Giáo dân Song Ngọc và lời khuyên vụ Formosa (Quốc Phương- BBC)

"Lời khuyên của tôi mà có thể ngắn nhất, gọn nhất dành cho nhà cầm quyền Việt Nam thì tôi muốn dành cho họ một lời khuyên là: Hãy trở về với nhân dân! Hãy trả lại cho nhân dân những gì 'đã bị cướp đi', blogger, nhà báo độc lập J.B. Nguyễn Hữu Vinh, người có mặt ở Nghệ An từ hôm 14/2 nêu quan điểm riêng.

 
Cuộc xuống đường đòi công lý của ngư dân và giáo dân Song Ngọc, thuộc giáo phận Vinh, tỉnh Nghệ An vào trung tuần tháng 2/2017 dường như tiếp tục cho thấy người dân vẫn chưa cảm thấy thỏa đáng về cách thức nhà nước xử lý vụ thảm họa môi trường do doanh nghiệp thép Formosa của Đài Loan gây ra ở các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam làm thủy, hải sản chết bất thường và hàng loạt.

Hôm 14/2, hàng trăm người dân ở Song Ngọc, dưới sự dẫn dắt của Linh mục Nguyễn Đình Thục, chủ quán giáo xứ Song Ngọc, đã đi đường bộ hàng chục km từ Nghệ An tới huyện Kỳ Anh ở tỉnh Hà Tĩnh để nộp đơn kiện Formosa ra Tòa án địa phương.

 Tuy nhiên, cuộc đi bộ đòi công lý đã bị chính quyền và các lực lượng an ninh địa phương ở tỉnh Nghệ An can thiệp và ngăn chặn 'quyết liệt', theo phản ánh của truyền thông quốc tế và mạng xã hội, trong khi người dẫn đầu cuộc xuống đường này đã bị báo chí và một số cơ quan truyền thông nhà nước ở trung ương và địa phương cáo buộc 'xúi giục' người dân, giáo dân làm sai pháp luật và 'gây rối'.
 
Hôm 16/2, tại Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ về sự kiện giáo dân Song Ngọc đòi kiện đi đòi kiện, ông Navin Singh Khadka nhà báo của BBC World Service chuyên về môi trường, sinh thái, đề cập các kinh nghiệm quốc tế và khu vực trong giải quyết thảm họa môi trường và xung đột trong quan hệ tay ba giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng, cư dân địa phương.
Theo nhà báo này, giải quyết trên tinh thần lắng nghe người dân, để cho họ có ý kiến và được tham vấn từ đầu trong mọi dự án đầu tư, phát triển, hay công nghiệp và lắng nghe họ khi các sự cố, xung đột môi trường xảy ra là một trong các tinh thần chính của chiến lược Phát triển Bền vững Toàn cầu do Liên Hợp Quốc đặt ra cho các quốc gia thành viên hiện nay, tiếp sau khi chương trình các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vừa được tổng kết năm 2015.

'Để cho thấu tình đạt lý'

Với các khách mời còn lại của chương trình, khi được đề nghị có một lời khuyên, tư vấn cho chính quyền và các bên liên quan để giải quyết thấu tình đạt lý nhất hậu quả của vụ thảm họa môi trường do doanh nghiệp thép của Đài Loan, Formosa, gây ra cho bốn tỉnh ở duyên hải miền trung Việt Nam và một số tỉnh, địa phương giáp ranh khác, các ý kiến tại bàn tròn chia sẻ:

"Lời khuyên của tôi mà có thể ngắn nhất, gọn nhất dành cho nhà cầm quyền Việt Nam thì tôi muốn dành cho họ một lời khuyên là: Hãy trở về với nhân dân! Hãy trả lại cho nhân dân những gì 'đã bị cướp đi', blogger, nhà báo độc lập J.B. Nguyễn Hữu Vinh, người có mặt ở Nghệ An từ hôm 14/2 nêu quan điểm riêng.

"Còn lời khuyên cho người dân Việt Nam là: Hãy giành lấy những gì của mình bởi vì tự do không bao giờ được cho không!"

Luật sư Lê Quốc Quân từ Hà Nội đưa ra lời khuyên:

"Tôi nghĩ phải bắt đầu bằng việc Tòa án huyện Kỳ Anh có những tổ chức rất đàng hoàng, có những chuyên gia đi xuống hướng dẫn nhân dân viết đơn đúng, sau đó tiến hành ra một bản án đúng, phải đền bù một cách đầy đủ trên căn cứ pháp luật, còn 500 triệu đô-la kia là 500 triệu để đó.
"Tất nhiên là điều rất khó nhưng phải bắt đầu bằng pháp luật, như vậy thì nó mới đúng trình tự và nó mới chuẩn mực được cho một xã hội và một quốc gia và điều đó (thì chúng ta biết) là một dạng 'Đội đá vá trời', nhưng mà cũng phải bắt đầu bằng như thế nó mới chống lên được."

Cũng từ Hà Nội, hôm 16/2, nhà báo, nhà quan sát xã hội dân sự Trần Tiến Đức, đưa ra lời tư vấn, ông nói:

"Tôi chỉ có một ý kiến này là hãy biết lắng nghe ý kiến của người dân, hãy biết tôn trọng quyền lợi của người dân, hãy biết bảo vệ quyền lợi của người dân, và hãy học cách đối thoại với người dân."