Tội của quan và lỗi của dân (Phạm Đình Trọng)

 Trong cuộc sống, mỗi người có một vị trí, một thang bậc giá trị xã hội khác nhau. Thời phong kiến trung cổ, vị trí xã hội khác nhau, thang bậc giá trị xã hội khác nhau sẽ dẫn đến khác biệt một trời, một vực trong trật tự, kỉ cương nhà nước phong kiến thời văn minh nông nghiệp.

Chỉ những người có quyền lực chăn dân mới được nhìn nhận là những cá nhân, mới có quyền con người và có quyền uy nhà nước do vị trí xã hội và thang bậc xã hội mang lại. Đám đông đồng loại còn lại chỉ là bầy đàn ở dưới đáy xã hội phong kiến, không có cá nhân và chỉ là những con người công cụ trong tay những đấng bậc chăn dân, không được xếp hạng trong thang bậc giá trị xã hội.

Những cá nhân có quyền lực chăn dân tạo ra luật lệ và đứng ngoài, đứng trên luật lệ do họ tạo ra. Luật lệ chỉ để trói buộc và trừng trị đám đồng loại bầy đàn dưới đáy xã hội, chỉ để thể hiện quyền uy và giá trị xã hội của đấng bậc chăn dân nhằm giữ trật tự, kỉ cương và duy trì sự tồn tại bền vững của triều đại phong kiến.

Cách mạng dân chủ tư sản Pháp 1789 là tia sáng đầu tiên của rạng đông xã hội dân chủ tư sản, khởi đầu quá trình kết thúc đêm dài phong kiến trung cổ, mở ra một nền văn minh mới của loài người, văn minh công nghiệp. Khởi đầu từ các nước châu Âu rồi lần lượt cả xã hội loài người trước sau tiếp nối nhau từ biệt đêm dài phong kiến trung cổ của văn minh nông nghiệp, bước ra ánh sáng của xã hội công nghiệp, xã hội dân chủ văn minh.

Ý nghĩa vĩ đại nhất, giá trị lớn lao nhất và vĩnh hằng của cách mạng dân chủ tư sản là giải phóng cá nhân khỏi bầy đàn. Mỗi cá nhân có mặt trong cuộc đời dù là cùng đinh, kiết xác cũng được luật pháp xã hội dân chủ tư sản nhìn nhận là những cá thể riêng biệt, những cá nhân công dân được pháp luật bảo đảm quyền bình đẳng công dân: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Tự xưng là nhà nước dân chủ, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ra đời năm 1945 cũng lập tức cho ra đời bản hiến pháp dân chủ và ngay ở phần đầu bản hiến pháp dân chủ của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà có liên tiếp hai điều luật bảo đảm quyền bình đẳng công dân của người dân Việt Nam.

Điều thứ 6. Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá.

Điều thứ 7. Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình.

Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Công Hoà rồi tiếp nối nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trải qua 80 năm đã năm lần viết lại hiến pháp và ngay ở phần đầu cả năm bản hiến pháp đều bảo đảm quyền bình đẳng công dân của người dân Việt Nam. Hiến pháp 2013 hiện hành xác định quyền bình đẳng công dân cụ thể là: Một, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Hai, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội.

Trong ánh sáng văn minh công nghiệp, dù nhà nước độc tài cũng phải mang danh nhà nước dân chủ. Mà hai tiêu chí hàng đầu, cốt lõi không thể thiếu của xã hội dân chủ là con người có mặt trong cuộc đời, có mặt trong xã hội là những cá nhân chứ không phải có mặt trong bầy đàn và mọi cá nhân công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Dù nhà nước dân chủ thực sự hay nhà nước dân chủ hình thức, dù nhà nước ra đời sau cách mạng vô sản, kiên trì thực hiện chuyên chính vô sản thực sự là nhà nước độc tài tàn bạo, sắt máu nhất trong lịch sử loài người thì trong hiến pháp đều phải ghi nhận: Mọi công dân đầu bình đẳng trước pháp luật.

