Về một mal français ( Nguyễn Gia Kiểng )

Xin giới thiệu đến độc giả Thông Luận một bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng về nước Pháp vào năm 2002. Nội dung bài viết còn nguyên giá trị về tính thời sự và các bài học sâu sắc về chính trị. Tác giả đưa ra một giải thích tại sao chính trị không thể tách rời khỏi đạo đức. Và những chuyên viên technocrates, hay còn được gọi là giới kĩ trị, không thể là một giải đáp cho sinh hoạt chính trị quốc gia.
Nguồn: History

Người Pháp có biệt tài là luôn luôn tìm được lý do để thỏa mãn hoặc yên tâm. Họ la hoảng lên khi Le Pen, lãnh tụ đảng phát xít và kỳ thị chủng tộc Mặt Trận Quốc Gia về hạng nhì và được vào vòng chung kết cuộc bầu cử tổng thống. Động đất, ô nhục, vết nhơ trên mặt nước Pháp, xấu hổ cho người Pháp, v.v. ngôn ngữ Pháp không thiếu từ ngữ mạnh. Và lập tức họ xuống đường rầm rộ khắp nơi để bày tỏ sự phẫn nộ và hổ nhục. Sau đó Le Pen được 18%, thua xa Chirac (82%) và họ hân hoan reo mừng thắng lợi : nước Pháp đã rửa được mối nhục, đã đẩy lùi được hiểm họa phát xít, đã cứu vãn được các giá trị tự do, dân chủ, bao dung, nhân bản, v.v.
Nhưng có gì đáng mừng đâu ? Và càng không có lý do gì để hãnh diện. Le Pen không hề suy yếu đi trong vòng hai, trái lại số phiếu bầu cho ông đã tăng lên gần một triệu phiếu so với vòng đầu. Vẫn còn 18% bầu cho Le Pen. Nếu nói rằng Le Pen là một mối nguy thì mối nguy này tăng lên chứ đâu có giảm đi ở vòng hai. Vẫn còn trên năm triệu rưỡi cử tri, một người trên năm người Pháp, bỏ phiếu tán thành phát xít.
Thực ra thì người Pháp không phát xít và cũng không kỳ thị chủng tộc hơn các dân tộc khác. Vấn đề là họ bực tức và cái giận đã làm mất cái khôn. Khi một dân tộc giận dữ, họ hành động như một đám đông, và một đám đông có thể hành động một cách rất sằng bậy và độc ác mặc dầu đại đa số cá nhân cấu tạo ra nó là những người tốt. Điều này chính một nhà tâm lý học người Pháp, Gustave Le Bon, đã nói ra từ hơn một thế kỷ nay.

Nhưng tại sao người Pháp bực tức ? Họ có nhiều lý do.

Trước hết là tình hình an ninh ngày càng xấu đi. Trộm cướp, bạo hành gia tăng một cách nhanh chóng trong những năm gần đây trong khi chính phủ cánh tả tỏ ra quá dễ dãi với tội phạm. Kinh tế nước Pháp bắt đầu suy thoái sau gần năm năm tăng trưởng trong khi các biện pháp của Đảng Xã Hội (tuần lễ làm việc 35 giờ, hạn chế quyền sa thải công nhân của các xí nghiệp, v.v.) tỏ ra không những không đáp ứng được với tình thế mà còn có chiều hướng làm khó thêm cố gắng phục hồi. Các đòi hỏi đăïc quyền của các nghành nghề và thành phần xã hội (hiến binh, cảnh sát, y sĩ, công nhân quan thuế, v.v.) đã chỉ gặp những phản ứng lúng túng của một liên minh cánh tả thiếu đồng thuận trên nhiều vấn đề cơ bản. Tuy nhiên đó chỉ là những vấn đề nhất thời, luôn luôn được thổi phồng trong mọi giai đoạn tranh cử tại các nước dân chủ. Chúng có ảnh hưởng, nhưng không có ảnh hưởng quyết định. Riêng chiêu bài chống người di dân thì càng ngày càng mất trọng lượng. Mọi chính quyền Pháp, dù là tả hay hữu, đều đã từ lâu hạn chế tối đa việc chấp nhận người di dân. Khối người Ả Rập, hơn bốn triệu người, cũng đã gần hoàn tất tiến trình hội nhập sau gần bốn thập niên.
