Nga cố tỏ ra hung hổ trước phương Tây nhưng lực bất tòng tâm (BBC tiếng Việt, Ben King)
Nga có tiền và sẵn sàng trả, nhưng các lệnh trừng phạt khiến nước này không thể trả các khoản thanh toán cho những chủ nợ quốc tế.
Ukraine có thể gia nhập EU như thế nào và Nga nói gì ?
BBC, 26/06/2022
Ukraine vừa chính thức được trao tư cách ứng viên thành viên Liên hiệp Châu Âu (EU), bước đầu tiên để gia nhập tổ chức này.
Quá trình này có thể mất nhiều năm để hoàn tất và không có gì đảm bảo sẽ dẫn đến thành công. Moldova cũng đã được trao tư cách ứng viên EU.
EU là gì ?
EU là liên minh kinh tế và chính trị hiện gồm có 27 quốc gia.
Hàng hóa, dịch vụ và tiền tệ được quyền di chuyển tự do giữa các nước thành viên. Công dân EU có thể sống và làm việc ở bất cứ đâu trong liên minh.
Tổ chức này có một loại tiền tệ Châu Âu duy nhất, đồng euro, được dùng bởi hơn 340 triệu người tại 19 quốc gia thành viên.
Các thành viên áp dụng tiêu chuẩn giống nhau trong các lĩnh vực, bao gồm an toàn thực phẩm, nuôi trồng nông nghiệp, và quyền về việc làm.
EU cũng cấp các khoản tài trợ cho các khu vực nghèo hơn trong liên hiệp để giúp củng cố nền kinh tế các nước đó.
Tại sao Ukraine muốn gia nhập ?
Tổng thống Volodymyr Zelensky bắt đầu nộp đơn xin gia nhập EU năm ngày sau khi Nga tiến hành xâm lược.
Ông yêu cầu được gia nhập ngay lập tức.
Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU vào tháng 2/2022
Sẽ có những lợi ích tài chính khi gia nhập EU.
Tuy nhiên, động cơ chính của Ukraine không phải là kinh tế, Tiến sĩ Zach Paikin từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu, nói.
"Tư cách thành viên EU sẽ khiến Ukraine có vị thế vững chắc như một quốc gia Châu Âu độc lập, có chủ quyền", ông nói. "Chứ không chỉ đơn thuần là một phần của thế giới Nga".
Nga phản ứng như thế nào ?
Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin phản đối mong muốn từ lâu của Ukraine trong việc gia nhập liên minh quân sự NATO, nhưng ông khẳng định "không hề chống lại" việc Ukraine gia nhập EU.
Tuy nhiên, Điện Kremlin cho biết họ "tăng cường chú ý" tới lá đơn xin gia nhập EU của Ukraine, vì EU đang cân nhắc việc có lực lượng phòng vệ của riêng mình.
"Các yếu tố quân sự, quốc phòng và an ninh đang được thảo luận", Nga nói. "Chúng tôi đương nhiên là quan sát kỹ càng mọi thứ".
Tổng thống Ukraine Zelensky đã cảnh báo rằng Nga có thể trả đũa đối với việc Ukraine đệ đơn.
"Rõ ràng, chúng ta nên trông đợi là Nga sẽ có thêm hoạt động thù địch", ông nói. "Không chỉ là chống lại Ukraine, mà còn chống lại các nước khác trong Châu Âu".
Làm thế nào để một nước gia nhập EU ?
Đầu tiên, Ủy ban Châu Âu, cơ quan dân sự của EU, sẽ đánh giá xem liệu quốc gia đó có phù hợp để tham gia hay không.
Cơ quan này sẽ cân nhắc xem nước đó có một chính phủ ổn định, dân chủ, tôn trọng nhân quyền và có một nền kinh tế thị trường tự do hay không.
Tất cả các thành viên EU phải đồng ý thì một quốc gia mới có thể trở thành ứng viên.
Nếu thành công, ứng viên đó phải chấp nhận, thông qua tất cả các luật và quy định của EU. Điều này thường mất vài năm.
Cuối cùng, nước này sẽ ký một hiệp ước, và hiệp ước đó cần phải được tất cả các nước thành viên EU khác chính thức phê duyệt.
Mất bao lâu thời gian để có thể gia nhập EU ?
Đối với những nước mới gia nhập EU trong thời gian gần đây, gồm Bulgaria, Romania và Croatia, thì thời gian này là từ 10 đến 12 năm.
