Nhìn lại Cách mạng Tháng Tám (Nguyễn Gia Kiểng)
"...một sự tương đồng giữa thời kỳ 1940-1945 và tình hình hiện nay. Năm 1940
Pháp đã bị bại trận, đã hoang mang và rã rượi, mà chính quyền thuộc địa
Pháp vẫn tiếp tục một cách hung bạo bởi vì người Việt Nam, trừ người
cộng sản, đã không chuẩn bị trước để nắm lấy cơ hội. Ngày nay hệ thống
cộng sản sụp đổ, các chế độ cộng sản còn lại chỉ còn là những đứa con
côi của một sự phá sản ; không còn người Việt Nam nào, ngay cả những
người trong guồng máy cộng sản, muốn chế độ này tiếp tục nữa, nhưng nó
vẫn còn đó do quán lực của quá khứ. Quán lực này có một tên gọi : đó là
sự sợ hãi. Sợ hãi cho tương lai mình trong một chế độ mới hay sợ hãi một
bạo lực đang hấp hối..."
Nhìn lại Cách mạng Tháng Tám (Nguyễn Gia Kiểng)
Ghi chú tháng 8/2015 :
Bài này được viết vào năm 1991, giữa cao điểm của làn sóng dân chủ thứ ba làm sụp đổ chủ nghĩa cộng sản và phong trào cộng sản thế giới. Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua nhưng những nhận định của nó vẫn còn rất thời sự, có lẽ còn thời sự hơn nhiều so với khi được viết ra. Kết luận vào năm 1991 của bài này là thế hệ 1990 phải hơn thế hệ 1945 để đất nước có lối thoát. Mong ước này đã không được toại nguyện, nhưng một thế hệ mới đã xuất hiện được thông tin đầy đủ hơn và với ý thức chính trị rõ rệt hơn. Tiến bộ tuy chậm nhưng có thực.
Đăng lại bài này tôi cũng xin ghi nhận hai thiếu sót:
Một là, tôi đã không nhấn mạnh thiệt hại lớn nhất mà Đảng Cộng Sản đã gây ra cho dân tộc trong Cách Mạng Tháng 8. Đó là sự tàn sát những người yêu nước trong các đảng phái quốc gia, như Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt. Họ là những trí thức yêu nước chân chính duy nhất vào lúc đó. Những người trí thức khác hoặc chỉ học để làm quan hoặc chìm đắm trong thơ văn lãng mạn. Còn những người cộng sản? Họ đặt lý tưởng cộng sản lên trên dân tộc, họ tranh đấu và hy sinh cho lý tưởng cộng sản và phong trào cộng sản quốc tế hơn là cho dân tộc. Đó chính là lý do họ chủ trương cuộc kháng chiến võ trang. Đó cũng là lý do khiến họ tàn sát những người yêu nước để giành độc quyền kháng chiến. Những người yêu nước chân chính đã bị tiêu diệt gần hết. Ý chí và tình cảm dân tộc gần như đã bị bẻ gẫy.
Trong lịch sử thế giới chưa có chủ nghĩa nào khơi dậy nhiều đam mê và gây ra nhiều xung đột đẫm máu cho nhiều dân tộc bằng chủ nghĩa cộng sản. Việt Nam đã là một trong những nạn nhân đau đớn nhất. Chủ nghĩa cộng sản và những thảm kịch mà nó đem tới đã biến Việt Nam từ vị trí một nước nhiều triển vọng bậc nhất thành một trong những quốc gia nghèo đói, lạc hậu và bế tắc nhất. Ba mươi năm chiến tranh huynh đệ tương tàn, hàng triệu người thiệt mạng, dân tộc bị chia rẽ trầm trọng. Thành tích của Đảng Cộng Sản Việt Nam tai hại một cách đáng sợ.Hai là, sự sợ hãi không phải là lý do duy nhất khiến chế độ toàn trị vẫn còn tiếp tục. Một nguyên nhân quan trọng khác là sai lầm phương pháp. Do quen bị áp đặt những lý luận khiên cưỡng một số đông đảo trí thức Việt Nam quay lại ức hiếp trí tuệ của chính mình. Thay vì dựa vào sự hiểu biết và lý luận để rút ra kết luận họ chọn lựa trước những giải pháp tiện lợi hoặc an toàn rồi loay hoay biện hộ cho những lập trường trái ngược với cả thực tế lẫn lý luận đúng đắn. Sự coi thường kiến thức và lý luận này đã khiến nhiều người cố bám vào ảo tưởng có thể cải tổ chế độ qua những yêu cầu và kiến nghị. Nhưng thực tế đã chứng tỏ rằng không một chế độ cộng sản nào có thể cải tổ được và giải pháp duy nhất đối với một chính quyền tham nhũng là thay thế nó bằng một chính quyền khác. Chúng ta đang có một chế độ cộng sản rất tham nhũng. Nguyễn Gia Kiểng
Tôi chưa
bao giờ bị chủ nghĩa cộng sản cám dỗ cả. Nhưng cộng sản đã chinh phục
được những con người tôi rất quí mến. Càng lớn lên tôi càng khám phá ra
rằng những trí thức, văn nghệ sĩ mà tôi ngưỡng mộ nhất trong thời niên
thiếu phần lớn đã di theo cộng sản và vẫn còn tiếp tục thán phục cộng
sản. Từ khi bắt đầu theo dõi hoạt động chính trị, niềm đau lớn nhất của
tôi là nhiều bạn bè quí mến nhất của tôi lần lượt ngả theo cộng sản.
Cộng sản, đặc biệt là cộng sản Việt Nam đã có một sức quyến rũ ghê gớm.
