Hướng Tới Một Ngày Thống Nhất Khác – Phỏng vấn ông Nguyễn Gia Kiểng
Trong buổi trò chuyện nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày 30/4/1975, ông Nguyễn Gia Kiểng chia sẻ những ký ức và suy nghĩ sâu sắc về sự kiện lịch sử này. Ông kể lại cảm xúc cay đắng khi chứng kiến sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa và cảnh báo về thảm kịch quốc gia dưới chế độ cộng sản mới lên nắm quyền. Qua kinh nghiệm từ thời gian làm việc trong chính quyền, thời kỳ cải tạo, và giai đoạn sau đổi mới, ông phân tích sự thất bại của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc phát triển đất nước, dẫn đến một Việt Nam tụt hậu xa so với nhiều nước châu Á. Ông nhấn mạnh rằng ngày 30/4 không chỉ là ngày thống nhất địa lý mà còn là ngày đổ vỡ tình cảm dân tộc, và Việt Nam vẫn cần một cuộc “thống nhất khác” — thống nhất lòng người trong một nền dân chủ thực sự. Ông kêu gọi đoàn kết dân tộc, đấu tranh ôn hòa có tổ chức, và xây dựng một tương lai chung dựa trên hòa giải và dân chủ, thay vì duy trì một chế độ đã hết sức sống.
Trước hết, anh Kiểng cho biết, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì anh đang ở đâu và còn giữ những kỷ niệm nào lúc đó?
Tôi đang là một chuyên gia của Bộ Kinh tế. Tôi là phụ tá Bộ trưởng Bộ Kinh tế và kiêm nhiệm với chức Trưởng ban Vật giá Thuế khóa và Tiếp tế. Nói một cách tương đối thì đó cũng là một địa vị tương đối cao ở trong chính quyền.
Ngày hôm đó, ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, quân cộng sản tràn vào Sài Gòn trong những tiếng hò reo và tiếng súng chiến thắng âm vang. Có thể nói ngày hôm đó là một ngày rất đặc biệt trong đời tôi. Hôm đó tôi hiểu thế nào là một kỷ niệm sống để bụng – chết đem theo. Cảm giác của tôi ngày hôm đó không những là tôi thấy sự vui mừng hân hoan của những người cộng sản, mà còn có thể so sánh với sự tủi nhục và buồn phiền của tôi.
Buồn phiền và lo âu là bởi vì cách đó hai tuần, quân Khmer đỏ đã tràn vào Phnom Penh và bắt đầu ngay lập tức một cuộc tàn sát, có thể nói là một cuộc tàn sát man rợ chưa từng có trong lịch sử thế giới từ vài thế kỷ. Lúc đó tôi cũng không biết tính mạng mình sẽ ra sao. Tôi hiểu rằng đất nước sắp đi vào một thảm kịch.
Vài ngày sau, tôi có cảm giác rõ rệt rằng thảm kịch đó còn bi đát hơn là tôi tưởng tượng. Lúc đó, tôi đang ở một địa vị thoải mái bên Pháp, nhưng tôi đã chọn về Việt Nam năm 1973 sau Hiệp định Paris, vì tôi thấy rằng nếu để đất nước rơi vào quỹ đạo cộng sản thì tương lai đất nước sẽ hết. Chính vì thế mà tôi muốn đóng góp một phần để ngăn cản tai họa đó, mặc dù tôi cũng hiểu sự đóng góp của mình chỉ mang tính nguyên tắc, chứ mình cũng không thể ngăn chặn được một sự kiện quá lớn và quá mạnh mẽ.
Vài ngày sau, tôi thấy rằng thảm kịch đó còn lớn hơn sự suy nghĩ ban đầu của tôi, có thể nói là không thể tưởng tượng được. Trước khi đi tù cải tạo khoảng hơn một tháng, tôi có được tiếp xúc với một số quan chức cộng sản từ miền Bắc vào để tiếp thu quyền lực, tiếp thu các công ty và cơ sở ở miền Nam.
Tôi nhận ra rằng đất nước sắp sửa đối mặt với một tai họa, vì những người này không biết gì cả. Tôi không thấy họ có kiến thức nào về bất cứ một địa hạt nào, ngoài việc nhắc lại những khẩu hiệu của chính quyền. Thí dụ như tôi gặp một bà giáo sư ở Đại học Hà Nội vào tiếp thu Đại học Sài Gòn, bà ấy nói với tôi: “Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thể hiện rất rõ tự do, dân chủ” Khi tôi hỏi rằng tự do ở chỗ nào, khi mà đi đâu cũng phải xin phép, phải có giấy phép đi đường, khai tạm trú, bà ta trả lời: “Không có vấn đề gì, hoàn toàn có tự do là vì nếu có lý do chính đáng thì vẫn được cho phép.” Tôi cũng không thảo luận thêm.
