Tập đoàn Zhongzhi vỡ nợ báo hiệu màn đêm đang phủ bóng Trung Quốc (Tổng hợp)
Trung Quốc : Vụ tập đoàn Zhongzhi vỡ nợ bộc lộ những vấn đề về nền "tài chính ngầm"
Trọng Nghĩa, RFI, 28/11/2023
Chính quyền Trung Quốc ngày 25/11/2023 cho biết đã mở điều tra hình sự nhắm vào các quan chức của tập đoàn Trung Quốc ZEG, tên tắt tiếng Anh của Zhongzhi Enterprise Group, tức Trung Thực Xí Nghiệp Tập Đoàn, một trong những tổ chức tài chính "ngầm" lớn nhất ở Trung Quốc. Những khó khăn của tập đoàn này nêu bật trọng lượng của các thực thể thường được gọi nôm na là "ngân hàng bóng tối" hay "ngân hàng ngầm" này trong nền kinh tế Trung Quốc.
Thông báo của cảnh sát Bắc Kinh tố cáo những hành vi "phạm tội bất hợp pháp" của tổ chức tài chánh tư nhân này và cho biết đã thực hiện "các biện pháp cưỡng chế hình sự" – thuật ngữ chính thức để chỉ các vụ bắt giữ – đối với các quan chức của tập đoàn Zhongzhi. Đây là ngôn từ mà chính quyền Trung Quốc thường dành cho những vụ nhạy cảm nhất, chẳng hạn như vụ quản thúc tại gia ông Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin), chủ tịch của tập đoàn địa ốc khổng lồ gần như bị phá sản Evergrande (Hằng Đại), vào tháng 9/2023.
Trong diện công ty tài chính ngầm quyền lực nhất
Tương tự như Evergrande, Zhongzhi là một trụ cột khác của nền kinh tế Trung Quốc. Theo ông Tôn Hân (Xin Sun), chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại King's College ở Luân Đôn thì dù không được biết đến ở nước ngoài, ZEG là "một trong những công ty tài chính ngầm quyền lực nhất ở Trung Quốc". Các công ty tài chính "chui" này là một phần của nền kinh tế Trung Quốc bao gồm tất cả những tác nhân tài trợ cho nền kinh tế bên ngoài các ngân hàng truyền thống.
Trong thế giới ngầm song song với khu vực tài chính chính thức đó, Zhongzhi thuộc diện ngân hàng có đẳng cấp cao nhất, vừa cho cả các nhà phát triển bất động sản lẫn chính quyền địa phương vay, vừa quản lý hàng tỷ đô la mà giới giàu có tại Trung Quốc ủy thác cho họ. Chính vì thế mà Zhongzhi được coi là một mắt xích thiết yếu trong lĩnh vực tài chính ngầm vốn từ lâu đã là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của Trung Quốc.
Được thành lập vào năm 1995, ZEG trong nhiều năm qua đã trở thành biểu tượng của nền tài chính bóng tối từng phất lên tại Trung Quốc. Với cách quản lý ít minh bạch hơn nhiều nhưng ít bị kiểm soát hơn so với khu vực tài chính truyền thống, hệ thống ngân hàng ngầm này thường giúp khách hàng huy động vốn nhanh hơn và cung cấp các khoản đầu tư với lãi suất thuận lợi hơn so với các cơ sở truyền thống.
Nguồn tài trợ cho ngành địa ốc
Theo nhật báo Mỹ Wall Street Journal, lĩnh vực tài chính ngầm đặc biệt phát triển mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, "khi việc tiếp cận nguồn tín dụng truyền thống trở nên khó khăn hơn". Tại Trung Quốc, các cơ sở "trong bóng tối" sau đó trở thành "bạn thân" của các nhà phát triển bất động sản và các chính quyền địa phương muốn nhanh chóng có những khoản tiền khổng lồ để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng mới xa hoa của họ hoặc để xây dựng mới cả một thành phố.
Theo chuyên gia Tôn Hân, ngay cả các ngân hàng truyền thống cũng "sử dụng những tổ chức tài chánh ngầm đó làm trung gian để cho các nhà phát triển bất động sản vay tiền", qua đó tránh né được một phần các quy tắc do chính quyền ban hành nhằm hạn chế việc liều lĩnh chấp nhận rủi ro.