Sơ lược đôi nét về một dòng chữ ngắn ngủi trong hiến pháp của mọi nhà nước trong ánh sáng văn minh công nghiệp để thấy ý nghĩa lịch sử và giá trị nhân văn của quyền bình đẳng công dân. Mọi Công Dân Đều Bình Đẳng Trước Pháp Luật là một bước tiến dài của loài người đi từ hoang dã đến văn minh. Không có quyền bình đẳng công dân thì nhà nước dù mang tiêu chí gì, dân chủ hay xã hội chủ nghĩa vẫn chỉ là nhà nước phong kiến trung cổ.

Nhìn vào hành xử của quyền lực nhà nước trong việc bảo đảm quyền bình đẳng công dân của người dân sẽ nhận ra chính xác nhà nước đó là nhà nước dân chủ văn minh đích thực, thành quả của cách mạng dân chủ vĩ đại, sản phẩm của văn minh công nghiệp hay giữa văn minh công nghiệp vẫn còn nhà nước chìm đắm bóng tối phong kiến trung cổ, phải núp bóng dân chủ, phải ghi vào hiến pháp tiêu chí cốt lõi của xã hội dân chủ “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” chỉ để che giấu bản chất nhà nước phong kiến trung cổ, che giấu sự thật nhà nước tội đồ của lịnh sử, nhà nước lạc lõng với thời đại.

Nhìn nhận việc thực thi quyền bình đẳng công dân được ghi ở điều 16 hiến pháp 2013 “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” của  nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam để nhận ra bản chất nhà nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa.

Cuộc đời lam lũ chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, người nông dân khốn khó không có men say cuộc sống phải tìm đến men say trong rượu.  Gầy cuộc nhậu với mấy thân phận cùng cảnh ngộ mà chỉ có rượu suông thì càng thêm cay đắng, người nông dân nghèo khó liền chui rào nhà hàng xóm có của bắt trộm con vịt giá vài chục ngàn đồng về làm mồi nhậu.

Nghèo đói cuộc sống vật chất, nghèo đói niềm vui, nghèo đói cả kiến thức pháp luật, người nông dân bắt trộm con vịt trị giá vài chục ngàn đồng liền bị toà án nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tuyên bản án bảy năm tù giam. Xin nhắc lại: Bảy năm tù vì bắt trộm một con vịt!

Trong khi ông phó tổng giám đốc ngân hàng nhà nước Đặng Thanh Bình làm thất thoát 15 000 tỉ đồng, mười lăm ngàn tỉ tiền của dân của nước thì được toà án nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam kể lể công lao, thành tích cuộc đời làm quan của tội phạm khủng khiếp, ghê tởm Đặng Thanh Bình rồi tuyên bản án tù treo, không một ngày ngồi tù! Xin nhắc lại: Quan lớn phó tổng giám độc ngân hàng nhà nước làm thất thoát mười lăm ngàn tỉ tiền chỉ phải nhận bản án tù treo!

Có công lao, thành tích, có bằng khen, huân chương thì đã được qui đổi sòng phẳng trong đề bạt, cất nhắc, đã được thăng quan tiến chức. Chức càng cao thì kiến thức xã hội và kiến thức pháp luật càng phải rộng, đạo đức càng phải sáng, tấm gương và tầm ảnh hưởng xã hội càng lớn. Vì vậy tội phạm của quan càng to thì tác hại với xã hội càng nặng nề và rộng lớn, càng phải có mức án nghiêm khắc chứ không phải quan càng to càng được pháp luật nương nhẹ, nuông chiều, ưu ái!

Dân không được bình đẳng trước pháp luật với quan là sự việc diễn ra hàng ngày, tạo ra rất nhiều bất công trong xã hội, rất nhiều nỗi đau trong lương tâm, rất nhiều méo mó trong hành xử với dân của quyền lực nhà nước Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ xin nhắc đến hai vụ việc gần đây về sự bất bình đẳng trước pháp luật giữa quan và dân đang xôn xao trong đời sống xã hội, đang gây lo lắng, bất an cho người dân về phận dân đen.

