Vì sao Hoa Kỳ phải trở lại vai trò lãnh đạo (Joe Biden)

Hoa Kỳ sẽ tập trung kêu gọi các nước cùng đặt ra cam kết cho ba lĩnh vực chính: chống tham nhũng, chống độc tài, và thúc đẩy nhân quyền trên khắp thế giới. Về phần cam kết của Hoa Kỳ trong hội nghị đó, tôi sẽ coi chống tham nhũng là một nhiệm vụ cốt lõi của chính sách an ninh quốc gia và là trách nhiệm của một chính quyền dân chủ. Tôi sẽ dẫn dắt những nỗ lực quốc tế nhằm mang lại sự minh bạch cho hệ thống tài chính toàn cầu, truy quét những “thiên đường thuế” bất hợp pháp, thu giữ tài sản bị đánh cắp, và khiến cho việc che giấu tài sản của những kẻ tham nhũng dưới vỏ bọc của các công ty bình phong trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.


 

BỐI CẢNH

Trên hầu hết mọi phương diện, uy tín và ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới đã suy yếu kể từ khi tổng thống Obama và tôi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 20 tháng 1 năm 2017. Tổng thống Donald Trump đã khinh rẻ, làm suy yếu và trong một số trường hợp còn bỏ rơi các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ. Ông ta đã gây sự với chính các chuyên gia tình báo, ngoại giao và quân đội của mình. Ông đã khiến cho kẻ thù của chúng ta ngày càng tỏ ra táo tợn, liều lĩnh và đã vứt bỏ những lợi thế của Hoa Kỳ trong việc xử lý các thách thức về an ninh quốc gia đến từ Bắc Triều Tiên, Iran, Syria, Afghanistan và cả Venezuela. Ông ta đã phát động những cuộc chiến thương mại không đáng có chống lại cả đối thủ lẫn đồng minh của Hoa Kỳ và đang gây tổn hại đến tầng lớp trung lưu của chính Hoa Kỳ. Trump đã từ bỏ vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc huy động nỗ lực của quốc tế nhằm đối phó với các mối đe dọa mới, nhất là những mối đe dọa đặc thù của thế kỷ này. Trong chiều sâu, Trump đã quay lưng lại với những giá trị dân chủ vốn đã tạo nên sức mạnh cho đất nước và đoàn kết chúng ta lại như một dân tộc.

Trong khi những thách thức toàn cầu mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt – từ biến đổi khí hậu và nạn di dân ồ ạt đến các hệ quả tiêu cực từ những tiến bộ đột phá về công nghệ và các bệnh truyền nhiễm – trở nên ngày càng phức tạp và cấp bách hơn, thì sự bùng phát của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi đã làm suy yếu khả năng hành động tập thể của thế giới. Tham nhũng, chênh lệch giàu nghèo và sự chia rẽ giữa các đảng phái khiến cho các nền dân chủ gặp khó khăn hơn trong việc phục vụ người dân của mình. Niềm tin vào các định chế dân chủ đang giảm sút. Trật tự dân chủ trên thế giới mà nước Mỹ đã góp công xây dựng đang bị đe dọa. Trump và những kẻ dân túy trên khắp thế giới đã lợi dụng bối cảnh đó để củng cố cho lợi ích cá nhân và lợi ích chính trị của mình.

dân túy-1

Trump và những kẻ dân túy trên khắp thế giới đã lợi dụng bối cảnh đó để củng cố cho lợi ích cá nhân và lợi ích chính trị của mình

Khi nhậm chức vào tháng 1 năm 2021, tân tổng thống của Hoa Kỳ sẽ đứng trước một thế giới đầy bất ổn và sẽ phải hàn gắn những đổ vỡ. Người đó sẽ phải cứu vãn danh tiếng của nước Mỹ, lấy lại lòng tin của thế giới, động viên cả nước và các quốc gia đồng minh cùng nhau giải quyết những khó khăn và thử thách mới. Chúng ta không được phép lãng phí thêm 4 năm nữa.

Trên cương vị tổng thống, tôi sẽ cải tiến nền dân chủ trong nước và các quan hệ đồng minh của Hoa Kỳ, bảo vệ tương lai của Hoa Kỳ về mặt kinh tế và đưa Hoa Kỳ trở lại địa vị lãnh đạo thế giới. Đây không phải là lúc để sợ hãi. Đây là lúc để tận dụng sức mạnh và sự táo bạo đã đưa chúng ta tới thắng lợi trong 2 cuộc thế chiến và làm sụp đổ khối cộng sản.

Chiến thắng của dân chủ và chủ nghĩa phóng khoáng trước chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa cộng sản đã tạo ra thế giới tự do. Nhưng chiến thắng này không chỉ định hình cho quá khứ của chúng ta. Nó còn định hình cả tương lai của chúng ta nữa.

