Điểm báo Pháp - Trump hay Harris, ai sẽ bảo vệ Đài Loan ? (RFI)

Trump hay Harris, ai sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công ?

Le Figaro đặt câu hỏi : Trước sự hiếu chiến của Nga và những trò cưỡng ép của Trung Quốc, liệu nên lo lắng trước mục tiêu của Trump, hay sự thiếu vắng mục tiêu của Harris ? Cứ bốn năm một lần, người Đài Loan lại lo âu theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

dailoan1

Các quân nhân tham gia cuộc tập trận thường niên Hán Quang ở Đài Loan, ngày 22/07/2024. Reuters - Ann Wang

Châu Á lo ngại về sự hỗ trợ của Mỹ để đối phó với Trung Quốc. Anh Quốc trước các cuộc nổi loạn của cực hữu. Nỗ lực ngoại giao để tránh chiến tranh ở Trung Đông. Kamala Harris chọn một nhân vật tả khuynh đứng liên danh. Bước sang tuần thứ hai, Thế vận hội Paris tiếp tục gây hứng khởi. Đó là những chủ đề được báo chí đề cập nhiều hôm nay 07/08/2024.

Donald Trump gây hoài nghi về việc tiếp cứu Đài Loan

Từ Milwaukee, Donald Trump lại gây hoang mang cho eo biển Đài Loan : kêu gọi Đài Bắc "trả tiền" để được bảo vệ. Trả lời Bloomberg Businessweek, ứng cử viên Cộng Hòa gieo rắc ngờ vực về quyết tâm của Hoa Kỳ trước khả năng Tập Cận Bình xâm lăng hòn đảo. Đang trong chiến dịch tranh cử, người chủ trương "Nước Mỹ trước hết" có thái độ trái ngược với Joe Biden - hồi năm 2022 từng khẳng định trước ống kính đài CBS là Mỹ sẽ gởi lực lượng tiếp cứu nếu Đài Loan bị tấn công, một ngưỡng mà ông không muốn vượt qua đối với Ukraine.

Thủ tướng Đài Loan Trác Vinh Thái (Cho Jung Tai) nói rằng hòn đảo nhất định sẽ tự vệ : Đài Loan vừa mua 630 triệu đô la thiết bị quân sự Mỹ, gồm một hợp đồng 300 triệu đô la để hiện đại hóa các F-16, đối phó với vô số vụ xâm nhập của chiến đấu cơ Trung Quốc ; cộng với 330 triệu đô la để tăng cường phòng không và lực lượng drone. Trung Quốc tức giận trước hợp đồng đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua.

Le Figaro nhắc lại, Biden đã gia tăng các thỏa thuận quốc phòng song phương như với Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines trong chiến lược "ngăn chặn" Trung Quốc. Lầu Năm Góc có được bốn căn cứ quân sự mới ở Philippines, điểm tựa quan trọng cho thủy quân lục chiến Mỹ ở đảo Guam trong trường hợp chiến tranh Đài Loan. Chính quyền Dân Chủ cũng ký hiệp ước AUKUS với Úc và Anh để chặn đứng tham vọng Bắc Kinh trên Thái Bình Dương.

Chủ trương của Harris vẫn chưa rõ

Các chiến lược gia Châu Á, đã quen với những động thái bất ngờ của Donald Trump, vẫn bình tĩnh, nhất là ê-kíp ông Trump muốn tập trung vào Châu Á thay vì Châu Âu hay Ukraine.Họ cho rằng các tuyên bố của tác giả "Nghệ thuật thương lượng" là nhằm mặc cả chứ không phải một sự thay đổi chiến lược. Xã luận của Le Figaro so sánh Hoa Kỳ với một "công ty bảo hiểm" để đòi trả phí cao hơn, Donald Trump không thể làm an tâm các đồng minh. 

Tuy nhiên trong khi Trump thích dọa dẫm, tối thiểu thì người ta cũng biết cách đối xử với ông : mọi chuyện đều tính ra tiền, chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn. Còn đối với Kamala Harris thì sao ? Chưa ai biết được. Trước sự hiếu chiến của Nga và những trò cưỡng ép của Trung Quốc, liệu nên lo lắng trước mục tiêu của Trump, hay sự thiếu vắng mục tiêu của Harris ? Ít nhất Châu Á cũng biết rằng sẽ là tâm điểm của lợi ích Mỹ, ngược với Châu Âu.