Ghê gớm đến nỗi nhiều trí thức lỗi lạc mặc dầu đã hiến trọn cuộc đời cho
cộng sản để chỉ được một chỗ đứng chầu rìa bạc bẽo, mặc dầu phải chứng
kiến những tội ác kinh khiếp của nó, vẫn không thể dứt bỏ nó. Sức thu
hút mãnh liệt ấy bắt đầu từ một biến cố trọng đại rồi cứ trên đà đó mà
tiếp tục. Biến cố trọng đại đó là Cách Mạng Tháng Tám.
"Bài học
45" là điều được những người chống cộng nhắc đi nhắc lại nhiều nhất.
Trong những công kích gần đây nhắm vào chủ trương "hòa giải và hòa hợp
dân tộc" của Thông Luận, "bài học 45" cũng được viện dẫn nhiều nhất.
Người ta phê phán chúng tôi là không thuộc lịch sử, không biết "bài học
45". Có lần Trần Thanh Hiệp nhăn mặt vì giận dữ nói với tôi : "Làm sao
người ta có thể tưởng tượng là mình không biết đến những sự kiện tầm
thường như vậy được nhỉ ?".
Tựu trung "bài học 45" được viện dẫn
và lý luận như thế này : "Vào những năm 1945-1946, phe Quốc Gia có lực
lượng mạnh, có thể thắng được Cộng Sản nhưng vì đã ngây thơ, cả tin vào
cộng sản, thỏa hiệp với cộng sản rồi bị lường gạt và tiêu diệt. Bài học
cay đắng đó chứng tỏ rằng thỏa hiệp vời cộng sản là chết. Vì vậy những
kẻ còn nói chuyện thỏa hiệp, liên hiệp, hòa giải, v.v? với cộng sản chỉ
có thể hoặc ngây thơ, ấu trĩ, hoặc tay sai cộng sản, hoặc cộng sản trá
hình".
Cái nhìn này được rất nhiều người chia sẻ. Nó đã trở thành
một phần của ký ức tập thể. Suy nghĩ và hành động của chúng ta lệ thuộc
rất nhiều ở ký ức tập thể. Khi ký ức tập thể sai thì những phân tích và
kết luận khó có thể đúng. "Bài học 45" đã được ghi nhận như thế trong
ký ức tập thể của chúng ta. Nhìn lại giai đoạn 1945-1946 vì vậy là điều
cần thiết.
Trái với khẳng định của nhiều người, vào thời điểm
1945, phe quốc gia không mạnh, cũng không yếu mà phải nói là không đáng
kể, trong khi đảng cộng sản đã bành trướng khắp nơi và đã nắm trọn được
tình hình.
Cán cân lực lượng ngay từ lúc đầu đã lệch hẳn về phía
cộng sản. Nhượng Tống, sáng lập viên Việt Nam Quốc Dân Đảng trong cuốn
hồi ký "Nguyễn Thái Học" của ông, cho biết rằng khi Việt Nam Quốc Dân
Đảng thành lập cuối năm 1927 thi Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí
Hội, tiền thân của đảng cộng sản, thành lập năm 1925, đã có cơ sở ở khắp
nơi và Việt Nam Quốc Dân Đảng không thể nào cạnh tranh được với họ. Nhờ
hoạt động táo bạo, Việt Nam Quốc Dân Đảng đã phát triển nhanh trong
vòng hai năm, và được cả nước biết đến và hưởng ứng sau cuộc khởi nghĩa
liều lĩnh tháng 2-1930. Nhưng Việt Nam Quốc Dân Đảng đã phải trả bằng
tính mạng của chính mình cho uy tín này. Toàn bộ ban lãnh đạo bị tiêu
diệt, một số nhỏ trốn thoát dang Trung Hoa.
Những đảng viên còn
lại trong nước như rắn không đầu không liên lạc được với nhau nữa và
cũng không biết phải làm gì, lại bị truy lùng ráo riết nên hoàn toàn tê
liệt, cái uy tín có được đã không khai thác được. Đến năm 1931, khi
phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bùng lên kiên cường không kém và cũng bị
đàn áp dã man không kém cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng thì
đảng cộng sản cũng chiếm được tình cảm của quần chúng ngang hàng với
Việt Nam Quốc Dân Đảng. Chỉ khác một điều là cơ cấu của họ vẫn còn và họ
khai thác dân chủ cảm tình này để thu hút quần chúng trong khi Việt Nam
Quốc Dân Đảng đã gục ngã.
Nhìn lại thập niên 1930, người ta phải
ngỡ ngàng về sự ủy mị của trí thức Việt Nam lúc đó. Sau hai cuộc khởi
nghĩa đẫm máu của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Xô Viết Nghệ Tĩnh, bên lề
những biến động lớn của thế giới, thanh niên Việt Nam tại cácủa thành
phố vẫn chỉ biết mê mải đèn sách với mộng ra làm quan hay đắm chìm trong
một phong trào lãng mạn rất khó hiểu. Oái oăm thay, thập niên 1930 lại
được coi như là thời đại vàng son của tiểu thuyết, thơ tình, nhạc ướt
át, tranh ấn tượng? Những người cộng sản ít ra đã không trùm chăn nằm
ngủ trong giai đoạn này, sự dũng cảm của họ không thể chối cãi được. Sau
Cách Mạng Tháng Tám, trí thức Việt Nam ngỡ ngàng tỉnh dậy, hổ thẹn vì
sự hèn nhát của mình và bị thôi miên bởi sự dũng cảm của người cộng sản,
từ đó về sau nhiều người đã phục tùng họ một cách không điều kiện.
