Việt Nam và FDI : Nhìn lại cho tương lai (Quốc Phái)

Trình độ cán bộ Việt Nam rất hạn chế. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp với quá trình giám sát, thẩm định, cấp phép cho các Dự án, và cũng ảnh hưởng tới vận hành Dự án hoạt động. Khắc phục điều này, đã có ý kiến cần thành lập tổ công tác đặc biệt trực thuộc Thủ tướng để đàm phán, kêu gọi và triển khai FDI khi đang có sự dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc của các nước thời hậu Covid - 19. Tổ công tác nếu được lập, phải vừa sáng kiến, vừa có thực quyền kiến nghị giải quyết. Và phải mạnh dạn triển khai thí điểm các mô hình hợp tác kể cả khi luật chưa ban hành. (Quốc Phái)




Muốn kêu gọi FDI thì phải nêu lợi thế, bên cạnh khắc phục bất cập. Và muốn làm chủ tương lai mà không phó thác vào FDI thì doanh nghiệp Việt cũng phải có Dự án, để ngoài việc tranh thủ nguồn vốn, còn tự nâng cao kĩ năng và học hỏi công nghệ, bên cạnh kích thích sáng tạo công nghệ cho lứa kế cận.

Kinh nghiệm của ba thập kỉ FDI tại Việt Nam cho Đảng cộng sản cái nhìn tổng thể về những hạn chế. Khuôn khổ bài viết này tạm gác lại chủ đề về chế độ chuyên chế tại Việt Nam, dù thể chế quyết định chất lượng xã hội, để có thêm góc nhìn khác về FDI cho đất nước.

Nhìn lại

Với một dân tộc sẵn sàng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, thì làm đường xá không phải vấn đề với họ. Chỉ là chất lượng của con đường. Chứ xa lộ đã có và đang làm với tốc độ nhanh. Điều đó kết hợp với trọng điểm địa lý giúp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư. Thực tế các nhà máy phân bổ cân bằng ở dọc đất nước đã chứng minh điều đó. Mặc dù cơ bản vẫn là tận dụng sức người chứ không phải đòi hỏi trình độ công nghệ nhưng đó vẫn là lợi thế.

Đặc tính linh hoạt và thích nghi của người Việt thuộc hạng bậc nhất thế giới. Trí tuệ chúng ta cũng tốt, chỉ là vấn đề thể chế để tự do kinh doanh và sáng tạo. Nhưng ngay cả trong chế độ độc tài, thì năng lực người Việt cũng có thể khởi tạo những Dự án công nghệ, dù còn hạn chế về vốn và năng lực quản trị. Khởi tạo dự án hợp tác cũng là điều kiện đảm bảo sự an tâm cho doanh nghiệp FDI, cho dù ở quy mô vừa và nhỏ.


Cơ sở hạ tầng giúp thu hút vốn đầu từ FDI là thể chế, đường xá, cảng biển, internet…

Dân số Việt Nam đủ để đưa chúng ta vào hàng quốc gia có tầm vóc thế giới sau này. Và độ tuổi lao động dù giảm, vẫn tạo được sức bật đáng kể nếu được đào tạo và phân bổ hợp lý. Nguồn cung lao động trên bình diện thế giới cũng giảm, tỉ suất sinh của thế giới đang lùi về mức tới hạn 2,1 và Việt Nam vừa thông qua chính sách dân số để khuyến khích tăng sinh, đạt mức cân bằng một người phụ nữ có 2 con.

Đây là giai đoạn nâng cấp dần các dự án FDI để nâng cao kĩ năng lao động, tiếp cận công nghệ và bảo vệ môi trường cho Việt Nam. Thực trạng phát triển ở các quốc gia độc tài thường trải qua giai đoạn đầu tư chấp nhận công nghệ lạc hậu và ô nhiễm để đổi lấy kinh tế. Và lực lượng cầm quyền ở Việt Nam trong giai đoạn hậu mở cửa, không đủ năng lực đánh giá tác hại, và cũng không muốn để tâm đến tác hại môi trường, vẫn cấp phép hoạt động cho các Dự án như vậy. Và chính thế hệ cầm quyền sau của họ cũng không biết xử trí ra sao với nhưng Dự án có ‘đầy đủ pháp lý’, nhưng bị người dân phản đối vì ô nhiễm.

