Vài nhận định về vụ Trương Duy Nhất 'mất tích' (Phạm Lê Vương Các)
Chia sẻ với những nhận định của tác giả. Dù Trương Duy Nhất là ai và thế nào đi nữa thì ông ấy cũng có quyền của một con người đó là phải được bắt giữ và kết án một cách công khai và minh bạch. Tình trạng 'mất tích' của ông ấy rất đáng lo ngại. Cả hai nhà nước VN và Thái Lan đều có trách nhiệm trong vụ này. Chúng ta cần lên tiếng yêu cầu chính quyền VN trả lời cho câu hỏi "Trương Duy Nhất đang ở đâu? Ông ấy có an toàn không?"
Ông Trương Duy Nhất trong một chuyến tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi còn là nhà báo trong hệ thống chính quyền.
1. Nếu thông tin ông Trương Duy Nhất bị bắt tại một Trung tâm thương
mại ở Bangkok là chính xác thì chính quyền Thái Lan không phải là kẻ vô
can, mà là người chịu trách nhiệm chính cho vụ bắt giữ này. Bởi lẽ
không thể bắt ông Nhất bằng vũ lực hay gây mê để rời khỏi một trung tâm
thương mại đông đúc với hệ thống camera và lực lượng an ninh bảo vệ dày
đặc, nếu những người bắt giữ không phải giới chức chính quyền sở tại.
2. Chính sách của chính quyền Việt Nam trong suốt nhiều năm qua là sẵn
sàng “tống khứ” những người bất đồng chính kiến hay hoạt động dân chủ
nhân quyền ra khỏi Việt Nam. Chỉ cần quốc gia nào đồng ý tiếp nhận các
đối tượng này thì chính quyền Việt Nam cũng sẵn sàng để họ ra đi. Trong
một số trường hợp chính quyền còn gây áp lực để buộc những người này
phải rời khỏi Việt Nam. Nếu ông Nhất chỉ thuần tuý là một người viết
lách bất đồng chính kiến hay một nhà hoạt động cho dân chủ nhân quyền
thì chính quyền Việt Nam không dở hơi đến nỗi nhanh chóng mở chiến dịch
quy mô săn lùng sang tận Thái Lan để bắt về. Về lý do bắt ông Nhất đến
lúc này vẫn còn đang bỏ ngỏ.
3. Khi nhiều tổ chức phi chính phủ
quốc tế và Hoa Kỳ lên tiếng, gây áp lực tiến hành điều tra về việc ông
Nhất “mất tích”, thì ngay lập tức thông tin thuộc dạng “định hướng dư
luận” được tung lên mạng. Nội dung của bài viết cáo buộc ông Nhất là một
“mắc xích” trong đường dây chiếm dụng công sản của “Vũ Nhôm”. Cụ thể,
Trụ sở báo Đại Đoàn Kết ở miền Trung tại số 82 Trần Quốc Toản, TP. Đà
Nẵng, thời ông Nhất làm Trưởng đại diện bị biến thành nhà riêng của “Vũ
Nhôm”. Cạnh đó ông Nhất cùng với “Vũ Nhôm” thành lập công ty I.V.C để
mần ăn chung. Thông tin này được đưa ra rõ ràng nhằm mục đích làm giảm
sự ủng hộ đối với ông Nhất, buộc những người lên tiếng bảo vệ cho ông
phải dè dặt hơn. Thông tin này cũng có thể giải thích cho lý do ông Nhất
dù đã đào thoát qua Thái Lan xin tỵ nạn nhưng vẫn bị săn đuổi.
4. Khoảng hơn một năm trước, trên mạng Internet rò rỉ một báo cáo tuyệt
mật của Tổng cục Tình báo Quân đội (Tổng cục II) về Trương Duy Nhất. Nội
dung của bản báo cáo này đánh giá về Nhất, một mặt là “đối tượng chống
đối chính trị cực đoan”, mặt khác lại phục vụ cho “lợi ích nhóm và phe
cánh chính trị””(trong nội bộ đảng và nhà nước). Bản báo cáo còn miêu tả
Nhất có “mối quan hệ phức tạp” (vừa quan hệ với phản động, lại vừa quan
hệ với lãnh đạo chính quyền), đặc biệt là mối quan hệ thân mật với Vũ
Nhôm. Bản báo cáo này cũng đưa ra kiến nghị lực lượng công an cần lập
chuyên án, củng cố hồ sơ để xử lý Trương Duy Nhất và ngăn chặn tình
trạng “phe cánh chính trị” đang ảnh hưởng trực tiếp đến đoàn kết nội bộ,
uy tín của lãnh đạo các cấp.
4. Đối với giới hoạt động đấu
tranh, Nhất là một người khá thú vị. Nhiều người biết đến ông vì ông
được ví là một “Anh hùng Thông tin” (được tổ chức Phóng Viên Không Biên
Giới trao tặng) vì các bài viết phê phán mạnh mẽ về lỗi hệ thống chính
quyền, cổ suý cho dân chủ và nhân quyền, nhưng đồng thời nhiều người
cũng khá rõ mối quan hệ thân thiết của Nhất với Vũ Nhôm và áp phe với
một số giới chức lãnh đạo chóp bu, trước cả khi bản báo cáo của Tổng cục
II ra đời. Đánh giá đầy đủ về Nhất, có lẽ những nhà sử học sau này sẽ
có cái nhìn chuẩn xác hơn thời điểm này.
5. Hiện tại Trương Duy
Nhất đang trong tình huống khá nguy hiểm, không ai biết được tình trạng
hiện tại của ông ra sao, cũng như chưa một ai nhận lãnh trách nhiệm về
việc bắt giữ ông. Tình trạng của ông được pháp lý mô tả bằng thuật ngữ
“cưỡng bức mất tích”. Người bị bắt giữ trong tình trạng này có nguy cơ
bị thủ tiêu, hoặc bị đưa ra xét xử mà không đảm bảo nguyên tắc xét xử
công bằng như bị giam giữ bí mật, bị tra tấn, ép cung, bị tước đoạt
quyền tiếp cận luật sư và thân nhân... Bỏ qua nguyên tắc xét xử đối với
ông Nhất thì tất cả mọi cáo buộc nhắm vào ông, lẫn việc xét xử ông sau
này đều trở nên vô giá trị về mặt pháp lý. Lúc này ông Nhất cần được bảo
vệ và đảm bảo cho việc xét xử công bằng và công khai. Những người yêu
công lý hãy đặt câu hỏi cho chính quyền Thái Lan và Việt Nam: “TRƯƠNG
DUY NHẤT ĐANG Ở ĐÂU?”
11/2/2019