Phát hiện thêm hàng nhập từ Trung Quốc dán nhãn “Made in Vietnam” (RFA Tiếng Việt)
Việt Nam đang trở thành nơi quá cảnh lý tưởng cho hàng hoá "gỉa mạo xuất xứ Việt Nam" để xuất khẩu vào Mỹ và các nước Châu Âu, đặc biệt là hàng hoá Trung Quốc ít nhất cho đến khi Mỹ và Trung Quốc đạt được những thoả thuận nhằm chấm dứt thương chiến. Việt Nam bị Trung Quốc lợi dụng và không tận dụng được cơ hội từ cuộc tranh hùng giữa hai siêu cường vì những lý do cố hữu: quản lý kém, tham nhũng,..mà cụ thể là trong ngành hải quan và quản lý thị trường.
Ảnh minh họa. AFP
Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 cùng với Đội Kiểm soát Hải quan và Phòng Quản lý rủi ro Cục Hải quan TPHCM vào ngày 3/1 đã tiến hành kiểm tra 3 container hàng hóa nhập khẩu là các tấm bọc nệm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhưng dán nhãn “Made in Vietnam”.
Theo đó, 3 lô hàng này do công ty Super Foam có trụ sở tại xã Phú Chánh, Tân Uyên, Bình Dương đứng tên nhập khẩu. Hồ sơ lô hàng ghi rõ là bọc nệm xuất xứ từ Trung Quốc nhưng sau khi kiểm tra Chi cục Hải quan phát hiện các lô hàng bọc nệm đều giả mạo dán nhãn “Made in Vietnam”.
Hiện Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn đang tiếp tục kiểm tra toàn bộ lô hàng bọc nệm nhập khẩu của công ty nêu trên. Tuy nhiên, khi cơ quan phát hiện thì công ty này đã làm hồ sơ xin tái xuất lô hàng như vừa nêu.
Theo Cục Hải quan TPHCM, thời gian gần đây liên tục kiểm tra và phát hiện rất nhiều vụ việc liên quan đến gian lận xuất xứ, sở hữu trí tuệ và vận chuyển bất hợp pháp. Đã có 2 vụ bị khởi tố hình sự theo thẩm quyền.
Trong cùng ngày, lực lượng quản lý thị trường Quảng Bình vừa phát hiện một đường dây vận chuyển hơn 24.000 súng nhựa các loại đồ chơi cho trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc, hơn 900 súng nhựa bắn đạn lò xo có xuất xứ tại Việt Nam là đồ chơi thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định pháp luật Việt Nam, với tổng giá trị lô hàng lên tới hơn 380 triệu đồng.
Ngoài ra, lực lượng này cũng phát hiện hơn 2.200 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại được sản xuất tại Trung Quốc có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, trên sản phẩm không có dấu hợp quy theo quy định về an toàn đồ chơi trẻ em và tổng trị giá lô hàng hơn 400 triệu đồng.
Nguồn: RFA Tiếng Việt