Cầu 'dài' nhất TP.HCM: chạy xe hơn 1 tiếng vẫn chưa qua (TTO)

Cây cầu Kênh Tẻ dài vỏn vẹn 763m mà chạy xe hơn 1 tiếng vẫn chưa qua được nên được người dân cười mếu gọi là "cây cầu dài nhất thành phố" vì đi hoài không qua nổi. Nên gọi là "cây cầu Xã hội chủ nghĩa" hoặc "cây cầu Hồ Chí Minh" có lẽ đúng hơn. Thật là "ơn đảng, ơn bác".

TTO - Tới không được. Lùi không xong. Xe tôi chỉ có thể nhúc nhích, rướn từng centimet qua cầu. 15 phút, 30 phút, thậm chí 1 giờ... vẫn chưa qua được. Ôi thôi! Cầu Kênh Tẻ (nối quận 7 và quận 4, TP.HCM) chỉ vài trăm mét mà như dài vô tận.

 Lọt thỏm giữa hàng hàng lớp lớp xe, tôi cố nhúc nhích 20 phút thì cũng bò qua được hết dãy tiệm sửa xe, thu mua phế liệu. Chân cầu Kênh Tẻ đã ở trước mắt. Có thể thở phào? Chưa đâu! Lại tiếp tục nhúc nhích từng centimet lên cầu.

Cầu Kênh Tẻ từ 15,1m sẽ được mở rộng lên 16,5m. Kế hoạch công trình thực hiện từ giữa đến cuối năm 2018, nhưng dự kiến tháng 7-2019 mới xong. Mặt cầu sẽ mở rộng lên 14m, còn lại là đường đi bộ và thành cầu.

Cổ chai cầu Kênh Tẻ

Các hàng xe thu hẹp lại, không có chỗ chen chúc ngang mà chỉ còn nối đuôi hàng dọc. Đường Nguyễn Hữu Thọ rộng, xe lớn có lúc chen hàng ba thì lên cầu Kênh Tẻ chỉ còn hàng một. Cầu có bề ngang khoảng 15m, kể cả lề đi bộ. Vài chiếc xe buýt đi lên, thế là bịt hết làn đường.

Từ một năm nay, hai bên lề mọc lên hai "lô cốt" công trình "mở rộng cầu Kênh Tẻ" khiến lòng đường đã hẹp lại càng chật cứng. Những ngày nắng đổ lửa, cắn răng nối đuôi chờ sang cầu là một cực hình. Và người đi đường chỉ còn biết nhìn cái biển công trình treo với lời hứa hẹn "mở rộng cầu" mà... hi vọng.

Một ngày như mọi ngày, tôi đều qua cầu Kênh Tẻ như thế. Từ chung cư tôi ở thẳng đường đến giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ hết 5 phút. Nhưng cảnh khổ thì ở phía trước.

Bon bon qua cầu Rạch Bàng, qua khu Lottemart, Novaland và bắt đầu hòa vào biển xe cộ đủ loại trộn lẫn, ùn ùn - chen chúc - nhúc nhích đang ứ lại trước nút thắt cầu Kênh Tẻ. Những đôi mắt phụ nữ mệt mỏi, nhẫn nhịn. Những gương mặt đàn ông đỏ lên. Trẻ nhỏ phơi mình dưới nắng. Nhiều tiếng than thở, lầm bầm...

Người ta cho biết: 4 tháng nữa công trình mở rộng cầu Kênh Tẻ xong, sẽ không còn kẹt nữa. Nhưng tôi, một cư dân mỗi ngày qua cầu ít nhất hai lần và đều nhúc nhích trong đám đông kẹt xe ít nhất hai lần sáng chiều thì chẳng được lạc quan như vậy.

Tôi chuyển đến khu vực này gần 7 năm. Lúc mới mua căn hộ, bỏ 6 tháng không dám ở vì các tầng lầu vắng, vì con đường về nhà chỉ vừa tới cầu Kênh Tẻ là đã vắng vắng, tối tối, lạnh lạnh. Rồi thì cũng đánh liều dọn nhà...

Khu dân cư đông vui dần, đường cũng bớt vắng, bớt tối. Rồi các khu chung cư cao vút, khổng lồ mọc lên chi chít hai bên đường. Một, hai, ba, bốn... Hoàng Anh Gia Lai, Novaland, Quốc Cường Gia Lai, Hưng Phát... Hàng chục nhà đầu tư, hàng chục dự án, mỗi khu dân cư, cao ốc là hàng ngàn căn hộ, nhà phố, biệt thự. Kèm theo dĩ nhiên là hàng chục ngàn ôtô, hàng trăm ngàn xe máy. 

Người - xe tăng gấp bội nhưng đường vẫn thế, cầu vẫn nguyên. Và rồi tự lúc nào, thoáng vèo chúng tôi đã phải chịu cảnh kẹt xe chỉ sau khi ra khỏi nhà chưa đầy 5 phút, tức là từ ngã tư trọng điểm Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.

Rất nhiều giải pháp giải quyết kẹt ngã tư này được đưa ra, nào phân luồng xe bốn bánh, nào cảnh sát giao thông và lực lượng hỗ trợ túc trực, rồi những dự án cầu vượt, hầm chui. Dù đã có lãnh đạo đến tận nơi thị sát, yêu cầu quyết liệt, vẫn chưa biết bao giờ mới có.

