Một góc nhìn khác về tai nạn giữa xe taxi và đôi thanh niên nam nữ ở Tân Phú (Vien Huynh)

Chúng tôi khá đồng ý với ý kiến của anh Huỳnh Chí Viễn. Người Việt Nam có rất nhiều lý do để không làm một việc tốt hay một việc đáng làm. Trong đó có lý do lo sợ an toàn và lo sợ phiền phức. Sự lo sợ này cản trở một người làm việc tốt. Chúng ta đồng ý với nhau là mọi người phải có nghĩa vụ giúp đỡ người gặp hoạn nạn, đây là một giá trị đạo đức mà xã hội văn minh nào cũng phải có. Nhưng chúng ta cũng phải có nghĩa vụ cải biến xã hội để mọi người có thể thoải mái thực hiện những việc tốt mà không gặp một sự cản trở nào.


Nếu các bạn theo dõi facebook của tôi thường xuyên thì cũng hiểu tôi luôn đứng ở một góc nhìn khác để nhìn nhận vấn đề chứ không đơn thuần chia sẻ lại những gì người ta đã nói quá nhiều. Đó là bởi vì tôi sống rất lý tính và đã tập quen với việc suy luận vấn đề mà không bị người khác ảnh hưởng. Vì tôi muốn mọi người nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và khách quan hơn.
Trở lại vụ tai nạn giao thông ba giờ sáng hôm qua tại Tân Phú giữa một chiếc xe taxi và một chiếc xe gắn máy chở đôi nam nữ khiến người nam bị thương nặng còn người nữ chết tại chỗ. Trong tất cả các comment đều không nhắc đến một điều rất quan trọng là đôi nam nữ này là nguyên nhân gây tai nạn vì họ phóng rất nhanh, tông thẳng vào xe taxi đang bật xi nhan quẹo và người nữ không đội nón bảo hiểm. Nếu không phải là chiếc xe taxi đó mà là một chiếc xe gắn máy khác hoặc người đi bộ khác, thương vong có thể sẽ cao hơn. Ý thức của nạn nhân trong trường hợp này quá kém. Họ là nạn nhân không có nghĩa họ không phải là thủ phạm.
Nếu bạn là người lái taxi bạn sẽ làm gì? Tôi muốn nghe câu trả lời thật lòng. Bạn không đi sai luật, tự dưng bạn bị tai bay vạ gió, bạn có sợ không? Chắc chắn là sợ đến mất hồn vía. Một mình bạn có dám đưa hai người này đến bệnh viện trong tình trạng như vậy hay không? Tôi nghĩ là không. Thứ nhất bạn vẫn còn hoảng loạn. Thứ hai bạn sợ bị liên lụy nếu họ chết trên xe bạn hoặc khi hồi phục kiện ngược lại bạn đụng họ bị thương bắt bạn bồi thường mà bản thân bạn không hề giàu có gì thậm chí còn có gánh nặng gia đình. Thứ ba bạn không có nghiệp vụ sơ cấp cứu người bị nạn. Một hành động sai lầm của bạn khi nâng nạn nhân lên cũng có thể gây ra hậu quả khó lường nếu nạn nhân bị chấn thương sọ não, gãy cổ hoặc xương sườn gãy đâm vào phổi.
Nếu bạn có mặt tại hiện trường lúc đó, bạn sẽ làm gì? Đây cũng là câu hỏi thật lòng. Lúc đó là 3 giờ sáng, trên đường không có xe taxi hoặc xe hơi để đưa nạn nhân tới bệnh viện và bạn không có kỹ năng sơ cấp cứu người bị nạn. Đối với người bất tỉnh, bạn có dám tùy tiện vào nâng họ lên hoặc đỡ họ dậy không? Tôi thấy trong video clip người đàn ông đi xe gắn máy móc điện thoại ra gọi và có nói chuyện với một số người đi bộ trên đường. Có lẽ họ đang tìm xe taxi hoặc ai đó có xe để đưa người bị nạn vào bệnh viện. Hành động này không sai. Và tôi nói thật, không ai ngu tới mức dùng xe gắn máy để kẹp người bị đụng xe bất tỉnh chở vào bệnh viện. Nếu người đó có chuyện gì, trách nhiệm không ai gánh nổi. Đó là chưa kể tới nỗi ám ánh khi vô tình gây ra cái chết của một người khác. Nó sẽ đeo đuổi bạn suốt đời.