Vấn đề thực sự là người Pháp đã quá chán nản với nhân sự chính trị của họ, tả cũng như hữu. Và họ hoàn toàn có lý. Nói chung, nước Pháp đã thoái bộ ; lợi tức trung bình trên mỗi đầu người Pháp chỉ còn đứng thứ 12 trong số 15 nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu, chỉ hơn được ba nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp cách đây không lâu còn bị coi là những nước kém mở mang. Pháp đã thua cả nước Ý nổi tiếng về tham nhũng, vô kỷ luật, mafia và với một khí hậu nhiệt đới bất lợi.
Không những suy thoái, Pháp còn bế tắc, và sự bế tắc này càng lộ diện rõ rệt hơn với sự ra đời của Liên Hiệp Châu Âu. Pháp và Đức đã là hai cột trụ chính của Liên Hiệp Châu Âu. Pháp đã góp phần chính đặt nền tảng cho liên hiệp này. Nhưng Pháp, với mâu thuẫn trí thức cố hữu, đã góp phần khai sinh ra một Liên Hiệp Châu Âu trái ngược với khuôn mẫu quốc gia của mình. Liên Hiệp Châu Âu được kiến tạo như một liên bang đang hình thành trên nền tảng tản quyền, kinh tế thị trường, tư doanh và cạnh tranh tự do, trong khi Pháp là một nước có một chính quyền tập trung và một nền kinh tế còn nặng tinh thần service public (dịch vụ công cộng) với nhiều công ty quốc doanh lớn. Toàn bộ các nước trong Liên Hiệp Châu Âu, và cả Liên Hiệp Châu Âu sẽ hình thành, theo chế độ đại nghị trong khi Pháp theo chế độï tổng thống. Liên Hiệp Châu Âu cần có một ngôn ngữ chung, mà ai cũng biết sẽ là tiếng Anh, trong khi Pháp lại cố gắng bảo vệ ngôn ngữ của mình và cố đòi một exception culturelle (ngoại lệ văn hóa). Sự xung đột giữa hai mô hình này khiến dự án Liên Hiệp Châu Âu, dự án chính trị đáng kể duy nhất của nước Pháp sau Thế Chiến II, bị tắc nghẽn và sự lỗi thời của tổ chức xã hội Pháp bị phơi bày rõ rệt.
Nói chung, nước Pháp đang đi xuống, các khó khăn đang tích lũy vì một tổ chức xã hội không còn thích hợp, và việc hội nhập bắt buộc vào một liên bang Châu Âu, mà hình như chính giới Pháp chờ đợi như một giải pháp cho những vấn đề nội tại cuả Pháp, đang bế tắc. Phải có những giải pháp rõ rệt và quả quyết. Nhưng các chính đảng truyền thống, dù tả hay hữu, đã không có dự án chính trị nào. Cử tri Pháp đã thất vọng, giận dữ và mất bình tĩnh. Cần lưu ý rằng trong cuộc bầu cử tháng 5 vừa qua, một mặt, cả liên minh cánh tả của thủ tướng Jospin lẫn liên minh cánh hữu của tổng thống Chirac đều mất phiếu và, mặt khác, không phải chỉ có đảng cực hữu của Le Pen thắng lợi mà các đảng cực tả cũng thắng lớn. Ngoài ra các đảng nhỏ với những đòi hỏi cá biệt và cực đoan đều thắng lợi. Nói chung đây là cuộc bỏ phiếu bày tỏ bực bội với các chính đảng vẫn thay nhau cầm quyền. Khủng hoảng của nước Pháp hiện nay là khủng hoảng lãnh đạo. Và đây là một tai ách của nước Pháp một mal français nếu muốn dùng một thành ngữ quen thuộc- đã bắt đầu từ khá lâu.
