Nghị định 109 tạo cơ chế “ngồi mát ăn bát vàng” (Tư Hoàng)

Tại hội thảo của CIEM, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng chính sách đối với thương mại lúa, gạo “có thể nói là chính sách tồi nhất về xuất khẩu”.“VFA là điển hình của lợi ích nhóm, của sự câu kết quyền lực giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước”,  bà Lan nói.

 
Hàng loạt các điều kiện xuất khẩu hiện nay quy định trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP cần phải được dỡ bỏ để tạo điều kiện cho xuất khẩu gạo chất lượng cao, giá trị gia tăng cao với khối lượng nhỏ, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khuyến nghị.

Tại hội thảo “Rà soát thể chế trong chuỗi giá trị lúa gạo” do CIEM tổ chức ngày 17-3, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung khẳng định, những thông điệp của Thủ tướng về lúa gạo mới đây tại An Giang là điều cần phải được thực hiện. Ông nói: “Lệnh của Thủ tướng có rồi thì phải làm, nếu không làm sẽ rất dở”.

Ông Cung nhận xét như trên sau khi tại hội nghị bàn giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới đây, Thủ tướng chỉ rõ yêu cầu sửa đổi Nghị định 109 theo hướng không đưa nhiều quy định phức tạp trong xuất khẩu gạo, không quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, không nên cho trao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhiều quyền không nên có như quy định giá sàn, phân phối hạn ngạch cứng 80% để bảo đảm kinh tế thị trường.

Tại hội thảo của CIEM, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng chính sách đối với thương mại lúa, gạo “có thể nói là chính sách tồi nhất về xuất khẩu”.“VFA là điển hình của lợi ích nhóm, của sự câu kết quyền lực giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước”,  bà Lan nói.

Trong báo cáo, CIEM đề nghị bỏ quy định về đàm phán hợp đồng tập trung, doanh nghiệp tự xuất khẩu. Bỏ các đặc quyền có tính quản lý nhà nước của VFA. Tổ chức lại VFA như một hiệp hội ngành hàng bình thường, có sự tham gia của các thành phần trong chuỗi lúa gạo, nhất là người sản xuất trực tiếp, các thành viên có quyền và nghĩa vụ ngang nhau.

Tiến sĩ Đặng Quang Vinh, tác giả chính của báo cáo phân tích, Nghị định 109 đã tạo ra một sân chơi có rào cản cao khi đưa ra hàng loạt các quy định doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa; có ít nhất một cơ sở xay, xát lúa, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ; phải xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục mới được cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, VFA nắm vị thế độc quyền trong xuất khẩu gạo, tạo rào cản cạnh tranh lạnh mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo - các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sau khi ký hợp đồng xuất khẩu phải đăng ký với VFA trong vòng ba ngày làm việc.

Tiến sĩ Vinh cho biết thêm, Văn bản số 1101/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó nêu hai điểm chính. Thứ nhất là tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo; thu hồi giấy phép xuất khẩu gạo nếu không đạt 10.000 tấn/năm trong hai năm liên tiếp. Thứ hai, ưu tiên doanh nghiệp có liên kết, hợp tác với vùng nguyên liệu và hạn chế doanh nghiệp chỉ thu mua, xuất khẩu.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã bỏ quy hoạch nhưng các điều kiện của Nghị định 109 vẫn giữ nguyên.
Ông Vinh nói: “Hệ quả của chính sách này là cạnh tranh không lành mạnh; tạo ra xin – cho, tiêu cực; tạo ra động cơ “ngồi mát ăn bát vàng”, tiếp tục duy trì mô hình “sản lượng cao, chất lượng thấp, giá thấp”.

Ông Vinh cho biết, các quy định trên đã hạn chế đầu tư, sáng tạo, sản xuất quy mô nhỏ nhưng giá trị cao mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo như Cỏ May, Tâm Việt là ví dụ tiêu biểu.

Ngoài ra, theo ông Vinh, duy trì hợp đồng tập trung, Bô Công Thương giao cho Vinafood 1 và Vinafood 2 làm đầu mối giao dịch theo Thông tư 44/2010/TT-BCT.  Họ được phí ủy thác (tự xuất khẩu 20%, ủy thác 80%) với điều kiện các doanh nghiệp ủy thác không được xuất khẩu gạo với giá thấp hơn giá sàn.

Ông Vinh đặt câu hỏi: “Vậy khi giá thế giới giảm thì sao? Có ứ đọng gạo không?”.

Theo CIEM, năm 2010 trước khi Nghị định số 109, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo có lúc lên đến hơn 200 doanh nghiệp. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống 145 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo, theo VFA.

Ông nói: “Tóm lại, cơ chế xuất khẩu gạo hiện nay (như Nghị định 109) tạo rào cản, làm thui chột cạnh tranh và sáng tạo, giảm đầu tư. Nó cũng tạo bất bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân, trái ngược với tinh thần của Hiến pháp 2013".

Theo TBKTSG