Quyền lực của Mỹ ở châu Á đang xói mòn? (VOA)

THDCĐN là tổ chức chính trị đầu tiên đưa ra nhận định rằng vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ đã chấm dứt dưới thời Trump. Dù sau này những tổng thống Mỹ tiếp theo có thay đổi và cố gắng đến đâu đi chăng nữa thì Mỹ cũng không bao giờ còn là nước Mỹ của ngày xưa, uy tín của Mỹ đã bị Trump hủy hoại hoàn toàn. Thật ra thì việc Mỹ từ nhiệm vai trò lãnh đạo độc tôn trên thế giới để thay thế bằng một liên minh dân chủ là hoàn toàn hợp lý. Điều đáng nói nhất là sự từ nhiệm một cách thô lỗ của Mỹ với Donald Trump đã làm cho cả thế giới bất ngờ. Thế giới sẽ xáo trộn một thời gian cho đến khi một liên minh dân chủ mới hình thành với đầu tàu là EU. 


Chính sách ‘Nước Mỹ Trên hết’ của Tổng thống Donald Trump đã khiến vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương bị xói mòn với việc khu vực này đang bị hỗn loạn trong khi chính quyền Mỹ không giúp ích được gì, theo các nhà phân tích.

Đây là nhận định được đưa ra trong bài báo nhan đề ‘Quyền lực Mỹ đang xói mòn? Trump chật vật với châu Á đang khủng hoảng’ đăng trên tờ New York Times hôm 13/8.

“Trong vòng hai năm rưỡi, Tổng thống Trump nói rằng cuối cùng ông cũng đã làm được điều mà ông khẳng định người tiền nhiệm Barack Obama đã không làm được ở châu Á với chính sách xoay trục: tăng cường ảnh hưởng của Mỹ và tập hợp đồng minh để phản công lại ảnh hưởng của Trung Quốc,” bài báo viết.

“Nhưng khi bạo lực leo thang và những mối thù địch cũ trỗi dậy trên khắp châu Á, Washington đã chọn thái độ điềm nhiên tọa thị, và các nước trong khu vực không thèm đếm xỉa gì đến những lời khuyên lơn nhẹ nhàng cũng như kêu gọi bình tĩnh của chính quyền Trump.”

Bài báo dẫn chứng là trong những căng thẳng nội bộ ở Ấn Độ và Hong Kong hay sự thù nghịch của hai đồng minh thân thiết của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Trump và các cố vấn của ông chọn đứng bên lề.

‘Washington bất lực’

Việc Washington bất lực hay không sẵn sàng giúp tháo ngòi nổ các điểm nóng là một trong các dấu hiệu rõ ràng nhất về sự xói mòn của sức mạnh và tầm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ dưới thời ông Trump, người luôn nhất quán với phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’ – tức là không can dự vào các vấn đề quốc tế nữa, New York Times dẫn lời giới phân tích nhận định.

“Nếu không có uy lực trung tâm vững vàng của ngoại giao Mỹ, sự hỗn loạn ở châu Á sẽ xảy ra theo mọi chiều hướng nguy hiểm,” ông William J. Burns, Thứ trưởng Ngoại giao dưới chính quyền Obama và là Chủ tịch của tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, được New York Times dẫn lời nói. “Kết quả là không chỉ làm tăng nguy cơ hỗn loạn khu vực, mà còn sự xói mòn ảnh hưởng lâu dài của Mỹ.”

Và sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một cường quốc kinh tế và Nga như là một lực lượng chống phương Tây có nghĩa là các yếu tố khác ngoài bản thân chính quyền Trump đang góp phần làm suy yếu sức mạnh của Mỹ, cũng theo bài báo này.

