206 đại biểu phản đối quy định 'uống rượu không được lái xe' (Hoài Thu)
Không thể nào hiểu nổi quốc hội VN làm việc như thế nào? Một qui định cấp thiết và quan trọng như vậy mà họ vẫn không thể thống nhất với nhau được? Có hai cách, một là cấm hoàn toàn, không được uống giọt rượi bia nào khi lái xe, như tại Nga. Hai là qui định nồng độ cồn được phép. Cấm bán rượi sau 22h là vô lý vì ảnh hưởng đến khách du lịch. Cần cấm quảng cáo bia rượi trên các phương tiện truyền thông. Khả năng là các đại biểu bị các nhóm lợi ích và các công ty bia rượi "tác động" là rất lớn.
Sau 2 lần lấy ý kiến, trên 200 đại biểu
Quốc hội vẫn bày tỏ quan điểm không tán thành với quy định "đã uống rượu
bia không được điều khiển phương tiện giao thông".
Chiều 3/6, Quốc hội xin ý kiến các đại biểu về 3 vấn đề còn ý
kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia trước
khi hoàn thiện luật.
Nội dung đầu tiên là quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của
người điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông. Quốc
hội xin ý kiến vào 2 phương án.
Phương án 1, cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc
khí thở có nồng độ cồn. Lựa chọn phương án này chỉ có 48,76% tổng số đại
biểu có mặt tán thành.
Phương án 2, cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc
khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao
thông. Phương án này cũng không nhận được quá bán số phiếu của đại biểu.
Điều hành phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng
nói “quyết định vấn đề liên quan đến hành vi của con người rất khó
khăn”. Ngay sau đó, đại biểu Bùi Sỹ Lợi và Nguyễn Thanh Hồng xin có ý
kiến. Hai đại biểu cho biết một số đại biểu “nhầm lẫn giữa các phương
án”, do đó đề xuất cho biểu quyết lại phương án 1.
Quốc hội đã đồng ý cho biểu quyết lại phương án 1 về quy định “đã
uống rượu bia không được điều khiển phương tiện giao thông”. Lúc này, số
phiếu đại biểu tán thành quy định này giảm xuống chỉ còn 44,21%, vẫn
không quá bán.
Nội dung thứ hai được lấy ý kiến là quy định về việc hạn chế thời
gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ, quy định tại điều 5 của dự thảo
luật.
Phương án một là quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng
tại chỗ từ 22h đến 8h sáng hôm sau. Ủng hộ phương án này có 224/440 đại
biểu có mặt, chiếm 46,28%.
Phương án 2, không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia
để tiêu dùng tại chỗ. Đáng nói, phương án này cũng không nhận được quá
bán số phiếu của đại biểu Quốc hội (44,21%).
“Nội dung này cũng không có phương án nào quá 50% để ghi trong luật”, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.
Nội dung cuối cùng là quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình.
Phương án 1 của dự thảo luật quy định khung thời gian không được
quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18h đến
21h hàng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ
em.
Phương án 2, quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia
trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 19h đến 20h hàng ngày; ngay
trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em.
Kết quả, có 72,52% tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết cho phương án một.
Như vậy, trong 3 vấn đề được đưa ra lấy ý kiến chỉ có quy định về
khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình
nhận được sự thống nhất.
“Với 3 nội dung xin ý kiến, thực sự Quốc hội rất dân chủ, cân nhắc
thận trọng, khẳng định không có thế lực nào, nhóm lợi ích nào tác động
vào quyết định ngày hôm nay”, bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
Theo quy định, nếu cả 2 phương án đều không nhận được sự đồng ý của
đa số đại biểu (trên 50%), Quốc hội sẽ phải tiếp tục tiếp thu, giải
trình cho phù hợp.
Zing.vn