Hướng tới một ngày thống nhất khác (Nguyễn Gia Kiểng)
Sáng ngày 30/04/1975, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và quân đội cộng sản ào ạt tiến vào Sài Gòn trong những tiếng hô và tiếng súng chiến thắng vang rền. Hôm đó tôi hiểu thế nào là một kỷ niệm “sống để bụng chết mang theo”. Sự vui mừng của họ chỉ có thể so sánh được với sự thất vọng và tủi nhục của tôi. Cùng với sự lo âu vì hai tuần trước đó quân Khmer Đỏ cũng đã tràn vào Phnom Penh và bắt đầu ngay một cuộc tàn sát man rợ chưa từng có trong lịch sử thế giới từ nhiều thế kỷ. Tôi cũng biết đất nước vừa bắt đầu một thảm kịch.

Tại sao đã có ngày 30/04/1975?
Câu hỏi thường được đặt ra trong suốt 50 năm qua là tại sao phe cộng sản đã thắng và phe quốc gia đã thất bại? Gần như đối với mọi người câu hỏi này đã được trả lời là vì sự phản bội đồng minh của Mỹ.
Đúng. Nixon và Kissinger chỉ coi chính trị quốc tế như một ván cờ, các giá trị đạo đức và nhân bản hoàn toàn vắng mặt nơi họ. Họ nghĩ rằng bỏ rơi Việt Nam giúp Mỹ tranh thủ được Trung Quốc trong cuộc tranh hùng với Liên Xô. Trong vai trò phụ trách tiếp tế tại bộ kinh tế tôi đã chứng kiến thảm kịch của Việt Nam Cộng Hòa trong những ngày cuối. Quân đội không còn được tiếp tế, máy bay, trực thăng và xe tăng thiếu xăng để di chuyển, các kho đạn trống rỗng, ngân sách quốc gia cạn kiệt. Trong khi đó viện trợ của Liên Xô cho phe cộng sản tăng vọt. Thất bại của Việt Nam Cộng Hòa và chiến thắng của cộng sản là chắc chắn. Cuộc nội chiến này là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, người Việt Nam giết nhau bằng những phương tiện do các quan thày cung cấp, phe nào bị quan thày bỏ rơi thì thua.
Tuy vậy cuộc chiến đã có thể kết thúc khác hẳn, thậm chí không xảy ra. Cho tới năm 1972 phe Quốc Gia –Quốc Gia Việt Nam rồi Việt Nam Cộng Hòa- có phương tiện dồi dào hơn hẳn. Quân cộng sản không hề có không quân và hải quân, chỉ có chiến xa từ mùa hè 1972. Phẩm chất vũ khí cũng kém hẳn. Hơn thế nữa lực lượng chủ động lại phải điều từ miền Bắc vào. Cuộc chiến đã có thể kết thúc nhanh chóng. Lý do khiến phe cộng sản đã có thể tiếp tục tấn công để rồi chiến thắng khi Mỹ rút lui là vì chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thiếu lý tưởng và bản lĩnh chính trị nên đã không tận dụng được ưu thế của mình, không động viên được nhân dân Việt Nam và tranh thủ được hậu thuẫn của các nước dân chủ. Nhờ vậy phe cộng sản dù đã chịu rất nhiều tổn thất vẫn có thể tiếp tục thế chủ động cho đến khi Mỹ bỏ cuộc.