Những người chỉ trích cho rằng các chính sách của ông Trump – vốn tập trung vào cắt giảm chi phí của Mỹ ở nước ngoài hơn là xây dựng quan hệ đối tác – đã càng đẩy mạnh sự xói mòn đó và khiến các nước càng trở nên mạnh bạo hơn đến nỗi họ không thèm nghe những lời kêu gọi của Washington.
Quân đội Ấn Độ đang đàn áp các cuộc biểu tình ở khu vực tranh chấp Kashmir sau khi New Delhi chấm dứt tình trạng tự trị của vùng lãnh thổ này bất chấp lời đề nghị của ông Trump vào tháng trước là sẽ làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Ấn Độ và Pakistan.

Hàn Quốc hôm 19/8 tuyên bố sẽ loại Nhật Bản khỏi danh sách các đối tác thương mại được ưu đãi, làm leo thang cuộc tranh chấp gây tổn hại cho các mối quan hệ đồng minh quan trọng nhất của Washington ở châu Á. Các quan chức đối ngoại hàng đầu của ông Trump đã khuyên hai nước hòa giải khác biệt nhưng không ăn thua.

Trong khi đó, Triều Tiên, mối đe dọa an ninh lớn nhất ở Đông Á, mới đây đã năm lần thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc hệ thống tên lửa mà không gặp phải sự lên án nào từ phía ông Trump, vẫn theo bài phân tích.

Các quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng những người biểu tình ở Hong Kong đang bắt đầu có những dấu hiệu ‘khủng bố’ – một chỉ dấu cho thấy Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh có thể dùng đến các biện pháp cứng rắn hơn để chấm dứt bất ổn. Khi Trung Quốc chuyển quân đến biên giới Hong Kong, ông Trump không đưa ra cảnh báo nào ngoài lời kêu gọi: “Mọi người nên bình tĩnh và an toàn!”

“Sự bất lực trong việc quản lý các vấn đề cho thấy một điểm yếu thực sự trong cam kết của Tổng thống đối với chiến lược hay bất kỳ sự can dự ngoại giao đi trước nào ở châu Á,” ông Michael J. Green, quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, nhận định với New York Times.

Ông Green, hiện là giáo sư tại Đại học Georgetown, nói thêm rằng mặc dù chính quyền Trump đang có một số chiến lược hoặc chiến thuật hữu ích ở châu Á, nhưng ‘thật đáng ngạc nhiên về sự không hiệu quả của chính quyền Trump trên vấn đề Nhật Bản - Hàn Quốc này và im lặng như thế nào trên vấn đề Kashmir.”

Cách tiếp cận ‘buông tay’

Mặc dù ông Trump đã áp dụng cách tiếp cận ‘buông tay’ ở châu Á kể từ khi lên làm Tổng thống, một số quan chức trong chính quyền, bao gồm ông Matthew Pottinger, giám đốc cấp cao châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia, đã làm việc để xây dựng một chiến lược tổng thể cho châu Á, với mục đích thúc đẩy cạnh tranh với Trung Quốc. Họ đã cam kết chi tiền cho các chương trình khu vực trong khuôn khổ chiến lược ‘Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương mở và tự do’, tăng tần suất các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông và cố gắng thuyết phục các quốc gia ngưng sử dụng công nghệ của tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc.

Theo New York Times, những người chỉ trích cho rằng ông Trump làm suy yếu vị thế của Mỹ thông qua các hành động tự phá hoại liên tục, bao gồm từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại 12 quốc gia mà ông Obama đã thúc đẩy nhằm tạo ra một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc.

Ông Trump cũng không tiếc lời khen ngợi cho những nhà lãnh đạo độc đoán ở châu Á - ông nói rằng ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ‘yêu quý nhau’, và rằng ông và Chủ tịch Tập Cận Bình ‘sẽ luôn là bạn bè’.

Cho đến nay, ông và các quan chức hàng đầu của ông đã không gửi bất kỳ tín hiệu mạnh mẽ nào về các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ Hong Kong. Vào ngày 1/8, ông Trump đã sử dụng chính ngôn từ mà các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng khi ông nói rằng Hong Kong đã ‘xảy ra bạo loạn trong một thời gian dài’, cũng theo New York Times.