Trước Thế Chiến II, chính quyền Pháp nằm trong tay những người làm chính trị chuyên nghiệp. Họ có thể là luật sư, kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, nhà văn, doanh nhân, nông dân hay tiểu thương, họ cũng có thể thuộc cánh tả hay cánh hữu, nhưng họ có chung là một đam mê về chính trị. Họ hiến cuộc đời họ cho hoạt động chính trị, chấp nhận những gian lao của hoạt động chính trị. Họ sống cuộc sống vất vả, đôi khi nguy hiểm, và thông thường là không giàu có, của những người làm chính trị. Nhưng nền cộng hòa thứ ba của Pháp đã sụp đổ trước cuộc tiến công của quân đội quốc xã Đức. Như sau mọi thảm bại, nhân sự chính trị bị mất tín nhiệm và bị lố bịch hóa. Một nhân vật kiệt xuất đột ngột xuất hiện và chế ngự chính trường Pháp: tướng De Gaulle.
De Gaulle là một nhân vật rất đặc biệt, hiếm có trên thế giới. Ông có kiến thức rất rộng, có một tài hùng biện ít ai bì kịp, có viễn kiến, có chiến lược và rất khéo trong cách vận dụng người. Nói chung, De Gaulle là một lãnh tụ chính trị lý tưởng. Nhưng De Gaulle sinh ra trong một gia đình quí tộc và gia nhập quân đội theo truyền thống gia đình. Là một quân nhân, ông không được phép hoạt động chính trị và đành bất lực khoanh tay nhìn các lãnh tụ các chính đảng tài năng kém hẳn ông thay phiên nhau cầm quyền. Nếu không có cuộc thảm bại của Pháp trong thế chiến II thì chắc chắn De Gaulle đã về hưu với quân hàm đại tá, rồi chết đi mang theo thiên tài chính trị sang thế giới bên kia. Sự bực bội nhuốm phần ghen tức với nhân sự chính tri của thế hệ ông đã khiến De Gaulle luôn luôn dị ứng với các chính đảng và những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp.
Năm 1944, sau khi vừa thắng lợi và cầm quyền, De Gaulle nhờ một người bạn tìm cho ông ta ''một thạc sĩ biết viết'' (un agrégé qui sache écrire). Học vị thạc sĩ mà De Gaulle nói tới ở đây là thạc sĩ về tiếng Pháp, họïc vị danh giá nhất của nước Pháp lúc đó về văn học. Người bạn này giới thiệu cho De Gaulle một thanh niên, Georges Pompidou, mà De Gaulle dùng làm thư ký riêng. Mầm mống của tật ách mới của nước Pháp, un nouveau mal français, đã bắt đầu từ đó.
Georges Pompidou lúc đó 33 tuổi, tốt nghiệp trường Normal Sup, trường danh giá hạng nhất và vượt trội của Pháp. Pompidou tỏ ra đặc biệt tài giỏi và được De Gaulle hoàn toàn tin cậy, cất nhắc lên nhiều chức vụ ; làm tổng thư ký phủ tổng thống rồi thủ tướng sau khi De Gaulle trở lại cầm quyền lần thứ hai. Năm 1969 De Gaulle từ chức, Pompidou trở thành tổng thống Pháp.
Pompidou mở đầu ra một kỷ nguyên chính trị mới : kỷ nguyên hoạt động chính trị không hy sinh, không vất vả, không lý tưởng. Khi Thế Chiến II bùng nổ, Pháp thua trận và bị chiếm đóng, Pompidou 29 tuổi, đang ở tuổi cường tráng và đã học xong.