Bây giờ là lúc sàng lọc lại, vì con người và môi trường.

Hiện trạng

Trước tiên phải nói rằng trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp thì công nghiệp là chiếc vé thoát nghèo và vươn lên của các quốc gia mới nổi.


Công nghiệp là chiếc vé thoát nghèo và vươn lên của các quốc gia mới nổi.

Dịch vụ là cuộc chơi cân bằng. Không phải người Việt giỏi hơn nước ngoài, mà vì thị trường nội địa có lợi thế sân nhà với giới đầu tư lớn trong nước. Chúng ta có thể quan sát về dịch vụ tài chính. Khi các định chế tài chính trong nước có đủ khả năng, họ sẽ chen chân vào và chính phủ sẽ ủng hộ bằng chính sách để lấy lại thị phần. Dịch vụ cho vay tiêu dùng là một ví dụ. Ở Việt Nam thập niên trước, các công ty tài chính nước ngoài đã khai thác thị trường cho vay tiêu dùng cá nhân, và chiếm được thị phần lớn, trước khi các ngân hàng Việt Nam đủ năng lực nhập cuộc. 

Chính phủ ngược lại cần cẩn trọng trong kiểm soát dịch vụ thông tin khi các doanh nghiệp lớn cung cấp dịch vụ thông tin cho người Việt mà chủ sở hữu là nước ngoài. Bán lẻ hiện đang là cuộc chơi ngoại quốc chiếm ưu thế về mô hình, nhưng sẽ sớm cân bằng với các doanh nghiệp trong nước.

Điện mặt trời và điện gió là một kênh kêu gọi đầu tư, nhưng chưa đủ sức hấp dẫn trên thực tế vì giá bán điện do nhà nước chi phối và thủ tục để nhận được đất đầu tư rất phức tạp.

Bất động sản là kênh mà FDI tham gia theo kênh mua cổ phần và mô hình phát triển, năng lực quản trị và vận hành công trình. FDI sẽ tiếp tục theo xu hướng này và đó là kênh cần huy động. Mối bận tâm của Đảng cộng sản sẽ nằm ở gốc gác của nguồn vốn chảy vào và năng lực quy hoạch hạ tầng và giao thông.

Nông nghiệp Việt Nam có lợi thế nhất định về thuỷ sản xuất khẩu, nông sản xuất khẩu. Các mảng này đã được triển khai. Nhưng có giới hạn về số lượng, và vẫn phải tiếp tục duy trì lẫn cải thiện chất lượng trước các thị phần đòi hỏi khắt khe hơn về tiêu chuẩn. 

Cho tương lai

Dù thế nào, nhà máy sản xuất vẫn có sức hấp dẫn, độ ổn định, và điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế quốc gia, trước cả dịch vụ. 

Phần chưa khai thác còn nhiều và hoàn toàn có thể khai thác. Một phần vì thiếu công nghệ, cách thức hợp tác và cũng vì thiếu vốn, tập trung ở các công nghệ như môi trường, dược phẩm, năng lượng sinh khối. Nghĩa là mảng việc dựa trên vốn ‘trời cho’ về đặc điểm thổ nhưỡng nhiệt đới ẩm gió mùa, nơi có thảm thực vật rất phong phú và độc đáo, có sinh khối lớn. Việt Nam là một trong các quốc gia có thể sản xuất nhiều loại thuốc từ tự nhiên, có tiềm năng trở nên chất lượng bậc nhất thế giới. Kinh tế nền tảng sinh học là một lựa chọn đương nhiên, và chúng ta có lợi thế cơ bản. Đó cũng là cách góp phần làm kinh tế, tái tạo và gìn giữ môi trường bằng các trung tâm nghiên cứu, nhà máy sản xuất. 