Một bước ngoặc quan trọng đã làm cho thế thắng của đg cộng sản không
thể đảo ngược được là giai đoạn 1936-1938 khi Mặt Trận Bình Dân [Front
Populaire] lên nắm chính quyền tại Pháp. Mặt trận này là một liên hiệp
giữa Đảng Xã Hội Pháp và Đảng Cộng Sản Pháp, và vì vốn chống chính sách
thuộc địa nên đã dành nhiều dễ dãi cho các hoạt động đấu tranh giành độc
lập tại Việt Nam. Đảng cộng sản đã chụp lấy cơ hội để hoạt động và phát
triển công khai trong khi những cơ sở còn lại của Việt Nam Quốc Dân
Đảng vẫn chỉ giới hạn trong một vài hoạt động bí mật. Đảng cộng sản vì
vậy đã độc chiếm được cuộc đấu tranh giành độc lập. Họ đã phối hợp được
hoạt động bí mật với hoạt động công khai, đã xây dựng được cơ sở ở khắp
nơi, đã có cơ quan ngôn luận, đã len lỏi và khuynh đảo được nhiều tổ
chức nghiệp đoàn và hiệp hội, đã chủ động được nhiều cuộc đình công và
phá hoại, gây tiếng vang và phấn khởi ở khắp nơi. Khi Thế chiến II bùng
nổ và Nhật vào Đông Dương, họ là tổ chức tranh đấu duy nhất thực sự có
hoạt động. Thế ưu thắng áp đảo của họ cứ thế mà tiếp tục. Nạn đói 1945,
trong đó hàng triệu người bị chết, đã đem lại cho khẩu hiệu xóa bỏ giàu
nghèo của cộng sản một hấp lực ghê gớm. Phẩm giá và mạng sống của người
nghèo lúc đó không bằng chén gạo, củ khoai. Hấp lực của cộng sản còn đi
xa hơn thế nữa, nó còn buôn bán cái ảo tưởng là những người vô học cũng
có thể là những cấp lãnh đạo. Chính cái ảo tưởng đó đã làm say sưa nhiều
người mộc mạc đến độ họ sẵn sàng chết cho đảng. Nhưng cũng chính cái ảo
tưởng đó đã khiến cho sự dốt nát ngự trị trong chính quyền cộng sản và
đập phá đất nước cho đến ngày nay.
Tương quan lực lượng đã như vậy, về đường lối thì sao ?
Người ta trông đợi rất nhiều ở nhóm Phong Hóa Ngày Nay, đặc biệt là ở
ông Nguyễn Tường Tam và người em xuất chúng của ông là Hoàng Đạo Nguyễn
Tường Long. Họ được coi là những nhà trí thức lỗi lạc nhất lúc đó. Đảng
Đại Việt Dân Chính của họ ra đòi năm 1943 với một cương lĩnh mà ông
Nguyễn Tường Bách, em ruột của hai ông Tam, Long và cũng là một nhân vật
cốt cán của Đại Việt Dân Chính, đánh giá như sau : "?đó là một sự kết
hợp hỗn tạp của chủ nghĩa quốc gia trong đó có thành phần của chủ nghĩa
Tam Dân, lại có cả thành phần của chủ nghĩa phát xít", ông Bách nhận
định : "cái cương lĩnh hỗn tạp ấy dĩ nhiên không thể lôi kéo được quần
chúng". Đó là tư tưởng của nhóm trí thức sáng giá nhất lúc đó. Việt Nam
Quốc Dân Đảng thì cũng vẫn không có đường lối nào rõ rệt cả. Sau này Đại
Việt Dân Chính sát nhập vào Việt Nam Quốc Dân Đảng và các ông Tam,
Long, Bách trở thành những nhân vật cốt cán của Việt Nam Quốc Dân Đảng,
ta có thể hiểu rằng Việt Nam Quốc Dân Đảng tán thành cái "cương lĩnh hỗn
tạp" đó. Vào thời điểm này, con người đầu tư vào tư tưởng nhiều nhất là
ông Lý Đông A, nhưng luận thuyết của ông không phải là một cương lĩnh
chính trị, nó chỉ giới hạn ở lý thuyết và lại mang nhiều ngộ nhận về mặt
triết lý và ngôn ngữ. Vả lại Đảng Đại Việt Duy Dân của Lý Đông A không
phát triển trong quần chúng, không đóng vai trò đáng kể nào trong những
năm 1945-1946 cả.
Tư tưởng chỉ đạo đã như vậy, chiến lược của phe
quốc gia lại quá nông cạn. Đa số các tổ chức ra đời lúc đó trông đợi ở
Nhật đánh đổ Pháp và trao quyền cho họ. Họ không nhận ra một số sự thật
hiển nhiên là Nhật không thể đánh đổ Pháp; Chính quyền Đông Dương của
Pháp lúc đó phục tùng chính phủ Vichy, đồng minh của Đức, mà Đức lại là
đồng minh của Nhật, nên Nhật không thể có ý định đánh đổ chính quyền
thuộc địa Pháp. Vả lại Nhật còn nhiều vấn đề cấp bách khác cần phải đối
phó hơn là đuổi Pháp để trao trả độc lập cho Việt Nam. Họ còn cần Pháp
giữ gìn anh ninh trật tự, bảo đảm hậu cần cho họ tại Việt Nam. Pháp đã
chấp nhận như vậy và đó là tất cả những gì Nhật muốn. Kiến Quốc Quân của
Việt Nam Quang Phục Hội đã phải trả cái giá vô cùng đắt cho lòng tin ở
Nhật, nhưng các đảng phái quốc gia vẫn chưa vỡ mộng, hoặc vỡ mộng nhưng
không nhìn thấy đường lối nào khác. Nhật chỉ đảo chính Pháp khi quốc xã
Đức đã đầu hàng và chính quyền thuộc địa Pháp sắp ngả theo phe Đồng
Minh, nhưng lúc đó Nhật cũng đã tuyệt vọng và không còn nhờ cậy được
nữa. Đến khi Nhật đã thua rõ rệt, các nhóm quốc gia lưu vong lại ngả
sang nương tựa Tưởng Giới Thạch.
