Trung Quốc thực sự có « quyền lực mềm » ? (Thùy Dương)

Theo đại sứ Úc tại Bắc Kinh giai đoạn 2007-2011, Geoff Raby, tóm lược thì « Trung Quốc không có quyền lực mềm », chính xác hơn là Bắc Kinh không thể khiến họ có được thiện cảm hơn. Mọi người có thể ngưỡng mộ sức mạnh kinh tế và công nghệ của Trung Quốc, nhưng lại không muốn theo lối sống ở Trung Quốc và nhất là không ai muốn sống ở quốc gia này. Đúng là như thế, Trung Quốc vẫn tồn tại một chế độ độc tài CSTQ dựa trên cái phông văn hóa Khổng Giáo bao trùm lên xã hội. Mô hình kinh tế của nó có thể tóm gọn là xuất khẩu sự nghèo khổ của khối tỷ dân, bỏ mặc tài nguyên môi trường để thu về ngoại tệ. Chế độ CSTQ không mạnh như nhiều người lầm tưởng, trái lại, nó đang co cụm dần vì trên một đà sụp đổ không thể đảo ngược.


(Ảnh minh họa) – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Donald Trump trước cuộc họp song phương bên lề thượng đỉnh G20 Osaka 2019 tại Nhật Bản.
(Ảnh minh họa) – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Donald Trump trước cuộc họp song phương bên lề thượng đỉnh G20 Osaka 2019 tại Nhật Bản. © AFP - BRENDAN SMIALOWSKI
Như thường lệ, Le Monde giới thiệu với độc giả tình hình dịch bệnh ở nhiều quốc gia : « nghịch lý giải tỏa » tại Đức, « hiệu quả đáng gờm của các đạo quân chống virus corona tại Áo ». Nhìn sang châu Á, Le Monde dự báo nguy cơ « nô lệ hóa lao động » tại Ấn Độ do nhiều bang quyết định kéo dài thời gian làm việc của người lao động lên thành 72h/tuần. Còn về châu Phi, Le Monde đề cập tới « tình trạng hỗn loạn » do giá dầu thô giảm.
Liên quan đến Trung Quốc, Le Monde phân tích « Những điều bí ẩn ở Đại hội thể thao quân đội thế giới Vũ Hán » hồi tháng 10/2019, với sự tham gia của 10.000 vận động viên quân đội từ nhiều nước, trong đó có Mỹ, Pháp, Ý, Thụy Điển … Le Monde dẫn lại một số vận động viên các nước, theo đó nhiều người có các biểu hiện mệt mỏi, sốt khác thường khi ở Vũ Hán hay sau khi về nước. Điều lạ là họ được lệnh không cung cấp thông tin cho báo chí. Nghi vấn virus corona lây lan ra thế giới từ Đại hội thể thao quân đội thế giới. Vũ Hán vẫn đang để ngỏ.

Le Monde cũng có một bài viết đáng chú ý khác : « Quyền lực mềm của Trung Quốc thất bại ». Tờ báo nhận định các nỗ lực của Bắc Kinh để phát triển « ngoại giao khẩu trang » không đủ để cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trong mắt quốc tế. Trong khi Bắc Kinh tự cao tự đại là cứu thế giới với việc xuất 28 tỉ khẩu trang đến 130 nước, hình ảnh của Trung Quốc không những không được cải thiện mà còn xấu đi.

Một bài viết mới đây của Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc có tiêu đề « Làm thế nào để đáp trả lại tốt hơn những đòn tấn công chống Trung Quốc » đã nhắc đến thái độ « thù địch » mà Bắc Kinh đã gây ra ở châu Âu. Thậm chí một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu an ninh Nhà nước Trung Quốc còn đánh giá thái độ bài Trung Quốc chưa bao giờ dâng cao đến như vậy trên thế giới, kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn hồi năm 1989. Reuters tiết lộ báo cáo gửi đến Tập Cận Bình không loại trừ khả năng nổ ra một cuộc xung đột vũ trang giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ - Trung.

Ngay cả tại châu Phi, vốn rất được ngành ngoại giao Trung Quốc chú ý, Trung Quốc cũng không tránh khỏi bị chỉ trích, nhất là tại Nigeria, vì người dân nước họ bị kỳ thị ở Trung Hoa đại lục. Theo Le Monde, một dấu hiệu khác đáng lo ngại đối với Bắc Kinh là nhiều chuyên gia người Bắc Triều Tiên và châu Âu chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và đã dành một phần tuổi trẻ để học tiếng Trung, vì bị đất nước và nền văn hóa Trung Hoa mê hoặc, nay lại là những nhà phê bình Bắc Kinh mạnh nhất trên các mạng xã hội, cho dù hiếm khi bối cảnh thế giới thuận lợi cho Trung Quốc như trước khi xảy ra bệnh dịch : Tổng thống Hoa Kỳ không quan tâm đến vai trò quốc tế, Ấn Độ cũng thu mình, châu Âu đang phải vật lộn với chính mình, còn Nga không còn đủ lực thực hiện các tham vọng.

