Giới thiệu Dự Án Chính Trị 2015-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (chương VII)- Việt Hoàng

 “...Dự án ‘đánh bại độc tài và thiết lập dân chủ đa nguyên’ là một dự án rất lớn và vĩ đại vì nó thay đổi số phận của cả một dân tộc gần 100 triệu người. Chính vì thế nó đòi hỏi một sự nghiên cứu bài bản…”


Giới thiệu Dự Án Chính Trị 2015-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (chương VII)- Việt Hoàng


Chúng tôi đã giới thiệu và đi được với quí độc giả một chặng đường dài trong Dự Án Chính Trị 2015 (DACT 2015) của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN). Được bắt đầu bằng ‘nhiệm vụ lịch sử’ của mỗi người Việt Nam yêu nước (chương 1) tiếp đến là nhận định những nét chính của bối cảnh thế giới (chương 2) và bối cảnh quốc gia (chương 3). Chúng tôi đã trình bày triết lý chính trị của THDCĐN (chương 4) rồi sau đó ứng dụng triết lý chính trị này để đề nghị những định hướng lớn cho mô thức Việt Nam (chương 5). Chương 6 là đề nghị cụ thể về chế độ cụ thể cho nước Việt Nam hậu cộng sản.

Nhưng làm thế nào để đẩy lùi chế độ cộng sản và thiết lập dân chủ? Phương thức và chiến lược đấu tranh của THDCĐN là gì và như thế nào? Chương 7 sẽ trả lời cho những câu hỏi đó.

Chúng ta đều biết rằng mọi tai họa và khổ đau mà người dân Việt Nam đang phải gánh chịu suốt 70 năm qua đều do một nguyên nhân duy nhất : Đại nạn cộng sản. Nếu không có đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thì chắc chắn số phận chúng ta đã khác đi và không bi đát như bây giờ. Giải thể được chế độ cộng sản, dân tộc chúng ta sẽ bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thứ hai : Kỷ nguyên của dân chủ và tự do. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất trước mắt. Không có dân chủ và tự do thì sẽ không có phát triển, và nếu có thì cũng rất bấp bênh và tạm bợ.

Sẽ có người hỏi rằng tại sao nhiệm vụ cấp thiết nhất mà mãi đến tận chương 7 mới đề cập đến? Đây là một điểm rất khác của chúng tôi so với những tổ chức khác. Chúng tôi phân tích xong mới kết luận thay vì kết luận trước, giải thích sau. Sỡ dĩ chúng tôi phải dẫn nhập qua nhiều chương như vậy rồi mới đến phần chính là vì chúng tôi muốn mọi người hiểu rõ vì sao cần phải đánh bại chế độ độc tài ? Đánh bại nó bằng cách nào và để làm gì?

 Chúng tôi không chống ĐCSVN vì thù hận hay ghét bỏ mà chúng tôi muốn mở sang một trang sử mới cho cả dân tộc. Nếu có chống họ thì cũng chỉ vì họ là hòn đá cản đường lịch sử, chống họ là vì họ đi ngược dòng thời đại, chống họ vì họ chống lại những giá trị tiến bộ và văn minh mà loài người đang hướng tới. Chúng tôi chống họ bằng lý trí chứ không vì tình cảm nhất thời. Chúng tôi không chống để mà chống, chúng tôi muốn thay đổi thật sự cho Việt Nam.

Chúng tôi tin rằng, nếu có phương pháp và một chiến lược rõ ràng thì phong trào dân chủ Việt Nam có thể đánh bại ĐCSVN và thiết lập dân chủ. Tuy nhiên một thực tế trước mắt đó là những người dân chủ chưa có thể làm được gì ĐCSVN trong lúc này. 

Không phải vì ĐCSVN mạnh mà vì chúng ta vẫn còn nhiều nhược điểm. Nhược điểm thứ nhất của chúng ta là chưa biết làm thế nào để chiến thắng được ĐCSVN, nhược điểm thứ hai là chúng ta chưa hiểu rằng đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh có tổ chức vì vậy chúng ta chưa thể (vì chưa thấy cần thiết) bắt tay nhau để hình thành một tập hợp hay một lực lượng. 

Nếu không có lực lượng, là một tổ chức chính trị hay một tập hợp chính trị hùng mạnh và có uy tín thì mãi mãi chúng ta sẽ không làm được gì họ. Không có đội ngũ, tổ chức và phương tiện thì những người Việt Nam yêu nước sẽ không thể nào động viên quần chúng đứng dậy. Quần chúng rất thực dụng và không kiên nhẫn. Kiên nhẫn và dấn thân là đức tính của những người trí thức chính trị và của những tổ chức chính trị.