Nền tài chính ngầm tại Trung Quốc đã tự khẳng định mình là một nhân tố trung tâm của bùng nổ ngành bất động sản ở Trung Quốc trong 20 năm gần đây, một nhân tố cực kỳ quan trọng vì sức nặng kinh tế của nó được ước tính lên tới hơn 2.900 tỷ đô la, cao hơn một chút so với GDP của Pháp (2.639 tỷ euro vào năm 2022, tương đương 2.881 tỷ đô la).
Chừng nào tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc còn tốt thì hoạt động kinh doanh cũng tốt cho các tổ chức tài chính ngầm này. Các ngân hàng truyền thống cung cấp cho họ nguồn tiền mà sau đó họ biết cách phát triển, cho phép những ngân hàng lớn nhất trong số họ đa dạng hóa. Theo nhật báo Anh Financial Times, chính nhờ đó mà Zhongzhi đã trở thành một nhà quản lý quỹ lớn cho những người Trung Quốc giàu có và có thể đầu tư vào các lĩnh vực đa dạng như khai thác mỏ và ô tô điện.
"Tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng"
Ngày nay Zhongzhi đã rơi vào tình trạng mà chính họ đã thừa nhận là nguy cơ "vỡ nợ nghiêm trọng". Trong một bức thư gửi đến các nhà đầu tư vài ngày trước khi chính quyền can thiệp, Zhongzhi cho biết đã tích lũy một khoản nợ lên đến ít nhất 59 tỷ đô la, trong lúc số tài sản có trong tay chỉ là 28 tỷ đô la. Lãnh đạo tập đoàn cũng thừa nhận họ không biết làm cách nào để lấp đầy lỗ hổng 31 tỷ đô la đó.
Trả lời kênh truyền hình Pháp France 24 ngày 27/11, chuyên gia Tôn Hân nhấn mạnh rằng nguy cơ Zhongzhi bị phá sản "đã được dự đoán ít ra là từ mùa hè vừa qua". Vào tháng 8, cảnh sát đã phải xông vào trụ sở của tập đoàn này để giải tán một cuộc biểu tình của khách hàng đến phàn nàn về việc không thể rút lại số tiền mà họ đã trao cho Zhongzhi. Đối với ông Tôn Hân : "Tập đoàn đang phải trả giá cho cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc và đà suy thoái chung của nền kinh tế", và những thất bại của Zhonghzi là "một chỉ báo tốt về tình trạng sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc".
Câu hỏi đặt ra là sự sụp đổ của Zongzhi sẽ tác động ra sao trên nền kinh tế Trung Quốc, và đặc biệt là trên lĩnh vực ngân hàng.
Theo các nhà quan sát, cách nay chưa đầy một thập kỷ, sự sụp đổ của một thực thể có tầm quan trọng như Zhongzhi có thể làm hệ thống ngân hàng chao đảo, nhưng theo một nghiên cứu của King's College vào năm 2023 về mối liên hệ giữa nền tài chính ngầm và lĩnh vực ngân hàng, thì "kể từ năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các ngân hàng truyền thống tránh xa các tổ chức này và ngày nay họ đã ít tiếp xúc với lĩnh vực này hơn".
Tác hại tiềm tàng trên nền tài chính ngầm
Chuyên gia Tôn Hân xác nhận : "Tôi không nghĩ rằng những thất bại của Zhonghzi sẽ có tác động lây lan đến phần còn lại của lĩnh vực ngân hàng truyền thống". Thế nhưng, cơn chấn động chắc chắn sẽ lan tỏa trong lĩnh vực tài chính ngầm.
Đối với ông Tôn Hân, tại Trung Quốc, trong những năm gần đây, các tổ chức tài chánh ngầm đã tự đổi mới những nhà quản lý tài sản mang lại lợi nhuận hấp dẫn hơn các ngân hàng bình thường. Tuy nhiên, để thu hút các khoản đầu tư, điều cần thiết là phải tạo ra niềm tin nơi các nhà đầu tư".
Đây là lý do tại sao, ngoài lĩnh vực ngân hàng ngân hàng truyền thống, những khó khăn của một trong những ngân hàng "ngầm" quan trọng nhất này có nguy cơ tạo ra một làn sóng mất lòng tin rất tai hại vì rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào những thương vụ mạo hiểm mà các "ngân hàng bóng tối" này sẵn sàng thực hiện.
Trọng Nghĩa
**************************
'Gã khổng lồ' quản lý tài sản Zhongzhi của Trung Quốc bị điều tra hình sự
BBC, 27/11/2023
Giới chức Trung Quốc đang tiến hành điều tra nhằm vào một trong những 'ngân hàng bóng tối' lớn nhất Trung Quốc, tập đoàn đã cho các công ty bất động sản hàng đầu vay hàng tỷ USD.