(Cũng cần mở một dấu ngoặc. Cuộc nội chiến 30 năm mà Đảng Cộng Sản nói là gồm hai giai đoạn “kháng chiến chống Pháp giành độc lập (1945 – 1954)” và “chống Mỹ cứu nước (1954-1975)” đáng lẽ không có, nó chỉ là hậu quả của một sự mê muội. Sau Thế Chiến II chế độ thuộc địa bắt buộc phải chấm dứt với sự ra đời của Liên Hiệp Quốc và Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập; mặt khác chủ nghĩa thực dân cũng không có trong chính trị Mỹ, Mỹ tìm thị trường chứ không tìm thuộc địa. Cuộc chiến này đã chỉ có vì Đảng Cộng Sản đánh cho Trung Quốc và Liên Xô như Lê Duẩn đã nói và vì chúng ta thiếu những trí thức đủ trình độ để giải thích cho quần chúng diễn tiến bắt buộc của đất nước và thế giới)
Đọc đến đây nhiều người có thể bất bình nhưng sự thực là như thế nếu chúng ta bình tĩnh suy nghĩ. Bởi vì cuộc chiến chống cộng này –trong khuôn khổ của cuôc Chiến Tranh Lạnh- chủ yếu là một cuộc chiến tranh ý thức hệ vì dân tộc, tự do và dân chủ; nhưng không ai trong số những người đã từng cầm đầu phe quốc gia –Bảo Đại, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu- hiểu được như vậy. Họ không hề quan tâm đến những giá trị này. Bảo Đại chỉ biết ăn chơi trong các sòng bài tại Pháp giữa lúc đất nước đang chìm đắm trong chiến tranh, Ngô Đình Diệm đòi được suy tôn, Nguyễn Cao Kỳ ngưỡng mộ Hitler, Nguyễn Văn Thiệu độc diễn. Họ không có gì để nói với nhân dân Việt Nam và thế giới ngoài việc tố giác những tội ác cộng sản một cách không thuyết phục vì không hiểu và cũng không chịu tìm hiểu bản chất của chúng. Họ thiếu cả kiến thức chính trị lẫn bản lĩnh chính trị nên cũng không biết đấu tranh chính trị. Họ chỉ quan tâm tới chiến tranh quân sự trong khi cốt lõi của cuộc chiến này là ý thức hệ. Các cơ quan tâm lý chiến và dân vận của Việt Nam Cộng Hòa chỉ có vì phải có nên chẳng có tác dụng gì. Có cần bằng chứng không? Dù cộng sản đang đe dọa sinh mệnh của mình nhưng các chính quyền quốc gia không hề có một cơ quan nào để nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản, các đảng và các chế độ cộng sản để xem mình phải cảnh giác những gì và có thể khai thác những gì. Dù sự sống còn của Việt Nam Cộng Hòa tùy thuộc vào viện trợ Mỹ -cũng như sự sống còn của chế độ cộng sản tùy thuộc vào viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc- nhưng không có một cơ quan nào để nghiên cứu về tình hình nước Mỹ và để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và chính giới Mỹ. Ngay cả các danh xưng vớ vẩn “chiến tranh tâm lý” hay “tâm lý chiến” được sử dụng trong suốt thời gian tồn tại của các chính quyền quốc gia cũng chứng tỏ họ không ý thức được những giá trị cần được đề cao trong cuộc chiến ý thức hệ này. Sau ngày 30/04/1975 hàng trăm hàng ngàn quan chức cao cấp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã ra nước ngoài trong tuổi cường tráng nhưng có bao nhiêu người còn tham gia đấu tranh cho dân chủ? Họ bỏ cuộc hết vì thấy không còn công danh nào để tranh giành, họ không có lý tưởng.
