LHQ khó có thể áp dụng nghị quyết trục xuất lao động Bắc Triều Tiên ở nước ngoài (RFI Tiếng Việt)

Bắc Triều Tiên có chung biên giới trên bộ với Trung Quốc và Nga, cả hai nước này đều là đối thủ của Mĩ và là nhà bảo trợ cho chính quyền Kim Jong Un nên việc cấm vận của Mĩ rất khó thực hiện triệt để.

Ảnh minh họa : Một nhân công Bắc Triều Tiên tại công trường đóng tàu Gdynia, Ba Lan. Ảnh tháng 8/2009.
Ảnh minh họa : Một nhân công Bắc Triều Tiên tại công trường đóng tàu Gdynia, Ba Lan. Ảnh tháng 8/2009. REUTERS/Peter Andrews

Ngày 22/12/2019 là kỳ hạn cuối cho tất cả các nước có sử dụng lao động Bắc Triều Tiên phải trả họ về nước, theo tinh thần nghị quyết 2397 được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua năm 2017. Tuy nhiên, theo giới quan sát, lệnh trừng phạt này của Liên Hiệp Quốc khó mà được thực hiện nghiêm túc, nhất là trong bối cảnh Nga và Trung Quốc vừa đệ trình một dự thảo nghị quyết mới kêu gọi giảm nhẹ trừng phạt Bắc Triều Tiên.

Theo thống kê, khoảng 100 ngàn lao động Bắc Triều Tiên làm việc ở nước ngoài, phần lớn là tại Nga và Trung Quốc, một số nước châu Âu, Cận Đông hay châu Phi. Hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực như dệt may, xây dựng hay khai thác gỗ, lao động Bắc Triều Tiên – nguồn nhân công rẻ mạt – mỗi năm mang về cho chế độ Bình Nhưỡng gần nửa tỷ đô la.

Nguồn ngoại tệ này bị nghi ngờ dùng để phát triển chương trình chế tạo bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Do vậy, ngày 22/12/2017, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết 2397, ra hạn hai năm cho các thành viên phải trục xuất toàn bộ số lao động Bắc Triều Tiên.

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố hôm thứ Năm 12/12, cho đến nay, đã có 23 ngàn lao động Bắc Triều Tiên tại nhiều nước bị gởi trả về : 18.500 người từ Nga, 900 từ Koweit, 2.500 người từ Qatar… Trung Quốc tuy không cung cấp số liệu chính thức nhưng khẳng định đã trục xuất khoảng một nửa trong số 50.000 người.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, dường như Bắc Triều Tiên và một số nước liên quan như Trung Quốc, Nga tìm cách « lách luật » tận dụng « kẽ hở » bởi vì nghị quyết 2397 chỉ quy định các nước không được cấp thị thực nhập cảnh cho công dân thuộc Cộng Hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đến làm việc có thu nhập, tức là vẫn có thể cấp thị thực du lịch, đi học…

Theo trang mạng Nknews, chuyên theo dõi tình hình Bắc Triều Tiên, trong vòng hai năm qua, số lượng visa sinh viên và du lịch do Nga cấp cho người Bắc Triều Tiên đã tăng gấp 10 lần (hãng tin Pháp nói chỉ tăng gấp 6) : Từ 1.300 người trong năm 2017 lên đến gần 13.000 người trong năm 2019.

Hợp tác từ phía Trung Quốc : « Ảo ảnh êm dịu »

Về phần mình, Bắc Kinh – vốn là đồng minh chính của chế độ Bình Nhưỡng – cũng làm mọi cách để tránh cho nền kinh tế Bắc Triều Tiên bị sụp đổ và tiếp tục « chống lưng » duy trì chế độ bằng cách gởi nguyên nhiên liệu.

Trả lời câu hỏi của thông tín viên đài RFI, Fréderic Ojardias tại Seoul, ông Lee Seong-Hyeon, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc, Viện Sejong ở Seoul, nhận định mọi việc không như tuyên bố của Bắc Kinh.

« Trung Quốc và Bắc Triều Tiên có chung một đường biên giới dài hơn 1.400km. Một đường biên giới dễ thẩm thấu qua lại. Cả hai nước cùng lập ra nhiều kiểu thị thực (visa) khác nhau như du học, du lịch, thăm gia đình… có thể dùng để lẩn tránh các lệnh trừng phạt. Tôi cho là việc có được một sự hợp tác của Bắc Kinh thật sự chỉ là một ảo tưởng. Điều làm cho Trung Quốc lo nhất chính là sự đối đầu trong trung và dài hạn với Hoa Kỳ. Sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Washington về Bắc Triều Tiên đang bị tan rã ».

Hai năm hòa dịu với nước anh em phía Nam và hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ là khoảng thời gian đủ để cho Kim Jong Un làm lành với Bắc Kinh. Các áp lực trừng phạt vì thế cũng được giảm nhẹ. Giờ đây, các cuộc thương lượng với Mỹ về phi hạt nhân hóa đang ở « điểm chết ». Bình Nhưỡng « bổn cũ soạn lại » dọa tiến hành thử tên lửa. Nhưng việc trở lại với chính sách « áp lực tối đa » dường như là điều không thể !