Mỹ: 5 điểm chính trong Diễn văn Liên bang của Trump (BBC)
Di sản lớn nhất của Trump 2 năm vừa qua là làm nước Mỹ chia rẽ sâu sắc hơn bao giờ hết. Không chỉ chia rẽ trong dân chúng Mỹ mà ngay cả chính trường Mỹ cũng thế. Với Trump bức tường ngăn cách với Mexico là tất cả, ông đặt cược vai trò của một tổng thống vào đó bằng cách tuyên bố sẽ đóng cửa chính phủ lần thứ 2 vào ngày 15/2 tới đây hoặc ban bố tình trạng khẩn cấp để lấy tiền xây tường. Tuy nhiên Trump không thể làm cả hai việc đó. Có rất nhiều "bức tường" để bảo vệ nước Mỹ như bức tường về sự bao dung, tự do, dân chủ, bức tường về an ninh mạng, bức tường về hệ thống các nước đồng minh bảo vệ cho Mỹ từ xa...Những bức tường quan trọng đó Trump đang phá hủy một cách không thương tiếc trong khi bức tường với Mexico chưa từng đe dọa an ninh nước Mỹ bao giờ thì Trump lại cố xây bằng được dù vấp phải sự phản đối của quốc hội và đa số người dân Mỹ...
Đó là điểm giữa của nhiệm kỳ đầu
tiên của Donald Trump tại Nhà Trắng, và - trong hơn một giờ - tổng thống
đã thu hút sự chú ý của quốc gia.
Bài phát biểu trước Quốc hội
của ông được quảng cáo là lưỡng đảng, nhưng bên dưới những ngôn từ hoa
mỹ là sự chia rẽ và bất đồng sắc nét cố hữu.
Dưới đây là những điểm chính trong bài diễn văn của tổng thống, cộng với phân tích về phản ứng của đảng Dân chủ.
Diễn văn mới, mâu thuẫn cũ
Khoảnh
khắc tuyệt vời của Diễn văn Liên bang năm 2019 xảy ra khi tổng thống
ghi nhận số phụ nữ kỷ lục phục vụ trong Quốc hội Hoa Kỳ, khiến các nhà
lập pháp mặc áo trắng đứng dậy cổ vũ, biểu lộ một phấn khích ngẫu hứng
không được dàn dựng trước.
Tuy nhiên, có lẽ tổng thống cũng kịp để
ý rằng hầu hết những người cổ vũ thuộc đảng Dân chủ - và họ đã thắng
trong cuộc bầu cử giữa kỳ gần đây bằng cách chống lại chính sách của
ông.
Họ - cùng với hầu hết các thành viên đảng Dân chủ khác -
dường như đã quyết định không cổ vũ cho phần còn lại của bài phát biểu
của tổng thống. Mặt họ lạnh như tiền khi ông nói về chính sách di dân.
Họ ngồi im không nhúc nhích khi ông thúc giục Quốc hội thông qua luật
chống phá thai mới. Có những tiếng rên rỉ nghe rõ khi ông Trump cảnh báo
rằng "các cuộc điều tra đảng phái lố bịch" về chính quyền ông có thể đe
dọa "phép màu kinh tế" của Mỹ.
Trong khi tổng thống chen vào bài
phát biểu của mình bằng những tràng pháo tay và những lời lẽ kính trọng
dành cho cựu chiến binh trong Thế chiến thứ hai, bệnh nhân ung thư trẻ
em và những người sống sót sau thảm họa diệt chủng, những chia rẽ sắc
bén trong chính trị Hoa Kỳ cũng được thấy rất rõ ràng.
Bài diễn văn thậm chí bắt đầu với một chút cư xử
không tinh tế. Tổng thống bắt đầu phát biểu mà không chờ lời giới thiệu
chính thức từ Chủ tịch Hạ viện, và thành viên hàng đầu của đảng Dân chủ,
bà Nancy Pelosi - một sự phá cách với truyền thống.
