chủ nghĩa xã hội”. Nhưng ngày hôm nay, kết quả cũng đã rõ (điều mà họ nhìn nhận với trong nghị quyết 68): nền kinh tế tư nhân tuy không “đóng vai trò chủ đạo” nhưng đóng góp 50% GDP, 30% tổng thu ngân sách và 82% tổng số lao động. Ngược lại, khi nhắc đến kinh tế nhà nước, người ta chỉ nhắc đến những di sản tham nhũng như Vinashin, Vinaline, Đạm Ninh Bình, Gang Thép Thái Nguyên, hay tập đoàn dầu khí dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời cùng đại án tại EVN, đại án Vinafone mua AVG,… Nếu như vậy thì chẳng khác nào họ đã tố cáo phong trào Đổi mới mà chế độ đã thực hiện chỉ là một sự thất bại.
Khi đề ra chính sách tinh giản bộ máy, ông Tô Lâm đã không nhìn thấy một vấn đề mà Triệu Tử Dương đã nhìn thấy và phát biểu một cách lương thiện là cần tách đảng Cộng Sản ra khỏi Nhà nước (như đã trình bày trong bài viết Tháng bảy và kỷ nguyên chạy loạn của đảng trưởng Tô Lâm), ngày nay thì để có một nhà nước gọn nhẹ cũng đòi hỏi xu hướng tản quyền để trao quyền về các chính quyền vùng và giảm sự cồng kềnh cho các chính quyền Trung Ương (theo Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai). Ông Tô Lâm thay vào việc loại bỏ sự cồng kềnh của các ban ngành, đoàn thể, cơ quan chồng chéo khỏi đảng Cộng Sản thì lại nhắm mũi nhọn vào khối công chức, viên chức hành chính. Sáp nhập tỉnh thành đã không tiết kiệm thêm một đồng nào ngân sách so với số tiền bỏ ra để giải quyết về hưu sớm cho các cán bộ (hàng tỷ đồng trên mỗi đầu người), cuộc chạy loạn và xung đột trong bộ máy nhà nước và nạn thừa cấp phó ở mọi cấp ngành. Tệ hại hơn, khi không mang lại hiệu quả tinh giản, sáp nhập tỉnh còn làm đổ vỡ tình cảm dân tộc vì nhiều người cảm thấy nay quê hương của họ bị xóa sổ với những giá trị văn hóa, ký ức, đau đớn hơn cả là vùng Tây Nguyên của người Thượng bị xẻ ngang dọc. Tinh giản bộ máy, và sáp nhập tỉnh là một sự phách lối giờ chót của ông Tô Lâm càng tạo thêm một sự hoảng loạn và lộn xộn trong những ngày tháng vay mượn cuối cùng của đảng Cộng Sản Việt Nam.
5. Thời gian vay mượn đã chấm dứt
Tháng 7 cũng có một sự kiện lớn cần được bàn tới là kết quả của cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Việt Nam là nước đầu tiên đã tiếp cận yêu cầu đàm phán với Hoa Kỳ và là nước thứ hai đạt được thỏa thuận thương mại song phương với Hoa Kỳ theo đó Việt Nam sẽ trả 20% thuế quan với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ và 40% với những hàng hóa trung chuyển từ một nước khác qua Việt Nam để xuất vào Mỹ. Trong ngày thứ hai: 7-7-2025, Donald Trump tuyên bố sẽ gửi thư đến một số nước “thông báo mức thuế quan”, trong khi nhiều nước như Nhật Bản, Liên Âu, hay Ấn Độ đều tỏ ra rằng họ không thể kết thúc đàm phán vì một cuộc đàm phán thương mại sẽ phải mất nhiều hơn 90 ngày vì tính chất phức tạp của những hoạt động thương mại, một phần vì mức thuế 25% với ngành công nghiệp ô tô (như trường hợp của Nhật). Dù vậy, thì cũng có nguồn tin cho thấy những nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chỉ phải chịu mức thuế 10%, còn châu Âu đang tiến gần một thỏa thuận cho phép 50% hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ không phải chịu thuế quan.
Nghĩa là mức thuế Việt Nam đã phải chấp nhận có phần nặng nề hơn so với những nước đồng minh của Hoa Kỳ và có phần quá đáng khi đòi hỏi Việt Nam phải vừa chấp nhận thuế quan nhưng cũng mở cửa để Mỹ xuất khẩu hàng vào thị trường Việt Nam ở mức thuế quan bằng 0. Dù vậy, con số đó cũng không phản ánh sự thù ghét của Mỹ với Việt Nam. Cố vấn kinh tế của chính quyền Hoa Kỳ Stephen Miran thuộc phái diều hâu cho hay mức thuế quan 20% là đường cơ sở của chính sách thuế quan của Hoa Kỳ (nghĩa là nếu Việt Nam không chịu mức thuế hơn như vậy thì cũng là một sự “nương tay” của họ), mặt khác thì vấn đề hàng hóa trung chuyển (chủ yếu là Trung Quốc) thì họ sẽ không nhượng bộ.Những gì chúng ta chưa biết là những chi tiết nhỏ của các thỏa thuận và thế nào được định nghĩa là “hàng hóa trung chuyển” từ nước thứ ba khi mà phần lớn hàng Việt Nam xuất khẩu đi trong lĩnh vực điện tử, máy móc đều là hàng hóa mà linh kiện chủ yếu đến từ nước khác, Việt Nam chỉ làm công đoạn gia công bước cuối, đóng bao bì cho thành phẩm.