Albania, Bắc Macedonia, Montenegro và Serbia đã được trao tư cách ứng viên viên chính thức trong nhiều năm, nhưng đơn xin gia nhập của các nước này vẫn giậm chân tại chỗ.
Thổ Nhĩ Kỳ trở thành ứng viên vào năm 1999. Tuy nhiên, quá trình này bị đình trệ do có những lo ngại về hồ sơ nhân quyền của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ukraine phù hợp đến đâu trong EU ?
- Nước này có diện tích đất lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác trong EU : 603.550 km vuông. Không tính đến các khu vực hải ngoại của Pháp
- Dân số đông thứ năm : 44,13 triệu
- GDP bình quân đầu người hàng năm của Ukraine là 3.724 đô la (3.040 bảng Anh) - bằng một phần chín mức trung bình của EU
- Ukraine đã bán cho EU 30% tổng lượng ngũ cốc mà khối này nhập khẩu
Mối liên hệ hiện tại của Ukraine với EU là gì ?
Kể từ năm 2017, Ukraine đã có thể giao dịch với các quốc gia EU mà không phải chịu thuế quan - tức là thuế đánh vào hàng hóa qua lại giữa các quốc gia - theo một thỏa thuận liên kết.
Như một phần của quá trình chuẩn bị đăng ký trở thành thành viên, Ukraine đã thay đổi nhiều luật và quy định của mình để đáp ứng các tiêu chuẩn EU.
Ukraine cần phải làm gì khác nữa ?
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng "công việc tốt đã được thực hiện", nhưng Ukraine phải thực hiện "những cải cách quan trọng" hơn nữa.
Bà von der Leyen nói bà muốn Ukraine "sống cùng chúng ta trong giấc mơ Châu Âu"
Những điểm này bao gồm tăng cường pháp quyền, cải thiện nhân quyền, giảm bớt quyền lực của giới tài phiệt và giải quyết tình trạng tham nhũng.
Còn một thách thức khác, đó là cần làm trong sạch hệ thống tòa án Ukraine, vốn đã bị chỉ trích rộng khắp.
Tư cách thành viên EU đã giúp những nước mới gia nhập trong thời gian gần đây thế nào ?
Kể từ khi gia nhập cách đây 15 năm, thu nhập quốc dân của Romania đã tăng gấp ba lần và của Bulgaria, tăng gấp đôi.
EU đã viện trợ hàng chục tỷ euro cho cả hai nước để hỗ trợ phát triển kinh tế - chẳng hạn như xây dựng đường sá, cảng mới.
Từ năm 2014 đến năm 2020, Bulgaria nhận được 11,2 tỷ euro và Romania, 35 tỷ euro.
Tuy nhiên, Tổ chức Minh bạch Quốc tế nói rằng rất nhiều khoản tiền này đã bị thất thoát do tham nhũng.
Bulgaria vẫn đứng cuối Liên hieepk Châu Âu về tiền lương, y tế và giáo dục, nhưng Romania đã tăng từ vị trí nước nghèo thứ hai lên vị trí nước nghèo thứ sáu.
Khoảng 1,5 triệu người Bulgaria và 4 triệu người Romania đã dựa vào chính sách "tự do đi lại" của EU để đi ra nước ngoài. Các nhà phê bình lo ngại sự "chảy máu chất xám" này có thể gây tổn hại đến triển vọng tương lai của cả hai nước.
Nguồn : BBC, 26/06/2022
********************
Nga sắp vỡ nợ khi hết hạn thanh toán lãi vay
Ben King, BBC, 26/06/2022
Nga đang trên bờ vực vỡ nợ lần đầu tiên kể từ năm 1998 khi dường như chắc chắn không thanh toán được 100 triệu USD tiền lãi vào hôm Chủ nhật 26/06.
Không rõ việc vỡ nợ sẽ được chính thức tuyên bố thế nào.
Nga có tiền và sẵn sàng trả, nhưng các lệnh trừng phạt khiến nước này không thể trả các khoản thanh toán cho những chủ nợ quốc tế.
Điện Kremlin đã quyết tâm tránh một vụ vỡ nợ đầu tiên kể từ năm 1998, và một đòn giáng mạnh vào uy tín của quốc gia.
Bộ trưởng Tài chính Nga gọi tình huống này là "một trò hề".
Nga dường như không thể tránh khỏi vỡ nợ kể từ khi các lệnh trừng phạt lần đầu tiên mà Hoa Kỳ và EU áp đặt sau cuộc xâm lược Ukraine.
