EVN lại âm mưu tống khoản lỗ tỷ giá gần 10 ngàn tỷ đồng vào giá bán điện cho dân (Lê Dung-VNTB)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – một doanh nghiệp đã từng bị lên án với chuyện hạch toán cả chi phí xây sân tennis và bể bơi vào giá thành bán điện, nay lại toan tính tống khoản lỗ tỷ giá gần 10 ngàn tỷ đồng vào giá điện. 
 


Theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cho biết EVN lỗ tỷ giá rất lớn: Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia lỗ tỷ giá 2.545 tỷ đồng, Công ty mẹ – Tổng công ty Phát điện 1 lỗ tỷ giá 2.554 tỷ đồng, Công ty mẹ – Tổng công ty Phát điện 2 lỗ tỷ giá 3.316 tỷ đồng, Công ty mẹ – Tổng công ty phát điện 3 lỗ tỷ giá 84,49 tỷ đồng… Tổng cộng các chi phí chưa tính vào giá thành điện khoảng hơn 10.383 tỷ đồng, trong đó lỗ tỷ giá khoảng 9.800 tỷ đồng.

Vậy mà khi trả lời tại buổi họp báo sáng 20/1, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực – Bộ Công Thương, khẳng định về khoản lỗ chênh lệch tỷ giá, sẽ được hạch toán dần để đưa vào giá thành điện.

EVN đưa chi phí xây dựng biệt thự, sân tennis vào giá điện, tại phiên chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội, khi được hỏi về vấn đề này nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nói: “Chúng tôi nghĩ rằng, đối với những công trình xa như vậy, độc hại như vậy, thu hút cán bộ, người lao động đến làm việc rất khó khăn. Cuối cùng EVN cũng không bị xử lý vì được cơ quan chủ quản của mình là Bộ Công Thương, “bảo kê” hồ sơ “tội ác” của tập đoàn này chất chồng không đếm hết.

Không chỉ đầu tư ngoài ngành thua lỗ mà, từ hàng chục năm qua, EVN đã nhập khẩu điện từ Trung Quốc với giá gấp ba lần giá điện sản xuất trong nước. EVN ký hợp đồng mua điện giá cao với Công ty lưới điện miền Nam Trung Quốc (CSD). Hợp đồng này ký từ năm 2005 và chính thức mua điện từ 2009 Thỏa thuận hợp đồng hiện nay buộc phải cam kết về sản lượng và thời gian mua. Nếu không mua sẽ bị phạt, dẫn tới ngay cả khi nguồn cung cấp trong nước dồi dào vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Để “xử lý” khoản lỗ lên đến 30 ngàn tỷ đồng do đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm… từ những năm 2006-2008, trong nhiều năm qua EVN đã liên tiếp tăng giá bù lỗ lên đầu dân tình, bất chấp nền kinh tế Việt Nam đã suy thoái liên tục và hiện đã suy thoái đến năm thứ 9 liên tiếp.

Cho đến gần đây, EVN vẫn nằm trong số những con nợ ngân hàng lớn nhất Việt Nam với ít nhất 454 ngàn tỷ đồng nợ vay. Vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được Chính phủ bảo lãnh. Nếu không tăng giá điện, hẳn tập đoàn này sẽ không biết lấy gì để trả nợ.

Vào năm 2015, một quan chức cao cấp của ngành công thương đã phải tán thán rằng nếu không cho tăng giá điện, EVN sẽ có nguy cơ bị… phá sản.

Vào những ngày cận tết nguyên đán năm 2017, trong lúc người dân còn nặng gánh lo toan về một cái tết khó khăn hơn cả những năm trước, thì “bạch tuộc EVN” (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) lại một lần nữa ló vòi với đề xuất của Bộ Công thương (cơ quan chủ quản của EVN) 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần.

Thật khiến cho dư luận không khỏi hoài nghi vì đề xuất trên, xuất hiện đồng thời với một dự thảo của Bộ Tài chính về tăng gấp đôi thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít để “đạt thành tích”. Phải chăng tăng giá điện cũng nằm trong lộ trình giành giật “thành tích” chăng?