"Đây là vấn đề nóng báo chí nêu rất nhiều. Tôi vừa ký văn
bản dừng lại ở Bắc Ninh. Dừng lại mà đe dọa tính mạng của Chủ tịch UBND
tỉnh. Quyền lợi làm vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy. Lạm dụng
giấy phép cấp, mà lọt giấy phép cấp từ trước năm 2014. Bây giờ giải
quyết sao trong chuyện này? Cả hệ thống chính trị của chúng ta, cả bộ
máy đồ sộ của chúng ta không làm nổi chuyện chống cát tặc trên dòng sông
sao? Các thứ trưởng phải làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt vấn
đề này, phải đưa thành vấn đề trong hội nghị Chính phủ", Thủ tướng nêu
rõ.
Sáng 16/3, tại trụ
sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt
của Bộ Giao thông Vận tải nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong
thực hiện nhiệm vụ của Bộ.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông Vận
tải phải xử lý gấp các vấn đề nóng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là an
toàn giao thông, tránh tình trạng nói mãi nhưng không giải quyết được.
Cùng với đó là phải quyết liệt xử lý tình trạng khai thác trái phép. Đề
cập đến tình trạng khai thác cát lòng sông như vụ việc tại Bắc Ninh, Thủ
tướng cho biết đã ký văn bản yêu cầu dừng khai thác để điều tra, làm
rõ.
"Đây là vấn đề nóng báo chí nêu rất nhiều. Tôi vừa ký văn
bản dừng lại ở Bắc Ninh. Dừng lại mà đe dọa tính mạng của Chủ tịch UBND
tỉnh. Quyền lợi làm vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy. Lạm dụng
giấy phép cấp, mà lọt giấy phép cấp từ trước năm 2014. Bây giờ giải
quyết sao trong chuyện này? Cả hệ thống chính trị của chúng ta, cả bộ
máy đồ sộ của chúng ta không làm nổi chuyện chống cát tặc trên dòng sông
sao? Các thứ trưởng phải làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt vấn
đề này, phải đưa thành vấn đề trong hội nghị Chính phủ", Thủ tướng nêu
rõ.
Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực
Báo
cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho
biết, điểm mấu chốt là về vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung
hạn là gần 953.000 tỉ đồng. Theo thông báo dự kiến kế hoạch vốn giai
đoạn này, Bộ được phân bổ chỉ mới trên 209.000 tỉ đồng và số vốn thực tế
được thông báo phân bổ là trên 188.000 tỉ đồng, chỉ đáp ứng được khoảng
1/3 nhu cầu vốn từ ngân sách Nhà nước.
Đại diện Tổng Công ty
Cảng hàng không cho biết, nhu cầu vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng các cảng
hàng không từ nay đến năm 2020 rất lớn, bình quân khoảng 5.500 tỉ
đồng/năm. Riêng sân bay Tân Sơn Nhất cần nhu cầu vốn đầu tư lên đến
4.000 tỉ đồng để đáp ứng lượng hành khách và có thể tăng lên 100 triệu
lượt vào năm 2020.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng cho rằng,
Bộ Giao thông Vận tải đang chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực được coi là
nút thắt của nền kinh tế hiện nay. Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, lĩnh
vực này đang thiếu vốn nghiêm trọng.
Trước thực tế đó, Thủ tướng
nêu rõ, phải tìm mọi biện pháp phát triển ngành giao thông vận tải, đáp
ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, không vì khó khăn
về kinh phí mà tiếp tục để tồn tại nút thắt cơ sở hạ tầng. Đề cập đến
hiệu quả thực tế của việc xã hội hóa, Thủ tướng chỉ đạo phải đẩy mạnh xã
hội hóa nguồn lực để thu hút đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải.
"Xã
hội hóa nguồn lực mọi khâu, mọi cách. Vốn Nhà nước chỉ có thể là vốn
mồi. Nhà nước hỗ trợ, tạo cơ chế, thể chế, điều kiện để xã hội hóa cơ sở
hạ tầng giao thông vận tải thành công", Thủ tướng nói và gợi mở ngành
Giao thông vận tải cần tận dụng nguồn lực những định chế tài chính quốc
tế để triển khai phát triển hạ tầng.
Thủ tướng
yêu cầu tháo gỡ mọi thể chế, bãi bỏ các quy định cản trở sự phát triển;
kể cả các quy định của Bộ, của Chính phủ để tạo mọi điều kiện thuận lợi
thu hút đầu tư theo hình thức công tư PPP hoặc các nguồn vốn khác vào
ngành giao thông vận tải. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện chiến lược
giao thông vận tải và Nghị quyết của Trung ương về xây dựng kết cấu hạ
tầng đồng bộ, làm cơ sở thúc đẩy phát triển.
Thủ tướng nêu thực
tế, việc đường bộ trở thành kênh vận chuyển hàng hóa chính, đã làm quá
tải kết cấu hạ tầng của Việt Nam, trong khi nhiều nước đường bộ chủ yếu
dùng để đi du lịch. Do đó, Thủ tướng yêu cầu cần chú trọng vận tải đa
phương thức, chú trọng một số thế mạnh một số khu vực như ven biển, hệ
thống giao thông thủy ở Tây Nam Bộ… bằng các chính sách vận tải có tính
cạnh tranh.
Nâng chất lượng công trình giao thông
Lưu
ý đến việc đảm bảo chất lượng công trình giao thông, Thủ tướng đặt ra
yêu cầu phải có cải cách tốt hơn, không để chất lượng công trình giao
thông như trong suốt những năm qua. "Hệ thống giao thông của chúng ta
nói chung là chất lượng yếu kém, cần phải được xử lý giải quyết trong
thời gian tới, để với định mức đơn giá đó, chất lượng phải tốt hơn.
Chúng ta phải nghĩ việc này vì tiền bạc của nhân dân", Thủ tướng yêu
cầu.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh đến tầm quan trọng
của việc phát triển đường ven biển vì có thể kêu gọi xã hội hóa, đất đai
còn rộng lớn và sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng hưởng từ công trình; đặc
biệt là có thể giảm tải cho quốc lộ 1, từ đó kéo giảm tai nạn giao
thông.
Thủ tướng lưu ý, làm rõ trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng
Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng các bộ và người đứng đầu các đơn vị
liên quan trong việc quyết định những chủ trương phát triển giao thông.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, chủ động xây dựng
cơ chế đặc thù, trình Thủ tướng một số cơ chế về phát triển đường cao
tốc, về hình thức hợp tác công - tư (PPP) và thể chế điều hành các công
việc có liên quan. Bộ cần tìm nguồn lực ODA để khắc phục tình trạng
thiếu vốn.
Nhấn mạnh hơn 200.000 tỉ đồng vốn đầu tư từ ngân sách
cho giao thông là rất lớn, nếu giảm được chi phí sẽ tiết kiệm được một
nguồn lực lớn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải đưa ra định mức
vốn đầu tư cho 1 km đường giao thông mẫu, kể cả đường trải nhựa và đường
làm bằng xi măng.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ
đạo giải quyết các vướng mắc mà Bộ Giao thông Vận tại đề xuất. Đối với
khó khăn của Bộ Giao thông Vận tải trong huy động vốn triển khai các dự
án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), Thủ tướng yêu cầu tập trung
nghiên cứu thể chế về PPP để tháo gỡ.
Thủ tướng yêu cầu Tổng
Công ty Cảng hàng không Việt Nam phải xã hội hóa một cách triệt để các
nhà ga và một số hạ tầng khác. Nhà nước chỉ nắm một số hạng mục cần
thiết và một số sân bay không thể cổ phần hóa được.