Bắc Kinh trấn áp những người ủng hộ Đài Loan độc lập

Người dân Đài Loan,tuy lo lắng nhưng cũng không lạ gì cách hành xử bất nhất của cựu tổng thống Mỹ, tin rằng Washington không thể bỏ qua hòn đảo quốc sản xuất đến 90% chip bán dẫn loại tân tiến nhất. Các căn cứ Mỹ ở Nhật Bản và Philippines cũng nằm sát bên Đài Loan.

Cứ mỗi kỳ bầu cử Mỹ, những cái nhìn lo lắng lại hướng về phía Washington. Think tank US Taiwan Watch nhắc nhở, cách đây bốn năm cũng đã có tâm trạng sợ rằng Biden sẽ bỏ rơi Đài Loan, bây giờ câu hỏi này lại đặt ra với Trump. Theo con số của một trung tâm nghiên cứu công bố vào cuối năm ngoái, gần phân nửa dân Đài Loan không tin là Hoa Kỳ sẽ can thiệp nếu xảy ra chiến tranh. Tâm trạng ngờ vực đồng minh chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Trong khi đó, cũng theo Le Figaro, "Bắc Kinh nhắm trực tiếp vào các nhà đấu tranh chủ trương độc lập" cho Đài Loan. Trợ lý một think tank cho biết khi quá cảnh Hồng Kông đã rất hồi hộp, đi thật nhanh qua thiết bị nhận diện điện tử, vì từ 21/06, "mọi hoạt động nhằm tách rời Trung Quốc với Đài Loan" bị coi là tội phạm có thể lãnh án tù, thậm chí tử hình, tuy chưa bao giờ hòn đảo này nằm dưới sự kiểm soát của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Luật mới với những định nghĩa mơ hồ gây áp lực lên người Đài Loan. Ngay cả Alexander Huang, giám đốc bộ phận quốc tế của Quốc dân đảng, tuy thân cận với Bắc Kinh đã sáu năm qua không dám đặt chân đến Hoa lục. Nhiều cộng sự của ông đã bị thẩm vấn, nên Huang không muốn bị công an Trung Quốc mời "uống trà". Một điều chắc chắn là sáng kiến này làm tăng thêm sự thù địch của người Đài Loan đối với Trung Quốc.

Tim Walz là ai ?

Theo Les Echos, rốt cuộc thống đốc 60 tuổi của Minnesota là cái tên bất ngờ nhất, thiên tả nhất trong số ba nhân vật "vào chung kết" đã được bà Kamala Harris chọn làm người đứng liên danh. Le Figaro cho rằng với chữ "kỳ quặc" mà Walz dùng để trả đũa Donald Trump, được chia sẻ nhiều lần trên mạng xã hội, khiến ông nổi bật hơn hai người kia, nghiêm túc hơn. Bình thường thì việc chọn lựa người làm phó tổng thống nếu thắng cử kéo dài nhiều tháng, nhưng bà Kamala Harris chỉ có 16 ngày.

Tim Walz không lãnh đạo một bang "dao động" quan trọng cho bầu cử, ngược với thống đốc Josh Shapiro của Minnesota, hay thượng nghị sĩ Mark Kelly của Arizona. Bang Minnesota của ông là Dân Chủ. Nhưng là chủ tịch hiệp hội các thống đốc Dân Chủ, Walz biết rõ những vùng đất cần chiếm lĩnh trong cuộc đua tháng 11, nhất là Michigan và Wisconsin bên cạnh. "Wall Street Journal" nhấn mạnh, Tim Walz có những biện pháp rất "tả" tại bang của ông : bữa ăn trưa miễn phí cho tất cả học sinh, cựu tù nhân được bỏ phiếu, cấp giấy phép lái xe cho di dân không giấy tờ, hợp pháp hóa cần sa thông dụng, coi phá thai là "quyền căn bản".

Lớn hơn Harris một tuổi, Tim Walz vốn là giáo viên, nói tiếng Hoa rất giỏi nhờ một năm sống ở Trung Quốc. Ông phục vụ trong vệ binh quốc gia 24 năm, thích săn bắn, và gốc gác nông thôn của ông có thể thu hút những cử tri gắn bó với giá trị truyền thống. Với 12 năm là dân biểu, Tim Walz có kinh nghiệm hơn Kamala Harris ở Hạ Viện. Vẻ ngoài bình dị của Walz làm an tâm cử tri trung lưu hơn là Harris có phần cứng nhắc.