Các lệnh trừng phạt này đã hạn chế quyền truy cập của nước này vào mạng lưới ngân hàng quốc tế, là hệ thống sẽ xử lý các khoản thanh toán từ Nga cho các nhà đầu tư trên khắp thế giới.
Chính phủ Nga cho biết họ muốn thực hiện tất cả các khoản thanh toán đúng hạn và cho đến nay, họ đã thành công. Khoảng 40 tỷ USD các khoản nợ của Nga được tính bằng đô la hoặc euro, với khoảng phân nửa được giữ ở nước ngoài.
Đây là vụ vỡ nợ đầu tiên kể từ năm 1998, là giai đoạn cuối hỗn loạn của chế độ Boris Yeltsin.
Khoản thanh toán lãi 100 triệu đô la đến hạn phải trả vào ngày 27 tháng 5. Nga cho biết số tiền đã được gửi đến Euroclear, một ngân hàng sau đó sẽ chuyển khoản thanh toán cho các nhà đầu tư.
Nhưng khoản thanh toán đó đã bị mắc kẹt ở đó, theo Bloomberg News, và các chủ nợ đã không nhận được.
"Họ không nhận được", Jay Auslander, một luật sư Hoa Kỳ, người đã làm việc cho nhiều giao dịch nợ của chính phủ cho biết : "Và khả năng cao là họ sẽ không nhận được khoản thanh toán". Nếu số tiền này không được trả trong vòng 30 ngày kể từ ngày đáo hạn, tức là vào tối Chủ Nhật, thì khoản đó sẽ được coi là vỡ nợ".
Euroclear không nói liệu khoản thanh toán có bị chặn hay không, nhưng cho biết họ tuân thủ tất cả các lệnh trừng phạt.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nói nước ông không có nhu cầu vay thêm.
Vỡ nợ dường như không thể tránh khỏi
Việc vỡ nợ dường như không thể tránh khỏi khi Bộ Tài chính Mỹ quyết định không gia hạn quyền miễn trừ đặc biệt trong các lệnh trừng phạt cho phép các nhà đầu tư nhận thanh toán lãi suất từ Nga, với hạn chót là vào ngày 25/5.
Điện Kremlin hiện dường như cũng đã chấp nhận điều không thể tránh khỏi này, và ra sắc lệnh vào ngày 23 tháng 6 nêu rõ rằng tất cả các khoản thanh toán nợ trong tương lai sẽ được thực hiện bằng đồng rouble thông qua một ngân hàng Nga, Cơ quan Lưu ký Thanh toán Quốc gia, ngay cả khi các hợp đồng nêu rõ tiền thanh toán và phải bằng đô la hoặc các loại tiền tệ quốc tế khác.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov thừa nhận các nhà đầu tư nước ngoài sẽ "không thể nhận" các khoản thanh toán, theo hãng thông tấn RIA Novosti.
Đó là vì hai lý do, ông nói. "Thứ nhất là cơ sở hạ tầng nước ngoài - ngân hàng đại lý, hệ thống thanh toán và bù trừ, ký quỹ - bị cấm thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến Nga. Thứ hai là các nhà đầu tư nước ngoài bị cấm nhận thanh toán từ chúng tôi".
Vì Nga muốn thanh toán và có nhiều tiền để làm điều đó, ông phủ nhận rằng đây là khoản vỡ nợ thực sự, thường xảy ra khi các chính phủ từ chối thanh toán hoặc nền kinh tế của họ yếu đến mức họ không thể tìm ra tiền.
"Mọi người trong cuộc đều hiểu rằng đây hoàn toàn không phải là vỡ nợ", RIA Novosti dẫn lời ông. "Toàn bộ tình huống này trông giống như một trơi khăm".
Không rõ việc vỡ nợ sẽ được chính thức tuyên bố thế nào.
Nếu Nga không trả, các chủ nợ có thể kiện ra tòa để lấy lại tiền.
Mặc dù vỡ nợ sẽ là một đòn tượng trưng, nhưng nó sẽ có ít hậu quả thực tế ngay lập tức đối với Nga.
Các quốc gia vỡ nợ thường không thể vay thêm tiền, nhưng Nga trên thực tế đã bị cấm vay ở các thị trường phương Tây bởi các lệnh trừng phạt.
Dẫu sao thì Nga được cho là kiếm được khoảng một tỷ đô la mỗi ngày từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, và Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết vào tháng Tư là nước này không có kế hoạch vay thêm.
Ben King
Phóng viên Kinh doanh, BBC News
Nguồn : BBC, 26/06/2022