Giữa những dãy nhà san sát trong khu dân cư chen chúc phường Bình Hưng Hoà, BÌnh Tân, Sài Gòn, xưởng may mặc tư nhân trong đêm khuya ca hát phát ra loa công suất lớn gây ồn ào náo động cả khu dân cư. Người dân phải lên tiếng nhắc nhở thì chủ xưởng may liền hung hăng gây sự, chửi bới, đe doạ và giật đổ cánh cửa nhà người lên tiếng than phiền về tiếng ồn. Giật đổ cánh cửa nhà hàng xóm là hành động dù mang tính côn đồ vẫn chỉ là hành vi dân sự, là lỗi lầm trong giao tiếp xã hội, lỗi lầm trong văn hoá ứng xử, có gây thiệt hại vật chất cũng rất nhỏ, chưa thành vụ việc hình sự.

Chủ xưởng may nhỏ với hơn chục máy may cũng chỉ là dân đen. Dân đen thì phải nhận sự nghiêm khắc của pháp luật. Lỗi lầm dân sự cũng thành tội phạm hình sự. Công an, công cụ bạo lực nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam liền sốt sắng vào cuộc bắt giam khẩn cấp người dân giật đổ cánh cửa nhà hàng xóm!

Bắt khẩn cấp người dân giật đổ cánh cửa nhà hàng xóm. Hình sự hoá vụ việc dân sự với dân đen nhưng lại làm ngơ trước vụ việc hình sự nghiêm trọng, trước án mạng đau thương, trước tội ác do quan gây ra.

Ông quan Nguyễn Sỹ Cương chỉ là cựu đại biểu quốc hội, cựu phó chủ nhiệm một uỷ ban của quốc hội khoá trước nhưng lại là chồng bà đương nhiệm uỷ viên trung ương đảng, đương nhiệm phó thường trực văn phòng trung ương đảng. Ông chồng bà phó chánh văn phòng trung ương đảng lái ô tô hạng sang trên phố Hà Nội bỗng đột ngột tăng tốc, lao vút sang phần đường chiều ngược lại, đâm vào chiếc xe máy người cha chở con gái. Xe máy nát. Cha gãy chân. Con gái 18 tuổi đang tuổi đẹp nhất cuộc đời đứt lìa chân. Sau một tuần đau đớn cô gái đang trong tuổi lung linh nhất đời người phải giã từ cuộc sống!

Vụ việc nghiêm trọng cũng là vụ án mạng bi thảm đau thương như vậy, dù vô tình, ông chồng bà uỷ viên trung ương đảng cũng gây ra tội ác lớn như vậy nhưng hơn tháng đã qua, cơ quan thực thi pháp luật, công an các cấp, từ địa phương đến trung ương đều im lặng! Hèn nhát, đê tiện, nhẫn tâm, bỏ mặc người bị nạn nằm trong vũng máu trên đường phố, quan gây ra vụ việc hình sự đẫm máu thản nhiên cầm điện thoại gọi người thân chạy xe máy đến đưa đi chạy trốn! Ông quan gây ra tai nạn đẫm máu cho người dân đã lảng tránh trách nhiệm. Cơ quan công quyền, cơ quan pháp luật nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng lảng tránh trách nhiệm. Người dân thân cô, thế cô sống trong văn minh công nghiệp, có mặt giữa sóng người cuồn cuộn mà bơ vơ như giữa chốn hoang vu thời hồng hoang!

Một thể chế, một xã hội mà tội hình sự của quan được bỏ qua, được pháp luật nhìn nhận như một lỗi lầm dân sự và lỗi lầm dân sự của dân bị pháp luật ra tay trừng trị như với tội phạm hình sự thì hàng chữ bất di bất dịch suốt tám mươi năm qua “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” trong hiến pháp nhà nước Việt Nam Dân Chủ và nhà nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa chỉ là trò đùa dai, chỉ là sự diễu cợt, khinh miệt của nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam với người dân mà thôi.

Một thể chế, một xã hội mà tội hình sự của quan được bỏ qua, được pháp luật nhìn nhận như một lỗi lầm dân sự và lỗi lầm dân sự của dân bị pháp luật ra tay trừng trị như với tội phạm hình sự là một thể chế, một xã hội vô cùng bất an với người dân.

Lòng dân không phải là khái niệm trừu tượng, vô hình. Lòng dân là sức mạnh làm nên lịch sử. Lòng dân bất an là những lớp sóng ngầm bất bình trong xã hội đang có quá nhiều dân oan!

Phạm Đình Trọng

4/7/2025