Đường lối và chiến lược bao giờ
cũng là căn bản khởi đầu của mọi cuộc đấu tranh chính trị. Ccác đảng
phái quốc gia đã thiếu đường lối và không có chiến lược chung nên đã
không kết hợp được. Người ta nói nhiều về khủng hoảng lãnh đạo và che
trách các lãnh tụ quốc gia lúc đó là nặng đầu óc lãnh tụ, không ai chịu
ai. Nhưng đó chỉ là hiện tượng ngoài mặt, lý do căn bản là phe quốc gia
đã thiếu đường lối và chiến lược. Khủng hoảng lãnh đạo là hậu quả tất
nhiên của khủng hỏang về lập trường.
Tổ chức rời rạc, đường lối
không có, chiến lược cũng không, các phe phái quốc gia nhỏ bé hoàn toàn
rối loạn. Đầu năm 1945 cộng sản, dưới danh nghĩa Việt Minh, đã kiểm soát
được tình hình.
Ông Trần Trọng Kim, thủ tướng chính phủ Nam
Triều thành lập tháng 4-1945, một tháng sau ngày Nhật đảo chính Pháp,
nhận định trong hồi ký "Một Cơn Gió Bụi" như sau : "Đảng Việt Minh lúc
ấy rất hoạt động, đánh huyện này, phá huyện kia, lính Bảo An ở các nơi
phần nhiều bị Việt Minh tuyên truyền, tuy chưa theo hẳn nhưng cũng không
chống lại nữa" ; tại miền Bắc, khâm sai Phan Kế Toại "sợ hãi và chán
nãn, chỉ nói chuyện xin từ chức". Đến gần ngày Nguyễn đầu hàng, ông Hồ
Tá Khanh, bộ trưởng kinh tế của chính phủ Trần Trọng Kim, đề nghị "phong
trào Việt Minh mạnh lắm, nội các Trần Trọng Kim nên thôi đi để cho họ
làm việc may ra họ cứu được nước". Ông Hồ Tá Khanh không hề có cảm tình
nào với Việt Minh cả.
Việt Minh không hề giấu giếm là sẽ dùng
bạo lực để nắm chính quyền một mình vì lúc đó họ thấy mình là lực lượng
duy nhất. Thủ tướng Trần Trọng Kim ra Bắc, bí mật tiếp xúc với họ xin
thỏa hiệp, họ chỉ cử một "thiếu niên" (theo lời ông Trằn Trọng Kim) tới
gặp. Thiếu niên này không thèm xưng cả tên tuổi, chỉ nói thẳng cho ông
Trần Trọng Kim hay là họ không cần hợp tác với ai cả, họ sẽ cướp toàn bộ
chính quyền bằng võ lực dù cho nhân dân có mười phần chết chín đi nữa.
Ông Trần Trọng Kim gởi hai bộ trưởng Phan Anh ra Bắc và Hồ Tá Khanh vào
Nam để vận động các nhân sĩ, cả hai ông đều bị Việt Minh bắt giữ trên
đường đi. Việt Minh đã kiểm soát toàn bộ lãnh thổ.
Ngay khi Nhật
đầu hàng, ngày 14-8-1945, Việt Minh lập tức khởi nghĩa làm chủ tình hình
khắp nơi, tới ngày 19-8-1945 họ huy động dân chúng xuống đường tràn
ngập các cơ quan và nắm chính quyền tại Hà Nội. Điều này chứng tỏ họ đã
có kế hoạch chu đáo. Ngày 25-8, Bảo Đại thoái vị. Ngày 2-9, ngày Nhật
hoàng ký văn kiện đầu hàng cũng là ngày Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập
nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và công bố nội các đầu tiên của nước Việt
Nam độc lập. Các đảng phái quốc gia hoàn toàn vắng mặt.
Tháng
10-1945, quân Trung Hoa tiến vào Việt Nam, đem theo một số lãnh tụ của
Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (Việt Cách).
Nhờ sự che chở của quân Trung Hoa, Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Cách
bắt đầu công khai hoạt động, đả kích Việt Minh, đòi chia quyền. Báo
"Việt Nam" của Việt Nam Quốc Dân Đảng bắt đầu đả kích cộng sản mạnh mẽ,
Việt Cách lập được một trụ sở và một loa phóng thanh ở đường Quan Thánh.
Trong hồi ký "Những Ngày Chưa Quên", Đoàn Thêm cho hay là các buổi phát
thanh của Việt Cách mới đầu lôi kéo cả ngàn người, nhưng càng về sau
càng thưa thớy. Trần Thanh Hiệp có mặt tại trụ sở Quan Thánh trong suốt
giai đoạn này cũng nhìn nhận như vậy. Ảnh hưởng của phe quốc gia chỉ
giới hạn ở trong một vài khu phố tại Hà Nội, ra ngoài các khu này họ có
thể bị bắt và bị thủ tiêu dễ dàng. Ngoài Hà Nội, các cán bộ phe quốc gia
bị phát hiện sẽ bị thủ tiêu ngay. Người ta nói nhiều đến các chiến khu
của phe quốc gia ở phía Bắc Hà Nội, nhưng mọi nhân chứng trong thời gian
đó đều xác nhận đó chỉ là những thị xã hoàn toàn bị cô lập. Quân quốc
gia ở đó trong đại bộ phận là các toán lính khố xanh của Pháp trước đây
bơ vơ sau ngày Nhật đảo chính và được các lãnh tụ phe quốc gia kết nạp
trên đường theo quân Trung Hoa về Hà Nội. Mỗi thị xã chỉ có vài chục tay
súng và bị đội quân du kích V Minh vây kín. Sau này, khi các cấp lãnh
đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng theo quân Trung Hoa rút về nước thì khi họ
triệt thoái khỏi nơi đâu thò các thị xã lọt vào tay Việt Minh tới đó.