Tất cả những gì chúng ta biết rõ là chế độ đã rất vội vàng và muốn sớm có một kết quả sớm nhất về vấn đề thuế quan. Thậm chí họ đồng ý yêu cầu của Mỹ trước khi đàm phán cụ thể. Nhưng dù vậy ngay cả ở một điều kiện khả quan nhất thì kinh tế Việt Nam sẽ chịu tổn hại hơn khi xuất nhập khẩu đã lớn hơn 200% GDP và những đổ vỡ lớn về sản xuất, đầu tư nước ngoài, việc làm cho người lao động là những điều không thể tránh khỏi trong thời gian tới. Nhìn ở bức tranh rộng hơn, kỷ nguyên của các chế độ cởi mở về kinh tế nhưng độc tài về chính trị đã chấm dứt: họ đã dựa vào một phong trào toàn cầu hóa xô bồ khi tổ chức thương mại tự do không đặt trên ưu tư về nguyên tắc dân chủ, pháp trị, và nhân quyền; cùng cơ chế thương mại tự do còn nhiều khiếm khuyết: không có cơ chế để kiểm soát và điều độ các chính sách công nghiệp (industrial policies), duy trì các quốc gia trung chuyển đu dây giữa Phương Tây và Trung Quốc để tránh xung đột trực tiếp về nguyên tắc đạo đức (như phải trừng phạt Trung Quốc vì nhân quyền, lao động cưỡng bức). Những chế độ cướp bóc không bị lên án vì tình trạng bất công, chiếm đoạt tài sản vì các chế độ dân chủ phóng khoáng cũng gây ra bất mãn khi để bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Châu Âu và Đức đang kêu gọi cải tổ WTO và thậm chí là thành lập một tổ chức thương mại tự do mới báo hiệu cho một cố gắng phục hồi trật tự thế giới mới, trước hết là một phong trào thương mại tự do mới bài bản và ngay ngắn hơn mà sự gia nhập của Hoa Kỳ có thể chỉ là tối thiểu, vai trò cường quốc sản xuất của Trung Quốc bị xét lại. Việt Nam vẫn nằm trong khối Ấn Độ- châu Á- Thái Bình Dương, cái nôi của sản xuất và tăng trưởng của thể giới (hiện đang chiếm 60%). Chúng ta có mọi tiềm năng để tiếp tục hội nhập vào một trật tự mới của thế giới và có một vai trò đáng kể, nhưng mọi lý do ngăn cản triển vọng tiếp tục hội nhập của Việt Nam là sự tồn tại của chế độ Cộng Sản Việt Nam và vì những gì đảng Cộng Sản đang đại diện cũng là những gì thế giới phải đào thải.
Điều đáng lo ngại là Tô Lâm đang say mê với những kẻ nịnh thần, những mục tiêu và con đường không có thực và ảo vọng về quyền lực và một chế độ gia đình trị miễn là ông ta còn vũ lực trong tay. Ông ta đang đưa đất nước chúng ta vào một tình trạng loạn lạc sứ quân ở một thời điểm mà quá trình giải thể đảng Cộng Sản Việt Nam buộc phải diễn ra, nhưng cũng cần một trật tự để dần thực thi dân chủ hóa, hòa giải dân tộc, và khôi phục công lý trên đất nước Việt Nam tạo tiền đề cho những cố gắng đáng kể về mô thức và định hướng lớn cho đất nước chúng ta để đi vào một Kỷ nguyên mới. Thật không có gì vô duyên hơn là tạo ra một kịch bản Romania để chính bản thân ông Tô Lâm và đất nước là nạn nhân dù khả năng ban đầu đã là không xảy ra nếu họ lựa chọn là tác nhân của dân chủ. Cho đến nay cơ hội chấm dứt kịch bản Romania vẫn còn, nhưng nó phải bắt đầu ở chính bản thân của ông Tô Lâm là chấm dứt sự điên loạn mà mình gây ra. Nếu ông vẫn không nhận ra sự tai hại của mình, những ngày tháng sau tháng 7/2025 chỉ mở ra một bi kịch cho ông Tô Lâm và có thể là đất nước Việt Nam mà thôi. Chúng ta phải cùng nhau cố gắng để chấm dứt sự điên loạn này.
Chu Tuấn Anh
Nguồn: https://thongluan-rdp.online/quan-diem/to-lam-va-dang-cong-san-cai-cach-hay-trong-con-dien-loan-chu-tuan-anh/