Liệu Việt Nam có thể bị Mỹ trừng phạt như Trung Quốc? (Trung Khang, RFA)

Muốn hay không thì chính quyền VN cũng nên hạn chế sự phụ thuộc vào nền kinh tế TQ. VN vẫn đang là quốc gia xuất siêu vào Mỹ. Mọi hành động tiếp tay cho hàng TQ là không nên. Cán cân thương mại giữa Mỹ và VN là không đáng kể. Đây chỉ là chỉ dấu cảnh báo cho chính quyền VN.


Chỉ vài giờ trước khi lên đường dự Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong buổi phóng vấn với Fox Business News hôm 26 tháng 6 năm 2019, Tổng thống Trump đã nói: Việt Nam là nước lạm dụng Mỹ nhất, còn hơn Trung Quốc. Ông cũng nói rằng ‘Gần như tất cả các nước trên thế giới đều lợi dụng Mỹ’. Phát biểu của Tổng thống Mỹ vào giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ Trung đang gia tăng, đã gây ra những lo ngại về khả năng Hoa Kỳ có thể cũng sẽ áp thuế nặng lên các hàng hóa của Việt Nam như đối với Trung Quốc.

Hoa Kỳ mới đây đã áp 25% thuế lên khoảng 200 tỷ đô la hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Tổng thống Trump dọa rằng Mỹ có thể còn áp thuế lên khoảng hơn 300 tỷ đô la hàng hóa còn lại từ Trung Quốc.

Trao đổi với RFA hôm 27/6/2019 từ Hà Nội, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:

“Tôi nghĩ việc này Việt Nam cũng đã ý thức được rồi, ngay từ lần đầu tiên ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Hoa Kỳ, thì Tổng thống Trump cũng đã nhắc ông Phúc về tình trạng xuất siêu của Việt Nam qua Hoa Kỳ. Việt Nam hiện là nước đứng thứ 5 xuất siêu sang Hoa Kỳ, tuy nhiên xuất siêu của Trung Quốc, Nhật và các nước trên Việt Nam ở quy mô lớn hơn Việt Nam rất nhiều.”

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2018, hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ đạt trên 47 tỷ đô la, tăng hơn 14% so với năm trước đó. TRong đó, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ gần 35 tỷ đô la trong năm 2018. Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Theo Bà Phạm Chi Lan, khi căng thẳng thương mại Mỹ Trung diễn ra thì Việt Nam cũng đối mặt những thách thức rất lớn, trong đó cụ thể nhất là đầu tư ở Trung Quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế khi xuất khẩu đi Mỹ. Điều này một mặt giúp Việt Nam tăng trưởng thêm nhờ nguồn vốn đầu từ trực tiếp nước ngoài tăng, nhưng mặt khác làm cho nguy cơ xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ tăng.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox Business News, Tổng thống Trump cũng thừa nhận thực tế mà ông gọi là đáng quan tâm này.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) từ Trung Quốc vào Việt Nam 2,29 tỷ đô la, đứng hạng 3 các nước đổ vốn vào Việt Nam.

Việc các dự án FDI từ Trung Quốc tăng nhanh tại Việt Nam được đánh giá do tác động của thương chiến Mỹ - Trung. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế cao từ Mỹ đánh lên các sản phẩm từ Trung Quốc.

Nỗi lo hàng Trung Quốc dán nhãn Việt Nam

Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương Mại, khi trao đổi với RFA hôm 27/6, đưa ra nhận định về tuyên bố mới của Tổng thống Trump:

“Tôi thấy cái này Việt Nam phải cấp tốc, khẩn trương làm chứ không thể chần chừ được. Bởi vì việc di chuyển nhà xưởng sang Việt Nam cũng nhiều, đồng thời họ di chuyển sản phẩm sang rồi dán nhãn ‘Made in Vietnam’ cũng nhiều. Người ta đã nói nhiều lần chứ không phải mới đây. Lần này Tổng thống Trump tuyên bố Việt Nam lạm dụng có thể là do công ty Việt Nam hợp thức hóa chuyện đó.”

Theo cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam công bố hôm 9/6/2019, Trung Quốc cố tình dán mác “Made in Vietnam” lên hàng hóa của họ để tránh bị áp thuế quan của Mỹ. Cụ thể các công ty Trung Quốc trước hết xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, sau đó hàng hóa được thay bao bì và ghi “Made in Vietnam” trước khi xuất sang Mỹ, nhằm tránh mức thuế 25% do Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh trên hàng hóa của Trung Quốc.

Năm 2018, hải quan Mỹ cũng từng phát hiện Công ty FINEWOOD Việt Nam có hành vi nhập khẩu mặt hàng gỗ dán từ Trung Quốc, sau đó đưa về nhà xưởng để thay đổi nhãn mác và xuất khẩu sang Mỹ với xuất xứ Việt Nam.

Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng có thể Tổng thống Trump đưa ra thông điệp này không chỉ với Việt Nam mà còn nhắm tới Trung Quốc:

“Đây cũng có thể là thông điệp của Tổng thống Trump vừa cho Việt Nam, vừa cho Trung Quốc về việc Trung Quốc đừng lợi dụng con đường Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.”

