Vĩnh biệt người Anh lớn của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Việt Hoàng)

Vừa tròn hai năm ngày anh Nghiêm Văn Thạch ra đi mãi mãi. Đăng lại bài viết cũ như là một nén hương lòng gửi đến anh với lòng tiếc thương vô hạn của tất cả anh chị em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Cầu nguyện cho linh hồn anh luôn siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng.


Thật là một tin quá buồn, người Anh lớn của  (THDCĐN), một chứng nhân của lịch sử VN hiện đại, một nhân cách đáng kính vừa rời bỏ thế giới xô bồ này đi về nơi vĩnh hằng: Anh Nghiêm Văn Thạch.

Anh vừa vĩnh viễn ra đi vào sáng thứ Hai, ngày mồng 7 tháng 11 năm 2016, hưởng thọ 87 tuổi. Có một điều kỳ lạ là cơ thể anh đã chết được mấy ngày nhưng trái tim anh vẫn còn đập. Sự ra đi của anh đã để lại một sự tiếc thương vô hạn, không chỉ với gia đình anh mà còn với cả toàn thể anh chị em trong THDCĐN.

Cuộc đời anh khá đặc biệt. Cha anh là Tuần phủ Phủ Lý thuộc tỉnh Hà Nam, ông là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ). Ông bị cộng sản sát hại sau năm 1945. Tiếp bước người cha, anh Nghiêm Văn Thạch quyết định tham gia vào VNQDĐ khi mới 16 tuổi. Sau khi tốt nghiệp tú tài (cấp 3) anh đã không thể theo học bậc đại học vì nhà nghèo, dù rằng bố anh là tuần phủ. Anh sớm đi làm để nuôi gia đình.

Tuy chỉ học xong tú tài nhưng anh là người thông minh và can đảm nên đã sớm trở thành nhân viên của Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa đệ nhất và đệ nhị. Năm 1955 anh được cử đi làm một nhiệm vụ quan trọng đó là thuyết phục tướng Ba Cụt ra đầu thú. Đây là nhiệm vụ khá nguy hiểm vì tính tình nóng nảy và thất thường của Ba Cụt. (Đầu tiên Ba Cụt đã đồng ý qui hàng tổng thống Ngô Đình Diệm nhưng sau đó đổi ý nên bị tiêu diệt).

Anh vẫn tiếp tục làm việc tại Bộ ngoại giao VNCH với chức vụ cố vấn đại sứ VNCH tại Nhật Bản và tại Pháp cho đến ngày 30/4/1975. Dù chỉ học đến tú tài nhưng anh là người có học vấn cao, lịch thiệp và giỏi giang. Sỡ dĩ anh đã không trở thành những lãnh đạo cao cấp trong Bộ ngoại giao VNCH cũng vì tính cách cương trực của mình. Anh không biết luồn cúi. Với anh sai là sai mà đúng là đúng, anh không thể nói đúng thành sai, nói sai thành đúng. Cương trực, đứng đắn, trong sáng, khiêm tốn, trách nhiệm… là những gì mà bạn bè cảm nhận được từ anh.

Xin được trích một vài cảm nghĩ của anh em trong THDCĐN nghĩ về anh khi được tin anh mất:

Anh vừa là một huynh trưởng Hướng Đạo của tôi, vừa là một chí hữu cao niên nhưng luôn gần gũi trong sinh hoạt TH và đời thường. Tấm gương khiêm nhường trong cách sống, ôn hòa và chan chứa tình cảm trong lời nói của anh sẽ nhắc nhở tôi nhìn lại về mình để tu thân như châm ngôn ngành Tráng trong phong trào Hướng Đạo”.

Cuộc đời nào cũng chóng qua.  Có lẽ qua nhanh hơn chúng ta tưởng. Trong cuộc đời ngắn ngủi này, tôi nghĩ anh Thạch đã sống trọn vẹn : tận tụy, thẳng thắn, cương trực, nhẫn nhịn, nhân hậu, …

Sẽ nhớ mãi những lần gặp Anh, được nói chuyện với anh về câu chuyện dài của quê hương. Xin vĩnh biệt anh Thạch”.

Tôi có may mắn gặp và nói chuyện với anh Thạch vài lần ở Pháp và ở Bỉ. Anh Thạch trẻ mãi vì anh kiên trì với lý tưởng dân chủ”.