Pompidou có mọi lý do để xả thân tranh đấu để chống Hitler và cứu nước Pháp, nhưng trong khi những thanh niên cùng lứa tuổi với mình tham gia kháng chiến chấp nhận bị giết, tù đày và tra tấn thì Pompidou bình thản tiếp tục đi dạy học như một công chức của chính quyền chiếm đóng. Hành động yêu nước duy nhất của Pompidou là đã tham dự cuộc biểu tình mừng Paris được giải phóng. Tuy vậy nhờ có tài, được việc cho De Gaulle và được De Gaulle tin dùng, Pompidou đã được cất nhắc vào những chức vụ trọng yếu. Sau khi De Gaulle mất chức và phải rời chính quyền trong 13 năm, Pompidou cũng thôi hoạt động chính trị, đi làm chủ tịch tổng giám đốc cho một ngân hàng lớn nhờ thế lực của De Gaulle. Đến khi De Gaulle trở lại cầm quyền nắm 1958, Pompidou, theo chính lời ông, còn lưỡng lự không biết có nên bỏ chức tổng giám đốc ngân hàng nhiều bổng lộc để làm việc với De Gaulle hay không. Dầu vậy Pompidou vẫn được cất nhắc làm tổng thư ký phủ tổng thống, rồi thủ tướng, và sau cùng đắc cử tổng thống. Pompidou đã là một mẫu mực của nhân sinh quan tránh gian lao, hưởng danh vọng. Nước Pháp, và tướng De Gaulle, đã trọng cái tài hơn là cái tâm, đã đặt lợi trước nghĩa lớn, đã bội bạc với những người có tâm huyết.
Từ sau Pompidou, nước Pháp trượt một cách liên tục và chắc chắn vào chủ nghĩa thực dụng, và lãnh đạo chính trị nước Pháp ngày càng trở thành phù phiếm. Bản thân Pompidou còn khá. Ông còn có liên hệ mật thiết với quần chúng, với nước Pháp nền tảng, với la France profonde. Ông là con của một giáo viên, lớn lên trong một gia đình nghèo. Dù không có khí phách của một người dũng cảm, Pompidou có bản tính giản dị và thực thà, lại có khả năng suy nghĩ đúng đắn và có tài hùng biện của một người có trí tuệ và nắm được thực tế. Nhưng những đứa con tinh thần của ông lại khác. Pompidou không phải là một nhà tư tưởng cũng không phải là một chính trị gia đúng nghĩa, do đó ông đã thiếu viễn kiến và trong thời gian làm thủ tướng rồi tổng thống đã tạo ra cả một nhân sự chính trị thiếu khí phách như ông, nhưng lại không có được cái gốc quần chúng của ông. Họ là những con người trưởng giả, có bằng cấp rất cao, có tài ăn nói, nắm vững các số liệu và biết khai thác các số liệu. Nói chung, họ là những chuyên viên, những technocrates.
Con người lỗi lạc nhất của ''thế hệ Pompidou'' là Valéry Giscard dEstaing, tốt nghiệp Trường Bách Khoa (Ecole Polytechnique), trường kỹ sư số một của Pháp và Trường Quốc Gia Hành Chánh, cũng là trường chính trị số một của nước Pháp. Giscard cũng không tham gia kháng chiến, bình thản đi học lúc nước Pháp bị chiếm đóng. Sau khi tốt nghiệp hai trường lớn nhất nước Pháp, Giscard lui tới các sa lông của giới thượng lưu, được một bà lớn giới thiệu cho một ông bộ trưởng, làm cố vấn, thứ trưởng, rồi bộ trưởng tài chánh lúc mới ngoài 30 tuổi. Sau đó danh tiếng nổi như cồn và đắc cử tổng thống Pháp năm 48 tuổi, một hiện tượng chưa từng có tại Pháp. Với Giscard, nước Pháp thực sự đi vào một kỷ nguyên mới : kỷ nguyên của các cấp lãnh đạo chính trị ''đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi''. Dù Giscard đã thất cử và thôi cầm quyền từ 21 năm nay, có thể nói nước Pháp vẫn chưa ra khỏi thời đại Giscard, một thời đại mà người ta có thể đánh giá một cách ngắn gọn là thời đại tôn sùng bằng cấp.