“Ai đó nói rằng đến một lúc nào đó họ sẽ chấm dứt điều đó,” ông nói thêm. “Nhưng đó là chuyện giữa Hong Kong và Trung Quốc, bởi vì Hong Kong là một phần của Trung Quốc.”

New York Times dẫn lời các nhà phân tích cho rằng những bình luận đó sẽ được các quan chức Trung Quốc diễn giải như là ‘bật đèn xanh’ để thực hiện bất kỳ hành động nào cần thiết để dập tắt các cuộc biểu tình.

Ông Trump đã tuyên bố hồi tháng 6 rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc là ‘đối tác chiến lược’ và chính quyền đã không có một số hành động nhất định vốn sẽ gây khó chịu cho Bắc Kinh – chẳng hạn như áp đặt trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc có vai trò trong việc giam giữ hàng loạt người Hồi giáo trong các trại cải huấn.

Chỉ tập trung vào thương mại?

Mục tiêu chính của ông Trump với Trung Quốc là đạt được thỏa thuận thương mại nhằm chấm dứt cuộc chiến thuế quan tốn kém, mặc dù hai bên đã leo thang tranh chấp sau các cuộc đàm phán thất bại, cũng theo tờ báo này.

Ông Trump cũng lùi lại trong sự thù nghịch ngày càng leo thang giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Hôm 16/8, ông Trump đã nói rằng: “Hàn Quốc và Nhật Bản phải ngồi lại và hòa thuận với nhau.”

Các quan chức Mỹ nói rằng họ không muốn trung gian hòa giải tranh chấp này, mặc dù lợi ích an ninh của Mỹ trong khu vực có thể bị ảnh hưởng xấu – nhất là khi Seoul và Tokyo chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo vốn được Washington bảo trợ nhằm kiềm chế Triều Tiên.

Hồi cuối tháng 7, ông John R. Bolton, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, đã kêu gọi cả hai bên chấm dứt thù địch, và Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đưa ra yêu cầu tương tự với Bộ trưởng Ngoại giao của các nước này tại một cuộc gặp ở Bangkok.

Các quan chức Nhật và Hàn không thèm đếm xỉa đến lời kêu gọi của Mỹ. Hôm 19/8, Seoul nói rằng họ không chỉ chấm dứt quan hệ đối tác thương mại ưu đãi với Tokyo mà còn nêu Tokyo là quốc gia đầu tiên trong danh sách các quốc gia được cho là có hành vi xuất khẩu tồi tệ. Đầu tháng này, Nhật Bản tuyên bố rằng Hàn Quốc không còn là đối tác thương mại được ưu đãi.

“Với việc không hành động và nắm quyền lãnh đạo trong khu vực, ông Trump đang để cho phép các nước có lịch sử quan hệ phức tạp rơi trở lại vào sự thù nghịch cũ,” bà Jean H. Lee, một chuyên gia về Hàn Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Wilson, nói với New York Times.

“Các nước này càng cảm thấy Hoa Kỳ là một đối tác không đáng tin cậy chừng nào,” bà nói thêm, “thì họ sẽ càng cảm thấy buộc phải tự bảo vệ mình. Tôi đã bắt đầu nghe thấy những lời kêu gọi ngày càng mạnh mẽ ở Hàn Quốc rằng họ phải có vũ khí hạt nhân cho riêng mình.”

Còn ở Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi đã thúc đẩy kế hoạch của các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa Hindu giáo để kiểm soát Kashmir, một khu vực có đa số dân theo Hồi giáo.

Một số nhà phân tích Ấn Độ nhận định rằng ông Modi có thể đã đẩy nhanh động thái này vì những phát ngôn của ông Trump sau cuộc gặp vào tháng trước với Thủ tướng Imran Khan của Pakistan. Khi đó ông Trump nói rằng ông Modi trước đó đã gợi ý ông có thể đứng ra hòa giải tranh chấp Kashmir hay không. “Nếu tôi có thể giúp đỡ, tôi rất thích trở thành một người trung gian,” ông Trump nói.