Anh Thạch bằng tuổi anh cả của em. Em kêu anh Thạch nhưng em ngưỡng mộ như bậc cha chú của em trong VN Quốc Dân Đảng. Em có nhiều kỷ niệm với anh Thạch. Giờ anh Thạch đã đi xa. Nhớ quá. Buồn chồng chất thêm buồn. Nhớ anh Thạch quá!”.

Trân trọng một nhân cách sống cao đẹp. Một người có công lớn với THDCĐN”.

Sự ra đi này của anh Thạch đã để lại trong mỗi chúng ta hình ảnh một người Việt Nam gương mẫu: một người cha vẹn toàn, một hướng đạo sinh tiêu biểu và một nhà đấu tranh chính trị kiên cường. Cuộc đời anh Thạch rõ ràng là một cuộc hành trình truy tìm hạnh phúc cho gia đình và cho dân tộc Việt Nam. Trong suốt cuộc đời, anh Thạch đã chỉ gia nhập hai tổ chức chính trị: Việt Nam Quốc Dân Đảng và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Chúng ta tưởng nhớ một người anh, một chí hữu được mọi người yêu quý”.

Tôi được biết anh Thạch từ cuối thập niên 50 trong phong trào Hướng Đạo VN tại Sài Gòn và được tiếp anh vào nhóm Thông-Luận sau này. Niềm kính trọng và cảm phục của tôi với anh chưa bao giờ thay đổi. Vô cùng thương tiếc”…

Anh Nghiêm Văn Thạch tham gia THDCĐN năm 1990, từ đó đến nay 26 năm đã trôi qua, từ lúc là một thành viên của tổ chức cho đến khi trở thành Chủ tịch Phân bộ Pháp anh luôn là một người anh lớn, là chỗ dựa tinh thần cho nhiều người. Trong THDCĐN anh là người lớn tuổi nhất nhưng tâm hồn anh lúc nào cũng trẻ trung và đầy nhiệt huyết. Anh là người hiểu biết và luôn động viên mọi người. Cũng chính anh là người luôn gửi đến cho THDCĐN những câu chuyện tiếu lâm cuối tuần với những lời chúc tốt đẹp.

Cũng có thể nói rằng anh là người Thầy đáng kính của bản thân tôi bởi vì anh là người (có lẽ) duy nhất trong THDCĐN luôn dành thời gian để đọc và sửa lỗi chính tả cũng như góp ý về cách trình bày cấu trúc về ngữ pháp và câu cú trong tiếng Việt qua các bài viết của tôi đăng trên Thông Luận. Chưa bao giờ tôi thấy anh giận ai hay trách móc ai mà ngược lại anh luôn khen ngợi và động viên mọi người. Tôi tự hào và may mắn vì là một trong những người hay được anh khen.

Khiêm tốn là một trong những đức tính mà mọi người trong THDCĐN học được ở anh. Anh luôn xưng hô anh/tôi cho dù người đối thoại chỉ bằng tuổi con cháu anh. Anh như là một người anh lớn trong đại gia đình THDCĐN.

Tuy luôn khiêm tốn và nhẹ nhàng với mọi người nhưng anh lại là người rất thẳng thắng và gay gắt với cái sai và cái xấu. Anh không bao giờ thỏa hiệp hay im lặng với sự dối trá, lừa lọc. Anh là người đã vạch mặt và chỉ thẳng tên tổ chức dân chủ cuội trá hình do công an lập ra để giăng bắt những người Việt Nam yêu nước đó là đảng Nhân Dân Hành Động của bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi và Nguyễn Sĩ Bình.

Anh ra đi khi ước mơ của anh và của THDCĐN vẫn đang còn dở dang. Nguyện ước dân chủ Việt Nam của anh vẫn chưa hoàn thành. Tổ chức mà anh gắn bó và trân quí vẫn chưa đạt được tầm vóc mà đáng ra nó phải có. Tất cả chúng tôi, những thành viên của THDCĐN có lỗi với anh. Tuy nhiên tôi tin là anh hiểu và thông cảm với những khó khăn mà một tổ chức chính trị dân chủ đối lập của Việt Nam phải đương đầu. Tổ chức của chúng ta vẫn còn nhiều yếu kém và còn nhiều việc phải làm. “Vũ khí” duy nhất của chúng ta là lẽ phải, là tư tưởng và một lộ trình dân chủ hóa cho Việt Nam. Chúng ta không có lực lượng và phương tiện để “đối đầu” với ĐCSVN. Chúng ta chỉ có thể tranh đấu bằng tư tưởng và lẽ phải thông qua Dự Án Chính Trị 2015-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, chúng ta sẽ bền bỉ và cố gắng thuyết phục người dân Việt Nam nói chung và trí thức Việt Nam nói riêng đồng ý và chia sẻ với dự án đó.