Thành công mạnh mẽ về kinh tế, Trung Quốc có một mô hình phát triển có thể đề xuất ra thế giới. Bắc Kinh cũng có một « hộp công cụ » - chương trình đầu tư « Con đường tơ lụa mới » với phương tiện tài chính dồi dào. Tuy nhiên, như đại sứ Úc tại Bắc Kinh giai đoạn 2007-2011, Geoff Raby, tóm lược thì « Trung Quốc không có quyền lực mềm », chính xác hơn là Bắc Kinh không thể khiến họ có được thiện cảm hơn. Mọi người có thể ngưỡng mộ sức mạnh kinh tế và công nghệ của Trung Quốc, nhưng lại không muốn theo lối sống ở Trung Quốc và nhất là không ai muốn sống ở quốc gia này.

Theo điều tra năm 2019 của Viện Pew Research, trong số 30 quốc gia, Mỹ có cái nhìn tốt hơn về Trung Quốc so với 21 quốc gia khác. Tại châu Á và châu Thái Bình Dương, Trung Quốc bị xem là một mối đe dọa hơn là một đồng minh. Việc Donald Trump không được lòng người dân các nước cũng không giúp gì thêm cho Tập Cận Bình. Chỉ có người dân Nga mới đánh giá ông Tập cao hơn ông Trump. Đối với Geoff Raby, hàng tỉ đô la Bắc Kinh chi ra để cải thiện hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài là một trong những sự lãng phí của công lớn nhất ở đất nước này. Các nước không thể không sợ một đất nước mà các nhà ngoại giao bị coi là những « chiến binh sói ».
  
Điều sâu xa hơn, như chuyên gia về Trung Quốc, Nadège Rolland, thuộc Văn phòng quốc gia về nghiên cứu châu Á, đã phát biểu trước Quốc Hội Mỹ, là việc Bắc Kinh quảng bá Trung Quốc là một nền văn hóa, lịch sử và dân tộc duy nhất trên thế giới cho thấy quan điểm của họ là không có nước nào phù hợp hơn Trung Quốc để làm hình mẫu phát triển kinh tế và chính trị cho thế giới, và chỉ có đảng Cộng Sản Trung Quốc mới có thể chỉ ra con đường thế giới cần đi. 

Bà Anne Cheng, giáo sư Viện khoa học có uy tín của Pháp Collège de France, tác giả bài phân tích « Đại dịch và toàn cầu hóa kiểu Trung Quốc » đã nhấn mạnh là trong vòng 4 thập kỷ qua, Bắc Kinh đã thay đổi quan điểm, từ « Trung Quốc trong thế giới », đến « Trung Quốc và thế giới », và nay thì « Trung Quốc là thế giới ». Bắc Kinh coi là dưới bầu trời này chỉ có duy nhất Trung Quốc. Le Monde kết luận : Khi mơ về một « thế giới Trung Hoa », Tập Cận Bình không thể điều chỉnh chế độ thích nghi với phần còn lại của thế giới.

Covid-19 – Pháp khủng hoảng kinh tế nặng nhất châu Âu : Không phải điều tình cờ
Khác với Le Monde, báo Le Figaro hôm nay tập trung vào gánh nặng khủng hoảng mà nước Pháp phải chịu đựng. Le Figaro chạy tựa trang nhất « Khủng hoảng kinh tế : Nước Pháp bị tác động nhiều hơn các nước khác ». Do tác động của dịch bệnh, tăng trưởng quý 1/2020 của Pháp giảm 5,8%, mức giảm nhiều nhất Liên Âu, nhiều hơn so với Đức (5,2%), Ý (4,7%) và Tây Ban Nha (2%). Liên Âu dự báo kinh tế Pháp năm nay sẽ sụt giảm khoảng 8%. Theo Le Figaro, điều này chủ yếu là do các biện pháp phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt mà chính phủ ban hành, các quy định vệ sinh y tế khi giải tỏa lại không rõ ràng khiến việc tái khởi động của các doanh nghiệp bị chậm, trợ cấp thất nghiệp bán phần lại quá hào phóng. Giới chủ doanh nghiệp Pháp hiện giờ đang lo ngại sự chậm chạp của các công ty Pháp sẽ tạo lợi thế cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Con sóng thần Covid-19 đã quét sạch mọi thứ trên đường nó qua, đại dịch Covid-19 cũng như cú sét khủng khiếp đánh xuống cả hành tinh, để lại những hậu quả nặng nề kéo dài cho mỗi nước. Theo những ước tính ban đầu, Pháp sẽ lâm vào suy thoái kinh tế mạnh hơn, với tỉ lệ thất nghiệp cao hơn và ngân sách Nhà nước sẽ thâm thủng hơn nhiều so với các quốc gia khác. Trong bài xã luận « Đâu phải tình cờ … », Le Figaro đi tìm lý do sâu xa giải thích những vấn đề của nước Pháp. Những viễn cảnh ảm đạm không phải tình cờ mà có, chủ yếu là do đất nước đã bị gặm nhấm bởi những điều đặc biệt : trước khi xảy ra khủng hoảng Covid-19, các cuộc xung đột xã hội đã kéo dài suốt nhiều tháng, điển hình là phong trào đấu tranh Áo Vàng trong hơn 1 năm, hai đợt đình công lớn của ngành giao thông công cộng. Nước Pháp bước vào khủng hoảng trong cảnh thiếu thốn, nhưng theo Le Figaro, nước Pháp là nạn nhân của chính mình : thiếu khẩu trang, xét nghiệm, giường bệnh, máy trợ thở.