Cho tới nay vẫn còn một số người coi ông Ngô Đình Nhu là một người có kiến thức chính trị uyên thâm nhưng họ lầm to. Chủ nghĩa Nhân Vị (personnalisme) mà ông định đề cao như một ý thức hệ chỉ tố giác sự nông cạn của ông. Nó là một nghị luận triết lý về con người trong xã hội chứ không phải là một ý thức hệ chính trị. Nó không thể lấy làm nền tảng cho một chế độ chính trị. Ông Nhu lập ra Đảng Cần Lao Nhân Vị rồi bỏ rơi vì không có dự án chính trị và cũng không biết điều hành một tổ chức chính trị. Trong số những người đầu tiên tham gia Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có ông Ngô Đình Luyện (em ruột ông Diệm và ông Nhu) và ông Đỗ Khắc Mai cựu tư lệnh không quân Việt Nam Cộng Hòa và đảng bộ trưởng Cần Lao Nhân Vị trong không quân; cả hai đều đồng ý rằng chủ nghĩa Nhân Vị không phải là một ý thức hệ chính trị. Đảng Cần Lao Nhân Vị thực ra đã chết âm thầm khá lâu trước khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, cũng như Đảng Dân Chủ của ông Nguyễn Văn Thiệu không còn hoạt động nào từ mấy năm trước ngày 30/04/1975. Ông Nhu cũng như ông Thiệu đều thấy cần có một đảng nhưng thành lập một chính đảng đúng nghĩa không dễ.
Trong thời gian học và làm việc ở Paris (1961 – 1973) tôi đã rất thất vọng khi gặp những nhân vật nổi tiếng từng được người trong nước ngưỡng mộ như những thần tượng và những mẫu mực thành công của phe quốc gia, nhiều người đã từng giữ những chức vụ rất quan trọng. Họ lương thiện và thông thái nhưng hoàn toàn không có ý chí đấu tranh chính trị nên cũng không hiểu chính trị. Họ cũng không gắn bó với đất nước và dân tộc Việt Nam dù luôn luôn sẵn sàng nhận những vai trò lãnh đạo cao. Họ yêu nước như yêu một cuốn phim hay một cuốn sách. Họ hoàn toàn không thấy có bổn phận phục vụ quần chúng Việt Nam nghèo khổ nhưng lại rất hãnh diện với những bằng cấp đã có và những chức vụ đã giữ.
Trong hai năm cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa tôi là một viên chức của chế độ và đã có dịp tiếp xúc với khá nhiều nhân vật đã hoặc đang giữ những chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước. Họ cũng không khác bao nhiêu so với các nhân sĩ mà tôi đã gặp tại Pháp. Phần lớn cũng lương thiện và thông thái nhưng sống tách biệt với quần chúng và không có ý chí đấu tranh chính trị. Nhiều ông bộ trưởng còn nói một cách tự hào “tôi không làm chính trị”. Đối với họ “làm chính trị” chỉ có nghĩa là tranh giành công danh, trong khi họ là những người không ham danh lợi. Khi tôi lưu ý họ rằng các chức vụ bộ trưởng, thứ trưởng là những chức vụ chính trị thì họ tỏ ra khó chịu thấy rõ.
Nói chung chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã thất bại vì thiếu một đội ngũ chính trị, vì chỉ có những nhân sĩ không biết, không muốn và không dám đấu tranh chính trị. Một chế độ như vậy không có hy vọng nào trong một cuộc chiến tranh ý thức hệ. Trong cuộc nội chiến ngu xuẩn này kẻ thắng không xứng đáng để thắng nhưng kẻ thua rất xứng đáng để thua.
Tôi cũng đã gặp nhiều người cùng lứa tuổi với tôi xuất phát từ quần chúng như tôi. Họ lớn lên trong một nước Việt Nam không còn bị ngoại thuộc và đang thử nghiệm dân chủ. Họ đang giữ những chức vụ giáo sư, giám đốc, phó giám đốc, chánh sự vụ, quận trưởng, phó tỉnh trưởng, thiếu tá, trung tá tiểu đoàn trưởng v.v. Trong đa số họ hơn xa, rất xa, các thượng cấp của họ, hiểu rõ xã hội và quần chúng Việt Nam, đầy ý chí đấu tranh vì đất nước và cũng đầy dũng cảm. Một số đã tới được ngưỡng cửa quyền lực vào ngày 30/04/1975, chỉ để nhận sự tủi nhục và những năm tháng dài trong lao tù sau đó.
