Người nông dân cô đơn (Đức Tâm)

Chúng ta, không ít người hay trách nông dân trồng rồi chặt, sản xuất không theo kế hoạch, thấy người ta làm rồi bắt chước làm theo. Nhưng tại sao người nông dân lại làm như vậy? Sâu xa của vấn đề nằm ở đâu? Đã có ai suy nghĩ nghiêm túc về điều này?


Nhân buổi trò chuyện bên lề một hội thảo nông nghiệp ở Campuchia gần đây, người viết được nghe thầy Dương Văn Ni, trường Đại học Cần Thơ chia sẻ một góc nhìn nhân văn về người nông dân...

Chúng ta, không ít người hay trách nông dân trồng rồi chặt, sản xuất không theo kế hoạch, thấy người ta làm rồi bắt chước làm theo. Nhưng tại sao người nông dân lại làm như vậy? Sâu xa của vấn đề nằm ở đâu? Đã có ai suy nghĩ nghiêm túc về điều này?

Bấy lâu nay, nông dân sản xuất theo kinh nghiệm được hình thành qua bao thế hệ. Cũng mảnh đất đó, ông của họ trồng cây này, cha của họ tiếp tục và họ làm theo. Họ biết rất rành rằng mùa này, con nước này, đợt mưa này thì trồng giống này, mùa nọ thì trồng giống kia. Họ cứ tiếp tục làm như vậy và dần hình thành nên hệ thống kinh nghiệm và niềm tin.

Đến một ngày, cũng khoảng thời gian đó trong năm, trên chính mảnh đất của mình, người nông dân trồng theo kinh nghiệm nhưng mùa màng thất bát. Họ nghĩ, sao lạ vậy, chắc sự cố thôi. Vụ sau, họ tiếp tục trồng theo kinh nghiệm, lại không ổn. Lúc này, hệ thống kinh nghiệm của họ bị thách thức. Cái cũ, cái kiến thức được tích lũy chắt lọc bao đời liệu có còn đúng?

Họ tiếp tục thử và đến khi nhận ra thời tiết, khí hậu đã thay đổi, không còn như xưa thì họ cũng rơi vào tình trạng kiệt quệ. Mà cái chuyện thay đổi này, đâu ai kịp nói cho họ biết trước đó. Cái chuyện thay đổi này, có thể xuất phát từ việc ở đâu đó bên Trung Quốc người ta xây con đập làm thủy điện, có thể ở tỉnh đầu nguồn người ta làm nhà máy … những cái đó nằm ngoài tầm với của người nông dân.

Rồi khi họ rơi vào kiệt quệ, họ bị vợ con trách móc, kiểu như “đã nói giống đó trồng không được mà cứ trồng hoài”. Đâu ai hiểu họ. Họ cũng đâu biết nói với ai. Họ là những người nông dân cô đơn.

Khi hệ thống kinh nghiệm của họ đã bị gãy đổ, họ mất niềm tin vào chính mình. Đây là một điều thật sự đáng lo. Khi mất niềm tin, rồi thì làm sao đây?

Họ buộc phải kiếm sống chứ. Vậy là họ nhìn vào bà con xung quanh, thấy ai trồng cây gì, con gì có lợi thì làm theo. Nhưng khi làm theo, vì nhiều lý do (thiếu chuyên môn, thiếu thông tin thị trường…) họ lại bị thất bại và càng lún sâu vào khủng hoảng.

Cũng có người trách nông dân tham, cứ thấy cái gì giá cao thì đổ xô làm theo. Sao lại trách nông dân như vậy? Ai mà chẳng tham, ai mà chẳng muốn giàu có và thành công.

Nhưng đáng nói hơn, thử nhìn kỹ, sẽ thấy cái tham của người nông dân lại rất đáng trân trọng. Họ còn tham là còn động lực để sống, để sản xuất. Cái tham của họ được đánh đổi bằng rủi ro của chính họ. Và cái tham này, bản thân nó vô hại, nó không chồng lấn lên quyền lợi của những người khác. Nó khác với những cái tham gây nguy hại.