CẢI TIẾN NỀN DÂN CHỦ TRONG NƯỚC

Trước hết, chúng ta phải sửa chữa và vực dậy nền dân chủ của chính mình, trong khi củng cố liên minh với các nền dân chủ trên khắp thế giới. Khả năng của Hoa Kỳ trong vai trò là một thế lực vì sự tiến bộ trên thế giới và động viên các hành động tập thể chính là được bắt đầu từ trong nước. Đó là lý do vì sao mà tôi sẽ thay đổi hệ thống giáo dục sao cho cơ hội của một đứa trẻ trong cuộc đời không bị định đoạt bởi những yếu tố như chủng tộc hay quê quán; sẽ cải tổ hệ thống pháp lý hình sự nhằm loại bỏ những chênh lệch bất công và chấm dứt nạn giam giữ hàng loạt, phục hồi Đạo luật về Quyền bầu cử nhằm đảm bảo tiếng nói của mọi người đều được lắng nghe, và khôi phục lại tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính phủ.

Tuy nhiên, dân chủ không chỉ là nền tảng của xã hội Mỹ, nó còn là nguồn gốc cho sức mạnh của chúng ta. Nó củng cố vai trò lãnh đạo của chúng ta trên thế giới. Nó cũng là một đảm bảo về an ninh và hòa bình. Nó khuyến khích khả năng sáng tạo và thúc đẩy sự thịnh vượng về kinh tế. Nó là trọng tâm của căn cước và của cách thức mà chúng ta nhìn nhận thế giới – cũng như cách thế giới nhìn nhận chúng ta. Nó cho phép chúng ta tự sửa chữa và tiếp tục phấn đấu để đạt tới lý tưởng của mình.

Chúng ta phải chứng tỏ cho thế giới rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng để trở lại vai trò lãnh đạo – không chỉ vì chúng ta có sức mạnh, mà vì chúng ta còn là một nước dân chủ mẫu mực. Để đạt được mục tiêu đó, trên cương vị tổng thống, tôi sẽ thực hiện những biện pháp nhằm khôi phục các giá trị cốt lõi của chúng ta. Tôi sẽ lập tức hủy bỏ những chính sách tàn nhẫn của chính quyền Trump khi đã chia cắt những người di dân khỏi con cái của họ tại biên giới; chấm dứt những chính sách tai hại về tị nạn của Trump; chấm dứt lệnh cấm nhập cảnh, ra lệnh xem xét lại Quy chế Bảo vệ Tạm thời (TPS) dành cho những đối tượng dễ bị tổn thương; đặt hạn mức tiếp nhận người tị nạn hàng năm ở mức 125.000 người và sẽ nâng dần lên qua từng năm sao cho tương xứng với trách nhiệm và giá trị của chúng ta. Tôi sẽ tái khẳng định lệnh cấm các hành động tra tấn và khôi phục lại sự minh bạch trong các chiến dịch quân sự của Hoa Kỳ, bao gồm cả các chính sách được xác lập dưới thời chính phủ của Obama và tôi, nhằm giảm thiểu thương vong của dân thường. Tôi sẽ đặt lại trọng tâm, trên toàn bộ các cấp chính quyền, vào việc nâng đỡ và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới. Và tôi đảm bảo rằng Nhà Trắng sẽ luôn bảo vệ các giá trị dân chủ, như tự do báo chí, quyền bầu cử thiêng liêng và độc lập tư pháp. Những thay đổi này chỉ là sự khởi đầu trong cam kết sống theo đúng các giá trị dân chủ ở ngay trong đất nước của chúng ta.

Tôi sẽ thực thi pháp luật của Hoa Kỳ mà không có sự kỳ thị nhắm vào một cộng đồng cụ thể nào, không vi phạm chuẩn mực tố tụng, không chia tách gia đình những người di dân, như cách mà Trump đã làm bấy lâu nay. Tôi sẽ đảm bảo an ninh ở biên giới, nhưng đồng thời vẫn tôn trọng phẩm giá của những người di dân và đảm bảo quyền hợp pháp của họ về tị nạn. Tôi đã công bố các kế hoạch chi tiết để giải quyết tận gốc nguyên nhân thúc đẩy người di cư tới biên giới phía Tây Nam của chúng ta. Trước đây, trên cương vị phó tổng thống, tôi đã đạt được đồng thuận từ lưỡng đảng về một chương trình cứu trợ có giá trị 750 triệu đô la để hậu thuẫn cho cam kết của lãnh đạo các nước El Salvador, Guatemala và Honduras trong việc đấu tranh chống nạn tham nhũng, bạo lực và nghèo đói vốn đang xô đẩy người dân rời bỏ quê hương. Tình hình an ninh đã được cải thiện và các luồng di cư đã bắt đầu giảm tại El Salvador. Nếu đắc cử tổng thống, tôi sẽ đẩy mạnh chính sách đó trong 4 năm tới bằng cách chi 4 tỉ đô la để hỗ trợ các nước trong khu vực, đồng thời yêu cầu những nước này đóng góp nguồn lực của chính họ và thực hiện những cải cách lớn, cụ thể và xác thực hơn.

