Chuyện gì sẽ xảy ra khi đất ở Đồng Tâm bị cưỡng chế?(RFA Tiếng Việt)

Các vụ cưỡng chế đất đai như vụ Đồng Tâm diễn ra khắp nơi, điều mà chúng ta có thể thấy là người dân sẵn sàng chống đối chính quyền đến cùng, nhưng rồi họ đành bất lực trước bạo lực có tổ chức vì họ quá đơn lẻ. Cứ sau mỗi vụ cưỡng chế, trí thức lại đồng loạt lên án, tố cáo chế độ trên mạng xã hội. Rồi mọi việc đâu lại vào đó.

 Chừng nào chế độ cộng sản còn tồn tại, những thảm kịch tương tự sẽ còn tiếp diễn. Và chúng ta chỉ có thể chấm dứt tình trạng này nếu có một tổ chức lãnh đạo, để kết nối những thành phần phản kháng trên khắp đất nước. Họ là hàng triệu dân oan mất đất, là đồng bào công giáo, con cháu Việt Nam Cộng Hòa bị phân biệt đối xử.v.v... những vụ như Đồng Tâm sẽ là mồi lữa cho một đám cháy lớn.

Người dân Đồng Tâm tuyên bố không chống đối Nhà nước Việt Nam.
Người dân Đồng Tâm tuyên bố không chống đối Nhà nước Việt Nam. AFP

Người dân Đồng Tâm lên tiếng

Một ngày sau khi thông tin sẽ có cuộc cưỡng chế đất ở Đồng Tâm với lực lượng cảnh sát áp đảo lan truyền trên mạng xã hội, Đài RFA vào tối hôm 31 tháng 10 liên lạc với cụ Lê Đình Kình, người đại diện cho dân chúng tại Đồng Tâm và được cụ cho biết rằng người dân Đồng Tâm có nghe được thông tin như vậy và vẫn luôn sẵng sàng bảo vệ những gì thuộc vệ họ trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Vụ việc Đồng Tâm nổ ra hồi trung tuần tháng 4 năm 2017 đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước, khi những hộ nông dân chân lấm tay bùn ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ làm con tin, để yêu cầu được đối thoại với Chính quyền thành phố Hà Nội khi chính quyền xã thông báo rằng mảnh đất hơn 100 héc-ta tại đồng Sênh, ở thôn Hoành là đất quốc phòng và thu hồi để giao lại cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.

Đích thân Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã phải đến tận nơi để đối thoại với người dân Đồng Tâm và thuyết phục họ thả những người bị bắt giữ.

Mặc dù ông Nguyễn Đức Chung, trong buổi tiếp xúc với người dân Đồng Tâm vào ngày 22/04/17, đã gọi vụ việc xảy ra là “Khủng hoảng Đồng Tâm” và cam kết rằng sẽ giải quyết đến nơi đến chốn cũng như không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân ở đây; tuy nhiên lần lượt những diễn tiến xảy ra sau đó cho đến nay từ kết luận thanh tra cho rằng khiếu nại của người dân Đồng Tâm liên quan diện tích đất nông nghiệp 59 héc-ta ở đồng Sênh là không đúng cho đến Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra hai tội danh trong vụ Đồng Tâm…kéo dài hơn hai năm qua càng hun đúc tinh thần giữ đất của dân chúng ở Đồng Tâm và chứng tỏ rằng lời hứa của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bị vô hiệu hóa.

Cụ Lê Đình Kình nói với RFA rằng theo quyết định trong văn bản số 2340 của thành phố Hà Nội có 14 hộ dân canh tác trên đất quốc phòng đã được các cơ quan chức năng tổ chức di dời và công việc này vừa hoàn tất. Và cũng theo quyết định này, cụ Kình khẳng định các hộ dân còn lại đang canh tác trên khu vực đất nông nghiệp của họ:

“Văn bản 2340 của thành phố Hà Nội thì tôi đang cầm trong tay thì thực chất 100% ở đây là đất nông nghiệp. Yêu cầu tất cả các cơ quan nào muốn về giải tỏa khu vực này và thu hồi đất thì trước hết phải có quyết định thu hồi đất đúng thẩm quyền, đúng quyết định và đúng thời gian. Nếu như không có thì dân Đồng Tâm không bao giờ chấp nhận.”

Trả lời câu hỏi của RFA, trong trường hợp chính quyền vẫn tiến hành cưỡng chế khu vực đất canh tác nông nghiệp của người dân Đồng Tâm thì cụ Lê Đình Kình tuyên bố:

“Trong tay chúng tôi bây giờ đầy đủ các văn bản để chứng minh rằng khu vực đấy là khu vực đất nông nghiệp của chúng tôi. Cơ quan nào mà về làm trái thẩm quyền, trái pháp luật thì người dân Đồng Tâm sẵn sàng đối đầu luôn.”