Nhưng điều chắc chắn hơn lại là có cầu vượt, hầm chui ở ngã tư Nguyễn Văn Linh thì nạn kẹt xe sẽ còn nghiêm trọng hơn bởi một dự án khác, lời hứa khác, yêu cầu quyết liệt khác vẫn chưa được thực hiện: cầu Kênh Tẻ 2 vẫn chưa thành hình. Sẽ ra sao nếu thông thoáng một đầu, đầu kia vẫn thắt cổ chai?

Bà bầu suýt đẻ trên cầu

"Trước khi có "lô cốt" công trình mở rộng, cầu Kênh Tẻ đã bị kẹt xe nặng. Ngày nào cũng chạy xe ôm ngược xuôi cầu Kênh Tẻ, tui chứng kiến rất nhiều cảnh khóc cười, mà có chuyện chính tui là người trong cuộc.

Khoảng tháng này năm ngoái, một người chồng lái xe hơi chở vợ từ phía quận 7 qua Bệnh viện Từ Dũ để sinh con thì bị kẹt xe giữa cầu. Đợi mãi vẫn không qua được, cô vợ đau bụng rên la um sùm. Ông chồng phải bỏ xe, bế vợ ra ngoài để tìm xe ôm. Lúc đó, tui chở khách đi ngang qua, may là người khách thông cảm, xuống xe để nhường cho tui chở cô đau đẻ đi trước" - anh Nguyễn Văn Bằng, lái xe ôm ở đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, kể.

Q.M.
Bao giờ thêm cầu?

Cây cầu Kênh Tẻ dài vỏn vẹn 763m này đang được người dân cười mếu gọi là "cây cầu dài nhất thành phố" vì đi hoài không qua nổi.

Đầu thế kỷ 20, khi thiết kế đô thành Sài Gòn cho 500.000 dân ở, nhận thấy rạch Bến Nghé, kênh Ruột Ngựa không đủ cho nhu cầu giao thông thương mại với các tỉnh miền Tây, người Pháp đã thiết kế kênh Tẻ - kênh Đôi, đào bằng xáng cạp dài tới hơn 14km, rộng có đoạn cả ngàn mét thông suốt xuống tận miệt Chợ Lớn, nối sông Sài Gòn với sông Chợ Đệm để đổ ra Vàm Cỏ. 

Đào từ năm 1905 đến 1906 thì xong, kênh Tẻ - kênh Đôi được hiện diện trong bản đồ Sài Gòn từ ấy. Và kênh Tẻ trở thành thủy lộ giao thương huyết mạch tuyến Mỹ Tho - Chợ Lớn - Sài Gòn - Gia Định.
Cầu Tân Thuận được bắc ở đầu kênh cùng lúc. Làm bằng sắt, chỉ dài 240m, rộng 8m, nó gánh trách nhiệm nối khu trung tâm Sài Gòn với khu Nam, nối quận 1, quận 4 với quận 7, Nhà Bè suốt trăm năm, qua chiến tranh bom đạn, thời cuộc thăng trầm.

Cả 100 năm sau, cây cầu thứ hai, tức cầu Kênh Tẻ này mới được thông xe để chia bớt áp lực cho cây cầu sắt trăm tuổi. Năm 2005 thì có thêm cầu Tân Thuận 2. 

Từ năm ấy, khu Phú Mỹ Hưng bắt đầu cuộc thay da đổi thịt quận 7 và Nhà Bè. Dòng người - xe ùn ùn đổ về Nam Sài Gòn. Năm 2009 có thêm cầu Nguyễn Văn Cừ ở đoạn cuối kênh Tẻ. Nhưng cũng rất nhanh chóng, các cây cầu đều quá tải.

"Cần thêm nhiều cầu nữa qua kênh Tẻ", người dân yêu cầu vậy, lãnh đạo thành phố cũng khẳng định vậy. Dự án cầu Kênh Tẻ 2 trên tuyến đường Bắc - Nam mới, dự án cầu Nguyễn Khoái bắc từ khu dân cư Him Lam cũng đã có rồi... Nhưng hình hài của chúng vẫn ở trên giấy. Người đi đường vẫn ngày ngày phải cắn răng, gạt mồ hôi, chịu đựng khổ sở cho xe nhúc nhích qua cầu.

Người xưa đào con kênh cho giao thông thuận lợi đâu có ngờ lại làm khó cho người đời sau đến vậy (!). Ngẫm cây cầu chỉ mấy trăm mét mà như dài nhất thành phố làm người ta không khỏi cười mếu.

Cứ nghĩ ngày mai tôi lại phải tiếp tục rướn từng centimet qua nó mà toát mồ hôi hột...

Có hết kẹt xe?

Ngày nào tôi qua cầu cũng ngóng vào rào tôn mong được thấy tiến độ công trình. Trị giá 90 tỉ, đơn vị thi công đập lề đường đi bộ hai bên cầu để tráng nhựa lại cho bằng mặt cầu hiện hữu. Rồi họ bắc thêm gióng thép ra phía mặt sông để làm lại thành cầu và đường đi bộ mới. Có nghĩa, công trình hoàn thành, mỗi làn đường của cầu sẽ rộng thêm khoảng... 1m ngang, nâng bề ngang cầu lên hơn 16m.

Một mét ngang cũng nghĩa là một hàng xe máy, hoặc hai hàng nếu chen vai sát sạt. Liệu có hết kẹt xe chăng khi mà trên đường đi, ở những ngã ba, ngã tư lại tiếp tục các khu cao ốc với hàng ngàn căn hộ sắp đến thời điểm giao nhà?

Phạm Vũ