joe-2

Joe Biden có kế hoạch thành lập cơ quan Ủy ban Đạo đức Liên bang

Tôi cũng sẽ thực hiện những biện pháp để giải quyết nạn tham nhũng, xung đột lợi ích, ảnh hưởng chính trị của những nguồn tiền tài trợ được che đậy nguồn gốc mà hiện đang phục vụ cho những lợi ích hẹp hòi của giới tài phiệt hoặc cho các âm mưu của nước ngoài và đang phá hoại nền dân chủ của chúng ta. Việc này sẽ khởi đầu từ việc tranh đấu để sửa đổi hiến pháp nhằm loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của tiền tài trợ không rõ nguồn gốc trong các cuộc bầu cử liên bang. Ngoài ra, tôi cũng sẽ đề xuất một đạo luật nhằm siết chặt lệnh cấm các công dân hoặc chính phủ nước ngoài được gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử ở cấp liên bang, tiểu bang hoặc cấp địa phương của Hoa Kỳ và chỉ đạo một cơ quan độc lập mới được thành lập – Ủy ban Đạo đức Liên bang – nhằm đảm bảo việc thực thi một cách mạnh mẽ và thống nhất đạo luật này cũng như các đạo luật chống tham nhũng khác. Sự thiếu minh bạch về tài chính trong hệ thống tranh cử của chúng ta, cộng với nạn rửa tiền của nước ngoài diễn ra rất phổ biến, đã tạo ra một lỗ hổng rất lớn cần phải được lấp kín ngay trong hệ thống của chúng ta.

Khi đã thực hiện được những bước đi căn bản này để củng cố nền tảng dân chủ của Hoa Kỳ và truyền cảm hứng hành động cho những quốc gia khác, tôi sẽ mời các lãnh đạo của các quốc gia dân chủ khác trên khắp thế giới tham gia vào một kế hoạch chung nhằm củng cố trật tự dân chủ. Hiện nay, dân chủ đang phải chịu sức ép nhiều hơn tất cả những gì chúng ta đã chứng kiến kể từ thập niên 1930. Theo tổ chức Freedom House, trong số 41 quốc gia được xếp hạng một cách đều đặn là “tự do” trong giai đoạn từ 1985 đến 2005, thì có 22 quốc gia đã ghi nhận sự thụt lùi về mức độ tự do trong 5 năm vừa qua.

Từ Hồng Kông đến Su-đăng, từ Chi-lê đến Li-băng, các cuộc biểu tình tại đó đã thể hiện sự phẫn nộ của quần chúng đối với tham nhũng và nhắc nhở chúng ta về mong muốn có được một nhà nước liêm chính. Giống như một thứ đại dịch khủng khiếp, tham nhũng làm gia tăng sự bức áp, gây xói mòn phẩm giá con người và đem lại cho các nhà lãnh đạo chuyên chế một công cụ để chia rẽ và làm suy yếu các nền dân chủ trên toàn thế giới. Thế nhưng, khi thế giới đang trông đợi Hoa Kỳ đứng ra bảo vệ các giá trị dân chủ — như một lãnh đạo chân chính của thế giới tự do — thì Trump lại chọn đứng về phía bên kia, cổ vũ cho những kẻ độc tài và khinh miệt những người dân chủ. Và khi đứng đầu một chính quyền tham nhũng, hủ bại nhất trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ, Trump đã bật đèn xanh cho những kẻ cướp nắm quyền ở khắp mọi nơi.

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, tôi sẽ tổ chức và chủ trì một Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ, trong đó tập hợp các nền dân chủ trên thế giới lại với nhau và xây dựng một chương trình hành động chung. Dựa trên nền tảng của mô hình đã thành công từ thời của chính quyền Obama-Biden trước đây với Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân, Hoa Kỳ sẽ tập trung kêu gọi các nước cùng đặt ra cam kết cho ba lĩnh vực chính: chống tham nhũng, chống độc tài, và thúc đẩy nhân quyền trên khắp thế giới. Về phần cam kết của Hoa Kỳ trong hội nghị đó, tôi sẽ coi chống tham nhũng là một nhiệm vụ cốt lõi của chính sách an ninh quốc gia và là trách nhiệm của một chính quyền dân chủ. Tôi sẽ dẫn dắt những nỗ lực quốc tế nhằm mang lại sự minh bạch cho hệ thống tài chính toàn cầu, truy quét những “thiên đường thuế” bất hợp pháp, thu giữ tài sản bị đánh cắp, và khiến cho việc che giấu tài sản của những kẻ tham nhũng dưới vỏ bọc của các công ty bình phong trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

joe-3

Tôi sẽ tổ chức và chủ trì một Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ, trong đó tập hợp các nền dân chủ trên thế giới lại với nhau và xây dựng một chương trình hành động chung.

Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ cũng sẽ có sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự đã và đang ở tuyến đầu trong cuộc đấu tranh vì dân chủ trên khắp thế giới. Hội nghị sẽ kêu gọi khu vực tư nhân, bao gồm các tập đoàn công nghệ và các mạng xã hội lớn, phải nhận ra trách nhiệm và cũng là lợi ích to lớn của mình trong việc bảo vệ các xã hội dân chủ và quyền tự do ngôn luận. Đồng thời, tự do ngôn luận cũng không thể bị lấy làm cái cớ để các công ty công nghệ và mạng xã hội tạo điều kiện cho việc phát tán những sự dối trá thâm độc. Các công ty đó phải đảm bảo các công cụ và nền tảng của họ không bị các chính quyền độc tài lợi dụng để giám sát công dân, vi phạm quyền riêng tư, đàn áp tự do ngôn luận như tại Trung Quốc và một số nước khác, hay trở thành phương tiện để gieo rắc thù hận, cổ xúy bạo lực, lan truyền tin giả hoặc các mục đích sai trái khác.

CHÍNH SÁCH BẢO VỆ TẦNG LỚP TRUNG LƯU

Việc thứ hai, chính quyền của tôi sẽ tạo điều kiện để người dân Mỹ thành công trong nền kinh tế toàn cầu bằng cách bảo vệ lợi ích của tầng lớp trung lưu. Để cạnh tranh với Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác trong tương lai, Hoa Kỳ phải mài dũa sức sáng tạo và hợp nhất sức mạnh kinh tế của thế giới dân chủ để chống lại các hành vi thao túng thị trường và giảm thiểu nạn bất bình đẳng.

An ninh kinh tế cũng chính là an ninh quốc gia. Bất kỳ chính sách ngoại thương nào cũng phải tính đến biện pháp bảo vệ tài sản quý nhất của chúng ta – giới trung lưu – và đảm bảo mọi người, bất kể chủng tộc, giới tính, xu hướng tính dục, vùng miền, tôn giáo, kể cả những người kém may mắn, đều được hưởng thành quả từ thành công chung của đất nước. Chúng ta sẽ đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng như internet tốc độ cao, đường cao tốc, đường sắt, mạng lưới điện, các khu đô thị thông minh và đặc biệt là giáo dục. Chúng ta phải trang bị cho mọi sinh viên trên cả nước những kỹ năng cần thiết để kiếm được công ăn việc làm tốt trong thế kỷ 21; đảm bảo mọi người Mỹ đều được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao với mức giá phải chăng; nâng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ; và dẫn đầu cuộc cách mạng chuyển hóa sang nền kinh tế xanh để tạo ra 10 triệu việc làm mới ở Mỹ.

Tôi sẽ hết sức chú trọng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để nước Mỹ luôn dẫn đầu về các phát minh. Chúng ta không thể tụt hậu so với Trung Quốc hay bất cứ nước nào trong các lĩnh vực như năng lượng sạch, máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo, 5G, đường sắt cao tốc, hay thuốc trị ung thư vì chúng ta có những trường đại học hàng đầu thế giới. Chúng ta còn có một truyền thống pháp trị ổn vững, và quan trọng nhất, chúng ta có đông đảo những người lao động và những nhà phát minh phi thường, những người mà chưa bao giờ làm đất nước phải thất vọng.

Chính sách ngoại thương phải đảm bảo cho các luật lệ của kinh tế quốc tế không bị thao túng để gây bất lợi cho Hoa Kỳ- bởi vì khi các doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng, họ sẽ chiến thắng. Tôi tin tưởng vào thương mại công bằng. 95 phần trăm dân số thế giới sống bên ngoài nước Mỹ và chúng ta phải khai thác những thị trường này. Chúng ta phải sản xuất ra được những sản phẩm tốt nhất tại Mỹ và bán những sản phẩm tốt nhất ra khắp thế giới. Điều đó có nghĩa là phải gỡ bỏ các rào cản thương mại và chống lại làn sóng bảo hộ - là thứ cực kỳ nguy hiểm. Vào thế kỷ trước, nó đã là nguyên nhân dẫn đến cuộc đại khủng hoảng và Thế chiến II.

Sẽ là sai lầm nếu cứ cố tự rúc đầu vào cát và nói rằng đừng có thêm thỏa thuận thương mại nào nữa. Các quốc gia vẫn sẽ buôn bán với nhau dù có hay không có Hoa Kỳ. Câu hỏi là, ai sẽ quyết định luật lệ thương mại quốc tế? Ai sẽ đảm bảo rằng những luật lệ đó sẽ bảo vệ người lao động, môi trường, sự minh bạch và mức lương của tầng lớp trung lưu? Hoa Kỳ, chứ không phải Trung Quốc, phải đảm nhận vai trò dẫn dắt đó.

Hoa Kỳ sẽ chỉ tham gia vào các hiệp định thương mại mới sau khi đã đầu tư đầy đủ vào y tế và giáo dục nhằm trang bị nền tảng thành công cho người Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu. Tôi cũng sẽ không đàm phán các thỏa thuận mới nếu không có sự tham gia thiết thực của các lãnh đạo công đoàn và tổ chức bảo vệ môi trường, và thỏa thuận đó phải bao gồm các điều khoản chặt chẽ để các đối tác phải giữ đúng cam kết.