Tất cả bị xóa bỏ trong vòng vài ngày.
Một số người quốc gia mong
đọi quân Trung Hoa đánh dẹp Việt Minh giùm lình. Cũng may mà sự kiện này
không xảy ra, nếu không thì chỗ đứng của phe quốc gia trong lịch sử
không biết sẽ ra sao. Nhưng dù quân Trung Hoa có ra tay đánh Việt Minh
chăng nữa, họ cũng chỉ có thể đẩy quân Việt Minh ra khỏi Hà Nội và Hải
Phòng mà thôi, phần còn lại của cả lãnh thổ vẫn ở trong tay Việt Minh.
Các tướng Trung Hoa biết như vậy nên mặc dầu họ không ưa Việt Minh và
muốn bênh vực ohe quốc gia, họ chỉ có thể làm áp lực để Việt Minh nhượng
bộ phe quốc gia được phần nào hay phần ấy.
Chính do áp lực của
quân Trung Hoa mà đầu tháng 3-1946, Hồ Chí Minh đã phải nhượng bộ giải
tán chính phủ mà ông đã thành lập từ 6 tháng trước và chấp nhận thành
lập một chính phủ liên hiệp với sự tham dự của những bộ trưởng thuộc các
đảng phái quốc gia hay không có đảng phái. Vì Việt Minh đã làm chủ tình
hình nên chính phủ này hoàn toàn không có một thẩm quyền nào cả. Ông
Huỳnh Thúc Kháng (bộ trưởng Nội Vụ) tâm sự với ông Trần Trọng Kim là mọi
quyết định đều do địa phương, ông không làm gì cả, còn ông Nguyễn Tường
Tam thì nói rằng hồ sơ Bộ Ngoại Giao của ông chỉ có ba lá đơn của người
Tàu nhờ tìm nhà và tìm hộ cái ví bị mất cắp. Khi quân Trung Hoa sắp rút
đi, ông Nguyễn Hải Thần, phó chủ tịch chính phủ, bỏ nước sang Tàu. Các
lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng sau đó cũng theo đường Việt Trì, Yên Bái
chạy sang Trung Hoa. Chính phủ liên hiệp tan rã sau bốn tháng. Từ đó
Việt Minh thẳng tay tàn sát đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Chính phủ liên hiệp tháng 3-1946 dầu sao cũng đã có một tác dụng tốt cho
phe quốc gia, nhờ đó mà các cán bộ phe quốc gia không bị tàn sát thẳng
tay trong vài tháng. Sau này tôi có dịp nói chuyện nhiều lần với ông Vũ
Hồng Khanh, chủ tịch Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhân vậtà quan trọng nhất
của phe quốc gia lúc đó. Ông Khanh nói rằng nhờ co chính phủ liên hiệp
mà nhiều đồng chí của ông đã có thì giờ trốn thoát hoặc sang Trung Hoa,
hoặc sang những địa phương khác nếu không thì đã có thể bị tàn sát hết.
Tôi nghe rất nhiều người chê ông Vũ Hồng Khanh là dở. Ông Vũ Hồng Khanh
quả nhiên không phải là người lãnh đạo xuất sắc, ông kém về nhiều mặt,
nhưng ông hơn đa số những người chê ông. Mỗi lần nghĩ tới ông, tôi lại
nhớ tới câu nói của ông Ngô Thời Nhiệm : "gặp thời thế thế thời phải
thế".
Sức mạnh của Việt Minh so với phe quốc gia áp đảo đến nỗi
cho tới mãi sau này đại đa số những người cộng sản có vai trò quan trọng
vào thời điểm Cách Mạng Tháng Tám mà tôi đã được gặp, kể cả những người
ngày nay đã thất vọng, chỉ coi các phe phái quốc gia lúc đó như là
những bọn phá đám dựa hơi quân Trung Hoa, hay quân Pháp tại miền Nam, để
gây khó khăn cho họ. Thái độ của họ, dù thiên vị, cũng phản ánh tương
quan lực lượng lúc đó.
Cũng có người hiểu biết hơn, nhìn nhận
rằng sau Cách Mạng Tháng Tám, phe quốc gia đã hoàn toàn tuyệt vọng nhưng
lại chê nội các Trần Trọng Kim là hèn nhát đã đầu hàng Việt Minh và đã
để cho Việt Minh chiếm cả nước, nhờ thế mới tạo được sức mạnh. Ông Trần
Trọng Kim trả lời rằng những người này ở ngoài cuộc nên không biết rằng
lúc đó nội các của ông không làm được gì khác hơn là đầu hàng. Trần
Trọng Kim đã hỏi người chỉ huy Đoàn Thanh Niên Tiền Tuyến, đạo quân nòng
cốt của chính phủ, và đã được người chỉ huy trả lời rằng cá nhân ông ta
sẵn sàng chống lại Việt Minh, nhưng quân của ông ta thì không có gì bảo
đảm. Các đội quân giữ kinh thành cũng đều ngả theo Việt Minh hết.
Quân Nhật lúc đó có đề nghị dẹp quân Việt Minh giùm cho chính phủ Trần
Trọng kim, nhưng ông Trần Trọng Kim đã từ chối vì thấy như vậy chỉ gây
đổ máu vô ích. Quyết định của chính phủ Trần Trọng Kim là một quyết định
sáng suốt của những người có lòng yêu nước và hiểu tình thế.