Zhongzhi Enterprise Group (ZEG) có một nhánh quản lý tài sản, trong thời điểm đỉnh cao quản lý khối lượng giao dịch lên đến hơn một ngàn tỷ nhân dân tệ (139 tỷ USD).
Giới chức Trung Quốc nói họ đang điều tra cáo buộc "tội hình sự" nhằm vào tập đoàn này, trong một tuyên bố hồi cuối tuần rồi.
Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau tin tức ZEG đã tuyên bố vỡ nợ.
Tập đoàn này được cho đã báo với các nhà đầu tư trong một lá thư hồi tuần rồi rằng khoản nợ - lên đến 64 tỷ USD - đã vượt qua mức tài sản, hiện được ước tính vào khoảng 38 tỷ USD.
Trong khi giới chức nói họ đã "tiến hành các biện pháp cưỡng ép về mặt hình sự" nhằm vào "nhiều đối tượng tình nghi", hiện vẫn chưa rõ những người này là ai, vai trò của họ trong công ty này là gì. Nhà sáng lập tập đoàn, tỷ phú Giải Trực Côn đã đột tử sau một cơn đau tim hồi năm 2021.
ZEG là một tập đoàn đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng 'bóng tối' (shadow banking) tại Trung Quốc, một thuật ngữ về một hệ thống những công ty cho vay, môi giới, và trung gian tín dụng nằm ngoài lĩnh vực ngân hàng truyền thống được quy định theo luật pháp. 'Ngân hàng bóng tối' không thuộc phạm vi giám sát của cơ quan chức năng, không chịu cùng các rủi ro, giới hạn vốn và tính thanh khoản như các ngân hàng truyền thống.
Ngành 'ngân hàng bóng tối' của Trung Quốc được định giá khoảng 3.000 tỷ USD. Lĩnh vực này cung cấp 'mạch sống' tài chính cho lĩnh vực tài sản của Trung Quốc. Một ngành nghề từng rất phát triển này đã bị tác động từ việc siết chặt tín dụng nghiêm trọng, khiến một vài tập đoàn lớn nhất đứng trên bờ vực sụp đổ tài chính.
"Trong một vài thập niên qua, Trung Quốc đã chạy theo loại bong bóng bất động sản này - và để tạo bong bóng này, hoặc giúp quốc gia này tăng tốc độ phát triển, lĩnh vực vày cần được cấp vốn. Vì vậy họ nhận được ngày càng nhiều tiền từ các nhà đầu tư cá nhân, mang lại một tỷ suất đầu tư rất, rất, rất cao. Và chuyện này có hiệu quả trong một khoảng thời gian bởi vì giá tài sản tăng lên và mọi người ai nấy đều hưởng lợi", Andrew Collier, chuyên gia về ngân hàng 'bóng tối' từ Orient Capital Research nói.
Việc cho vay không chính thống này đã luôn tồn tại trong nền kinh tế Trung Quốc, nhưng lĩnh vực ngân hàng 'bóng tối' khởi sắc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi nguồn tín dụng trở nên khan hiếm.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại và một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, ông Collier nói vấn đề tại ZEG có thể là khởi đầu cho một vấn đề khác lớn lao hơn : "Chuyện này sẽ lan rộng sang các hình thức ngân hàng 'bóng tối' khác và có khả năng lan đến những ngân hàng thật sự".
Các công ty phát triển bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc đang gánh khoản nợ lên đến 30% lượng vốn của những ngân hàng Trung Quốc.
"Phải mất nhiều thời gian để đảo ngược tình hình", ông Collier nói.
Những diễn biến mới nhất tại ZEG đã làm gia tăng các mối quan ngại về biến động sâu xa hơn tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo sau sự sụp đổ của tập đoàn phát triển bất động sản Evergrande và gần đây là bất ổn tài chính tại Country Garden.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc chiếm đến một phần ba sản lượng kinh tế, bao gồm nhà ở, dịch vụ cho thuê và trung gian, cũng như vật liệu xây dựng, và các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm được dùng trong các căn hộ.
Các chỉ số mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 4,9% trong ba tháng từ tháng 7 đến tháng 9, chậm hơn quý trước đó, khi tốc độ phát triển kinh tế đạt được là 6,3%.
Nguồn : BBC, 27/11/2023