Trung Quốc là một thách thức đặc biệt. Tôi không còn lạ gì với các lãnh đạo của họ. Trong một thời gian dài Trung Quốc đã liên tục mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu, quảng bá mô hình kinh tế - chính trị của họ và đầu tư vào các công nghệ của tương lai. Trong khi đó, Trump lại đi tăng thuế lên hàng hóa của các nước đồng minh - từ Canada đến Liên minh châu Âu - một cách tai hại và vô lý. Bằng việc tách rời chúng ta ra khỏi sức mạnh kinh tế của các đối tác, Trump đã làm suy giảm sức mạnh của nước Mỹ để đối phó với Trung Quốc – mối đe dọa thực sự về kinh tế.

Hoa Kỳ cần phải cứng rắn với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc được tự do hành động, họ sẽ tiếp tục đánh cắp công nghệ và tài sản trí tuệ của chính quyền và các công ty Mỹ. Họ cũng sẽ tiếp tục trợ cấp cho các công ty nhà nước của mình để cạnh tranh một cách bất bình đẳng với các công ty Mỹ và giành lấy vị thế thống trị về các công nghệ và các ngành kinh tế của tương lai.

Xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ là cách hiệu quả nhất để đối phó với Trung Quốc, ngay cả khi chúng ta vẫn cần tìm kiếm sự hợp tác với Bắc Kinh trên các vấn đề toàn cầu, như biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh y tế. Trọng lượng kinh tế Hoa Kỳ chiếm khoảng một phần tư GDP toàn thế giới. Nếu cộng thêm các nước dân chủ khác, tổng GDP sẽ chiếm hơn gấp đôi. Trung Quốc thì không thể để mất một nửa thị trường thế giới. Do đó, chúng ta có lợi thế áp đảo để áp đặt luật lệ trên mọi lĩnh vực - môi trường, lao động, thương mại, công nghệ và minh bạch – nhằm phản ánh các giá trị dân chủ, đồng thời là quyền lợi của chính các nước dân chủ.

TRỞ LẠI VỊ THẾ LÃNH ĐẠO

Trật tự thế giới hiện nay không phải tự nhiên mà có. Trong 70 năm qua, Hoa Kỳ, dưới thời các tổng thống Dân chủ lẫn Cộng hòa, đã đóng vai trò hàng đầu trong việc thành lập các định chế quốc tế góp phần củng cố mối quan hệ giữa các quốc gia, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng tập thể - cho đến khi Trump lên nắm quyền. Nếu chúng ta để cho sự thoái thác trách nhiệm quốc tế hiện nay của Trump kéo dài thêm 4 năm nữa, thì một trong hai kịch bản sẽ xảy ra: hoặc ai đó sẽ thế chỗ Hoa Kỳ, nhưng không theo một cách thức có lợi hoặc phù hợp với các giá trị của Hoa Kỳ; hoặc là sẽ không có ai thế vào vị trí đó và đưa đến hỗn loạn. Dù là kịch bản nào xảy ra thì cũng không tốt cho Hoa Kỳ.

joe-5

Tôi sẽ tái cấp ngân sách cho các phái đoàn ngoại giao- thứ mà chính quyền Trump đã cắt xén và rút ruột bấy lâu nay và đặt nền ngoại giao Mỹ trở lại trong tay của những chuyên gia thực thụ.

Chính sách đối ngoại của Mỹ không phải lúc nào cũng đúng; chúng ta đã từng phạm nhiều sai lầm vì chỉ chăm chăm sử dụng sức mạnh quân sự thay vì tìm kiếm những giải pháp mà tận dụng được sức mạnh tổng hợp của mình. Chính sách đối ngoại tai hại của Trump là lời nhắc nhở cho chúng ta mỗi ngày về tầm quan trọng của ngoại giao.

Tôi sẽ không bao giờ do dự trong việc bảo vệ người dân Mỹ, kể cả bằng biện pháp quân sự khi cần thiết. Trong tất cả các vai trò mà một tổng thống Hoa Kỳ phải đảm nhiệm, không có vai trò nào quan trọng hơn vai trò tổng tư lệnh quân đội. Hoa Kỳ có quân đội mạnh nhất trên thế giới và với tư cách là tổng thống, tôi sẽ đảm bảo ngân sách để quân đội của chúng ta luôn giữ vững vị thế đó và sẵn sàng đương đầu với những thách thức trong thế kỷ mới. Nhưng sử dụng vũ lực chỉ là biện pháp cuối cùng. Nó chỉ nên được sử dụng để bảo vệ lợi ích sống còn của Hoa Kỳ, khi mục tiêu đã hoàn toàn rõ ràng và có thể đạt được và với sự đồng thuận của dân chúng.