Cách Mạng Tháng Tám đã là một biến cố vĩ đại trong lịch sử nước ta. Kể
từ khi người Pháp đánh chiếm Nam Bộ năm 1863, nước ta đã mất chủ quyền
hết thảy 82 năm. Chúng ta đã tủi nhục vì ngoại thuộc trong suốt thời
gian đó. Nhưng tủi nhục nhất là năm năm sau cùng. Trước đó chúng ta bị
một cường quốc đô hộ nhưng từ năm 1940 trở đi khi Pháp đã bị Đức đánh
bại, chúng ta bị một nhóm người Pháp đã mất nước, đã đầu hàng chế ngự và
chà đạp mà không làm gì được. Đáng tủi nhất là đám thực dân đã mất nước
này chẳng đông đảo gì. Sở dĩ họ đã đứng vững được là vì đã có những
người Việt Nam tiếp tay cho họ. Mỉa mai thay, những người này về sau lại
là rường cột của các chính quyền được gọi là quốc gia. Chưa bao giờ
nước ta nhục đến thế. Ngày 19-8-1945 đã là ngày người Việt Nam đứng dậy,
xác nhận nước Việt Nam cũng là một quốc gia như các quốc gia khác và
người Việt Nam cũng là những con người như những con người khác trên thế
giới.
Người cộng sản đã không cướp đoạt Cách Mạng Tháng Tám của
ai. Họ đã chuẩn bị nó, tổ chức thành công nó sau khi đã chấp nhận muôn
ngàn thử thách cho nó. Người cộng sản đã chịu phần hy sinh chính trong
suốt khoảng thời gian 1931-1945. Máu người cộng sản đã đổ ra nhiều nhất
và trong các nhà tù chính trị, tù nhân cộng sản đông gấp ba bốn lần tù
nhân của tất cả các đảng phái quốc gia cộng lại. Người cộng sản Việt Nam
đã tổ chức và lãnh đạo một mình cuộc khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam
trong Cách Mạng Tháng Tám. Họ xứng đáng được hưởng trọn vẹn vinh quang
của Cách Mạng Tháng Tám.
Nhưng những nhân chứng của Cách Mạng
Tháng Tám đều nhớ rằng cuộc cách mạng ấy đã khởi đầu với những phát súng
lục vừa động viên vừa uy hiếp tinh thần quần chúng. Chi tiết này tuy
nhỏ mà quan trọng. Đó là thảm kịch của Cách Mạng Tháng Tám, bởi vì bạo
lực đã là tinh thần chỉ đạo của nó cũng như của mọi chính sách của Đảng
Cộng Sản Việt Nam sau này và ngay cho tới bây giờ. Bạo lục này đã tàn
sát hàng trăm ngàn người yêu nước thực sự, những đứ con quả cảm nhất của
tổ quốc đáng lẽ phải được tôn vinh nhưng đã bị giết chỉ vì không tán
thành chủ nghĩa cộng sản.
Tôi phân tích và trình bày sức mạnh áp
đảo của cộng sản vào giai đoạn trước và sau Cách Mạng Tháng Tám, không
phải để tâng bốc họ mà để thấy rõ tội ác của họ. Với một sức mạnh và một
khí thế vượt trội và hơn hẳn như thế, thực ra Việt Minh không cần gì
phải tàn sát những người không cộng sản cả. Không ai làm gì được họ hết.
Họ vẫn có thể lãnh đạo cuộc kháng chiến giành độc lập, và có lẽ còn
thành công mau chóng và dễ dàng hơn nhiều, nếu không tàn sát những người
quốc gia. Nhưng họ vẫn tàn sát, như họ đã tàn sát hàng vạn người trong
Cải Cách Ruộng Đất, như họ đã hạ nhục tập thể và bỏ tù hàng loạt quân
nhân và công chức miền Nam sau này, bởi vì mục tiêu của họ không phải
chỉ la giành độc lập mà là giành độc lập để thiết lập chủ nghĩa cộng
sản. Họ đã tàn sát bởi vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào của họ, nếu có,
cũng không có một trọng lượng nào so với chủ nghĩa Mác-Lênin mà họ tôn
thờ. Có thể là người cộng sản cũng yêu nước nhưng họ không phải chỉ yêu
nước mà còn yêu chủ nghĩa, và họ yêu chủ nghĩa hơn yêu nước và trước khi
yêu nước.
Cuốn "Thời Dựng Đảng" của đảng cộng sản viết về ông Hồ
Chí Minh như sau : "các chế độ đời đời nhớ ơn bác Hồ trước hết là người
đã truyền bá chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam". Ngày nay
khi chủ nghĩa Mác-Lênin đã hiện hình trung thực dưới mắt mọi người và
mọi dân tộc như một lầm lẫn tai hại thì những đam mê mà nó khơi dậy bỗng
nhiên trở thành kệch cỡm một cách đáng thương và những tội ác một người
ta đã phạm nhân danh nó chỉ còn là một sự đần độn đẫm máu.
Nhưng tại sao "bài học 45" đã đi vào ký ức tập thể của những người chống cộng một cách sai lầm ?