Đó là một lập trường được Pakistan hoan nghênh, trong khi Ấn Độ phản đối sự can dự bên ngoài. Bộ Ngoại giao Ấn Độ phủ nhận rằng ông Modi có bất kỳ cuộc trò chuyện nào như vậy với ông Trump. Ngay sau đó, vào ngày 5/8, chính phủ Ấn Độ đã thu hồi quy chế tự trị của Kashmir và bắt đầu bắt giữ các chính trị gia hàng đầu Kashmir. Điều này cũng giống như bác bỏ toàn diện lời đề nghị hòa giải của ông Trump vậy.

‘Mỹ cần đồng minh’

Trao đổi với VOA, ông Ngô Vĩnh Long, Giáo sư tại Đại học Maine, nói rằng việc cho rằng ‘quyền lực của Mỹ ở châu Á đang bị xói mòn’ là ‘nhận định rất chính xác’.

“Bất cứ nước nào dù mạnh đến mấy cũng cần có đồng minh,” ông Long giải thích. “Ông Trump lên đã phá hết các liên minh của Mỹ không chỉ ở châu Á-Thái Bình Dương mà còn ở châu Âu nữa.”

Ông Long đưa ra dẫn chứng là ‘Mỹ đã mất mười mấy năm để xây dựng lòng tin với các nước châu Á-Thái Bình Dương, rồi mất 10 năm để chuẩn bị Hiệp định TPP (Đối tác Xuyên Thái Bình Dương’ vì ‘Mỹ thấy rằng một mình Mỹ không đủ đương đầu với Trung Quốc nên muốn có 12 nước cùng hợp tác’.

“Ông Trump vừa mới lên đã rút khỏi TPP liền khiến cho tất cả các nước khác đều hổng chân hết,” ông Long nói.

“Tổng thống Trump đã làm cho nước Mỹ suy yếu,” ông nói. “Và nhờ đó những nước khác như Trung Quốc mới có cơ hội để thách thức Mỹ.”

Theo Giáo sư Long thì các vấn đề chủ quyền và an ninh được tất cả các nước trên thế giới quan tâm ‘ngoại trừ ông Trump’. “Ông ấy chỉ để ý đến những vấn đề khác,” ông nói.

Quan tâm lớn nhất của Tổng thống Trump, theo lời ông Long, là chiến tranh thương mại. Nhưng ngay cả trong vấn đề này thì ông Trump cũng không nghe theo lời khuyên của giới chuyên gia là ‘dùng quan thuế là sai vì chỉ làm cho người tiêu dùng ở Mỹ bị khó khăn trong khi Trung Quốc hạn chế mua nông sản của Mỹ làm cho nông dân Mỹ gặp rất nhiều khó khăn’, ông Long nói.

Về các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong, Giáo sư Long nói: “Từ khi lên làm Tổng thống, nhân quyền không phải là vấn đề lớn đối với ông Trump. Vấn đề lớn của ông ấy là buôn bán thương mại. Nhưng thương mại chỉ là vấn đề trước mắt chứ không phải lợi ích lâu dài.”

“Không phải mới bây giờ mà ngay từ đầu ông Trump đã khen ngợi ông Tập,” ông Long lập luận. “Ông ấy thích những người độc tài, những người mạnh cho nên những người đấu tranh cho nhân quyền ông ấy không để ý.”

Ông Long cũng cho rằng nếu như Trung Quốc nhượng bộ trên vấn đề thương mại thì ‘ông ấy sẽ bán đứng Hong Kong’ cũng như sẽ ‘không thách thức ‘chủ quyền’ của Trung Quốc trên Biển Đông’.

Khi được hỏi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do có phải cách tiếp cận của chính quyền Trump để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc hay không, ông Long không cho rằng chiến lược này mang dấu ấn của ông Trump.

“Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã có từ thời Tổng thống Barack Obama (với chiến lược xoay trục sang châu Á), ông Trump đã phá rồi nên phải lấy cái gì đó mới để coi đấy là chuyện ông ấy làm,” ông giải thích và cho rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do hiện ‘vẫn chưa đi đến đâu hết’.