Ở trung tâm của tâm lý bệnh hoạn này là Trường Quốc Gia Hành Chánh (Ecole Nationale dAdministration), gọi tắt là ENA. Trường này, như tên gọi của nó, được lập ra để đào tạo công chức. Nhưng nó đã được Pompidou, rồi Giscard, tận tình nâng đỡ để trở thành trường đào tạo mọi cấp lãnh đạo của Pháp. Hiện tượng Giscard tài giỏi và phong nhã đã quyến rũ dân Pháp và trí thức Pháp đến nỗi trường ENA trở thành một mẫu mực và một lý tưởng của người Pháp. Không những cánh hữu, mà ngay cả cánh tả cũng bị cuốn hút vào sự sùng bái ENA và, cùng với ENA, các trường lớn danh tiếng nhất của Pháp. Cánh tả Pháp còn có phần khoa bảng hơn cả cánh hữu. Một thống kê cho thấy chỉ sáu trường lớn nhất của Pháp, mỗi năm đào tạo khoảng 2.000 người, chiếm 95% cấp lãnh đạo chính quyền và các công ty lớn của Pháp.
Một thanh niên 25 tuổi tốt nghiệp ENA, chưa hề qua một kinh nghiệm thực tiễn nào, nếu tốt nghiệp cuối bảng cũng được bổ nhiệm ngay làm tỉnh trưởng (préfet) hay phó tỉnh trưởng. Nếu tốt nghiệp hàng đầu thì được trực tiếp vào Tham Chính Viện (Conseil dEtat). Cỡ trung bình thì được bổ nhiệm vào các văn phòng bộ trưởng và một vài năm sau làm tổng giám đốc các công ty lớn, quốc doanh hay tư doanh. Mâu thuẫn lố lăng nhất là trong lúc cả nước Pháp kêu gọi giảm bớt công chức và quốc doanh để phát triển tư doanh thì những người được đào tạo để làm công chức lại chế ngự khu vực tư doanh, và sự khống chế này liên tục tăng lên, và tăng nhanh, từ ba thập niên qua.
Trong đà mê muội, người Pháp đã mất khả năng đánh giá con người. Hình như họ tin là có những con người bẩm sinh vượt hẳn những người khác và đương nhiên phải được vai trò lãnh đạo hàng đầu. Và bằng cớ của sự hơn hẳn đó là thi đậu vào các trường lớn nhất ở lứa tuổi 20. Tất cả những đức tính khác : kiên trì, dũng cảm, lương thiện, yêu nước, đam mê, sáng tạo, chấp nhận rủi ro, v.v. đều chỉ là thứ yếu. Đức tính quan trọng nhất chỉ là giỏi, hay đúng hơn là học giỏi.
Nhưng những cấp lãnh đạo này có giỏi thực hay không lại là một chuyện khác. Cái gì đảm bảo rằng những điều được giảng dạy trong các trường lớn và được đem làm đề thi để tuyển chọn nhân tài bao gồm hết những kiến thức cần có trong thế giới càng ngày càng phong phú và đa dạng này. Chưa chắc đã được 5%. Điều chắc chắn là những người may mắn này thiếu tâm hồn, và cũng thiếu cả kiến thức thực sự. Họ cũng như những người khác thôi, chỉ may mắn hợp với một vài môn học. Nhưng ngay cả trong những môn này họ cũng học nhanh quá nên chưa tiêu hoá được. Họ được đẩy quá nhanh vào thượng tầng lãnh đạo để có thời giờ và cơ hội học hỏi những kinh nghiệm và kiến thức thực sự của cuộc sống. Họ có thể biết khá nhiều nhưng không thấu hiểu gì cả. Họ sống thành một giai cấp thượng lưu riêng, hời hợt và thỏa mãn, yêu nước Pháp như yêu rượu champagne.