Sau khi Nhật đầu hàng, người Pháp đã theo quân Anh trở lại Việt Nam và
họp lập tức nổ súng chiếm lại các tỉnh phía Nam. Ngày 19-12-1946, chiến
tranh thực sự bùng nổ tại miền Bắc và quân Pháp mau chóng chiếm được các
thành phố. Đánh chiếm đến đâu, người Pháp lập các cở cấu cai trị đến
đó. Năm 1947, họ gộp các cơ cấu này trọng một "chính phủ quốc gia Việt
Nam" do một thiếu tướng quân đội Pháp gốc Việt là Nguyễn Văn Xuân cầm
đầu. Nguyễn Văn Xuân trước đó một năm đã từng được Pháp cử làm phó chủ
tịch "Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc" trọng một âm mưu tách rời miền Nam khỏi Việt
Nam. Âm mưu này thất bại và đã đưa đến cái chết trọng ân hận của Nguyễn
Văn Thinh, nhưng cũng đã giúp cho Nguyễn Văn Xuân được Pháp thăng chức
lên thiếu tướng. Chính phủ này là một sản phẩm của Pháp, gồm những người
đã làm việc cho Pháp và đi lính cho Pháp. Năm 1948, chính phủ này được
bàn giao cho Bảo Đại sau Hiệp ước Elysées của được sự tham gia của một
số nhân vật thuộc phe quốc gia trước đây. Nhưng nó hoàn toàn không dính
dáng gì với phe quốc gia trước đây mà chỉ là sự tiếp nối của chính quyền
thuộc địa Pháp. Các đảng phái quốc gia cũ vẫn tiếp tục bị ngược đãi
ngay dưới các chính quyền quốc gia sau này. Gia đình tôi quen biết hai
người bị kết án tù chung thân và bị đày ra Côn Đảo sau cuộc đảo chính
của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930. Họ chỉ được phóng thích năm 1955,
nghĩa là 7 năm sau các chính quyền gọi là quốc gia được thành lập và sau
25 năm tù đày vì "hạnh kiểm" tốt. Ông Nguyễn Viết Nguyên, trưởng ban
binh bị của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930, cũng ở trong một trường hợp
tương tự. Ông mất cuối năm 1960. Các đồng chí của ông không được chính
quyền Ngô Đình Diệm cho phép làm tang lễ. Họ phải dọa nếu bị cấm sẽ bỏ
quan tài ở giữa đường rồi giải tán, chính quyền Ngô Đình Diệm mới nhượng
bộ. Trên đường đưa thi hài người anh hùng dân tộc đó đến nơi an nghỉ
cuối cùng, cảnh sát đứng gờm gờm hai bên đường sẵn sàng can thiệp.
Tình thế đã thay đổi, độc lập đã trở thành một mục tiêu không thể chối
cãi được, các ông quan lại, sĩ quan và cai đội thời Pháp thuộc bỗng dưng
trở thành những người lãnh đạo cuộc tranh đấu "chống cộng để bảo vệ
chính nghĩa quốc gia". Họ cần hạ uy tín của những người lãnh đạo phe
quốc gia cũ, vì dầu sao đi nữa những người này cũng là những người yêu
nước hơn họ, chống cộng hơn họ, và chính đáng hơn họ ngàn lần trước dân
tộc và lịch sử. "Bài học 45" đã được chế tạo ra như vậy và cho mục đích
đó. Dần dần vì được nhắc đi nhắc lại, nó đi vào ký ức tập thể của phe
chống cộng. Nhồi sọ và xuyên tạc lịch sử không thuộc độc quyền của phe
cộng sản.
Sau cùng, nếu cần rút ra bài học của Cách Mạng Tháng Tám ?
Trước hết, những gì đã xảy ra vào giai đoạn 1945-1946 không chứng tỏ
rằng các lãnh tụ phe quốc gia đã dại dột khi liên hiệp với cộng sản.
Chính phủ liên hiệp đã có lợi cho phe quốc gia. Nó đã cho phe quốc gia
một thời gian tương đối yên ổn để hoạt động và tranh thủ quần chúng.
Nhưng tghời gian này quá ngắn để phe quốc gia có thể khai thác để thay
đổi một tươngbquan lực lượng quá chênh lệch.
Giai đoạn 1945-1946
cũng không chứng tỏ rằng liên hiệp với cộng sản là chết. Trước đó cũng
như trong lúc đó và sau đó đã có nhiều chính phủ liên hiệp tại nhiều
quốc gia nhưng không phải phe cộng sản lúc nào cũng thắng, trái lại họ
đã bại nhiều hơn thắng. Một chính phủ liên hiệp giữa hai phe không thể
sống chung với nhhau chỉ tạo ra một tình huống mới và phe nào có tư thế
để vận dụng được tình huống đó thì phe đó sẽ thắng.
"Bài học 45"
thực sự chì là một cơ hội cho những ai đã tiên liệu nó, đã chuẳn bị cho
nó, đã chờ đợi nó. Người Việt Nam nào, nhất là người Việt Nam không cộng
sản, không thấy tủi hổ là sau những hy sinh cao cả của cuộc khởi nghĩa
Việt Nam Quốc Dân Đảng, hầu như suốt thập niên 1930, đa số trí thức Việt
Nam đã trùm chăn hưởng thụ, đã say mê những câu thơ lãng mạn, trong khi
thế giới biến động mạnh và bất ổn tại châu Âu là điều có thể nhìn thấy
và tiên liệu dễ dàng. Việt Nam đã không chuẩn bị cho cơ hội 1940 và đã
không chuẩn bị kịp cho cơ hội 1945, vì thế Việt Nam đã là Việt Nam ngày
nay. Trong chiều sâu, dân tộc nào không nhiều thì ít cũng xứng đáng với
số phận của mình.
Mười sáu năm đã trôi qua kể từ ngày cả nước qui
về một mối dưới chế độ cộng sản. Nếu các lực lượng dân chủ tiến bộ thực
tâm chuẩn bị nghiêm túc thì chúng ta đã có nhiều cơ hội. Nhưng chúng ta
không nhìn thấy những cơ hội đó. Chúng ta đã lãng phí thời giờ và nghị
lực vào những hành động hời hợt và giả tạo chỉ có tác dụng làm thuốc tê
cho cơn đau mất nước và làm thuốc an thần cho sự tuyệt vọng ngự trị
trong lòng. Chúng ta đã không hình thành được một lực lượng có tầm vóc
nào mà cũng chưa đạt tới đồng thuận về một đường lối đấu tranh nào. Nếu
có cơ hội cứu nước thì với thực trạng hiện nay chúng ta cũng không có
khả năng để chụp lấy.