Đã đến lúc phải chấm dứt các cuộc chiến tranh liên miên không có hồi kết, vốn làm Hoa Kỳ tốn không biết bao nhiêu xương máu và của cải. Chúng ta nên rút phần lớn quân đội tại Afghanistan và Trung Đông về nước, và chỉ tập trung vào nhiệm vụ của mình là đánh bại al Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS). Chúng ta cũng nên chấm dứt ủng hộ cuộc chiến do Ả Rập Xê út dẫn đầu ở Yemen. Chúng ta phải duy trì trọng tâm của mình vào cuộc chiến chống khủng bố, trên thế giới và ở ngay trong nước, nhưng việc sa lầy trong những cuộc xung đột không có khả năng chiến thắng sẽ làm chúng ta mất khả năng dẫn dắt trên những vấn đề khác vốn đòi hỏi sự chú ý và sẽ ngăn cản chúng ta xây dựng lại những thành tố khác làm nên sức mạnh Hoa Kỳ.

Chúng ta cần sử dụng quân đội một cách khôn ngoan. Đã qua rồi cái thời nước Mỹ có thể đổ bộ hàng chục ngàn binh sỹ vào một nước để tham chiến. Thay vào đó, chúng ta sẽ sử dụng vài trăm lính đặc nhiệm và các phương tiện tình báo để hỗ trợ các lực lượng đồng minh tại chỗ chống lại kẻ thù chung. Những nhiệm vụ quy mô nhỏ đó thực tế là có tính bền vững về mặt quân sự, kinh tế và chính trị và vẫn đáp ứng lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, giải pháp ngoại giao phải là ưu tiên cao nhất. Tôi tự hào về những gì mà nền ngoại giao Mỹ đã đạt được dưới thời Obama-Biden, từ việc đưa hiệp định khí hậu Paris có hiệu lực, dẫn đầu các nỗ lực quốc tế chống dịch Ebola ở Tây Phi, đến việc đảm bảo thỏa thuận đa phương ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân. Làm ngoại giao không phải chỉ là bắt tay và chụp ảnh. Nó là xây dựng và chăm sóc các mối quan hệ quốc tế, và làm việc để xác định các lợi ích chung trong khi tìm cách giải quyết các mâu thuẫn. Nó đòi hỏi tính kỷ luật, quy trình hoạch định chính sách chặt chẽ và phải được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm. Với tư cách là tổng thống, tôi sẽ coi ngoại giao là công cụ chính yếu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Tôi sẽ tái cấp ngân sách cho các phái đoàn ngoại giao- thứ mà chính quyền Trump đã cắt xén và rút ruột bấy lâu nay và đặt nền ngoại giao Mỹ trở lại trong tay của những chuyên gia thực thụ.

Ngoại giao cũng đòi hỏi phải có sự tín nhiệm. Khi điều hành chính sách ngoại giao, nhất là trong những thời kỳ khủng hoảng, lời nói của một quốc gia chính là tài sản giá trị nhất của nó. Thế nhưng, bằng cách rút khỏi hết hiệp ước này đến hiệp ước khác, lật lọng chính sách này đến chính sách khác, chối bỏ trách nhiệm của Hoa Kỳ và nói dối trên mọi vấn đề lớn và nhỏ, Trump đã khiến lời nói của Hoa Kỳ mất trọng lượng trên thế giới. Ông ta cũng đã chia rẽ Hoa Kỳ với các đồng minh dân chủ quan trọng nhất. Trump đã hạ thấp ý nghĩa của NATO khi chỉ coi nó như một băng bảo kê do Mỹ đứng đầu. Đồng ý là các đồng minh nên chia sẻ gánh nặng với chúng ta và chính quyền Obama-Biden cũng đã đàm phán để đảm bảo rằng các thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng của họ (một động thái mà Trump hiện giành công lao về mình). Nhưng chúng ta không nên tính toán từng đồng từng cắc; cam kết của Hoa Kỳ là thiêng liêng, nó không chỉ là một giao dịch. NATO là trung tâm của nền an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và nó là bức tường thành của lý tưởng dân chủ tự do — một liên minh của các giá trị, thứ khiến NATO lâu bền, đáng tin cậy và mạnh mẽ hơn nhiều so với quan hệ đối tác được xây dựng bằng sự cưỡng ép hoặc tiền bạc.

Là tổng thống, tôi sẽ không chỉ phục hồi lại những quan hệ đối tác mang tính lịch sử, mà sẽ dẫn dắt một nỗ lực nhằm làm cho chúng phù hợp với thế giới ngày nay. Điện Kremlin sợ một NATO hùng mạnh – và đó là liên minh chính trị-quân sự hiệu quả nhất trong lịch sử hiện đại. Để chống lại mối đe dọa từ nước Nga, chúng ta phải duy trì sức mạnh quân sự sắc bén của NATO, đồng thời mở rộng khả năng đối phó với các mối đe dọa phi truyền thống, chẳng hạn như hối lộ vì mục đích chính trị, tuyên truyền sai lệch và tin tặc. Chúng ta phải áp đặt những trừng phạt đối với Nga vì những vi phạm chuẩn mực quốc tế của nước này, và ủng hộ các tổ chức xã hội dân sự tại Nga, những người đã dũng cảm chống lại chế độ độc tài mafia của Vladimir Putin.