Tranh đấu trên mặt trận truyền thông và lý luận là tất cả những gì mà THDCĐN có thể làm được trong lúc này. Thật là khôi hài khi tư tưởng của THDCĐN lại được ĐCSVN đón nhận thay vì trí thức Việt Nam. Ông Võ Văn Thưởng viết “những gì mà người dân làm được thì nhà nước sẽ không làm”, ông Đinh Thế Huynh thì nói “ Việt Nam phải chú trọng đến thị trường trong nước thay vì tập trung mọi nguồn lực cho xuất khẩu” cho đến các cụm từ quen thuộc của người Việt như “dân chủ đa nguyên”, “Xã hội dân sự” hay vấn đề ô nhiễm môi trường Việt Nam đã đến mức báo động… đều là sản phẩm tư tưởng và trí tuệ của THDCĐN từ nhiều năm trước đây.

Những thay đổi đó tuy không ồn ào nhưng cũng đủ để báo hiệu cho một sự thay đổi bắt buộc phải đến. Nhiều người Việt Nam, thậm chí ngay cả một số anh em trong THDCĐN cũng không nhận ra sự thay đổi đó nên đã không dành cho THDCĐN sự ủng hộ cần thiết cũng như một niềm tin phải có. Chắc hẳn anh là người đồng tình với chúng ta rằng “một cuộc vận động tư tưởng phải đi trước và dẫn đường cho một cuộc cách mạng dân chủ”.

Một trong ba lập trường chủ đạo của THDCĐN là “Hòa giải và Hòa hợp dân tộc”, chủ đề gai góc này tuy bị phản đối dữ dội lúc ra đời nhưng nhờ được mổ xẻ khách quan nên dần dần đã được chấp nhận rộng rãi. Sự lựa chọn và dấn thân của anh là một minh chứng sống động cho tinh thần hòa giải dân tộc của THDCĐN. Nếu hiểu một cách giản dị và sơ khai nhất thì “hòa giải là một sự tha thứ”. Thân phụ anh bị cộng sản sát hại, nếu theo truyền thống của Khổng giáo thì anh phải có trách nhiệm báo thù (như trong các bộ phim kiếm hiệp TQ) thế nhưng anh đã chọn lập trường “hòa giải và hòa hợp dân tộc” của THDCĐN. Chỉ có sự Hòa giải thật lòng mới mang lại sự Hòa hợp thật sự cho dân tộc Việt Nam.

Anh là cây cổ thụ, là cuốn từ điển sống của THDCĐN. Mất anh chúng tôi không khỏi hụt hẫng và chới với. Trong lúc khó khăn này giá như có anh, chúng ta sẽ dễ dàng tìm được tiếng nói chung trên những vấn đề muôn thuở trong sinh hoạt của một tổ chức.

Tổ chức Hướng đạo Việt Nam mà anh tham gia từ những năm 1950 vẫn còn đó và ngày càng phát triển. Hy vọng trong tương lai tổ chức này sẽ thay thế cho các tổ chức ngoại vi của ĐCSVN như Đội thiếu niên tiền phong HCM hay Đoàn Thanh niên cộng sản HCM… Con cháu chúng ta rất cần một sân chơi lành mạnh và bổ ích.

Nói bao nhiêu về anh cũng không đủ, anh em trong THDCĐN xin nhớ mãi về anh như là một người anh lớn, một mẫu mực về lòng yêu nước và vị tha.

Xin nghiêng mình vĩnh biệt anh và cầu nguyện linh hồn anh siêu thoát về cõi Vĩnh Hằng. Chúng tôi hứa sẽ cùng nhau đi trọn con đường mà anh, một người tiền bối, một người lãnh đạo đánh kính đã lựa chọn và khai sáng.

Việt Hoàng (11/11/2016)