Mức thuế mới của Mỹ sẽ tác động thế nào đến Việt Nam ? (Việt Hoàng)

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 2/7/2025 thông báo Mỹ sẽ đánh thuế hàng hóa Việt Nam nhập vào Mỹ 20% và nếu là hàng trung chuyển thì phải chịu mức thuế lên đến 40%. Trong khi đó hàng hóa của Mỹ nhập vào Việt Nam không bị đánh thuế (thuế xuất 0%).

Có thể thấy gì về mức thuế quan mới này giữa Mỹ và Việt Nam ?
Đầu tiên, thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đạt được quá sớm so với thế giới. Nguyên nhân của nó, chúng tôi đã nói từ lâu, Việt Nam quá phụ thuộc vào ngoại thương, xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm đến 200% GDP. Trong khi đó kinh nghiệm của thế giới cho thấy mức độ an toàn của nền kinh tế chỉ có thể đảm bảo khi ngoại thương không vượt quá 50% GDP. Khi vượt qua ngưỡng đó thì Việt Nam không còn giữ được sự độc lập về kinh tế mà phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài. Khi đó Việt Nam phải chịu những rủi ro và bất ổn không do mình gây ra.


Điều đó đang diễn ra đúng như chúng tôi đã cảnh báo từ nhiều năm trước. Việt Nam quá phụ thuộc vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ và giờ đây với chính sách thuế mới của chính quyền Trump, Việt Nam đang rơi vào tình thế hiểm nghèo. Việc Tô Lâm và ĐCSVN nhanh chóng đàm phán và chấp nhận mức thuế mới của Mỹ trong khi các nước khác vẫn trong quá trình thương lượng cho thấy sự cấp bách và nghiêm trọng của vấn đề.


Việc chính quyền Mỹ đánh thuế 40% cho hàng hóa trung chuyển qua Việt Nam rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc. Một thực tế mà chúng ta đều biết là hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đều đến từ Trung Quốc. Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu và hàng hóa từ Trung Quốc về rồi gia công lại hay chỉ đơn giản là dán nhãn ‘Made in Vietnam’ rồi xuất sang Mỹ. Lý do là Việt Nam không có ngành công nghiệp phụ trợ do không được nhà nước hỗ trợ nên không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc. Tất cả những gì các doanh nghiệp Việt Nam làm được thì Trung Quốc đều làm đẹp hơn và rẻ hơn. Cách đơn giản nhất là nhập từ Trung Quốc về để dùng. Tất cả mọi nguồn lực của người Việt Nam đều dồn hết vào bất động sản và kết quả là có hàng nghìn khu đô thị cao cấp xây xong rồi bỏ hoang.


Nếu như chính quyền Mỹ làm nghiêm túc thì chỉ có rất ít hàng hóa của Việt Nam xuất sang Mỹ chịu mức thuế 20%. Đa phần phải chịu mức thuế suất 40% do tỉ trọng hàng hóa của Trung Quốc trong đó quá lớn.
Chúng ta cũng cần biết mức đánh thuế trung bình hiện nay của Mỹ với các nước vẫn đang là 10%. Nếu các nước trong khu vực Đông Nam Á đạt được mức thuế với Mỹ dưới 20% thì Việt Nam rơi vào hoàn cảnh rất bất lợi. Khi đó các công ty nước ngoài sẽ chuyển nhà máy từ Việt Nam sang các nước láng giềng để giảm thiểu mức thuế nhập vào Mỹ.


Ngay cả với mức thuế 20% nhập khẩu vào Mỹ thì đa số các công ty của người Việt không còn lợi nhuận. Thay vì đầu tư cho chất lượng và thương hiệu hàng hóa thì các doanh nhân Việt Nam đều dùng cách rất lỗi thời là tìm mọi cách để giảm giá bán. Tức là cạnh tranh bằng cách ép giá người nông dân và công nhân để có lợi thế về giá.


Như anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã phân tích, nền kinh tế thế giới hiện nay có thể tạm chia thành ba mức độ phát triển.