Ảnh hưởng cực hữu bị coi nhẹ tại Anh

Từ một tuần qua, Anh Quốc và Bắc Ireland bị rung chuyển bởi làn sóng bạo lực dân tộc chủ nghĩa, chống Hồi giáo và bài ngoại. Tấn công, phóng hỏa vào các nhà thờ Hồi giáo và nơi cư ngụ của người tị nạn, đối đầu với cảnh sát và những người chống kỳ thị chủng tộc... phe cực hữu coi người nhập cư là mục tiêu, sau vụ ba bé gái bị đâm chết tại một trường dạy múa ở Southport, tây bắc nước Anh hôm 29/07.

Để bác bỏ tin giả trên mạng xã hội cho rằng thủ phạm là một di dân Hồi giáo vượt biển Manche trái phép, tư pháp đã công bố danh tính : Axel Rudakubana sinh tại Cardiff, có cha mẹ là người Rwanda, không có gì chứng minh là liên hệ với đạo Hồi. Một tháng sau khi lên nắm quyền sau 14 năm đối lập, chính phủ Công đảng của thủ tướng Keir Starmer phải đối phó với cuộc khủng hoảng chưa từng thấy, hội tụ ba yếu tố dễ bùng nổ nhất : mất an ninh, nhập cư và cực hữu. Đảng bảo thủ chỉ trích ông Starmer phản ứng chậm và từ bỏ kế hoạch trục xuất di dân sang Rwanda. Mạng xã hội giúp English Defence League, chống Hồi giáo liên tục từ 2009, tổ chức phong trào phản kháng với sự ủng hộ của đảng bài ngoại Reform UK và thủ lãnh Nigel Farage, người cổ vũ Brexit.

Le Monde nhận định ảnh hưởng của cực hữu tại Anh đã bị đánh giá thấp, tại một đất nước có truyền thống ôn hòa về chính trị và quá khứ chống phát-xít. Những thách thức là rất lớn cho ông Keir Starmer : vừa chận đứng bạo lực, vừa xử lý được tình trạng nhập cư, điều mà những người tiền nhiệm đã thất bại.

Iran – Israel - Hamas, hồi hai ?

Gần 10 tháng sau vụ thảm sát ngày 07/10, Trung Đông dường như sắp chuyển sang hồi hai của bi kịch : một cuộc chiến tranh khu vực với sự trả đũa của Iran và Hezbollah. Sau hơn 9 tháng chiến đấu ở Gaza làm 40.000 người Palestine thiệt mạng, Israel đã trừ khử được thủ lãnh chính trị của Hamas và cánh tay mặt của thủ lãnh Hezbollah ngay tại Tehran và Beyrut, chứng tỏ sự ưu việt của tình báo. Liệu Nhà nước Do Thái có sẵn sàng đạt tới một thỏa thuận ngưng bắn đổi lấy việc trả tự do cho các con tin ? Vấn đề là cả Benyamin Netanyahu lẫn Yahya Sinouar của Hamas đều không mong muốn.

Nhục nhã trước cuộc tấn công ngoạn mục giết chết Ismail Haniyeh ngay tại thủ đô, các giáo sĩ Iran không thể không trả đũa. Đối mặt với thảm họa đã được báo trước, cộng đồng quốc tế có thể can thiệp trước khi quá muộn ? Hoa Kỳ có thể gây áp lực chính trị và kinh tế với Israel, và có công cụ răn đe với Iran. Còn Bắc Kinh, khách hàng lớn nhất của Tehran về năng lượng, cũng có thể đóng một vai trò, vì chiến tranh trực diện giữa Jérusalem và Tehran sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng của Trung Quốc. Từ Haifa đến Tel Aviv, từ Beyrut đến Tehran, tất cả chừng như đang sẵn sàng sống với những gì mà Kiev phải chịu đựng từ hơn hai năm qua.

Nhưng không phải là Trung Quốc, mà Hoa Kỳ và các đồng minh Ả rập đang chạy đua với thời gian để tránh chiến tranh giữa Iran và Israel, theo Le Figaro. Một nguồn tin Lebanon cho biết giám đốc CIA William Burns, vốn nắm rõ Iran qua đàm phán về hiệp định nguyên tử năm 2015, làm việc ngày đêm thông qua nhiều kênh liên lạc. Ngoại trưởng Ai Cập và Jordan hôm Chủ nhật đã đến Tehran, và dường như Iran có lắng nghe thông điệp. Nước Cộng hòa Hồi giáo yêu cầu Tổ chức Hội nghị Hồi giáo họp khẩn ngày mai, với hy vọng tạo được một mặt trận Ả rập-Hồi giáo, có nghĩa là sẽ không tấn công ngay. Đa số nhà quan sát cho rằng việc trả đũa sẽ chừng mực, để Joe Biden còn níu lại được cánh tay của Benjamin Netanyahu.

Thụy My