Cả nước Pháp đồng ý là điều nước Pháp thiếu nhất là một dự án chính trị quốc gia. Nhưng làm sao có được một dự án quốc gia với những cấp lãnh đạo này ? Một dự án quốc gia chắc chắn đòi hỏi nhiều kiến thức, nhưng nó đòi hỏi trước hết nhiều năm dằn vặt suy tư, nhiều năm vật vã với thực tại và các sự kiện, để nghe và hiểu từng hơi thở của đất nước. Nó đòi hỏi trí tuệ, trái tim, kinh nghiệm sống và một sự sáng tạo chỉ có thể đạt tới sau một cuộc động não dai dẳng đến kiệt sức. Dự án này những con người quá được ưu đãi và thành công quá dễ dàng không thể đem lại. Họ không có thì giờ. Họ là một giai cấp riêng, dù thuộc cánh tả hay cánh hữu, cách biệt với phần còn lại của nước Pháp, gắn bó với nhau, liên đới với nhau, bảo vệ lẫn nhau để duy trì những đặc quyền. Họ trở thành cái mà người Pháp gọi là Le Système (giới danh phận, Establishment) cách biệt với quần chúng. Trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, điều mà người Pháp đã thực sự biểu lộ là sự tức giận dối với Le Système.
Dù chúng ta nhận xét gì về họ đi nữa thì những đảng viên đảng Mặt Trận Quốc gia (Front National) của Le Pen, đảng Công Nhân Đấu Tranh (Lutte Ouvrière) của Arlette Laguiller hay Liên Đoàn Cộng Sản Cách Mạng (Ligue Communiste Révolutionnaire) của Besancenot cũng vẫn còn hơn nhân sự chính trị hiện nay của Pháp. Ít ra họ có lý tưởng và niềm tin (dù là lý tưởng hão huyền và niềm tin sằng bậy), họ biết họ không bao giờ nắm được chính quyền, họ biết họ sẽ không bao giờ thành công, nhưng vẫn phấn đấu với tất cả tâm huyết cho những gì họ tin.
Trước mặt họ là những con người sung sướng và thoải mái, không có yêu cầu và thời giờ để nặn óc suy tư hay đổ mồ hôi tranh đấu, nhưng vẫn lãnh đạo, và đưa nước Pháp đi xuống một cách chậm chạp nhưng chắc chắn. Cái mal français mới của nước Pháp chính là nhân sự chính trị này. 
Nước Pháp cần phục hồi lại những giá trị mà họ vẫn có, và có nhiều, nhưng đã lỡ quên trong một giai đoạn. Đó là niềm tin rằng mỗi con người sinh ra với khả năng gần như nhau, chỉ hơn nhau nhờ cố gắng học hỏi, ở nhà trường và nhất là trong cuộc sống ; đó là các giá trị của muôn đời : sự lương thiện, sự kiên trì, sự dũng cảm, óc sáng tạo, lòng yêu nước và sự tận tụy với đất nước.
Sau khi đắc cử, tổng thống Chirac đã bổ nhiệm một thủ tướng mới, ông Jean-Pierre Raffarin. Ông này tốt nghiệp ở một trường thương mại khá, nhưng không thuộc những trường lớn hàng đầu. Ông đã làm việc trong các xí nghiệp tư, lên dần tới chức giám đốc, rồi tham gia hoạt động chính trị, leo dần các nấc thang trong đảng và giữ chức bộ trưởng đặc trách các xí nghiệp nhỏ và trung bình. Ông đang là thị trưởng của một thành phố trung bình tại Pháp. Ông có dáng dấp, thái độ và ngôn ngữ của một người Pháp trung bình. Trong chính phủ của ông, nhiều bộ quan trọng được giao phó cho những nhân vật không thuộc giới khoa bảng nhưng có nhiều kinh nghiệm trong sinh hoạt của xã hội dân sự. Tôi tin là chính phủ của ông sẽ thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 6 này để được duy trì, ông là mẫu người lãnh đạo mà nước Pháp đang cần.
Đây là một thay đổi theo chiều hướng tốt. Nhưng vẫn mới chỉ là bước đầu. Chưa đủ.

Nguyễn Gia Kiểng
(Thông Luận 160, tháng 6-2002)