Một viên chức cao cấp khác vào tiếp thu các công ty ở miền Nam nói chuyện thân mật với tôi, hỏi tại sao tôi không ở Pháp mà lại về Việt Nam. Anh ta nói: “Ngày giải phóng đế quốc Mỹ nó không xào, bởi vì thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin sẽ tới, sẽ đốt cháy hết.” Anh ta giải thích rằng chủ nghĩa Mác – Lênin là đỉnh cao của trí tuệ, trong khi chủ nghĩa tư bản đang giãy chết. Tôi thấy cũng không thể thảo luận thêm với họ vì họ giống như đến từ một hành tinh khác, họ không có hiểu biết thực tế nào cả.
Sau bốn năm học tập cải tạo, tôi thấy đất nước lâm vào cảnh sụp đổ nhanh chóng, đến mức Đảng Cộng sản không kịp tháo gỡ những khẩu hiệu hoành tráng mà họ đã dựng lên từ Đại hội IV năm 1976. Ví dụ, ở vườn Tao Đàn, có tấm bảng đề mục tiêu rằng đến năm 1980 Việt Nam sẽ là một nước công nghiệp phát triển. Những khẩu hiệu đó trở thành trò cười cho người dân. Các bài hát ca tụng Bác Hồ, ca tụng đảng bị người dân chế lời, ví dụ như bài “Tổ quốc ơi ta yêu người mãi mãi” bị đổi thành “Trời đất ơi ăn khoai mì ngứa quá.“
Miền Nam lúc đó rất đói khổ. Tuy nhiên, cũng may mắn là tôi trở thành chuyên gia của nhà nước, chuyên gia khá cao cấp, nên được đi công tác nhiều nơi. Tôi phụ trách về kinh tế ở miền Nam. Một lần đi công tác tại Cần Giờ, tôi chứng kiến ngay cạnh cơ quan tôi có hai gia đình chết đói.
Nói chung, mặc dù miền Nam đói khổ, nhưng tình trạng vẫn còn khá hơn miền Bắc. Những năm đó, từ lúc miền Nam thất thủ cho tới khi tôi ra khỏi tù cải tạo, đó là những cảm giác mạnh nhất trong cuộc đời tôi.
Theo anh, ý nghĩa và tầm quan trọng của ngày 30 tháng 4 là gì?
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 không chỉ là ngày chiến thắng của Đảng Cộng sản Việt Nam và ngày sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Theo tôi, ngày hôm đó còn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử thế giới: nó đánh dấu giai đoạn Mỹ bắt đầu từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới dân chủ.
Chúng ta biết rằng nước Mỹ có khuynh hướng tự cô lập. Trong Thế chiến thứ nhất, Mỹ chỉ tham chiến sau vài năm, và trong Thế chiến thứ hai, Mỹ cũng chỉ tham chiến sau khi Đức quốc xã tuyên chiến và Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Sau Thế chiến hai, Mỹ trở thành lãnh đạo thế giới dân chủ, chống lại khối cộng sản theo chính sách ngăn chặn.
Mỹ từng tích cực bảo vệ thế giới tự do, ví dụ khi Triều Tiên tấn công Hàn Quốc. Nhưng đến cuối thập niên 1960, đầu 1970, khi Trung Quốc và Liên Xô xung đột, Tổng thống Nixon và cố vấn Kissinger nhận ra cơ hội bắt tay với Trung Quốc để cô lập Liên Xô. Lúc đó, lợi ích chiến lược khiến Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa.
Ngày 30 tháng 4 đánh dấu sự từ nhiệm của Mỹ với vai trò lãnh đạo thế giới tự do. Sau đó, không chỉ Việt Nam, mà khoảng chục nước khác như Campuchia, Lào, Angola, Afghanistan, Nicaragua… cũng rơi vào tay cộng sản.
Từ đó, nước Mỹ tiếp tục trượt dài trong quá trình từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới. Cho tới ngày nay, với Donald Trump, nước Mỹ không những từ nhiệm mà còn bị bãi nhiệm khỏi vai trò đó, và tình trạng này gần như không thể đảo ngược.
Gần như mọi người đều đồng ý rằng Việt Nam Cộng hòa sụp đổ vì bị Mỹ bỏ rơi. Anh Kiểng có đồng ý không?
Theo tôi, cuộc chiến đã có thể kết thúc nhanh chóng, thậm chí không xảy ra. Nhưng nó xảy ra và kết thúc như vậy vì chúng ta có một di sản lịch sử rất đặc biệt.
Làm việc với chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tôi thấy họ thiếu ý chí đấu tranh, không hiểu rằng cuộc chiến Việt Nam là một phần của cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa hai khối Tư bản và Cộng sản.