Quãng đường 50 năm
Ngay sau ngày 30/04/1975 tôi đã nhận ra là thảm kịch cộng sản còn bi đát cho đất nước hơn tôi đã nghĩ, mặc dù tôi đã biết trước là chế độ cộng sản sẽ rất tai hại cho đất nước và đó chính là lý do khiến tôi quyết định về nước sau Hiệp Định Paris, vào lúc mà số phận của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã gần như tuyệt vọng và rất nhiều người tìm mọi cách để rời Việt Nam.
Nhận xét rõ rệt nhất là trình độ hiểu biết vừa quá thấp vừa quá lệch lạc của các quan chức cộng sản từ miền Bắc vào để tiếp thu các cơ quan và công ty miền Nam. Họ gần như không biết gì hết về mọi địa hạt, trừ nhắc lại một cách máy móc những luận điệu chính thức. Họ như mới từ rừng ra hay đến từ một hành tinh khác.
Một bà đang là giáo sư đại học Hà Nội nói với tôi rằng chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa miền Bắc thể hiện rất trung thực độc lập, tự do, hạnh phúc. Tôi hỏi tự do nào khi muốn đi đâu cũng phải xin giấy phép đi đường và tới nơi phải khai tạm trú, bà ấy trả lời một cách rất tự nhiên: “đâu có cấm đoán gì, nếu anh có lý do chính đáng thì vẫn cho anh đi”. Một cán bộ cao cấp tới tiếp thu các công ty quốc doanh khẳng định với tôi rằng ngày giải phóng nước Mỹ không còn xa vì chủ nghĩa tư bản đang giãy chết, chủ nghĩa Mác – Lênin sắp toàn thắng vì là đỉnh cao của trí tuệ. Khi tôi nói với ông ấy rằng chủ nghĩa Mác đã bị bác bỏ tại chính cái nôi của nó từ 100 năm trước, tại Đại Hội Gotha của Đảng Cộng Sản Đức năm 1875, thì ông ấy gạt đi, nói rằng đó chỉ là một chuyện bịa đặt của Đế Quốc Mỹ. Chắc ông ta nghĩ rằng ở các nước dân chủ chính quyền muốn bịa đặt ra điều gì cũng được. Bà giáo sư đại học và ông cán bộ cao cấp này thuộc số rất ít ỏi những người có trình độ kiến thức cao nhất từ miền Bắc vào mà tôi đã gặp.
Tuy vậy, tất cả các cán bộ vào tiếp thu đều ngỡ ngàng trước sự khác biệt quá rõ ràng giữa mức sống của hai miền Nam và Bắc. Chỉ một tháng sau không còn ai nhạo báng sự “phồn vinh giả tạo” của miền Nam nữa. Những người có thân nhân trong Nam bắt đầu tranh thủ cảm tình để được giúp đỡ. Sự nghèo khổ của các cán bộ, ngay cả cao cấp, không còn che đậy được nữa. Các mặt nạ chính thức nhanh chóng được gỡ bỏ. Trong câu chuyện thân mật nhiều người còn hỏi chúng tôi sao không chạy ra nước ngoài trước khi quân cộng sản vào.
Hơn một tháng sau tôi đi tù cải tạo như mọi viên chức và sĩ quan miền Nam. Một kỷ niệm trong thời gian này là một cán bộ cao cấp từ trung ương tới giảng dạy cho chúng tôi về thành tích chiến đấu vẻ vang của quân cộng sản. Anh ta nói về giai đoạn trước Điện Biên Phủ như sau: “Pháp đưa danh tướng Đờ Lát (De Lattre de Tassigny) sang ta giết chết, Pháp đưa Ai Sen Ao Ơ (Eisenhower) sang thay ta cũng giết chết luôn”. Anh ta không hiểu tại sao chúng tôi nhìn nhau phì cười. Cũng trong nhà tù tôi đã biết được tình trạng cướp bóc của chính quyền cộng sản qua chiến dịch được họ gọi là “đánh tư sản”. Một số doanh nhân giầu có bị giam chung với chúng tôi sau một thời gian bị tra khảo để nộp tài sản. Một anh kể cho tôi nghe từng bị treo ngược vì bị nghi là vẫn còn giấu giếm của cải.