Sự hợp tác với các quốc gia có chung giá trị và mục tiêu không hề làm cho chúng ta trở thành một kẻ ngốc bị lợi dụng, nó làm chúng ta an toàn hơn và thành công hơn. Chúng ta tăng cường sức mạnh của mình, mở rộng sự hiện diện trên khắp thế giới và khuếch trương tầm ảnh hưởng của mình, trong khi chia sẻ những trách nhiệm toàn cầu với các đối tác có thiện chí. Chúng ta cần củng cố liên minh với những người bạn dân chủ ngoài Bắc Mỹ và Châu Âu như Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc, tăng cường quan hệ đối tác với Ấn Độ và Indonesia để thúc đẩy các giá trị chung trong một khu vực có ảnh hưởng đến tương lai của Hoa Kỳ. Chúng ta cần duy trì cam kết vững chắc của mình đối với an ninh của Israel, và chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp những nước bạn ở Mỹ Latinh và Châu Phi hội nhập vào mạng lưới các nền dân chủ và nắm bắt cơ hội hợp tác ở những khu vực đó.

Để lấy lại niềm tin của thế giới, chúng ta sẽ phải chứng minh rằng lời nói của Hoa Kỳ là đáng tin cậy. Điều này đặc biệt quan trọng khi nói đến những thách thức lớn trong thời đại của chúng ta: biến đổi khí hậu, chiến tranh hạt nhân và quản lý các hệ quả xã hội tiêu cực do sự tiến bộ quá nhanh của công nghệ.

Hoa Kỳ phải lãnh đạo thế giới trong ứng phó với mối hiểm họa sống còn mà chúng ta đang đối mặt: biến đổi khí hậu. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì những thứ còn lại đều trở nên vô nghĩa. Tôi sẽ thực hiện các khoản đầu tư lớn và khẩn cấp để đưa Hoa Kỳ trở thành quốc gia có nền kinh tế xanh và có tổng lượng phát thải bằng không trước năm 2050. Quan trọng không kém, tôi sẽ tận dụng thẩm quyền về mặt kinh tế và đạo đức của chúng ta để thúc đẩy thế giới cùng hành động quyết liệt. Tôi sẽ tái gia nhập thỏa ước khí hậu Paris ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức tổng thống và sau đó triệu tập hội nghị thượng đỉnh của các nước phát thải các-bon lớn trên thế giới. Chúng ta sẽ cam kết giảm lượng khí thải trong vận chuyển hàng hải và hàng không toàn cầu, đồng thời chúng ta sẽ theo đuổi các biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo các quốc gia khác không thể giành lợi thế về kinh tế trước Hoa Kỳ trong khi chúng ta đáp ứng các cam kết của chính mình. Điều đó bao gồm việc kiên quyết yêu cầu Trung Quốc - quốc gia thải các-bon lớn nhất thế giới - ngừng trợ cấp xuất khẩu than và gây ô nhiễm cho các quốc gia khác bằng cách tài trợ hàng tỷ đô la cho các dự án nhà máy điện sử dụng năng lượng hóa thạch thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Về vấn đề an ninh hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân, Hoa Kỳ không thể là một nước đáng tin cậy khi chúng ta hủy bỏ các thỏa thuận mà chính mình đã đàm phán. Từ Iran đến Triều Tiên, từ Nga đến Ả Rập Saudi, Trump đã làm tăng nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân, thậm chí là gia tăng khả năng của việc vũ khí hạt nhân được đem ra sử dụng. Với tư cách là tổng thống, tôi sẽ tiếp tục cam kết của chúng ta về kiểm soát vũ khí trong kỷ nguyên mới. Thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran mà chính quyền Obama-Biden đàm phán đã ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Trump đã vội vàng gạt thỏa thuận sang một bên, khiến Iran khởi động lại chương trình hạt nhân và trở nên khiêu khích hơn, làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thảm khốc khác trong khu vực. Tôi không ảo tưởng gì về chế độ Iran, nó đã gây bất ổn khắp Trung Đông, đàn áp dã man những người biểu tình trong nước và giam giữ người Mỹ một cách bất công. Nhưng thay vì chọn một cách thông minh để chống lại mối đe dọa mà Iran gây ra, Trump đã chọn một cách mà sẽ tự chuốc lấy thất bại. Việc sát hại Qasem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran gần đây, đã loại bỏ một đối tượng nguy hiểm nhưng cũng làm tăng nguy cơ bạo lực ngày càng leo thang trong khu vực và nó đã khiến Teheran hủy bỏ thỏa thuận. Teheran cần phải trở lại tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận. Nếu họ làm vậy, tôi sẽ tham gia lại thỏa thuận và sử dụng các biện pháp ngoại giao để làm việc với các đồng minh của chúng ta để củng cố và mở rộng nó, đồng thời đẩy lùi hiệu quả hơn các hoạt động gây bất ổn khác của Iran.