Lấy ví dụ người giảng viên đại học. Họ muốn dạy nhiều để có tiền nhiều. Để dạy nhiều, họ nhận nhiều lớp, chạy xô liên tục. Nhưng chạy như vậy, thời gian đâu mà chuẩn bị bài giảng. Bài giảng kém, sinh viên chịu thiệt. Rồi những sinh viên này ra trường, họ đi làm, trở thành nhân viên thiếu hụt kiến thức. Lúc này đây, chính xã hội chịu thiệt. Cái tham này, đáng trách hơn. Thế nhưng, xã hội, có thấy những người thầy như vậy bị trách đâu? Thậm chí, họ đi đâu cũng được gọi là thầy, là vị này vì nọ.

Hay như người bán phân bón, thuốc trừ sâu giả. Họ tham và đẩy người nông dân thất bát, đẩy người tiêu dùng bị nhiễm độc, đẩy môi trường vào ô nhiễm. Cái tham của họ chính là tội ác.

Bây giờ thử hỏi, sẽ ra sao khi người nông dân không còn lòng tham? Không còn động lực để tự thân thay đổi cuộc sống? Họ, từ chỗ sản xuất thực phẩm nuôi sống xã hội sẽ trở thành gánh nặng của xã hội.

Do vậy, sẽ là rất tắc trách nếu vội trách người nông dân.

Trong chuyện trồng trọt, cũng có người hay phê bình nông dân hay bảo thủ, không chịu đổi sang những giống cây trồng khác tốt hơn. Nhưng cần hiểu, cái bảo thủ đó giúp họ tồn tại, giúp họ yên tâm. Còn cái mới, họ không theo vì họ không tin. Nếu anh muốn người nông dân thay đổi, anh phải làm cho họ tin chứ không phải đi than phiền về họ. Ngay cả trong giới khoa học, đôi khi cũng có sự bất đồng về góc nhìn, có người nói giống này tốt nhưng cũng có người nói giống kia tốt. Như vậy, người nông dân biết tin thế nào.

Lại nói chuyện sản xuất theo thị trường. Thiết nghĩ, cần nhìn nhận rõ vai trò của người nông dân là sản xuất và họ đã làm tốt vai trò đó. Việc thị trường nên dành những người được gọi là “có học”, những người mà quyền lợi và chức vụ của họ gắn với người nông dân và nông nghiệp nước nhà. Nếu nông dân làm tốt cả việc của thị trường, họ đã không còn là nông dân.

Những điều này, người tự nhận mình “có học” nên thấy và hiểu. Bằng không, hóa ra chẳng phải chúng ta cũng vô học sao.

Khi hiểu rõ vai trò của người nông dân, bạn sẽ thấy chúng ta không ở ngoài những người nông dân và không thể sống nếu thiếu những người nông dân. Bây giờ, thử quay lại nền tảng xã hội cơ bản đầu tiên, ai đó đưa cho bạn cục đất, khối nước, không khí và mặt trời, bạn làm được gì? Có thể, những người "có học" sẽ chết đói. Nhưng người nông dân thì không. Với đất, nước, gió, lửa, họ làm ra thức ăn và nuôi sống xã hội. Họ giỏi quá đi chứ. Không có nông dân, sẽ không có xã hội. Và người nông dân, nếu họ sống không tốt, liệu chúng ta có thể sống tốt?

Có một khía cạnh khác mà có lẽ lâu nay chúng ta quên, hoặc vô tình quên, không nhận ra, ít nói đến. Nhìn lại lịch sử, khi đất nước bị ngoại xâm, ai đó có thể ngã nghiêng; khi đất nước hội nhập, ai có thể thay đổi, mất gốc nhưng người nông dân thì không. Họ giữ đất nước và sâu xa hơn, họ giữ cái gốc văn hóa của dân tộc.

Giấy rách phải giữ lấy lề. Người nông dân chính là cái lề mà chúng ta cần gìn giữ.

Khi mà trong xã hội, những người được cho là "có học" chưa có nhận thức đúng đắn và tôn trọng dành cho người nông dân, khi đó, xã hội vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Theo TBKTSG