Phe cộng sản đã thắng không phải vì tài giỏi hay vì có chính nghĩa. Về thực chất họ hành động không khác một đảng cướp. Họ đã thắng vì có quyết tâm và có tổ chức chính trị. Họ có tổ chức chính trị vì có lý tưởng Mác – Lênin và nhờ đó đã lôi kéo được một thành phần quần chúng nghèo khổ và một số trí thức nông nổi, dù đó chỉ là một lý tưởng sai một cách độc hại, trong khi phe quốc gia đáng lẽ phải có lý tưởng dân chủ đẹp nhưng lại không có vì những người kế tiếp nhau lãnh đạo không tha thiết gì với dân chủ. Bài học mà chúng ta phải rút ra là đấu tranh chính trị phải có tổ chức và một tổ chức chính trị chỉ có thể xây dựng được trên một lý tưởng chính trị.
Cuộc chiến đưa đến thắng lợi cộng sản đáng lẽ cũng không xảy ra. Vào năm 1945, khi cướp được chính quyền, Đảng Cộng Sản chỉ có khoảng hai ngàn đảng viên, tuyệt đại đa số chưa học xong tiểu học. Họ xuất hiện năm 1931 với cái tên “Xô Viết Nghệ Tĩnh” không liên quan gì tới đất nước Việt Nam và một khẩu hiệu man rợ “trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ”. Chủ nghĩa Mác – Lênin mà họ tôn thờ dù chẳng hiểu gì cũng không hề đề cập đến lẽ phải và đạo đức, trái lại nó coi việc người giầu bóc lột người nghèo là bình thường và việc người nghèo tìm cách tiêu diệt người giầu cũng là bình thường. Một đảng như vậy đáng lẽ không thể có một hy vọng nào. Họ đã cướp được chính quyền vì có tổ chức chặt chẽ, có phương tiện do Liên Xô và Trung Quốc cung cấp và vì không có một tổ chức có tầm vóc nào trước mặt, hơn nữa một số trí thức danh tiếng còn ủng hộ họ. Phải nhìn nhận một sự thực đau lòng: trí thức Việt Nam có thể học giỏi và đậu những bằng cấp rất cao nhưng rất dốt về chính trị và đấu tranh chính trị.
Tôi ra khỏi nhà tù năm 1979 -và trở thành chuyên viên của chế độ cộng sản- để thấy là đất nước đã hoàn toàn suy sụp trong đói khổ sau bốn năm bị Đảng Cộng Sản đập phá. Sự sụp đổ nhanh chóng đến nỗi chính quyền không kịp gỡ xuống những tấm bảng lớn được dựng lên khắp nơi trên đường phố Sài Gòn ghi những mục tiêu hoành tráng cho năm 1980 của Đại Hội 4 của ĐCS năm 1976, thí dụ “1980: Việt Nam sẽ là nước công nghiệp tiên tiến”. Chúng trở thành trò cười của dân chúng. Những bài hát ca tụng Bác Hồ và Đảng được sửa lời thành những bài ca nhạo báng. Chính các chuyên gia tốt nghiệp từ Liên Xô cũng đã thay đổi hẳn. Trừ một vài ngoại lệ rất hiếm hoi họ đều quý trọng các chuyên gia miền Nam; trong những lúc trò chuyện thân mật họ còn đả kích chế độ mạnh hơn cả chúng tôi. Trong một lần đi công tác ở Cần Giờ tôi được biết là có hai gia đình đã chết đói ngay gần cơ quan mà tôi tới thăm. Trong một lần đi thăm một công ty cơ khí còn đang hoạt động để giúp giải quyết một khó khăn, anh giám đốc công ty, một cán bộ từ miền Bắc vào, chua chát nói với tôi: “công ty vẫn còn hoạt động cầm chừng được cho tới nay là vì tôi cố gắng giữ nguyên nề nếp cũ, nhưng không được nữa rồi, sắp sửa bị bắt buộc đi vào nề nếp xã hội chủ nghĩa và sẽ chết như các công ty khác”. Có thể nói trong vòng bốn năm Đảng Cộng Sản đã khiến miền Nam lùi lại hơn 50 năm, dù vẫn còn khá hơn so với miền Bắc. Các phần tử tinh nhuệ nhất hoặc đã đi ra nước ngoài, hoặc vẫn còn đang ở tù hoặc đã suy nhược sau khi bị hành hạ cả thân xác lẫn trí tuệ trong các trại cải tạo. Năm 1979 cũng là năm mà chính quyền cộng sản khởi động chính sách “vượt biên bán chính thức” để kiếm tiền. Phong trào Thuyền Nhân (Boat People) rộ lên, hàng triệu người đã ra đi, hàng trăm nghìn người đã là nạn nhân của sóng gió và cướp biển.
Cảm nhận rõ rệt của tôi trong ba năm làm chuyên gia dưới chế độ cộng sản (1979 – 1982) là chính quyền cộng sản rất muốn đổi mới nhưng họ không biết phải làm gì để thay đổi mà vẫn giữ nguyên chủ nghĩa Mác – Lênin và họ cũng hoàn toàn bị cô lập sau khi tấn công Campuchia và tạo ra thảm kịch Thuyền Nhân. Việt Nam chỉ khởi sắc và vuơn lên từ sau Đại Hội 6 của Đảng Cộng Sản năm 1986, với chính sách “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, nghĩa là bỏ một nửa chủ nghĩa Mác – Lênin, nửa kinh tế quốc doanh, tập trung và hoạch định, nhưng vẫn giữ lại nửa độc tài chuyên chính. Đây chỉ là sự cóp nhặt muộn màng chọn lựa của Trung Quốc và biến Việt Nam thành một bản sao mờ nhạt của Trung Quốc. Dù vậy ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không biết xấu hổ mà còn hãnh diện khoe khoang “đất nước chưa bao giờ có cơ ngơi như bây giờ”. Sự huênh hoang này chỉ phơi bày một trí tuệ nhỏ bé.
Nếu cần đánh giá ngắn gọn thành tích của Đảng Cộng Sản thì ta có thể nói vào năm 1975 mặc dù đã bị tàn phá bởi cuộc nội chiến 30 năm miền Nam vẫn có một trình độ phát triển gần bằng Đài Loan và Trung Quốc. Sau 50 năm hòa bình dưới chế độ cộng sản ngày nay thu nhập bình quân trên mỗi đầu người của họ gấp hơn mười lần chúng ta. Đó là chưa nói rằng trước năm 1945, khi Đảng Cộng Sản cướp được chính quyền và tàn sát các chính đảng không cộng sản rồi phát động cuộc nội chiến, chúng ta còn phát triển hơn họ; Sài Gòn được gọi là hòn ngọc Viễn Đông, Hà Nội là thủ đô văn hóa của Đông Dương. Đảng Cộng Sản không phải là một tai họa mà là một thảm họa cho đất nước.