Phong tỏa đất nước, chính phủ đã áp dụng chính sách trợ cấp thất nghiệp bán phần mà Le Figaro coi là « không giống ai ». Nhà nước hiện giờ đang góp phần chi trả lương cho 12 triệu lao động thuộc lĩnh vực tư nhân. Người lao động và các doanh nghiệp dĩ nhiên là thấy nhẹ nhõm hơn, nhưng hoạt động kinh tế đang bị chậm lại. Từ hai ngày nay, chính quyền mới nới lỏng các biện pháp phong tỏa, trong khi các đối thủ của Pháp đã tái khởi động ở tốc độ tối đa. Nước Pháp bước vào khủng hoảng Covid-19 trong cảnh « cạn tiền, cháy túi », và sau giai đoạn phong tỏa, nước Pháp hoàn toàn kiệt sức, với tỷ lệ nợ cao gấp rưỡi so với láng giềng Đức.

Một số người cho rằng Pháp sẽ phải trả giá cho chủ nghĩa tự do thái quá. Tuy nhiên, virus corona cũng chứng minh điều hoàn toàn ngược lại : Quốc gia « chi tiêu phóng tay » nhất và « Nhà nước hóa » mạnh nhất trong số các nền dân chủ lớn trên thế giới cũng là nước dễ bị tổn thương nhất.

Châu Á giãn cách kinh tế với Trung Quốc

Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos nói về « Hồi hương sản xuất : Giấc mơ mới của Pháp ». Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã mở ra những tranh luận về việc hồi hương các dây chuyền sản xuất công nghiệp về Pháp. Có rất nhiều đường hướng, nhưng Les Echos lưu ý là các khó khăn, hạn chế cũng không ít. Nhìn ra châu Âu, Les Echos cho biết Bruxelles đang tính đến phương án hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp chiến lược của Liên Hiệp : thành lập các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đối phó với khủng hoảng và nguy cơ bị nước ngoài « thôn tính ». 

Liên quan đến Trung Quốc, Les Echos nhận định « Các doanh nhân nước ngoài khó quay trở lại Trung Quốc ». Để hạn chế các ca nhiễm bệnh mà Bắc Kinh coi là « nhập khẩu » từ ngước ngoài, ngày 28/03 Trung Quốc ra lệnh cấm người ngoại quốc đến nước này, kể cả người có giấy phép cư trú, doanh nhân, chủ doanh nghiệp có cơ sở tại Trung Quốc … Nhưng hiện giờ, để tái kích hoạt nền kinh tế, Bắc Kinh bắt đầu nới lỏng biện pháp nói trên, thảo luận với các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức … hay bí mật thương lượng với từng doanh nghiệp đối tác lớn như Volkswagen của Đức, PSA của Pháp để các lãnh đạo và nhân viên của các tập đoàn sớm được quay trở lại Trung Quốc làm việc.

Les Echos cũng chú ý đến « Ý định của các nước châu Á về giãn cách kinh tế với Trung Quốc ». Tranh thủ cuộc khủng hoảng dịch bệnh, chính quyền nhiều nước châu Á hy vọng thuyết phục được các doanh nghiệp ngưng phụ thuộc vào hàng « Made in China ». Những nước này đã nhận thấy Trung Quốc dễ bị tổn thương và thiếu minh bạch như thế nào !
Trong số đó, Nhật Bản là nước đầu tiên đề xuất gói hỗ trợ 248 tỉ yen (2,2 tỉ euro) cho các doanh nghiệp muốn đưa các dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về nước. New Delhi khuyến khích các nhóm công tác kinh tế tăng cường liên hệ với các tập đoàn Mỹ đặt tại Trung Quốc để đề xuất họ chuyển sang Ấn Độ với những điều kiện ưu đãi hơn. Chính quyền Seoul cũng thành lập một nhóm công tác đặc biệt với Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp Hàn Quốc để tạo thuận lợi cho các công ty chuyển hoạt động sản xuất về nước.
Trong khi một số tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan còn do dự trong việc hồi hương sản xuất vì nhiều lý do kinh tế, một số doanh nghiệp đã hướng tới việc mở rộng sản xuất ở các nước châu Á khác, nhất là Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt