Hong Kong: Tại sao họ không sợ hãi? (Mặc Lâm)
Đồng ý với nhà báo Mặc Lâm rằng sỡ dĩ người dân Hong Kong có thể duy trì được các cuộc biểu tình khổng lồ suốt 3 tháng qua với 1/3 dân số bởi vì họ chia sẻ với nhau về một giấc mơ chung: Giấc mơ được sống trong một xã hội dân chủ và tự do, nơi mà các quyền của con người được tôn trọng và nhìn nhận. Trong khi đó tại VN thì sao? Có bao nhiêu người Việt thật sự chia sẻ với nhau về một giấc mơ chung cho đất nước tương tự như Hong Kong? Có bao nhiêu trí thức thật sự nghĩ về đất nước và mong muốn tìm một lối thoát, một giải pháp khác cho đất nước? Một người, mỗi ngày dành sự quan tâm của mình cho đất nước được bao nhiêu phút? Có bao nhiêu tổ chức chính trị đưa ra được một Dự án chính trị, một lộ trình cho đất nước?...Khi nào người dân VN trả lời được các câu hỏi đó một cách thành thực thì khi đó tình thế sẽ bắt đầu thay đổi.
Gần ba tháng trôi qua trên vùng đất đang thấm đẫm không ngừng những
câu chuyện vừa đáng ngạc nhiên lẫn thán phục về sự minh mẫn, sáng tạo
lẫn kiên trì và không hề sợ hãi của người Hong Kong đang làm cho cả thế
giới tròn mắt thán phục. Hong Kong đang trực diện với sức mạnh lớn gấp
ngàn lần từ đại lục, nơi hoàng đế cộng sản Tập Cận Bình đang trị vì với
chủ trương không bao giờ nhượng bộ trước bất cứ thử thách nào xâm hại
quyền lợi của chế độ.
Hong Kong bé nhỏ nhưng không tầm thường, bởi mỗi lần xuống đường nó
tập trung được hầu như toàn thể người dân trên phần đất nhỏ bé này. Họ
lần lượt thay nhau lên tiếng cho mơ ước chung: thoát ra khỏi quy chế một
quốc gia hai chế độ, thứ lý thuyết chỉ có trên giấy tờ và thực tế tuy
chưa tới 50 năm nhưng đại lục đã thọc bàn tay thô bạo vào vùng đất này,
vốn thừa hưởng thứ tự do thật sự chứ không phải từ bùa chú mà Đảng Cộng
sản Trung Quốc ban phát cho nhân dân trong nhiều chục năm qua.
Xuống đường biểu tình là sinh hoạt chỉ xảy ra trong các nước có một
nền dân chủ thực sự. Hong Kong tuy bị trả lại cho Trung Quốc nhưng vẫn
được sinh hoạt dân chủ như khi chưa trao trả. Nó được quyền duy trì hệ
thống kinh tế - chính trị của chủ nghĩa tư bản trong khi phần còn lại là
Trung Quốc đại lục nằm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Theo đề nghị này
của Đặng Tiểu Bình, Hong Kong có thể tiếp tục hệ thống chính trị riêng,
các vấn đề pháp lý, kinh tế và tài chính, bao gồm cả các hiệp định
thương mại và văn hóa với nước ngoài.
Cuộc xuống đường chống lại Luật Dẫn độ là mồi lửa châm vào sự sợ hãi
sẽ bị đối xử như con dân của một nước cộng sản khiến người Hong Kong
quên hết những nỗi sợ khác nằm ngay trong thực tại. Họ có thể bị đàn áp
khốc liệt, bị đánh đập, giam cầm thậm chí mất mạng trong đám đông mà họ
là một thành viên… tuy nhiên tất cả những nỗi sợ ấy nếu so với phải bị
sống dưới chế độ cộng sản thì cái sợ thứ hai đáng suy nghĩ hơn. Hong
Kong thừa hưởng văn minh, tiện nghi và tư duy của thế giới dân chủ.
Người dân được mở mắt hàng ngày và sự so sánh giữa hai chế độ cộng sản
và dân chủ không còn gì nghi ngờ đối với họ nữa.
Những chàng trai, cô gái vừa bước vào đại học được những người rất
trẻ đi trước dẫn dắt vào cuộc chiến trường kỳ này với niềm tin sắt đá
vào kết quả cuối cùng. Có xem những video clip từ các cuộc họp báo của
sinh viên Hong Kong mới thấy hết tầm cỡ thật sự của họ. Vững vàng, hiểu
biết rộng rãi về quyền hạn của người dân, không khoan nhượng trước những
áp lực từ phía chính quyền đặc khu hay từ đại lục. Họ không có cử chỉ,
lời nói đao to búa lớn không hề lên giọng chỉ có ta là chân lý nhưng qua
biện giải của họ người ta thấy toát lên hửng hực lòng tin vào sức mạnh
của nhân dân, thứ duy nhất có thề chống lại cường quyền dù đó là cường
quyền cộng sản.
Nhưng nếu chỉ một mình họ thì câu chuyện sẽ không thể tiếp diễn như
ngày đầu tiên, khi ít nhất 1 triệu người cùng nhau kề vai hô vang một
tiếng nói chung. Bên cạnh họ là cả xã hội Hong Kong, ngoại trừ cảnh sát
và chính quyền đang nhận chỉ thị từ đại lục.
Ngày 14 tháng 6 khoảng 6.000 bà mẹ đã tham gia cuộc biểu tình ngồi
trong ba giờ tại Vườn Chater ở Trung tâm. Các bà mẹ kêu gọi Lâm Trịnh
Nguyệt Nga từ chức và chính phủ phải rút lại dự luật Dẫn độ. Họ giương
cao những tấm bảng lên án sự tàn bạo của cảnh sát, như "đừng bắn những
đứa trẻ của chúng tôi."
Ba tuần sau ngày 15 tháng 7 hơn 8.000 người cao tuổi lại tập trung
tại chỗ cũ làm cuộc tuần hành lần thứ hai nhằm ủng hộ con cháu của họ
tiếp tục xuống đường chống lại dự luật Dẫn độ với những biểu ngữ có nội
dung "Hãy ủng hộ những người trẻ tuổi. Hãy bảo vệ Hồng Kong".
Ngày 26 tháng 7 hàng trăm người tổ chức biểu tình ngồi tại phi trường
quốc tế Hong Kong trong đó đa số là nhân viên của các hãng hàng không
và Hiệp hội tiếp viên hàng không Cathay Pacific. Cảng vụ hàng không đã
loại bỏ một số ghế để cung cấp thêm không gian cho người biểu tình.
Vào đêm 1 tháng 8, hàng trăm nhân viên từ 80 tổ chức tài chính khác
nhau đã tham gia vào một cuộc biểu tình tại Chater Garden ở Kim Chung về
các vụ việc được cho là cảnh sát thông đồng với các băng đảng xã hội
đen và yêu cầu tôn trọng luật pháp. Ít nhất 700 công nhân ngành tài
chính đã đăng tải hình ảnh thẻ nhân viên để ủng hộ cuộc tổng đình công
toàn thành phố.
Ngày 2 tháng 8, khoảng 1.000 chuyên gia y tế đã tổ chức một cuộc mít
tinh tại Edinburgh Place, Trung Hoàn. Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Hong Kong
chỉ trích các vụ bắt giữ đồng thời lên tiếng về việc cảnh sát sử dụng
quá nhiều hơi cay đối với các nhà hoạt động dân chủ. Trong cùng ngày,
hàng ngàn công chức Hong Kong tập hợp để ủng hộ những người biểu tình.
Ngày 7 tháng 8, các luật sư Hong Kong tổ chức một cuộc tuần hành
trong im lặng để ủng hộ những người biểu tình phản đối chính quyền.
Tối ngày 8 tháng 8, khoảng 1.200 người Công giáo đã tổ chức một cuộc
diễu hành dưới ánh nến qua Trung Hoàn trước khi kết thúc bên ngoài Tòa
án phúc thẩm. Cuộc tuần hành do bốn tổ chức Kitô giáo tổ chức,
Ngày 12 tháng 8, khoảng 100 chuyên gia y tế tại Bệnh viện Đông Pamela
Youde Nethersole ở Chai Wan biểu tình chống lại sự lạm quyền của cảnh
sát khi một người phụ nữ bị bắn vào mắt và bị thương nặng. Nhân viên y
tế giơ biểu ngữ có dòng chữ "Cảnh sát Hong Kong đang cố giết người dân
Hong Kong”
Ngày 16 tháng 8, cuộc biểu tình được đặt tên "Ủng hộ Hồng Kông, quyền
lực cho nhân dân" do nhóm đại diện sinh viên từ 12 trường đại học tổ
chức diễn ra tại công viên Chater Garden ở khu vực trung tâm Hong Kong
Ngày 17 tháng 8, hàng ngàn giáo viên, nhân viên ngành giáo dục xuống
đường bày tỏ quan ngại về sự an toàn của học sinh. Theo hãng tin
Aljazeera, họ tràn xuống cao tốc, vào trung tâm Hong Kong, vừa đi vừa hô
vang: "Hãy bảo vệ thế hệ học sinh tiếp theo của Hong Kong"!
Tất cả những cộng hưởng ấy làm cho Hong Kong sinh động và rực sáng.
Thế giới của 7 triệu con người ấy lan tỏa khắp nơi và làm cho người trẻ
Hong Kong thêm niềm tin vào sự tranh đấu của họ. Hong Kong là một ngoại
lệ hiếm hoi khi biểu tình không phải là những đám đông hỗn loạn và thiếu
kiểm soát, mặc dù đại lục cố gắng mang những thành phần bất hảo vào phá
rối nhưng tai mắt của người biểu tình đã nhanh chóng phát hiện và cô
lập chúng.
Theo South China Morning Post
cho biết ngày 18 tháng 8 cuộc tuần hành của 1 triệu 700 ngàn người dưới
những chiếc dù đầy mà sắc của người dân Hong Kong đã làm cho thế giới
thấy rằng chí có sự kinh hoàng khi nghĩ tới phải sống trong thế giới
cộng sản mới đủ khả năng làm cho người dân Hong Kong sợ hãi tới mức phải
chấp nhận hy sinh những gì họ hiện có. Dĩ nhiên cái giá phải trả cho
một nền tự do dân chủ thật sự không hề nhỏ nhưng hiện tượng Hong Kong
không những đánh động người cộng sản phải xem xét lại chính mình mà nó
còn là tiếng chuông cảnh tỉnh thế giới Tây phương về sự nguy hiểm vô
hình của Cộng sản chỉ phát hiện ra nó khi phải sống cùng chứ không phải
nhìn từ xa như các tòa đại sứ từng làm.
VOA