Cho một ngày thống nhất thực sự
Những gì tôi viết trên đây có thể khiến độc giả nghĩ rằng tôi khinh thường các trí thức phe quốc gia và thù ghét Đảng Cộng Sản. Không phải như vậy. Tôi rất quý mến các trí thức thế hệ đàn anh và tôi cũng không thù ghét những người cộng sản. Các trí thức Việt Nam rất thông minh, cần mẫn và nói chung rất lương thiện. Chỉ trong vòng một thế hệ họ đã đem lại cho nước ta những kiến thức mà các dân tộc khác có khi cần cả thế kỷ. Vấn đề chỉ là chúng ta đã không rũ bỏ được một di sản văn hóa, điều mà bây giờ chúng ta cũng vẫn chưa ý thức được một cách rõ ràng. Các kiến thức dĩ nhiên rất cần thiết nhưng không đủ, chúng được tiếp nhận và sử dụng tùy theo văn hóa nền tảng. Nếu dùng ngôn ngữ của thời đại tin học hiện nay thì các kiến thức không khác những ứng dụng (application) được cài đặt và vận hành theo một hệ điều hành (operating system). Văn hóa nền tảng của chúng ta trong suốt dòng lịch sử chỉ là văn hóa Khổng Giáo, văn hóa nhân sĩ, trong đó đạo lý của kẻ sĩ là phục tùng quyền lực sẵn có, mỗi người chỉ tìm thành công cá nhân bằng những cố gắng cá nhân. Chính trị vì vậy không phải là việc chung, hay việc nước, mà chỉ là sự tranh giành địa vị trong xã hội. Chúng ta không thiếu chuyên viên nhưng lại rất thiếu những nhà tư tưởng để đặt lại những vấn đề nền tảng của đất nước và càng thiếu khả năng kết hợp để cùng phấn đấu chung. Chúng ta cần nhanh chóng tự giải phóng khỏi cái di sản văn hóa lỗi thời này.
Tôi cũng không thù ghét Đảng Cộng Sản và những người cộng sản. Họ cũng chỉ là sản phẩm và nạn nhân của cùng một di sản văn hóa, hay hệ điều hành, mà lịch sử để lại. Chủ nghĩa cộng sản xét cho cùng chỉ là một phiên bản cải tiến của Khổng Giáo như tôi đã nhiều lần phân tích. Mặt khác cũng phải nhìn nhận rằng Đảng Cộng Sản, mặc dù những tai họa kinh khủng mà vì mù quáng nó đã gây ra cho dân tộc, cũng đã đưa được một số đông đảo những người từ ngàn xưa đã chỉ chịu số phận nông nô nghèo đói lên những địa vị đáng kể trong xã hội. Đã có những lãnh đạo cộng sản phạm những tội ác lớn, như đợt thủ tiêu những người yêu nước không cộng sản sau Cách Mạng tháng 8-1945 hay vụ Cải Cách Ruộng Đất năm 1955, nhưng những người đó không còn nữa. Hãy để lịch sử phán xét.

Ngày 30/04/1975 đã là ngày đất nước thống nhất về mặt địa lý và hành chính nhưng cũng là ngày đổ vỡ lớn trong tình cảm dân tộc do chính sách hạ nhục tập thể, bỏ tù cả nước và phân biệt đối xử ngay sau đó của Đảng Cộng Sản đối với nhân dân miền Nam. Nó vẫn là một ngày hội lớn cho mai sau, một ngày để người Việt Nam chúng ta cùng suy nghĩ về những bài học của quá khứ, dù không phải là một ngày vui. Chúng ta cần một ngày thống nhất khác: thống nhất trong lòng người bằng cố gắng hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Đó sẽ là ngày một chế độ dân chủ đa nguyên được chính thức thành lập, khẳng định đất nước Việt Nam thực sự bắt đầu một kỷ nguyên mới, Kỷ Nguyên Thứ Hai trong lịch sử dân tộc, trong đó không có ý kiến nào cấm nêu ra cũng không có đề tài nào cấm bàn đến, mọi người thuộc mọi chính kiến đều được tôn trọng như nhau và đều tôn trọng lẫn nhau như những người anh em bình đẳng về nghĩa vụ cũng như quyền lợi. Rồi chúng ta nắm tay nhau cùng phấn đấu xây dựng và chia sẻ một tương lai Việt Nam chung.
Nguyễn Gia Kiểng
(29/04/2025)