Đối với Triều Tiên, tôi sẽ trao quyền cho những chuyên gia đàm phán của chúng ta và đẩy mạnh một chiến dịch bền vững, có phối hợp với các đồng minh và những nước khác, bao gồm cả Trung Quốc, để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tôi cũng sẽ theo đuổi mục tiêu gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Hạt nhân (New START), một đảm bảo cho sự ổn định chiến lược giữa Hoa Kỳ và Nga, và sử dụng nó làm nền tảng cho các thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới, và tôi sẽ thực hiện những bước đi khác để thể hiện cam kết của chúng ta trong việc giảm trừ vai trò của vũ khí hạt nhân. Như tôi đã nói vào năm 2017, tôi tin rằng mục đích duy nhất của kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ là để ngăn chặn — và nếu cần, trả đũa — một cuộc tấn công hạt nhân vào nước Mỹ. Tôi sẽ cố gắng hết sức để đưa niềm tin đó vào thực tiễn, trong sự tham vấn với quân đội của cũng như các đồng minh của chúng ta.

Đối với các công nghệ của tương lai, chẳng hạn như 5G và trí tuệ nhân tạo, các quốc gia khác hiện đang dốc các nguồn lực của mình ra để hòng giành vị trí đi đầu trong việc phát triển các công nghệ đó và xác lập cách chúng được sử dụng. Hoa Kỳ cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng những công nghệ này được sử dụng để thúc đẩy mức độ dân chủ cao hơn và sự thịnh vượng chung, chứ không phải để hạn chế tự do và cơ hội ở trong và ngoài nước. Thí dụ, chính quyền của tôi sẽ tham gia cùng với các đồng minh dân chủ của Hoa Kỳ để phát triển mạng 5G an toàn, do khu vực tư nhân lãnh đạo mà không bỏ rơi bất kỳ cộng đồng nào, kể cả những người sống ở nông thôn hoặc thu nhập thấp. Khi các công nghệ mới định hình lại nền kinh tế và xã hội của chúng ta, chúng ta phải đảm bảo rằng những cỗ máy của sự tiến bộ này phải bị ràng buộc bởi luật pháp và đạo đức, như chúng ta đã làm với những bước ngoặt công nghệ trước đây trong lịch sử và tránh rơi vào cuộc đua về giá cả, nơi các quy tắc của thời đại kỹ thuật số được viết bởi Trung Quốc và Nga. Đã đến lúc Hoa Kỳ phải dẫn đầu trong việc tạo ra một tương lai công nghệ mà cho phép các xã hội dân chủ phát triển mạnh và sự thịnh vượng được chia sẻ rộng rãi.

Đây là những mục tiêu đầy tham vọng, và chẳng có mục tiêu nào có thể đạt được mà thiếu sự dẫn dắt của Hoa Kỳ cùng sự hưởng ứng của các nước dân chủ bạn. Chúng ta đang phải đối mặt với những kẻ thù, cả bên ngoài và bên trong - chúng mong khai thác các rạn nứt trong xã hội của chúng ta, phá hoại nền dân chủ của chúng ta, phá vỡ các liên minh của chúng ta và khiến thế giới quay trở lại thời kỳ chân lý thuộc về kẻ mạnh. Câu trả lời cho mối đe dọa này là cần mở rộng ra, thay vì co cụm lại: nhiều tình bằng hữu hơn, nhiều hợp tác hơn, nhiều liên minh hơn, và nhiều dân chủ hơn.

SẴN SÀNG LÃNH ĐẠO

Putin muốn tự lừa dối mình, và bất kỳ ai khác mà ông ta có thể lừa gạt, rằng ý tưởng về tự do đã “lỗi thời”. Nhưng ông ta làm vậy là vì sợ hãi sức mạnh của nó. Không quân đội nào trên trái đất có thể hành quân nhanh như cách mà ý tưởng tự do được truyền từ người này sang người khác, vượt qua biên giới, vượt qua ngôn ngữ và văn hóa, đồng thời khiến những công dân bình thường trở thành những nhà hoạt động và tác nhân thay đổi.

Một lần nữa, chúng ta phải khai thác sức mạnh đó và tập hợp thế giới tự do lại để đương đầu với những thách thức mà thế giới đang đối mặt. Hoa Kỳ có nghĩa vụ giữ vai trò lãnh đạo. Không có quốc gia nào khác có khả năng đó. Không có quốc gia nào khác được xây dựng trên ý tưởng đó. Chúng ta phải đấu tranh cho tự do và dân chủ, lấy lại uy tín của mình, và nhìn về tương lai với sự lạc quan và quyết tâm không hề ngưng nghỉ.

Người dịch: Hồng Việt (Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

(20/10/21020)

(Bài gốc: https://www.foreignaffairs.com/.../why-america-must-lead...)