Sỡ dĩ phong trào dân chủ tại Việt Nam chưa lớn mạnh và chưa kết hợp được lại với nhau vì trí thức Việt Nam chưa biết cách hành động hiệu quả. Dự án ‘đánh bại độc tài và thiết lập dân chủ đa nguyên’ là một dự án rất lớn và vĩ đại vì nó thay đổi số phận của cả một dân tộc gần 100 triệu người. Chính vì thế nó đòi hỏi một sự nghiên cứu bài bản, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện và nhất là một đội ngũ nhân sự chính trị có hiểu biết và trách nhiệm, cuối cùng là một hệ thống tư tưởng làm kim chỉ nam cho các hành động.

Chương 7-DACT 2015 : ‘Đấu tranh thiết lập dân chủ đa nguyên’ sẽ là câu trả lời của THDCĐN cho các câu hỏi : Làm thế nào để đánh bại chế độ độc tài ? Những điều kiện cần và đủ của một cuộc cách mạng dân chủ là gì? Năm bước đi để dẫn phong trào dân chủ đến thắng lợi ra sao? Những nội dung và việc làm cụ thể của cuộc đấu tranh dân chủ này như thế nào?...

Mục tiêu cuối cùng của giai đoạn này là thiết lập một mặt trân dân chủ và gây sức ép lên ĐCSVN để đòi hỏi một cuộc bầu cử tự do trên toàn quốc.

Muốn làm được điều đó thì những người dân chủ cần phải nhớ rằng ‘đánh bại được chế độ độc tài hay không là ở các tổ chức dân chủ’ chứ không phải từ các tổ chức ‘xã hội dân sự’. Xã hội dân sự là ‘đồng minh dân chủ’ không thể thiếu được của phong trào dân chủ, tuy nhiên các tổ chức chính trị đối lập mới là nhân tố quyết định để ‘thắng thua’ với ĐCSVN.

 Những người dân chủ Việt Nam, những người yêu nước và có sự hiểu biết về chính trị, đam mê chính trị và mong muốn được cống hiến cho quê hương... cần mạnh dạn thay đổi tư duy để lấy một quyết định quan trọng cho cuộc đời mình: hãy tìm đến với một tổ chức chính trị dân chủ lương thiện, đứng đắn và yêu nước để tham gia vào tổ chức đó. Góp một bàn tay, một tiếng nói, một hành động để làm cho tổ chức mạnh lên. Chỉ có một tổ chức dân chủ mạnh mới có thể gây sức ép, buộc ĐCSVN thay đổi và chấp nhận luật chơi dân chủ. Cuộc dấn thân cho dân chủ và mở ra kỷ nguyên thứ hai cho dân tộc Việt Nam là một sự hy sinh, đánh đổi rất vinh quang và xứng đáng. Cuộc đấu tranh này sẽ mang Việt Nam từ đêm dài nô lệ đến ánh sáng của văn minh. Tương lai thuộc về chúng ta, những người đấu tranh cho dân chủ.

Hãy từ bỏ và nói không với lối đấu tranh nhân sĩ, tức là đứng một mình chứ không tham gia vào bất cứ tổ chức nào. Hãy xem đây là những ngoại lệ thay vì thông lệ. Những người vì lý do riêng mà không thể tham gia vào tổ chức thì cũng nên nhìn nhận sự giới hạn của chính mình để ủng hộ cho các tổ chức. Đánh bại độc tài và thiết lập dân chủ cho Việt Nam là một công việc rất khó khăn, một người sẽ không làm được gì vì thế nó cần có tổ chức. Tổ chức không thể hình thành nhanh chóng và vội vàng mà phải đòi hỏi nhiều cố gắng và sự bền bĩ trong rất nhiều năm. Việc xây dựng một tổ chức là điều không thể tiết kiệm, không thể không làm.

Nếu những gì mà chúng tôi đề nghị trong chương 7 được giới trí thức Việt Nam hưởng ứng và ủng hộ thì phong trào dân chủ Việt Nam nhất định sẽ thắng lợi. Một sự thay đổi và chuyển tiếp trong hòa bình sẽ diễn ra tại Việt Nam. Chúng tôi cũng hy vọng khi đọc kỹ chương này thì mọi người sẽ hiểu thế nào là ‘hành động’ và khi nào mới phải ‘hành động’ ? Hành động để chiến thắng và đem lại kết quả cuối cùng thay vì những hành động nông nổi, gây tiếng vang rồi sau đó chìm vào quên lãng.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến độc giả chương VII DACT 2015 : Đấu tranh thiết lập dân chủ đa nguyên.

Việt Hoàng
5/04/2015