3 tập đoàn lớn của Trung Quốc bán tháo tài sản (Thanh Niên)

Ba tập đoàn lớn nhất Trung Quốc là Dalian Wanda, HNA và Anbang Insurance, đã chi hàng tỉ USD cho các giao dịch thâu tóm tài sản trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bây giờ họ đang phải đối mặt với sức ép phải bán đi hàng loạt tài sản và chịu sự kiểm soát của chính phủ Bắc Kinh.





 

 Có lẽ bữa tiệc lớn đã qua đối với một số ông trùm trong giới kinh doanh Trung Quốc.

Ba tập đoàn lớn nhất Trung Quốc là Dalian Wanda, HNA và Anbang Insurance, đã chi hàng tỉ USD cho các giao dịch thâu tóm tài sản trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bây giờ họ đang phải đối mặt với sức ép phải bán đi hàng loạt tài sản và chịu sự kiểm soát của chính phủ Bắc Kinh.
 
Sự đảo ngược gần đây nhất xảy ra vào hôm 23.2 khi các nhà quản lý Trung Quốc nắm quyền tiếp quản Anbang và truy tố cựu chủ tịch của tập đoàn bảo hiểm này vì cáo buộc gian lận. 
 
Theo hãng nghiên cứu Dealogic, Wanda, HNA và Anbang đã chi hơn 50 tỉ USD vào năm 2016 để mua tài sản trên toàn cầu. Năm ngoái, chi tiêu của các đại gia này đã sụt giảm gần 75%, nguyên nhân một phần là do tác động từ việc chính phủ Trung Quốc siết chặt dòng vốn chảy ra nước ngoài của các công ty nói chung. 
 
Dưới đây là một số diễn biến nổi bật trên con đường bán tháo tài sản của ba tập đoàn danh tiếng nhất Đại lục, theo tổng hợp từ CNN.
 
Wanda
 
Chủ tịch của Wanda, ông Wang Jianlin, là một trong những người giàu có nhất Trung Quốc. Ông từng rất tự hào về đế chế kinh doanh toàn cầu không ngừng trải rộng của mình, nhưng bây giờ tỉ phú này đang phải bán dần các tài sản quốc tế và rút các khoản đầu tư về sân nhà. 
 
Cùng với các dự án bất động sản ở những thành phố lớn như Los Angeles, Chicago và Istanbul, ông Wang đã bơm không ít tiền vào lĩnh vực giải trí, bao gồm cả hãng phim Hollywood Legendary Entertainment, nơi sản xuất ra những bộ phim bom tấn của thế giới như The Dark Knight (Hiệp sĩ bóng đêm), Jurassic World (Thế giới khủng long) và The Hangover (Ba chàng ngự lâm). 
 
Tuy nhiên, một trong những dấu hiệu cho thấy tham vọng quốc tế của ông Wang bắt đầu đụng độ với chương trình nghị sự kinh tế của chính quyền Bắc Kinh là khi hợp đồng trị giá 1 tỉ USD để mua lại Dick Clark Productions, nhà sản xuất giải thưởng Quả cầu Vàng và các giải thưởng danh giá khác, đã không thành hồi năm ngoái. 
 
Dưới áp lực phải gây quỹ để trả nợ, Wanda đã buộc phải bán phá giá các dự án bất động sản ở Anh và Sydney. Trong tháng này, công ty đồng ý bán cổ phần trong câu lạc bộ bóng đá Tây Ban Nha Atletico Madrid. Song, không chỉ bán khối tài sản khổng lồ ở nước ngoài, ông Wang còn phải thanh lý một số công viên giải trí và hàng chục khách sạn ở Đại lục với giá khoảng 9 tỉ USD. 
 
HNA
Xuất phát điểm của HNA cách nay hơn 20 năm là một hãng hàng không ít người biết ở miền nam Trung Quốc. Nhưng tập đoàn này bắt đầu dồn sự tập trung vào việc thu nạp tài sản trên thế giới trong những năm gần đây, với số lượng lớn hợp đồng mua lại các công ty của Mỹ và châu Âu. 
 
Đế chế mở rộng của HNA bao gồm chuỗi khách sạn Radisson, lượng lớn cổ phần tại Tập đoàn khách sạn Hilton Worldwide và khoảng 10% cổ phần của ngân hàng Đức Deutsche Bank. Tuy nhiên, hiện HNA đang gặp rắc rối lớn khi phải vật lộn với khoản nợ ước tính khoảng 100 tỉ USD hoặc hơn. Các nhà đầu tư đã phải bán phá giá cổ phiếu và trái phiếu của một số doanh nghiệp trong mạng lưới các công ty con của HNA. 
 
HNA khẳng định tình hình tài chính vẫn tốt, nhưng thực tế công ty vẫn đang phải bán tài sản để tăng tiền mặt. Được biết, mới đây HNA đã bán hai lô đất tại Hồng Kông với giá 2 tỉ USD chỉ sau 15 tháng sở hữu. Công ty cũng cắt giảm cổ phần của mình trong Deutsche Bank. 
 
Anbang
Anbang được thành lập vào năm 2014 với tư cách là công ty bảo hiểm ô tô tại Bắc Kinh, nhưng sau đó đã phát triển thành một tập đoàn khổng lồ toàn cầu. Anbang nổi tiếng với những nỗ lực thương thảo đầy tham vọng, bao gồm cả việc mua lại khách sạn sang trọng Waldorf Astoria trị giá 1,95 tỉ USD, một gói thầu khách sạn Starwood thất bại với giá 14 tỉ USD và những cuộc đàm phán kinh doanh một tòa tháp văn phòng ở Manhattan (Mỹ) với gia đình của Jared Kushner, con rể đồng thời là cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 
 
Theo Dealogic, Anbang đã chi hơn 20 tỉ USD cho các hợp đồng mua tài sản trên thế giới từ năm 2014. Hoạt động mua lại tài sản của tập đoàn này bao gồm các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Hà Lan và Hàn Quốc, cùng với một ngân hàng Bỉ. 
 
Mọi thứ bắt đầu trở nên “chua cay” vào năm ngoái khi Chủ tịch Anbang Wu Xiaohui bị các nhà chức trách Trung Quốc giam giữ. Sự việc lên đến đỉnh điểm trong tuần qua khi chính phủ Trung Quốc tạm thời tiếp quản Anbang. Một tuyên bố từ các công tố viên Thượng Hải được các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin cho biết, hiện ông Wu đang bị truy tố vì tội gây quỹ gian lận và lạm dụng tài sản của công ty.

Phương Anh