Văn phòng bà
Pelosi tweet những phản hồi và chỉ trích bài phát biểu của tổng thống
trong khi nó đang diễn ra, và nhiều lần tiếng vỗ tay của bà dường như
giống như một lời quở trách sắc sảo hơn là một sự tán thành.
Hai
đối thủ bắt đầu năm mới trong một trận chiến sinh tử, và Diễn văn Liên
bang này không đưa ra dấu hiệu là xung đột giữa họ đã chấm dứt.
Chính sách di dân không lối thoát
Có
lẽ vấn đề lớn nhất nổi lên trong Diễn văn Liên bang của ông Trump là
cuộc đối đầu đang diễn ra giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về chính
sách di dân và bức tường biên giới do ông Trump đề xuất. Bất đồng đó dẫn
đến việc chính phủ phải đóng cửa hơn một tháng gần đây và, nếu hai bên
không đạt được thỏa hiệp, có thể chính phủ lại phải ngừng hoạt động vào
ngày 15 tháng 2 tới đây.
Tổng thống, người đã biến bức tường
thành trọng tâm của chiến dịch tranh cử năm 2016, đã rút lại lời kêu gọi
là bức tường phải kéo dài theo toàn bộ biên giới Mexico. Ông không còn
nói rằng nó sẽ là một cấu trúc cụ thể, thay vào đó mô tả nó hôm thứ Ba
là một "hàng rào thép thông minh, chiến lược, và xuyên suốt". Và không
có đề cập nào đến lời cam kết của ông rằng Mexico sẽ phải trả tiền cho
cấu trúc này.
Tổng thống nhấn mạnh, tuy nhiên, "bức tường rất hữu
dụng và bức tường có thể cứu mạng". Đảng Dân chủ không cho thấy có dấu
hiệu là họ sẽ cung cấp bất kỳ loại tài trợ nào cho việc xây tường.
Một cái gì đó phải thay đổi.
Tối
thứ Ba, ông Trump đã không đưa ra được một lối thoát. Không có nguy cơ
rằng tổng thống sẽ "tuyên bố tình trạng khẩn cấp," một động thái cho
phép ông ra lệnh cho quân đội Mỹ xây dựng bức tường mà không cần sự chấp
thuận của quốc hội. Không có dấu hiệu lùi lại.
Thay vào đó, ông
Trump kết thúc phần nói chuyện về di dân khoảng 17 phút của mình với một
chút kết thúc mơ hồ, đặt cái túi chính trị đầy rắn này vào lòng của các
nhà đàm phán tại quốc hội.
"Chúng ta hãy cộng tác với nhau, thỏa hiệp và đạt được thỏa thuận sẽ thực sự làm cho nước Mỹ an toàn", ông nói.
Một quảng cáo tái tranh cử
Với
các ứng cử viên Dân chủ - nhiều người ngồi trong Tòa nhà Quốc hội - đã
xếp hàng để thách thức ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới,
diễn văn này cũng có thể được xem là bài phát biểu lớn đầu tiên của tổng
thống về chiến dịch tái tranh cử của mình.
Đầu tiên, ông liệt kê
thành tích. Ông nói về một "sự bùng nổ kinh tế chưa từng có", tự hào về
mức lương tăng, 5,3 triệu việc làm mới, 600.000 việc làm trong ngành
sản xuất mới và tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Những thành quả này, ông
nói, là nhờ việc cắt giảm thuế và giảm quy định của chính phủ của chính
phủ ông. Và lần đầu tiên kể từ năm 1955, ông lưu ý, Mỹ là nước xuất
khẩu năng lượng ròng, điều ông cũng nói là do công của ông (mặc dù các
xu hướng này đã có từ thời kỳ bùng nổ của Obama).
Ông Trump cũng
đề cập đến một vài thành công lập pháp khác, bao gồm cải cách tư pháp
hình sự và luật cho phép bệnh nhân mắc bệnh nan y thử dùng thuốc thử
nghiệm. Nhưng nếu nền kinh tế vẫn tốt, kinh tế sẽ là trọng tâm của cuộc
tái tranh cử của ông.
