Giới thiệu Dự Án Chính Trị 2015-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (chương VI)- Việt Hoàng
“…Trong
hoàn cảnh nước ta, sau bao năm dài dưới các chế độ độc tài trong đó mọi
sinh hoạt chính trị bị đàn áp, các chính đảng không những cần thiết mà
còn cần được khai sinh, khuyến khích và nuôi dưỡng…”
Giới thiệu Dự Án Chính Trị 2015-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (chương VI)- Việt Hoàng
Việt
Nam là một nước đa sắc tộc và đa văn hóa, cộng thêm một yếu tố quan
trọng là chúng ta chưa từng được sống dưới một chế độ thực sự dân chủ vì
vậy ‘văn hóa tổ chức’ của người Việt còn rất yếu kém. Điều này dẫn đến
việc chúng ta sẽ khó tìm được tiếng nói chung, đồng thuận chung trên các
vấn đề chung của đất nước. Một trong những lĩnh vực gây nhiều tranh cãi
nhất sẽ là việc ‘lựa chọn một thể chế chính trị cho Việt Nam trong
tương lai’. Lý do cũng giản dị, hiểu biết của chúng ta về chính trị còn
rất yếu cộng thêm lòng người phân tán do chiến tranh và chính sách phân
biệt của đảng cộng sản cũng như sự khác biệt văn hóa giữa các vùng miền,
tôn giáo với nhau.
Sau
khi chế độ cộng sản đi vào lịch sử, một chế độ dân chủ mới lên cầm
quyền sẽ vô cùng vất vả để thuyết phục người dân về một thể chế chính
trị mới cho Việt Nam. Một di sản lịch sử tiêu cực còn ảnh hưởng mạnh mẽ
đến người dân Việt Nam đó là người Việt mình thường không ai phục ai và
chỉ bị khuất phục bởi một kẻ mạnh hoàn toàn vượt trội. Trong khi đó, yếu
tố nền tảng cho các sinh hoạt dân chủ lại chủ yếu bằng thuyết phục để
tạo ra sự đồng thuận thay vì dùng bạo lực để áp đặt. Người xưa có câu
‘chín người mười ý’ để nói nên sự bất đồng sâu sắc về quan điểm và nhận
thức của người Việt Nam chúng ta. Có một câu chuyện tiếu lâm nói về tính
cách của người Việt rằng: nếu có ba (3) người Nhật rơi xuống một cái hố
thì họ sẽ cùng nhau giúp cho một người trèo lên khỏi hố rồi người đó sẽ
tìm cách kéo hai người kia lên.Còn nếu ba người đó là Việt Nam thì sẽ
không có ai trèo lên được khỏi miệng hố cả vì ai cũng đòi lên trước và
hai người còn lại chỉ sợ người lên trước bỏ đi mất thay vì tìm cách kéo
những người kia lên.
Đừng
nói đến người dân lam lũ mà ngay cả với giới trí thức thì vấn đề chọn
một mô hình chính trị cho Việt Nam vẫn còn gây ra những tranh cãi bất
tận. Thậm chí có những người hô hào dân chủ nhưng lại hành xử độc đoán
không khác gì những kẻ độc tài. Ở họ hoàn toàn thiếu vắng lòng bao dung
và tình yêu đối với con người và đồng bào mình.Họ cũng muốn độc quyền về
chân lý. Theo quan điểm của chúng tôi thì thà rằng chúng ta tranh cãi
gay gắt để tìm ra đồng thuận rồi hãy cùng bắt tay vào việc còn hơn là
vội vàng hoặc dùng bạo lực để áp đặt quan điểm lên người khác. Chúng tôi
cho rằng một nước Việt Nam dân chủ sẽ không có một ý kiến nào là cấm
được nêu ra và không có chủ đề nào là cấm bàn tới.Sẽ không có bất cứ ai
bị trừng phạt vì lối sống và quan điểm riêng của mình trừ khi trực tiếp
kêu gọi bạo lực.
Tất
cả các nhà tư tưởng và nghiên cứu trên thế giới đều đồng ý với nhau
rằng mọi người trên trái đất đều có trí khôn như nhau, không có dân tộc
hay giống người nào đó là hạ đẳng hay thượng đẳng cả.Sự thành công và
giàu có của các quốc gia sỡ dĩ khác nhau là do cách thức tổ chức xã hội
khác nhau. Có những nước nghèo tài nguyên nhưng lại giàu có và ngược
lại. Lịch sử nhân loại cũng đã chứng minh rằng chính thể chế dân chủ, tự
do và tôn trọng con người là lý do dẫn đến sự thịnh vượng của các quốc
gia.Dân chủ đi trước và phát triển là kết quả của dân chủ chứ không phải
ngược lại là phát triển đi trước, dân chủ theo sau như một số người vẫn
nghĩ và đó cũng là điều luôn được các nước độc tài dùng để bao biện cho
việc hạn chế các quyền cơ bản của công dân.
Có
rất nhiều bằng chứng cho nhận định này, ví dụ sự phát triển giữa hai
miền nam- bắc Triều Tiên. Cả Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên cùng là một dân
tộc, một ngôn ngữ, một mảnh đất, một giống người, một lịch sử và văn hóa
giống nhau nhưng sự phát triển giữa hai miền lại hoàn toàn khác nhau.
