Mỹ và Bắc Triều Tiên cố đạt thỏa thuận trước thượng đỉnh ở Việt Nam (Thanh Phương)

Các nhà phân tích tại Seoul nhận thấy có những lý do đáng lạc quan trong những tuyên bố gần đây của đặc sứ Mỹ. Ông Biegun xác nhận là Kim Jong Un đã cam kết tháo dỡ toàn bộ các cơ sở sản xuất nhiên liệu hạt nhân. Ông còn cho biết là Hoa Kỳ về phần mình dường như sẵn sàng ký một hiệp định chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Đây là điều mà Bình Nhưỡng đòi hỏi từ nhiều thập niên qua. Washington thậm chí có thể chấp nhận bãi bỏ một số biện pháp trừng phạt, trước khi Bắc Triều Tiên giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Đây là một thay đổi đáng kể trong lập trường của Mỹ. Thái độ mềm dẽo này giúp cho hai bên có thể đạt được thỏa hiệp. (RFI)


Hôm qua, 06/02/2019, đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên, Stephen Biegun đã đến Bình Nhưỡng, để cố đạt được một thỏa thuận với Bắc Triều Tiên, trước khi diễn ra thượng đỉnh giữa tổng thống Donald Trump và chủ tịch Kim Jong Un tại Việt Nam hai ngày 27 và 28/02.
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình:

Xuất phát từ căn cứ quân sự Mỹ Osan ở Hàn Quốc vào buổi sáng, ông Stephen Biegun đã đáp xuống Bình Nhưỡng để mở các cuộc thảo luận nhằm chuẩn bị cho thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong Un và có thể là nhằm đạt được một hiệp định phi hạt nhân hóa. 

Các nhà phân tích tại Seoul nhận thấy có những lý do đáng lạc quan trong những tuyên bố gần đây của đặc sứ Mỹ. Ông Biegun xác nhận là Kim Jong Un đã cam kết tháo dỡ toàn bộ các cơ sở sản xuất nhiên liệu hạt nhân. 

Ông còn cho biết là Hoa Kỳ về phần mình dường như sẵn sàng ký một hiệp định chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Đây là điều mà Bình Nhưỡng đòi hỏi từ nhiều thập niên qua. Washington thậm chí có thể chấp nhận bãi bỏ một số biện pháp trừng phạt, trước khi Bắc Triều Tiên giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Đây là một thay đổi đáng kể trong lập trường của Mỹ. Thái độ mềm dẽo này giúp cho hai bên có thể đạt được thỏa hiệp.

Chính phủ Hàn Quốc đã hoan nghênh việc tổng thống Mỹ xác nhận việc mở cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Seoul nhắc lại rằng nước chủ nhà, Việt Nam, đã từng có chiến tranh ác liệt với Hoa Kỳ, nhưng nay cũng trở thành một nước bạn của Mỹ.”

Về quan hệ liên Triều, theo hãng tin Yonhap, hôm nay, bộ trưởng Nội Vụ Hàn Quốc vừa thông báo là chính phủ Seoul sẽ chi ra 11,6 tỷ đô la từ đây đến năm 2030 để phát triển cơ sở hạ tầng tại các vùng biên giới hai miền, bao gồm cả vùng phi quân sự.

Cũng theo nguồn tin này, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận cho Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ và tổ chức World Vision International được miễn thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng, để hai tổ chức này có thể cung cấp cho Bắc Triều Tiên các trang thiết bị về cung cấp nước và ngăn ngừa lũ lụt.

RFI