Thương mại Việt - Mỹ sẽ gặp khó khăn (Xã luận - Thông Luận)
Ban
lãnh đạo cộng sản đã rất thiển cận khi nghĩ rằng họ có thể yên tâm vi
phạm nhân quyền và đàn áp dân chủ mà vẫn giữ nguyên được mối quan hệ
thương mại thuận lợi với Hoa Kỳ vì nhân quyền không phải là quan tâm của
Donald Trump. Suy đoán của họ chỉ đúng một phần, phần còn lại sai một
cách nguy hiểm. Đúng là Trump không quan tâm tới những giá trị dân chủ
và nhân quyền nhưng ông có thể sử dụng chúng như những lý cớ chính đáng
để chấm dứt những ưu đãi mà Việt Nam đang được hưởng. Và Trump sẽ có lý
bởi vì mục tiêu của Hoa Kỳ khi cho Việt Nam hưởng những dễ dãi là để cải
thiện tình trạng nhân quyền và rõ ràng là mục tiêu này đã không đạt
được.
Xã luận
Thương mại Việt - Mỹ sẽ gặp khó khăn
Chính
quyền cộng sản Việt Nam hình như cho rằng với Donald Trump trong tòa
Nhà Trắng họ sẽ không còn gặp những rắc rối về nhân quyền trong quan hệ
với Mỹ nữa. Đó chắc chắn đã là lý do khiến các biện pháp đàn áp thô bạo
đã gia tăng hẳn trong mấy tháng qua : hành hung các thành viên Hội Đồng
Liên Tôn tại Vĩnh Long ; đả thương linh mục Nguyễn Đình Thục và giáo dân
Song Ngọc tại Nghệ An ; bắt cóc, cướp đoạt tài sản và đánh trọng thương
mục sư Nguyễn Trung Tôn, chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ, và anh Nguyễn
Viết Tứ tại Quảng Bình v.v. Mặt khác đã có ít nhất sáu người bị bắt và
bị buộc tội vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình Sự.
Donald
Trump chắc chắn là không quan tâm lắm tới dân chủ và nhân quyền nhưng
ông quan tâm tới tiền, và đó là điều quan trọng nhất đối với Hà Nội.
Ngày 31 tháng 3 vừa qua Trump đã ký hai quyết định có thể có ảnh hưởng
lớn đến thương mại Việt - Mỹ.
Quyết
định quan trọng nhất là chỉ thị Bộ Thương Mại Mỹ rà soát lại và báo cáo
trong vòng 90 ngày quan hệ thương mại với 16 nước trong đó có Trung
Quốc và Việt Nam. Một trong những mục tiêu chính của cuộc khảo sát này
là nhận định quan hệ thương mại với mỗi nước có đạt được những kết quả
mong muốn không, bên cạnh những yếu tố kỹ thuật khác như tỷ giá hối
đoái, gian lận trong các chỉ tiêu, giá biểu quan thuế không công bằng
v.v.
Trong
danh sách 16 nước này, nhiều nước như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp,
Đức và nhất là Canada chắc chắn là không có vấn đề gì nghiêm trọng, có
thể chỉ được liệt kê trong danh sách để quyết định có vẻ bình thường,
nhưng Trung Quốc và Việt Nam là hai trường hợp khác. Trung Quốc đã từng
bị Donald Trump nêu đích danh nhiều lần trong cuộc vận động tranh cử như
là một đối thủ và một mối nguy của Hoa Kỳ về cả kinh tế lẫn an ninh.
Việt Nam tuy đến nay chưa bị nêu đích danh là một "đối tượng thù địch"
như Trung Quốc, nhưng cũng có nhiều lý do để bị chính phủ Trump nhìn một
cách bất lợi. Trước hết là cán cân thương mại rất không thăng bằng.
Trong năm 2016 Việt Nam bán cho Mỹ một số hàng hóa trị giá 39 tỷ USD và
chỉ mua của Mỹ khoảng 9 tỷ, thặng dư 30 tỷ. Đối với Trump đây là một
chênh lệch không chấp nhận được, nhất là nếu quan hệ thương mại dễ dãi
này lại không đạt mục tiêu của nó.
Nhưng
Hoa Kỳ chờ đợi gì ở Việt Nam ? Tất cả những gì Việt Nam xuất khẩu - chủ
yếu là thực phẩm, quần áo và giầy dép - Hoa Kỳ đều có thể mua với cùng
giá từ nhiều nước khác. Mặt khác Mỹ cũng thừa biết là một phần quan
trọng của những hàng hóa mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ là hàng Trung
Quốc mang nhãn Made in Vietnam.
Mọi
người đều hiểu là Hoa Kỳ đã dễ dãi với Việt Nam trong hy vọng là Việt
Nam sẽ tách dần khỏi quỹ đạo Trung Quốc để hội nhập vào thế giới dân
chủ. Cho đến nay chính quyền Obama đã rất kiên nhẫn dù liên tục có lý do
để thất vọng. Donald Trump chắc chắn không có sự kiên nhẫn đó. Quan tâm
đầu tiên của ông là thăng bằng hóa cán cân thương mại giữa hai nước.
Không những thế chính quyền cộng sản Việt Nam còn cung cấp cho Trump lý
do quý báu để xóa bỏ hoặc giảm thiểu những điều kiện thuận lợi mà Việt
Nam đang được hưởng. Những vị phạm nhân quyền đã gia tăng hẳn mức độ thô
bạo và thô bỉ từ ngày Donald Trump nhận chức. Vụ bắt cóc và đánh đập dã
man hai ông Nguyễn Trung Tôn và Nguyễn Viết Tứ, sau đó đem vất vào
trong rừng Hương Khê, đã là một bước dài đến tội ác, nó không còn cách
xa tội ám sát và thủ tiêu. Vụ bắt sinh viên Phan Kim Khánh, một thanh
niên không hề tham gia một tổ chức nào hay một cuộc biểu tình nào, hơn
thế nữa còn là đoàn viên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, là dấu
hiệu rất đáng lo ngại rằng từ nay đối tượng đàn áp là tuổi trẻ. Phan Kim
Khánh chỉ chống tham nhũng và bầy tỏ nguyện vọng muốn đất nước có dân
chủ.
Ban
lãnh đạo cộng sản đã rất thiển cận khi nghĩ rằng họ có thể yên tâm vi
phạm nhân quyền và đàn áp dân chủ mà vẫn giữ nguyên được mối quan hệ
thương mại thuận lợi với Hoa Kỳ vì nhân quyền không phải là quan tâm của
Donald Trump. Suy đoán của họ chỉ đúng một phần, phần còn lại sai một
cách nguy hiểm. Đúng là Trump không quan tâm tới những giá trị dân chủ
và nhân quyền nhưng ông có thể sử dụng chúng như những lý cớ chính đáng
để chấm dứt những ưu đãi mà Việt Nam đang được hưởng. Và Trump sẽ có lý
bởi vì mục tiêu của Hoa Kỳ khi cho Việt Nam hưởng những dễ dãi là để cải
thiện tình trạng nhân quyền và rõ ràng là mục tiêu này đã không đạt
được.
Thiệt
hại cho Hà Nội có thể sẽ rất đau đớn bởi vì con số thặng dư thương mại
với Mỹ, 30 tỷ USD, là một nửa ngân sách chi của chế độ.
Thông Luận
(03/04/2017)