Sự khác nhau duy nhất mà ai cũng có thể thấy được đó là do hai thể chế
chính trị, hai mô hình nhà nước khác nhau. Một bên theo chủ nghĩa cộng
sản nên nghèo đói còn bên kia theo dân chủ nên giàu có và thành công.
Vậy
thì lý do gì người Việt Nam chúng ta lại không chọn mô hình dân chủ và
tiến bộ như Hàn Quốc để phát triển đất nước thay vì đeo đuổi chủ nghĩa
Mác-Lênin lỗi thời và độc hại?
Chương
VI Dự Án Chính Trị 2015 (DACT 2015) của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
(THDCĐN) đưa ra đề nghị về mô mình ‘Thể chế chính trị’ và những phác
thảo chính cho bản ‘Tân Hiến pháp’ của Việt Nam trong tương lai. Mô hình
thể chế và hiến pháp mà THDCĐN đề nghị không sao chép máy móc từ bất cứ
một quốc gia nào.Nó được nghiên cứu và tham khảo cẩn thận để có thể phù
hợp với tình hình Việt Nam.Sự lựa chọn về thể chế và bản hiến pháp mới
phải đảm bảo sự trong sáng, dễ hiểu và dễ thực thi.Trên hết nó phải đảm
bảo công bằng và quyền lợi cho tất cả mọi người Việt Nam, bất kỳ ở đâu,
là ai và đang làm gì.
Chương
VI DACT 2016 đề nghị những tiêu chí cơ bản và quan trọng để xây dựng
một thể chế và hiến pháp mới cho Việt Nam. Trí thức Việt Nam cần thảo
luận sôi nổi và nên dành cho nó một ưu tư và quan tâm cần thiết để chúng
ta cùng tạo ra sự đồng thuận trên lĩnh vực gây nhiều tranh cãi này.
Hiến pháp qui định thể chế chính trị và là đạo luật cao nhất và quan
trọng nhất. Nếu Hiến pháp sai thì mọi bộ luật cũng sẽ sai theo.
Một
trong những lo lắng nhất sau khi chế độ cộng sản cáo chung là sự quay
trở lại của các chế độ độc tài dưới một tên gọi khác, một vỏ bọc khác
như trường hợp nước Nga dưới thời tổng thống Putin. Một dân tộc mà dân
trí chưa cao, giới trí thức tinh hoa thì chia rẽ và mất phương hướng do
không có một tư tưởng chính trị tiến bộ dẫn đường ắt sẽ là mảnh đất màu
mỡ cho các chế độ độc tài mới nảy sinh. “Quyết tâm của chúng ta là thực hiện dân chủ một cách hiệu quả nhất và ngăn chặn sự trở lại của bất cứ một hình thức độc tài nào”.
Chế
độ dân chủ đại nghị và tản quyền sẽ là sự lựa chọn tối ưu. Một thủ
tướng đứng đầu hành pháp do quốc hội bầu ra và chịu trách nhiệm trước
quốc hội sẽ là đảm bảo tối ưu cho dân chủ.Năm trong bảy nước phát triển
nhất thế giới (G7) đều chọn mô hình này là Anh, Đức, Ý, Canada và Nhật
Bản. Pháp theo chế độ bán tổng thống và Mỹ là nước duy nhất theo chế độ
tổng thống và cũng là nước duy nhất thành công với chế độ chính trị này.
Mỹ thành công là do họ từ lúc ‘khai thiên lập địa’ chỉ biết đến một thể
chế chính trị duy nhất đó là thể chế tự do và dân chủ.Mỹ chắc chắn sẽ
thành công hơn nữa nếu chọn chế độ đại nghị.Mức độ tản quyền của nước Mỹ
có lẽ là cao nhất vì vậy họ thành công là đương nhiên.
Trong
chương VI của DACT 2015 độc giả còn biết thêm về một nhận định và quan
điểm rất mới mẻ của THDCĐN về các đảng phái chính trị, đó là: “Mọi
chế độ dân chủ đích thực đều phải trân trọng sinh hoạt chính đảng. Không
thể có sinh hoạt chính trị đứng đắn nếu không có chính đảng. Trong hoàn
cảnh nước ta, sau bao năm dài dưới các chế độ độc tài trong đó mọi sinh
hoạt chính trị bị đàn áp, các chính đảng không những cần thiết mà còn
cần được khai sinh, khuyến khích và nuôi dưỡng. Các chính đảng là yếu tố
không thể thiếu cho đất nước, và vì thế quốc gia không những không được
cấm cản mà còn phải yểm trợ sinh hoạt chính đảng’. Chúng tôi hy
vọng là các đảng phái yêu nước và có chiều dày lịch sử như đảng Đại
Việt, hay Quốc Dân Đảng… sẽ được hồi sinh mạnh mẽ để có những đóng góp
tích cực cho các sinh hoạt chính trị lành mạnh tại Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu chương VI- DACT 2015 của THDCĐN:Thể chế và hiến pháp nào cho Việt Nam?
Việt Hoàng
(12/2016)