Ánh mắt trẻ thơ

Tôi tỵ nạn tại Pháp vào đầu thập niên 1980. Chỉ một vài tháng sau khi ra khỏi trung tâm tạm cư và ổn định cuộc sống, tôi đã xin được sổ thông hành dành cho người tỵ nạn (titre de voyage). Cầm sổ thông hành trên tay và nghĩ đến những năm tháng còn trong nước khi phải xin giấy phép mỗi lần về thăm cha già chỉ sống cách nơi cư trú của mình không quá 15 cây số, tôi thấy lâng lâng như đang đi trên mây. Mộng "tang bồng hồ thỉ" của tôi coi như đã trở thành hiện thực.

anhmat1

Cầm sổ thông hành trên tay, mộng "tang bồng hồ thỉ" của tôi từ nay trở thành hiện thực.

Sổ thông hành mà một người tỵ nạn cộng sản mới chân ướt chân ráo đến Pháp như tôi đang cầm trên tay cho phép tôi được đi khắp Châu Âu. Dĩ nhiên ngoại trừ Liên Xô và các nước Đông âu Cộng sản.

Một trong những nước Châu Âu đầu tiên ngoài Pháp mà tôi đến viếng thăm là Đan Mạch, nơi một người bạn thời trung học của tôi đã định cư được vài năm. Sau một tuần lễ ở chơi với người bạn, hai nơi đã để lại một dấu ấn khó phai trong tâm trí tôi là nghĩa trang nơi thân mẫu của bạn tôi đang an nghỉ và bức tượng Người Cá nổi tiếng ở Thủ đô Copenhagen.

Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của một nghĩa trang được bao bọc bởi một hàng liễu rũ vây kín. Vừa bước vào bên trong tôi có cảm tưởng như đang đi lạc vào một thế giới khác. Tiếng nhạc cổ điển không rõ phát ra từ đâu tạo ra trong tôi một cảm giác thanh thản, an bình khó tả. Nhưng đánh động tôi nhiều nhứt là cấu trúc của các ngôi mộ. Tất cả đều được thiết kế như một thảm hoa. Vào nghĩa trang, tôi có cảm tưởng như đang đi dạo trong một vườn hoa hơn là nơi chôn cất người quá cố. Bức tranh toàn cảnh gợi lên cho tôi không những sự an hòa mà còn cả sự bình đẳng giữa những người đã chết : không có lăng tẩm, không có những phần mộ nguy nga. Mọi người đều chia sẻ vài ba tấc đất như nhau.

anhmat2

Một nghĩa trang ở Đan Mạch : không có lăng tẩm, không có những phần mộ nguy nga. Mọi người đều chia sẻ vài ba tấc đất như nhau.

Từ nghĩa trang tôi đã nhìn vào xã hội Đan Mạch. Qua những chia sẻ của người bạn cũng như từ những điều tôi quan sát được, tôi mới thấy rằng nếu ở cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bình đẳng chỉ là một cái bánh vẽ và "có những con thú bình đẳng hơn những con thú khác",  thì tại Đan Mạch cũng như tại các nước Tây Âu, đó là một thực tế mà tôi đã cảm nhận được.

Khi tôi chọn đi Pháp, nhiều người trong trại tỵ nạn đã cười nhạo tôi. Bộ điên rồi sao mà lại xin đi Pháp ?  Vào thập niên 1980, với sự lãnh đạo của Tổng thống François Mitterrand (1916-1996), Đảng Xã hội đã lên cầm quyền tại Pháp. Nhiều người tỏ ra lo ngại cho tôi bởi vì họ nghĩ rằng chỉ có những kẻ ngu dại mới trốn chạy khỏi "xã hội chủ nghĩa" ở Việt Nam để đâm đầu vào một nước xã hội chủ nghĩa khác. Nhưng một chút vốn liếng hiểu biết về lịch sử của nước Pháp cũng như triết học đã cho tôi niềm xác tín rằng Đảng Xã hội đang cầm quyền tại Pháp và điều được gọi là "cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" chẳng ăn nhập gì với nhau cả. Thực tế cuộc sống của một người tỵ nạn tại Pháp lại càng củng cố niềm xác tín của tôi : ngoài quyền tự do đi lại mà "cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" đã tước đoạt khỏi tôi, tôi còn được hưởng tất cả mọi thứ tự do cơ bản khác. Còn nếu như so sánh với cuộc sống của bạn bè và người thân của tôi tại Mỹ thì một người tỵ nạn nghèo như tôi còn được hưởng nhiều phúc lợi khác như bảo hiểm y tế công cộng, an sinh xã hội, đào tạo chuyên môn… miễn phí.