Chuẩn bị cho một cuộc đổi đời và đổi chế độ
là một vệc phải làm âm thầm và kiên nhẫn từ lâu trước khi cơ hội tới.
Phe quốc gia không chuẩn bị trong những năm 1930 nên đã không nắm được
cơ hội 1940, và vì mới bắt đầu chuẩn bị từ 1940 trở đi nên đã không đúng
hẹn với cơ hội 1945. Năm 1947, Việt Minh đã mất rất nhiều uy tín, nhân
dân đã vô cùng bất mãn sau hai năm chịu đựng chính sách khủng bố thô bạo
và chờ đợi một giải pháp mới nhưng vì không có một lực lượng dân tộc
nào cả nên đã chỉ có giải pháp Bảo Đại. Năm 1954, khi Pháp đã bại trận
và người Việt Nam có thể thực sự làm chủ được vận mệnh của mình thì cũng
vì không có chuẩn bị nghiêm túc nào cả lại chỉ có Ngô Đình Diệm, con
người đã từng hợp tác với Pháp, với Bảo Đại, đã đi đêm với Nhật và đã
tiếp tay đắc lực đàn áp Việt Nam Quốc Dân Đảng khi đang làm quan. Khi
Ngô Đình Diệm bị lật đổ cũng chỉ có các tướng tá mà một phần khá lớn
xuất thân từ hàng ngũ quân đội Pháp. Cuối cùng Việt Nam đã là Việt Nam
ngày nay.
Trong công tác chuẩn bị, điều quan trọng nhất là chuẩn
bị về tư tưởng. Một phong trào hành động luôn luôn phải được một trào
lưu tư tưởng đi trước. Bởi vậy, đối thoại và thảo luận bộc trực là điều
chúng ta không thể tiết kiệm. Và có lẽ trong khi chúng ta thẳng thắn
trình bày những khác biệt chúng ta sẽ nhận ra là những khác biệt ấy
không quan trọng lắm. Lúc đó chúng ta có thể nghĩ đến kết hợp. Chỉ có
thể có kết hợp hành động giữa những con người đồng ý với nhau về mục
tiêu phải đạt tới và về con đường phải đi.
Một yếu tố cũng vô
cùng quan trọng là niềm tin bởi vì không thể có thắng lợi nếu không có
lạc quan. Niềm tin này có ba vế : tin ở sự sụp đổ chắc chắn của chế độ
cộng sản để mạnh dạn vượt lên trên những lô gích cũ, những lằn ranh cũ ;
tin ở thế tất thắng của dân chủ để dứt khoát từ bỏ những tâm lý và
phương pháp lỗi thời và hành động như những người dân chủ chân chính ;
tin ở thiện chí của nhau để đừng nhìn đâu cũng thấy kẻ thù và hoảng hốt
coi những người khác lập trường với mình là phản bội.
Đảng cộng
sản đã tiêu xài hết vốn liếng của họ. Vai trò lịch sử của họ đã hết.
Trước những vấn đề lớn của đất nước họ không còn là giải pháp mà là
chướng ngại. Hàng ngũ của họ đang tan rã. Những con người từ những quá
khứ xung đột đang nhìn cùng về một hướng và hướng đó không phải là hướng
Mác-Lênin.
Như một trái cây đã chín, chế độ cộng sản sắp rụng. Nó
có thể rụng vì bị rung cây, nó có thể rụng vì một cơn gió nhẹ và nó cũng
có thể rụng vì đã quá chín dưới trọng lượng của chính nó. Đất nước này
cần một giải pháp thay đổi. Chúng ta đang có cơ hội, tiếc rằng chúng ta
đã không đủ chuẩn bị. Nhưng cơ hội vẫn còn đó và vẫn chờ đợi chúng ta.
Nhìn lại Cách Mạng Tháng Tám trước hết là để tái lập một sự thực lịch
sử và để có thể rút ra những bài học xác đáng. Nhưng cũng có một lý do
khác thúc đẩy tôi viết bài này. Đó là một sự tương đồng giữa thời lỳ
1940-1945 và tình hình hiện nay. Năm 1940 Pháp đã bị bại trận, đã hoang
mang và rã rượi, mà chính quyền thuộc địa Pháp vẫn tiếp tục một cách
hung bạo bởi vì người Việt Nam, trừ người cộng sản, đã không chuẩn bị
trước để nắm lấy cơ hội. Ngày nay hệ thống cộng sản sụp đổ, các chế độ
cộng sản còn lại chỉ còn là những đứa con côi của một sự phá sản ; không
còn người Việt Nam nào, ngay cả những người trong guồng máy cộng sản,
muốn chế độ này tiếp tục nữa, nhưng nó vẫn còn đó do quán lực của quá
khứ. Quán lực này có một tên gọi : đó là sự sợ hãi. Sợ hãi cho tương lai
mình trong một chế độ mới hay sợ hãi một bạo lực đang hấp hối. Chúng ta
sẽ đánh bại được chế độ độc tài này nếu tháo gỡ được quán lực ấy. Lịch
sử sẽ khai thông ngay vào lúc không còn ai sợ hãi nữa, và lịch sử sẽ
thuộc về những ai tìm được giải pháp an toàn và danh dự cho tất cả mọi
người.
Thế hệ 1990 phải hơn thế hệ 1940.