Mức độ đầu tiên là giai đoạn một quốc gia từ sản xuất nông nghiệp trở thành một nước công nghiệp đơn giản, sản xuất các mặt hàng thiết yếu như quần áo, giày dép… Đây là những công việc cần nhiều nhân lực nhưng không cần tay nghề cao. Thu nhập bình quân đầu người khá thấp, khoảng 4.000-5.000 USD/ năm. Việt Nam đang ở trong giai đoạn này.


Giai đoạn thứ hai là khi một quốc gia công nghiệp đơn giản trở thành nước công nghiệp kỹ thuật cao. Họ có thể sản xuất máy tính, điện thoại thông minh hay xe hơi. Học vấn và tay nghề của người công nhân khi đó đã được nâng cao nên thu nhập cũng tăng lên. Bình quân đầu người vào khoảng 10.000-12.000 USD/năm, đạt mức thu nhập trung bình của thế giới. Trung Quốc là một ví dụ.


Giai đoạn cuối cùng là khi một quốc gia công nghiệp trở thành một nước dịch vụ. Khi đó lĩnh vực dịch vụ của các quốc gia này chiếm từ 60% GDP trở lên bao gồm y tế, giáo dục, tài chính, du lịch, bảo hiểm, giải trí, luật, bản quyền và sáng chế… Thu nhập bình quân vào khoảng trên dưới 30.000 USD người/năm.

Trong giai đoạn này tri thức và sáng tạo sẽ là yếu tố quyết định. Giai đoạn này vì thế được gọi là ‘nền kinh tế tri thức’. Các nước phát triển trên thế giới đều đã ở trong giai đoạn này như các nước G7…


Việt Nam cho dù đã có thay đổi trong lĩnh vực kinh tế nhưng các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm giữ độc quyền các lĩnh vực sinh lợi cao như điện, nước, xăng dầu, khai khoáng, vàng… Gần đây Tô Lâm và ĐCSVN đang kêu gọi phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam. Liệu nền kinh tế Việt Nam có thể phát triển trong giai đoạn tới không ? Chắc chắn là không.


Để tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh thì cần rất nhiều yếu tố như:
– Tôn trọng quyền sở hữu tư nhân.
– Tôn trọng ý kiến và sáng kiến (bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ).
– Luật pháp rõ ràng, minh bạch, ổn định và được thực thi một cách nghiêm túc (chứ không thay đổi tùy tiện, liên tục và gây bất lợi cho người kinh doanh).
– Nhà nước không ưu đãi hay phân biệt các thành phần kinh tế như giữa các doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, giữa các nhà đầu tư nước ngoài với các nhà đầu tư trong nước. Nhà nước không có chức năng kinh doanh…


Ngoài các yếu tố cơ bản đó ra thì còn một yếu tố rất quan trọng nữa là phải có một chính quyền không tham nhũng. Tham nhũng tàn phá và hủy hoại tất cả luật lệ và bóp méo thị trường…Tham nhũng khiến buôn lậu và hàng giả tràn lan khiến những người kinh doanh đứng đắn luôn thua thiệt. Thế nhưng chế độ cộng sản không thể chống được tham nhũng vì nó đã ăn sâu vào xương tủy của hệ thống.


Kết luận của chúng tôi là, muốn nền kinh tế đất nước phát triển thì Việt Nam phải có dân chủ trước đã. Khi ĐCSVN vẫn còn tùy tiện bắt giữ những người dân bày tỏ ý kiến ôn hòa của mình như việc bắt giữ hai thanh niên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là Trần Khắc Đức và Quách Gia Khang và nhiều người bất đồng chính kiến khác thì sẽ không có bất cứ một thay đổi hay cải cách nào là thành thực và vì thế chúng không thể thành công.


Ưu tư của ĐCSVN là kéo dài sự cai trị của chế độ chứ không phải phát triển đất nước. Các cuộc ‘cách mạng’ của Tô Lâm đang làm chế độ cáo chung nhanh hơn. Đã đến lúc người dân Việt Nam nên tìm hiểu về một giải pháp chính trị khác cho đất nước và cho chính mình. Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là một gợi ý.


Việt Hoàng
(4/7/2025)

Nguồn: https://thongluan-rdp.online/quan-diem/muc-thue-moi-cua-my-se-tac-dong-the-nao-den-viet-nam-viet-hoang/