Tuy nhiên, một chiến dịch tranh cử tổng
thống không chỉ gồm việc đánh bóng ứng cử viên. Nó còn là về việc
thuyết phục công chúng rằng dồn phiếu cho ứng cử viên đối thủ là một sự
lựa chọn sai lầm. Và trong một vài câu tối thứ Ba, tổng thống cũng cho
thấy trước việc tấn công đối thủ sắp tới sẽ ra sao.
Sau khi nói
về "sự tàn bạo" của chính phủ Venezuela dưới chế độ Nicolas Maduro,
ông Trump đã xoay quanh cuộc tấn công vào các đối thủ chính trị của
mình.
"Ở đây, tại Hoa Kỳ, chúng ta hoảng hốt trước những
lời kêu gọi mới về việc áp dụng chủ nghĩa xã hội vào nước ta," ông nói.
"Nước Mỹ được thành lập dựa trên tự do và độc lập, không phải sự ép
buộc, thống trị và kiểm soát của chính phủ."
Các cuộc thăm dò gần
đây cho thấy ngày càng nhiều đảng Dân chủ áp dụng quan điểm tích cực hơn
về "chủ nghĩa xã hội" so với chủ nghĩa tư bản - mặc dù, trong trường
hợp này, họ đang hỗ trợ các chính sách phù hợp hơn với chủ nghĩa xã hội
của châu Âu chứ không phải chế độ độc tài Venezuela.
Tuy nhiên,
tổng thống không thấy sự khác biệt nào, và thay vào đó, dường như sẵn
sàng phác họa hình ảnh những thành viên đảng Dân chủ đang hy vọng được
đề cử là ứng cử viên tổng thống là những người có khuynh hướng cực tả về
các vấn đề như y tế, giáo dục và bất bình đẳng thu nhập để được dân tin
tưởng trao quyền lực.
"Chúng tôi hâm nóng lại quyết tâm rằng Mỹ
sẽ không bao giờ là một quốc gia xã hội chủ nghĩa", ông Trump kết luận
với những tràng pháo tay rền vang như sấm từ những người Cộng hòa trong
phòng.
Không khó để dự đoán là cử tri sẽ được nghe những lời tương
tự được lập đi lập lại từ giờ cho đến tận ngày bầu cử tháng 11 năm
2020.
Chương trình nghị sự còn lại
Các
trận chiến chính trị về bức tường trong hai tháng qua đã làm lu mờ
những cuộc thảo luận về các ưu tiên khác của tổng thống. Trong bài phát
biểu tại Quốc hội, tổng thống đã cố thổi sức sống vào một số ưu tiên
chính sách khác của mình, bao gồm các lĩnh vực có thể - trong thời gian
ít phân cực hơn - được sự hỗ trợ của lưỡng đảng.
Đầu tư cơ sở hạ
tầng, một mục tiêu tổng thống hứa hẹn từ lâu nhưng không bao giờ được
chính thức đề xuất, một lần nữa lại được hô hào. Ông khoe thỏa thuận
thương mại mới được đàm phán với Canada và Mexico, mặc dù ông chưa bao
giờ kêu gọi Quốc hội phê chuẩn thỏa thuận này một cách rõ ràng, và đây
là điều ông phải làm vào một lúc nào đó. Ông cũng nói vài câu về việc
giảm giá thuốc theo toa bác sĩ và loại bỏ được việc lây truyền HIV và
ung thư của trẻ em.
Khi ông chuyển sang chính sách đối ngoại - chủ
đề cuối cùng trong bài phát biểu trước Quốc hội - danh sách những
việc phải làm tiếp tục. Ông quảng bá việc rút khỏi Hiệp ước Lực lượng
Hạt nhân Tầm trung với Nga và cảnh báo rằng nếu không đạt được thỏa
thuận mới, Mỹ sẽ "đầu tư nhiều hơn và đổi mới hơn" tất cả những quốc gia
khác trong phát triển vũ khí hạt nhân.