Nếu trường hợp cô gái này đã chết thì hiện trường càng phải được giữ nguyên để công an tới làm việc chứ không thể tùy tiện vào di dời xác nạn nhân. Điều đáng trách là lực lượng công an đã không có mặt kịp thời để xử lý vụ tai nạn vì đó là trách nhiệm của họ. Ở nước ngoài, đường dây nóng của cảnh sát giao thông và cảnh sát cứu hộ hoạt động thường trực và họ đến ngay để giải quyết vấn đề. Vì xét cho cùng việc cấp cứu người bị nạn nghiêm trọng không phải là trách nhiệm và cũng không thuộc chuyên môn của người dân.
Ở Sài Gòn, tôi đã từng chứng kiến nhiều vụ va quẹt xe và chính tôi và người nhà cũng đã từng là nạn nhân. Nhưng những lần đó người bị nạn đều được người dân giúp đỡ tận tình. Điển hình là vợ tôi chiều hôm đó đi làm bị té xe gãy tay. Người dân đã giúp đưa vợ tôi vào bệnh viện làm thủ tục đàng hoàng, giữ người gây tai nạn lại, gọi cho người nhà đến và giao lại đầy đủ ví tiền, giấy tờ xe, chìa khóa xe, điện thoại không mất một món gì. Vấn đề đặt ra ở đây là người dân không máu lạnh vô tình mà hành động giúp hay không giúp của họ tùy thuộc vào hoàn cảnh lúc đó. Nếu nạn nhân không bị những chấn thương nghiêm trọng, vẫn còn tỉnh táo, xung quanh có phương tiện và sự hỗ trợ của người khác thì mọi người sẽ cùng nhau giúp. Còn ngược lại, khi nạn nhân bị chấn thương nặng, đặc biệt là bị bất tỉnh, mất tri giác, xung quanh không có người hoặc phương tiện hỗ trợ, khả năng người đi đường nhúng tay vào sẽ thấp vì nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng từ việc giúp đỡ là rất cao. Một ngày ở Sài Gòn xảy ra bao nhiêu vụ tai nạn xe cộ từ va quẹt nhẹ đến nguy kịch. Các bạn có biết rằng bao nhiêu vụ tai nạn xảy ra được người dân cứu trước khi công an đến không? Chỉ vì một vụ mà các bạn phán ngay là "người dân vô lương tâm, máu lạnh" thì tôi nói các bạn quá hồ đồ.
Tôi muốn các bạn trẻ lấy đây làm bài học kinh nghiệm xương máu cho bản thân mình trong việc tuân thủ an toàn giao thông. Nếu bạn chạy xe giờ khuya như vậy, với tốc độ nhanh như vậy và không đội nón bảo hiểm thì bạn đang mang tính mạng mình ra để đùa giỡn. Bạn cũng thấy rất rõ là khi tai nạn xảy ra, khả năng được cứu của bạn là rất thấp.
Vấn đề thứ hai là việc cứu nạn là một lựa chọn chứ không phải là một trách nhiệm của người dân. Hãy lựa chọn cứu giúp người gặp nạn khi bạn không bị nguy hiểm tới bản thân và bạn có đủ điều kiện để cứu nạn (kiến thức chuyên môn, người trợ giúp, phương tiện thích hợp...) Ngoài ra, bạn không nên liều mạng.
Chúng ta rất dễ bị cảm tính dẫn dắt và thích đóng vai những nhà đạo đức phê phán vì đơn giản chúng ta đang ở một ví trí an toàn để phán xét. Quan trọng hơn hết là chúng ta không bao giờ phải chịu trách nhiệm về những lời phán xét của mình. Muốn phán xét hãy đặt mình vào vị trí đó và tự hỏi mình một cách thật lòng nhất là mình sẽ làm gì.