Các lãnh đạo như Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu đều không ý thức được rằng cần phải đề cao các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền. Ngược lại, Bảo Đại thì chỉ ham chơi, Ngô Đình Diệm thì đòi làm lãnh tụ tối cao, Nguyễn Cao Kỳ thì ngưỡng mộ Hitler…
50 năm đã trôi qua kể từ ngày 30 tháng 04 năm 1975. Nếu phải đánh giá ngắn gọn thành tích 50 năm của Đảng Cộng sản thì anh Kiểng trả lời như thế nào ạ?
Tôi thấy là cái giai đoạn 50 năm đó mình có thể chia nó làm nhiều khúc, nhập làm nhiều khoảng thời gian khác nhau. Giai đoạn 4 năm đầu, từ năm 1975 cho tới năm 1979, là giai đoạn mê cuồng và đập phá. Họ say men chiến thắng tới mức mà họ phát điên và làm những việc mà mình, một người bình thường, không thể tưởng tượng được. Họ đập phá đất nước.
Tới năm 1979 thì họ nhận ra đất nước đã quá nghèo đói, có những người chết đói như tôi vừa nói. Lúc đó, những người mà họ đã từng bỏ tù như tôi, và tôi không phải là trường hợp duy nhất, họ đem ra và cho làm những chuyên gia. Họ tạm dụng, họ lắng nghe, thế nhưng họ không biết làm sao.
Một mặt phải thay đổi, nhưng tất cả những đề nghị thay đổi đó đều có khuynh hướng chấm dứt chế độ cộng sản. Trong khi đó, họ muốn thay đổi, muốn phồn vinh nhưng vẫn giữ nguyên chủ nghĩa Marx-Lenin, vẫn giữ chế độ cộng sản.
Cái giai đoạn đó, từ 1979 tới 1986, là giai đoạn lúng túng trong ý muốn đổi mới. Và bắt đầu từ cuối năm 1986 là giai đoạn đổi mới. Giai đoạn đổi mới thực sự là như thế nào? Có thể nói tóm tắt là họ bỏ một nửa chủ nghĩa Marx-Lenin, họ bỏ phần kinh tế tập trung, kinh tế hoạch định, đấu tranh giai cấp, nhưng họ vẫn giữ cái gọi là “vô sản chuyên chính“, tức là vẫn là một chế độ độc tài khắc nghiệt, chỉ bỏ phần lý thuyết kinh tế Marx-Lenin.
Về hành tích, kết quả như thế nào thì phải nhìn nhận rằng từ năm 1986 tới giờ, trong vòng 39 năm qua, cũng có cải tiến, nhưng cải tiến từ mức độ thấp nhất, từ cái đáy vực. Cho nên bây giờ mình vẫn chưa ra khỏi cái giếng đó.
Nếu muốn tóm tắt lại hoàn cảnh ngày hôm nay, thành tích của Đảng Cộng sản trong 50 năm qua, chúng ta có thể nói thế này: Vào năm 1975, đất nước đã bị tàn phá bởi 30 năm nội chiến. Miền Nam Việt Nam, tức Việt Nam Cộng Hòa, cũng không thua Đài Loan hay Hàn Quốc nhiều đâu, cũng tương tự, cũng ngang bằng.
Thế nhưng bây giờ, sau 50 năm hòa bình dưới chế độ cộng sản, họ phát triển gấp 10–15 lần mình. Nếu chúng ta đọc các số liệu GDP bình quân đầu người thì gấp 12–13 lần.
Thành tích của Đảng Cộng sản không chỉ là đáng buồn mà còn là bi đát. Nó là một tai họa cho đất nước.
Có nhiều người cứ nói rằng: “Chúng ta đã tiến lên từ con số không.” Nhưng tại sao chúng ta lại phải rơi xuống con số không? Chính các anh đã làm đất nước rớt xuống con số không sau giai đoạn 4 năm từ 1975 đến 1979, những năm đập phá, và sau đó là những năm không biết làm gì. Sau đó bỏ một nửa chế độ cộng sản nên mới có được một phần nào cải tiến.
Nếu nhìn tổng thể thành tích 50 năm, thì phải nói là bi đát.
Bây giờ, chúng ta đang đứng trước một giai đoạn mà Đảng Cộng sản phải chọn lựa. Họ đã làm tất cả những gì có thể với chính sách nửa vời. Bây giờ, nếu muốn đất nước có tương lai, thì phải bỏ nốt nửa còn lại của chế độ cộng sản.