Với nghi vấn đây là thông điệp của Tổng thống Trump vừa cho Việt Nam, vừa cho Trung Quốc về việc Trung Quốc đừng lợi dụng con đường Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, thì Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu độc lập từ Singapore khi trao đổi với đài RFA hôm 27/6/2019 qua tin nhắn cho rằng, ông Trump theo đuổi chính sách thuế quan với mọi nước, không ám chỉ riêng Trung Quốc. Ông nói tiếp:

“Việt Nam không để hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ... dùng xuất xứ Việt Nam, cho nên không sợ. Chính phủ Mỹ đã điều tra nhiều tháng rồi. Cũng có một số trường hợp, người doanh nhân Việt Nam mua hàng Trung Quốc, gắn nhãn ‘Made in Vietnam’ để bán, thì đó là các cá nhân gian lận, không buộc tội cho cả một chính phủ được.”

Trong cuộc họp báo ngày 20/6 của Bộ Ngoại Giao, trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài về biện pháp của Việt Nam trước thông tin cho rằng thời gian qua xuất hiện tình trạng hàng Trung Quốc gắn nhãn “Made in Vietnam” để xuất sang Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói Việt Nam kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm việc lấy danh nghĩa hàng Việt Nam.

Vào đầu tháng 6, các quan chức Việt Nam nói Trung Quốc cố tình dán mác “Made in Vietnam” lên hàng hóa của họ để tránh bị áp thuế quan của Mỹ, và yêu cầu các cơ quan kiểm tra gắt gao hơn việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Thao túng tiền tệ

Vấn đề thứ hai đáng quan tâm trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam là thao túng tiền tệ. Liên quan vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Thương Mại Lê Văn Triết, nhận định:


Hình minh họa. Tiền VND
Hình minh họa. Tiền VND AFP
  
“Thứ hai có thể có vấn đề thao túng tiền tệ nữa. Đây là vấn đề nghiêm trọng và tôi cho rằng nhà nước cần cấp tốc đưa ra những quy chế, để quản lý, hường dẫn cho các doanh nghiệp. Nhất là những người ham lợi, họ bất chấp, nếu để việc trừng phạt xảy ra thì sẽ liên lụy các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc.

Bộ Tài chính Mỹ hôm 28/5/2019 xếp Việt Nam vào danh sách 9 nước cần phải theo dõi về thao túng tiền tệ vì chưa đáp ứng được một số tiêu chí của Mỹ.

Có 3 tiêu chí để Bộ Tài chính Mỹ quyết định một nước có bị xem là thao túng tiền tệ hay không gồm: có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, có thặng dư tài khoản vãng lai lớn và thiên lệch với bằng chứng rõ ràng, thường xuyên can thiệp tiền tệ.

Thao túng tiền tệ (currency manipulation), là một hình thức phá giá, là làm mất giá đồng nội tệ để coi đó là một hình thức trợ cấp cho xuất khẩu. Đấy là điều mà nhiều người Mỹ đang lên tiếng chỉ trích Chính phủ Trung Quốc về hành động này.

Trước cáo buộc của Bộ Tài chính Mỹ, hôm 6/6/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam không thực hiện và không có ý định thao túng tiền tệ nhằm giành lợi thế thương mại.

Việt Nam cần làm gì

Vậy Việt Nam cần làm gì trong thời điểm này, để tránh bị Hoa Kỳ trừng phạt? Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhận định:

“Nếu Tổng thống Trump muốn, ông ấy sẽ đánh thuế cao lên hàng Việt Nam. Việt Nam có thể khắc phục bằng cách mua thêm hàng hóa Mỹ như đậu tương, than, vũ khí, thịt bò, thịt heo, hàng công nghệ cao.v.v… Theo tôi, mua thêm hàng hóa Mỹ là cách đơn giản nhất cho Việt Nam.

Cũng trong buổi phóng vấn với Fox Business News hôm 26/6, khi được hỏi liệu Mỹ sẽ đánh thuế hàng hóa Việt Nam không (tương tự như với Trung Quốc), Tổng thống Trump nói rằng Việt Nam là nước lợi dụng nhất dù Việt Nam đã mua nhiều than từ West Virginia, Mỹ.

Trước đó, Tổng thống Trump cũng đã từng nói, Việt Nam nên mua vũ khí của Mỹ, vì Hoa Kỳ đã bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Mỹ chính thức bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 5/2016, nhân chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Hà Nội.

Tháng 8/2018, có tin đưa ra từ Bộ Quốc phòng Mỹ là Việt Nam ký một hợp đồng trị giá gần 100 triệu đô là mua vũ khí. Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó tránh bình luận tin này.

Bà Phạm Chi Lan thì cho rằng nhận xét của ông Trump nói ‘Việt Nam đang lạm dụng thương mại với Mỹ còn tệ hơn Trung Quốc’ có phần chưa thật xác đáng. Vì thực tế, không thể so sánh kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ giữ Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc đang xuất siêu sang Mỹ vẫn hơn 300 tỷ USD, còn Việt Nam xuất siêu sang Mỹ có tăng lên mấy chục phần trăm trong mấy tháng đầu năm nay, nhưng chỉ vẫn vài chục tỷ thôi.