Nếu nghĩa trang nơi thân mẫu của bạn tôi đang an nghỉ gợi lên cho tôi sự bình đẳng và công bằng xã hội tại Đan Mạch và các nước Châu Âu khác, thì bức tượng Người Cá ở Thủ đô Copenhagen lại nhắc nhở một người tỵ nạn cộng sản như tôi điều tâm niệm cốt lõi làm nên căn tính tỵ nạn của tôi là : tôi đã trốn chạy chế độ Dối Trá, tôi phải sống cho Sự Thật !

anhmat3

Bức tượng Người Cá ở Thủ đô Copenhagen nhắc nhở điều tâm niệm cốt lõi là tôi đã trốn chạy chế độ Dối Trá, tôi phải sống cho Sự Thật !

Sở dĩ tượng Người Cá gợi lên cho tôi điều tâm niệm trên đây là vì đây là một trong những truyện thần tiên nổi tiếng của văn hào Đan Mạch Hans Christian Andersen (1805-1875). Tuy nhiên, trong kho truyện thần tiên của ông mà tôi đã đọc được thời trung học, tâm đắc nhứt đối với tôi vẫn mãi mãi là truyện "Ông vua ở truồng".

Nhớ đến văn hào Andersen và đọc lại truyện " Ông vua ở truồng", tôi thấy có sự ứng nghiệm lạ lùng trong thời đại này. Ai cũng biết câu chuyện ấy. Một ông vua háo danh chỉ thích được vây quanh bởi những người nịnh bợ. Một hôm có 2 người thợ may đến xin yết kiến nhà vua để đệ trình dự án về một bộ quần áo vô hình  mà khi nhà vua mặc vào chỉ có những quần thần nào thông minh và  trung thành với ông mới có thể nhìn thấy được vẻ đẹp của nó. Nhà vua xem đây như cơ hội để trắc nghiệm khả năng và lòng trung thành của các quan chức triều đình.

Hai người thợ may được đưa vào cung điện. Họ cho biết đây là cả một công trình nghệ thuật đòi hỏi nhiều thời gian. Thỉnh thoảng nhiều quan chức triều đình được lệnh đến giám sát công việc của hai người thợ may. Họ sửng sốt vì chẳng thấy 2 ông thợ may làm gì cả. Nhưng vì sợ bị nhà vua quở trách và sa thải, họ tâu với ông rằng họ chưa từng thấy có bộ quần áo nào đẹp đẽ đến thế. Được tâu báo như thế cho nên đến hạn kỳ, nhà vua ra lệnh cho 2 người thợ may mang bộ quần áo đến để ông xem và mặc thử. Dĩ nhiên để mặc bộ quần áo vô hình này, nhà vua cần phải cởi bỏ long phục. Lồ lộ trần truồng trước mặt 2 người thợ may và quần thần, nhà vua vẫn tin rằng ông đang mặc một bộ quần áo đẹp nhứt trên trần gian mà chỉ có những ai thông minh và trung thành với ông mới nhận ra được sự huy hoàng tráng lệ của nó. Không những đi lại trong triều đình, nhà vua còn ra lệnh cho quần thần chuẩn bị xa giá để ông ngự y đi khoe quần áo mới với thần dân. Điều lạ lùng là nhà vua đi đến đâu cũng đều được thần dân hoan hô và trầm trồ vì bộ quần áo mới của ông. Thế rồi một cậu bé thình lình xuất hiện giữa đám đông. Lần đầu tiên được chiêm ngưỡng đức vua, cậu bé thốt lên : "Ơ kìa, nhà vua đang ở truồng".

anhmat4

Từ khi ông trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ đến nay, ông đã phơi bày trần trụi hình tướng của một kẻ nói dối không biết ngượng miệng, hành động và ứng xử không theo bất cứ một nguyên tắc đạo đức nào

Đi tìm sự nhập thể của "ông vua ở truồng" của văn hào Andersen trong thời đại này, tôi thấy ứng viên rõ nét nhứt chỉ có thể là đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước năm 2016, người ta chỉ nghe nói đến ông như một tỷ phú địa ốc thành đạt và một ngôi sao truyền hình thực tế ăn khách. Nhưng kể từ khi ông trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ đến nay, ông đã phơi bày trần trụi  hình tướng của một kẻ nói dối không biết ngượng miệng, hành động và ứng xử không theo bất cứ một nguyên tắc đạo đức nào, tự cho mình nổi tiếng chỉ sau Chúa Giêsu (1). Thích được tung hô, chúc tụng và sùng bái, ông không chấp nhận bất kỳ một người nào có ý kiến đối nghịch với ông. Bất kỳ cộng sự viên nào bất đồng ý kiến với ông đều nếu không bị sa thải thì cũng bị buộc phải từ chức. Xung quanh ông toàn là những người dua nịnh chỉ biết gọi dạ bảo vâng !

Tự phơi bày như một kẻ dối trá, lấy gian manh làm lẽ sống và nhứt là vô cảm trước nỗi khổ đau của người dân trong suốt cơn đại dịch Covid-19, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục được rất nhiều người Mỹ tung hô. Không hiểu sao cứ mỗi lần suy nghĩ về hiện tượng này, tôi lại nhớ đến câu nói để đời của cụ Tản Đà : "Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn cho nên quân nó mới dễ làm quan".

