Thổ Nhĩ Kỳ : TT Erdogan được phép đưa quân sang Libya (Mai Vân)

Tình hình Trung Đông đang nóng lên từng ngày không chỉ vì căng thẳng giữa Mỹ và Iran sau cái chết của tướng Soleimani, mà còn vì sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria gần đây và sắp tới là Lybia. Rõ ràng quyết định từ nhiệm lãnh đạo thế giới của Mỹ và những quyết định vụng về của tổng thống Donald Trump đã để lại những vấn đề nan giải cho thế giới.

03/01/2020 - 14:51
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại một hội nghị chuyên đề ở Ankara ngày 02/01/2020.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại một hội nghị chuyên đề ở Ankara ngày 02/01/2020. © Murat Cetinmuhurdar/Presidential Press Office/Handout via REUT

Nghị Viện Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 02/01/2020, đã thông qua đề nghị của tổng thống Erdogan muốn gởi quân sang Libya giúp chính quyền Tripoli. Ông Erdogan được hậu thuẫn của các nghị sĩ trong đảng AKP cầm quyền, và từ đồng minh cực hữu. Phe đối lập phản đối mạnh mẽ.

Thông tín viên đài RFI tại Istanbul, Anne Andlauer, tường thuật :

325 phiếu thuận, 184 phiếu chống. Nếu tổng thống Erdogan giờ đây có thể gởi quân đến Libya, bất kỳ lúc nào ông muốn, thì ông cũng không thể nói rằng ông được hậu thuẫn của tất cả các dân biểu cho kế hoạch của ông. Toàn bộ phe đối lập hầu như đã bác bỏ văn bản. Chỉ có đảng cầm quyền AKP và đồng minh cực hữu là ủng hộ đề án quân sự này.
Cuộc tranh luận 3 tiếng rưỡi đồng hồ trước khi bỏ phiếu không khác gì cuộc nói chuyện giữa những người điếc với nhau. Những người bảo vệ văn kiện cứ tiếp nối nhau trình bày các lập luận có trong văn bản.

Dân biểu Ismet Yilmaz, cựu bộ trưởng Quốc Phòng, phát biểu nhân danh đảng AKP, nhấn mạnh đến ʺtình hữu nghị lịch sửʺ giữa Tripoli và Ankara, và còn cho là Thổ Nhĩ Kỳ không thể làm ngơ trước những lời cầu cứu của chính quyền thủ tướng Fayez el-Sarraj. Ông cũng nhắc đến quyền lợi quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Yilmaz cho rằng sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng góp vào một giải pháp chính trị cho khủng hoảng Libya.

Phe đối lập tỏ ra rất hoài nghi trước lập luận trên. Họ nói đến một ʺsai lầm nghiêm trọngʺ, một ʺcuộc phiêu lưu nguy hiểmʺ, một văn kiện ʺmơ hồʺ, khi trao cho tổng thống toàn quyền đưa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào một cuộc tranh chấp có rất nhiều tác nhân.

Theo giới quan sát, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn phải chọn lựa giữa hai phương án : Gởi lính chiến đấu sang Libya hay chỉ gởi chuyên gia.

Phản ứng quốc tế

Cũng trong ngày 02/01/2020, ngay sau cuộc bỏ phiếu của các dân biểu Thổ Nhĩ Kỳ, quốc tế đồng loạt lên tiếng cảnh báo.

Trao đổi qua điện thoại với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng mọi hành động can thiệp của nước ngoài có thể làm tình hình Libya thêm phức tạp. Các quốc gia trong khu vực như Israel, Chypre, Hy Lạp thì nhắc đến « mối đe dọa nghiêm trọng cho sự ổn định khu vực ».

Tại Ai Cập, tổng thống Abdel Fattah al-Sissi đã triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, sau cuộc bỏ phiếu của Nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ. Tướng Haftar, đối đầu với chính quyền Tripoli, đã kêu gọi đến sự giúp đỡ của Ai Cập.

Nga cũng tỏ thái độ quan ngại về sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya. Bởi vì, mục tiêu của Ankara là muốn khống chế miền đông Địa Trung Hải, một vùng cũng có tính chiến lược đối với Nga.