Việt Nam là một trong các quốc gia có thể sản xuất nhiều loại thuốc từ tự nhiên, có tiềm năng trở nên chất lượng bậc nhất thế giới.

Hợp tác cần Dự án. Muốn đổi đời mà không sống mãi phận tầm gửi thì cần chủ động tạo ra Dự án. Việt Nam đang làm điều này, mạng lưới startup trỗi dậy và sẽ có tương lai, cần tiếp tục khuyến khích sáng tạo công nghệ điện tử, thông tin, công nghệ sinh học. Những mảng việc chúng ta làm tốt, dù chưa thể có những phát minh vĩ đại vì tiềm năng dân tộc chưa được giải phóng, nhưng đủ để nâng tầm kinh tế Việt Nam, và tạo ra cảm hứng để bạn trẻ khởi nghiệp. Khởi tạo được công nghệ đáp ứng thực tiễn, thì phần vốn, và năng lực quản trị sẽ được bù đắp bởi chính FDI.

Nếu chỉ là câu chuyện phó mặc cho FDI, thì việc chuyển lời về nước ngoài là dễ hiểu. Kể cả khi có nghị định chống chuyển giá, hay quy định về tỉ lệ vốn thực góp trên tổng đầu tư.

Trình độ cán bộ Việt Nam rất hạn chế. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp với quá trình giám sát, thẩm định, cấp phép cho các Dự án, và cũng ảnh hưởng tới vận hành Dự án hoạt động. Khắc phục điều này, đã có ý kiến cần thành lập tổ công tác đặc biệt trực thuộc Thủ tướng để đàm phán, kêu gọi và triển khai FDI khi đang có sự dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc của các nước thời hậu Covid - 19. Tổ công tác nếu được lập, phải vừa sáng kiến, vừa có thực quyền kiến nghị giải quyết. Và phải mạnh dạn triển khai thí điểm các mô hình hợp tác kể cả khi luật chưa ban hành.

Miễn là thực sự họ làm cho đất nước, thì người viết bài này thực sự tin tưởng vào trí tuệ người Việt trong tư duy tạo ra hợp tác.

Nếu không, kêu gọi FDI lại vướng luật, và việc kêu gọi sẽ dừng ở mức chủ trương. Hãy nhìn doanh nghiệp FDI được kêu gọi vào, sẽ vướng vấn đề giao đất thực hiện Dự án, vì phải đầu thầu, đây là quá trình phức tạp do ở Việt Nam không tiến hành minh bạch hoá nên thực hiện hạn chế. Doanh nghiệp FDI không chờ đợi lâu được.

Cũng cần một sự quan tâm đặc biệt về tiến trình cổ phần hoá các công ty nhà nước. Đó là nguồn Dự án công có sẵn, với những lợi thế mà nếu doanh nghiệp Việt không làm tốt, hãy rộng mở. 

Đối với những đại Dự án về năng lượng, công nghệ. Rủi ro về khác biệt thể chế giữa các quốc gia độc tài, và dân chủ có thể dẫn tới việc kết thúc hợp tác khi xảy ra biến động chính trị. Đó cũng là yêu cầu thay đổi tư duy cấp bách về thể chế.

Những ưu khuyết FDI tại Việt Nam chúng ta có thể xem trên báo trong nước, nhưng những điều đó không cản trở Việt Nam thu hút và hội nhập. Nó chỉ giảm chất lượng hội nhập và phát triển so với tiềm năng dân tộc. Tất cả các vấn đề đó nằm ở thể chế mà bài viết gác lại chưa đề cập, và giải quyết vấn đề thể chế sẽ tạo thành đòn bẩy đưa Việt Nam vươn xa.

Quốc Phái
(14/05/2020)