Ông khoe khoang về các
cuộc đàm phán đang diễn ra với Triều Tiên, bao gồm hội nghị thượng đỉnh
mới với Kim Jong-un vào cuối tháng này. Ông cũng nói về việc kết thúc
"những cuộc chiến bất tận", một lần nữa khẳng định rằng Mỹ sẽ rút quân
đội khỏi Syria và đàm phán hòa bình ở Afghanistan. Tuy nhiên, ông không
đưa ra mốc thời gian nào cho quá trình này.
Về
chính sách đối ngoại, tổng thống có quyền hạn khá rộng. Nếu ông Trump
có thể bỏ qua những lời chỉ trích từ các nhà lập pháp và thỉnh thoảng sự
không chấp thuận trong chính quyền của mình, ông có thể thực hiện một
số mục tiêu của mình.
Tuy nhiên, khi nói đến chính sách đối nội,
các đề xuất của ông thực sự đã chết cứng. Chính sách đối nội, vì thế
là điểm phụ trong bài diễn văn, được phát biểu không nhiệt tình lắm. Vào
ngày mai, hầu hết những điều ông nói sẽ bị lãng quên, khi cơn lốc của
chính trị Mỹ hiện đại tiếp tục kéo qua.
Phản ứng của đảng Dân chủ
Đảng
Dân chủ đang gặp khó khăn trong việc tìm được một tiếng nói cho đảng
từ một người không chứa chấp, bí mật hoặc công khai, tham vọng làm tổng
thống.
Thay vì nhường sự chú ý cho một thành viên đang muốn
thành ứng cử viên tổng thống, đảng Dân chủ đã chọn một người mà cuộc
tranh cử gần đây nhất kết thúc trong thất bại, bà Stacey Abrams của tiểu
bang Georgia.
Mặc dù bà Abrams hiện không phải là một dân cử,
chiến dịch tranh cử cho ghế thống đốc tiểu bang Georgia của bà đã phản
ánh vị trí của Đảng Dân chủ ngày nay - đa dạng về sắc tộc, và tiến bộ về
chính trị.
Trong khi bài phát biểu của tổng thống ít có những đề
xuất chính sách mới, bài diễn văn phản hồi của đảng Dân chủ do bà Abrams
đọc dầy đặc với chính sách. Trong khoảng năm phút, bà nói đến kiểm
soát súng, học phí đại học cao, biến đổi khí hậu, cải cách y tế và quyền
bầu cử.
Bà đổ lỗi cho đảng Cộng hòa về việc chính phủ đóng cửa,
chỉ trích dự luật cải cách thuế của tổng thống là "bất lợi và chống lại"
''người dân lao động "và ca tụng sự đóng góp của người di dân vào xã
hội Hoa Kỳ.
Đảng
Dân chủ không phải là không có những bất đồng nội bộ. Có những câu hỏi
về cách thực hiện chính sách y tế phổ cập và hạ thấp học phí đại học,
làm thế nào để giải quyết bất bình đẳng thu nhập, phân biệt chủng tộc,
và những loại thuế nào phải cắt giảm và phải tăng.
Họ cũng có
những cuộc tranh luận riêng về chính sách đối ngoại, điều này được thấy
rõ khi một số ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ trong phòng Hạ
viện hoan nghênh câu nói của ông Trump về các cuộc chiến tranh nước
ngoài bất tận.
Tuy nhiên, phản hồi của bà Abrams đã làm dịu đi
những chia rẽ đó và đưa ra hình ảnh của Đảng Dân chủ như chọn lựa cho
những chính sách từ bi hơn so với chính sách của ông Trump và đảng Cộng
hòa.
"Sự tiến bộ của chúng ta luôn được tìm thấy trong sự che chở,
trong bản năng cơ bản của chính sách Mỹ, để làm những điều tốt cho
người dân của chúng ta," bà Abrams nói.
Tuy nhiên, khi cuộc tranh
cử tổng thống của đảng Dân chủ nóng lên, sự khác biệt trong đảng - và
giữa những cử viên chạy đua để trở thành người được đảng đề cử - sẽ trở
thành hiển nhiên.