Hậu quả gì khi người dân Đồng Tâm “đối đầu”?

Ngay sau khi “Khủng hoảng Đồng Tâm” nổ ra, Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng từng đưa ra nhận định đó là một vụ khủng hoảng lớn mang tầm cỡ “an ninh quốc gia” hay thậm chí là “điểm nóng chính trị”, chứ không không đơn thuần ở cấp độ như “điểm nóng xã hội”, “khiếu kiện đông người” hay “gây rối trật tự công cộng”.

Vào tối ngày 31 tháng 10 năm 2019, một lần nữa Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng nếu như chính quyền vẫn tiến hành cưỡng chế đất ở Đồng Tâm thì hậu quả đầu tiên là triệt tiêu niềm tin của dân chúng Đồng Tâm vốn chỉ còn lay lất với Đảng và Chính phủ Vệt Nam. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định:

“Trước đây họ vẫn còn lay lất niềm tin này. Thậm chí còn có cán bộ, đảng viên ở Đồng Tâm nói rằng ‘có Đảng là có tất cả. Còn Đảng là còn tất cả’. Nhưng sau các vụ đe dọa, hành hung rồi bắt bớ, triệu tập người dân Đồng Tâm từ năm 2017 đến nay thì niềm tin đó gần như mất sạch rồi. Và hậu quả thứ hai là nếu như chính quyền dùng một lực lượng lớn, sẵn sàng đàn áp người dân để cướp đất thì chắc chắn sẽ đổ máu và đổ máu nhiều. Đổ máu của cả hai bên. Sự đổ máu này chính là người dân Đồng Tâm đã xác định. Và lúc đó, người dân Đồng Tâm đã quyết tử.”

Đài RFA ghi nhận sau hơn một tháng xảy ra vụ “Khủng hoảng Đồng Tâm”, Thanh tra Hà Nội vào hôm 25/07/17 chính thức công bố xác định toàn bộ diện tích hơn 239 héc-ta ở sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức từ năm 1981 đến này do các đơn vị Quốc phòng quản lý và sử dụng nhưng đã bộc lộ buông lỏng quản lý trong thời gian dài qua việc tiếp tục để người dân canh tác nông nghiệp vào khi hợp đồng hết hạn hồi năm 2012, đồng thời các đơn vị Quốc phòng chưa di dời các hộ dân sinh sống tại khu vực này trước năm 1980 để các hộ lấn chiếm, cho tặng, chuyển nhượng, xây dựng công trình trái phép… Đồng thời xác định khiếu nại của ông Lê Đình Kình cùng người dân Đồng Tâm liên quan diện tích đất nông nghiệp 59 héc-ta ở đồng Sênh là không đúng.

Ngay sau khi Thanh tra Hà Nội công bố kết luận thanh tra vừa nêu, cụ Lê Đình Kình và dân chúng ở Đồng Tâm tuyên bố rằng bất kỳ ai vào cướp đất ở Đồng Tâm đều là giặc nội xâm và người dân Đồng Tâm sẵn sàng đổ máu, hy sinh để giữ đất.

Một người dân Đồng Tâm, vào tối ngày 31/10/19 cũng khẳng định lại với RFA:

“Thật sự để chống lại cuộc cưỡng chế đất này, tức là ngày 15/04/17 cho đến tận bây giờ thì bà con Đồng Tâm lúc nào cũng khẳng định rằng nếu như không có đối thoại và họ tự vào cưỡng chế hoặc giải tỏa thì sẽ chống trả tới cùng vì họ không làm đúng pháp luật. Nếu làm đúng pháp luật thì phải trình bày giấy tờ được thực thi theo từ Thủ tướng Chính phủ, do liên quan tới đất quốc phòng.”

Trong khi đó, một số nhà quan sát tình hình Việt Nam nêu lên quan điểm rằng Chính quyền Việt Nam nếu để cho cuộc cưỡng chế đất ở Đồng Tâm diễn ra, vả lại ngay trong thời điểm tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông với Trung Quốc, mà thậm chí giới chức tướng lãnh quân đội Việt Nam không dám nêu tên kẻ gây hấn thì chắc chắn hậu quả khủng khiếp nhất đó là “người dân sẽ mất sạch toàn bộ niềm tin vào chế độ”. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn xác quyết rằng:

“Cho nên nếu như chính quyền sắp tới tổ chức cưỡng chế mạnh và dã man, tàn bạo đối với người dân thì sẽ cho thế giới biết rằng Chính quyền Việt Nam là một chính quyền ‘hèn với giặc-ác với dân’.”