Cái đất nước được xem là giàu có, hùng mạnh, văn minh và vĩ đại nhứt thế giới này có nhiều điều khó hiểu. Khó hiểu nhứt là cứ 10 người Mỹ có đến 4 người tin rằng loài người chỉ mới xuất hiện trên trái đất này khoảng 10.000 năm mà thôi. Tiến hóa theo luật đào thải tự nhiên là xương sống của nền sinh vật học hiện đại, nhưng vẫn bị xem là còn "đang trong vòng tranh cãi" trong các trường học của Mỹ. Cũng vậy, hoàn toàn phủ nhận các bằng chứng khoa học, một bộ phận rất lớn trong dân chúng Mỹ vẫn không chấp nhận rằng hoạt động của con người đang góp phần đáng kể vào việc làm cho khí hậu thay đổi (2).

Điển hình nhứt của những điều khó hiểu nhứt ở Mỹ có lẽ là cho tới nay, mặc cho Covid-19 có cướp đi mạng sống của trên 200.000 người và làm cho trên 8 triệu người bị lây nhiễm ngay trước mắt mọi người, cơn đại dịch vẫn tiếp tục bị nhiều người Mỹ xem như một "cú phỉnh lừa" của Trung Quốc và nhứt là của Đảng Dân chủ và đám "truyền thông thổ tả". Bất cứ một lời dối trá hay thuyết âm mưu nào được Tổng thống Trump tung ra cũng  đều được nhiều người Mỹ đón nhận như "Lời Chúa" trong Kitô giáo. Họ có ngu không ? Hay họ nhìn thấy sự thật mà không muốn chấp nhận sự thật ?

Một khu ngoại ô của thành phố Long Beach, tiểu bang California thường được mệnh danh là Tiểu Phnom Penh. Tại đây có khoảng 150 phụ nữ Cambốt mang một chứng bệnh mù rất đặc biệt : mắt của họ còn bình thường, nhưng họ nhìn mà không thấy. Tất cả những người phụ nữ này đều đã tận mắt chứng kiến những thảm kịch khủng khiếp nhứt trong cuộc diệt chủng tại Cambodia do chế độ cộng sản Khmer Đỏ chủ xướng từ năm 1975 đến năm 1979. Mắt của họ vẫn còn bình thường, nhưng như một phản ứng trước những gì mà họ đã từng chứng kiên, họ tự nguyện trở nên mù lòa (3).

Những người ủng hộ và tung hô Tổng thống Trump có thể cũng là những kẻ mù lòa tự nguyện. Văn hào Andersen có lẽ đã báo động về sự mù lòa ấy qua truyện "ông vua ở truồng". Ông vua rõ ràng lồ lộ trần truồng vậy mà đám đông vẫn có thể vỗ tay, tung hô ông.

Viết câu chuyện ẩn dụ này, dường như văn hào Andersen cũng muốn ghi lại kinh nghiệm cá nhân của chính ông. Lúc còn nhỏ, một hôm mẹ ông đưa ông đi tham dự một cuộc tập trung để đón chào vua Frederick VI. Vừa nhìn thấy nhà vua, cậu bé Andersen đã la lên : "Ồ, ông ta có khác gì một thường dân đâu". Người mẹ sợ người xung quanh nghe được nên tìm cách bịt miệng cậu bé. Vào thời đó, người mẹ nào cũng xem nhà vua như một người siêu việt, hoàn toàn khác biệt với thần dân của ông. Hay cũng có thể, như mọi người trong đám đông, bà mẹ của cậu bé Andersen cũng đã nhận ra một "ông vua đang ở truồng", nhưng vì sợ bị kết tội khi quân cho nên cũng đành thinh lặng để tung hê như mọi người (4).

Trong sách Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy các môn đệ "Hãy trở nên như trẻ nhỏ" (Mt 18, 1-3). Trẻ thơ dạy cho tôi nhiều điều. Một trong những điều đó là : thấy sao nói vậy ! Con người chỉ thực sự "trở nên người" khi họ nhìn nhận sự thật, tôn trọng sự thật, nói sự thật và sống cho sự thật. Với tôi, tỵ nạn cộng sản thiết yếu là trốn thoát khỏi chế độ của Dối Trá. Do đó, dù sống trong bất cứ đất nước tự do nào, bao lâu còn mang căn cước tỵ nạn cộng sản,  tôi thấy mình cần phải luôn tâm niệm sống cho Sự Thật.

Chu Văn

(19/10/2020)

1. Trump says only Jesus Christ more famous than him 

2. Are Americans just stupid ? 

3. Cambodian women blinded by memory of atrocities 

4. Donald Trump and the Emperor with No Clothes