Nếu có thái độ khoan dung và rộng lượng với đảng Cộng sản, thì ít ra, họ cũng đã có công thống nhất đất nước. Cái nhìn khoan dung đó là bắt buộc, bởi vì một đất nước chồng chất hận thù thì không thể nào tiến lên trong thời đại này. Hòa giải dân tộc, hòa hợp dân tộc là những yếu tố cần thiết cho sự tồn tại của quốc gia.
Ngày 30 tháng 04 năm 1975, mà chúng ta kỷ niệm 50 năm trong dịp này, là ngày thống nhất đất nước về mặt địa lý và hành chính, nhưng cũng là ngày đổ vỡ rất lớn về tình cảm dân tộc.
Khi người cộng sản chiến thắng, họ say men chiến thắng và áp dụng chính sách huênh hoang, hạ nhục tận thể và bỏ tù cả nước miền Nam, bên cạnh chính sách cướp bóc.
Tôi cũng xin nói thêm, trong thời gian ở tù, tôi gặp nhiều người trong trại cải tạo — những người gọi là tư sản mại bản, doanh nhân giàu có — bị bắt để tra khảo, khai hết tài sản. Có người bị treo ngược để khai cho hết tài sản còn giấu.
Chính sách khả nhục, bỏ tù, cướp bóc ấy đã làm đổ vỡ tinh thần dân tộc.
Vậy nên, ngày 30 tháng 04 sau này vẫn là một ngày quan trọng — một ngày để người Việt Nam cùng suy nghĩ về những sai lầm quá khứ và rút ra bài học cho tương lai.
Nếu nói về “thống nhất” như cách Đảng Cộng sản sắp tung hô ngày 30 tháng 04, tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn còn cần một ngày thống nhất khác — ngày thống nhất trong lòng người Việt Nam. Một ngày mà người Việt thực sự quên đi những quá khứ đổ vỡ, nhìn nhau như anh em, bắt tay nhau xây dựng và chia sẻ tương lai.
Ngày đó sẽ bắt đầu khi có sự thành lập chính thức của một chế độ dân chủ, công khai khẳng định tinh thần dân chủ trong một nước Việt Nam mà mọi người đều được tôn trọng như nhau.
Trước khi kết thúc chương trình, anh Kiểng có lời nào muốn nhắn đến những người còn quan tâm đến đất nước, cả trong đảng lẫn ngoài đảng hay không? Ví dụ như họ có thể làm gì để đóng góp vào tiến trình dân chủ hóa của đất nước?
Chúng ta đang ở trong một khúc quanh quan trọng. Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ tiến trình cáo chung của các chế độ cộng sản, thì thấy rằng chế độ cộng sản Việt Nam đang ở trong giai đoạn cuối cùng của tiến trình đó.
Dù muốn giữ chế độ này cũng không giữ được nữa. Vấn đề là cáo chung như thế nào. Tôi muốn nói hai điểm:
Điểm thứ nhất, một dân tộc chất chứa nhiều hận thù thì không có tương lai. Nếu chúng ta đoàn kết, nhìn nhau như anh em, bắt tay xây dựng tương lai chung, thì dù muốn nghèo cũng không được. Nếu chia rẽ, nhìn nhau như thù địch, thì dù muốn khá cũng không được.
Hòa giải, đoàn kết dân tộc là mệnh lệnh. Trong thế giới đầy biến động này, hòa giải đã trở thành một triết lý điều hành quốc gia.
Điều thứ hai, trở ngại lớn là có một bộ phận người trong Đảng Cộng sản, lãnh đạo, vì tham lam hoặc vì không biết làm gì, vẫn muốn duy trì chế độ.
Chế độ này, dù đã mất hết sức sống, vẫn còn trên chính quyền. Chúng ta cần một sức mạnh để dẫn nó đi chỗ khác, thay thế bằng một chính quyền dân chủ.
Chúng ta cần một cuộc đấu tranh ôn hòa nhưng có tổ chức. Phải từ bỏ lối đấu tranh cá nhân, kiểu nhân sĩ, vốn là di sản của Nho giáo.
Chính trị là việc chung. Người làm chính trị không chỉ lo cho mình, cho gia đình mình, mà còn cho đồng bào mình.
Nếu hiểu như vậy, chúng ta sẽ thấy cần phải đoàn kết, tổ chức, tìm kiếm những người đồng hành để tạo ra sức mạnh.
Ngay cả khi chế độ này đã thoi thóp, cũng cần có sức mạnh để đẩy nó đi.
Ngày hôm nay, ngày lễ lớn, dù có người vui, người buồn, thì vẫn là một ngày có ý nghĩa với đất nước Việt Nam.
Tôi xin chia sẻ một vài ý kiến nhân dịp này. Cảm ơn Trần Đặng đã cho tôi cơ hội được trò chuyện hôm nay.
Nguyễn Gia Kiểng – Nguyễn Trần Đặng
(27/04/2025)