Thuế đối ứng : Donald Trump lùi bước do áp lực trong nước? (Thanh Hà)

 Phải chăng do hơn 10 ngàn tỷ đô la chứng khoán tại Wall Street đã bốc hơi trong vài ngày, do áp lực của các doanh nhân và công luận Hoa Kỳ mà tổng thống Donald Trump chùn tay một tuần lễ tuyên chiến với toàn cầu về thương mại ? Hay chủ nhân Nhà Trắng nay mới nhận thấy nước Mỹ là nạn nhân đầu tiên của «biện pháp thuế đối ứng » mà ông đã rầm rộ loan báo hôm 02/04/2025 trong khuôn khổ kế hoạch gọi là « Ngày Giải Phóng » ?

A trader works on the floor at the New York Stock Exchange (NYSE) in New York City, after the White House announced a 90-day pause & lowered 10% reciprocal tariff for other countries, U.S., April 9, 2
Một nhà giao dịch chứng khoán tại thị trường New York sau khi Nhà Trắng thông báo tạm ngừng áp dụng thuế đối ứng trong 90 ngày, Hoa Kỳ, ngày 09/04/2025. REUTERS - Brendan McDermid

Mới 24 giờ trước đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Karoline Leavitt còn khẳng định tổng thống Mỹ sẽ « không bao giờ nhượng bộ », nhưng chiều qua 09/04 gặp gỡ báo chí cùng với bộ trưởng Tài Chính Scott Bessent bà khẳng định đổi ý là một nước cờ đã được chuẩn bị từ trước, là « chiến thuật » để Hoa Kỳ bắt các đối tác thương mại phải đàm phán. Mọi người còn nhớ chính ông Bessent tuần trước đã khuyên thế giới « bình tĩnh » đàm phán với Hoa Kỳ.

Về phần tổng thống Donald Trump, hôm 09/04/2025, chỉ vài giờ sau khi hàng của toàn thế giới bán sang Mỹ bắt đầu bị tăng thuế từ 10 đến 50 %, ông đã nói đến một sự « linh động » cần thiết để thích nghi với tình hình và loan báo tạm hoãn áp dụng đòn thuế quan này trong 90 ngày.

Trump thua giới tài chính 1-0

Mỹ để ngỏ cánh cửa đàm phán nhưng hàng của Trung Quốc thì vẫn bị phạt nặng, chịu mức thuế lên đến 125 %.

Truyền thông quốc tế cho rằng « Donald Trump lùi bước », thậm chí là  « nhượng bộ » khi thấy chính sách của ông phản tác dụng. Báo tài chính Anh Financial hôm 10/04/2025 chạy tựa trên trang nhất : « Donald Trump thua giới tài chính 1-0 »

Chứng khoán Mỹ đã mất giá mạnh từ cả tuần qua. Trong hai ngày 02 và 03/04/2025, hơn 6.000 tỷ đô la trị giá chứng khoán của các tập đoàn Mỹ bị xóa sổ. Tài sản của các nhà tỷ phú luôn sát cánh với Donald Trump từ khi ông còn đang vận động tranh cử bị « bào mỏng » hàng trăm tỷ đô la trong chưa đầy một tuần lễ. Chủ nhân các quỹ đầu tư lớn nhất tại Hoa Kỳ như Larry Fink (BlackRock), Bill Ackman (Pershing Square Holdings) hay Elon Musk (chủ nhân của những nhãn hiệu Tesla và SpaceX) đã cảnh cáo Trump đang « đi lầm đường » và kêu gọi ông dừng tay lại.

Các tập đoàn ngân hàng như JP Morgan và cả ngân hàng trung ương Mỹ cũng đồng loạt báo động về nguy cơ kinh tế Hoa Kỳ suy thoái vì « Thuế đối ứng sẽ tàn phá » tăng trưởng của Hoa Kỳ, nhất là khi Washington dường như « không tính tới khả năng phần còn lại của thế giới sẽ phản công ».  

Cùng lúc, tất cả các học viện kinh tế, các chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ, của phương Tây, kể cả những tiếng nói chống đối Trung Quốc mạnh mẽ nhất, đều xem « chiến lược » thương mại của Nhà Trắng là « sai lầm nghiêm trọng » nhất trong lịch sử Hoa Kỳ từ 80 năm qua.

Nhà nghiên cứu Mary E. Lovely, Viện Peterson Institute for International Economics, từng nêu lên câu hỏi khi chính quyền Mỹ áp thuế lên các quốc gia như « Bangladesh (37 %) Việt Nam (46 %), Trung Quốc (104 %), thì người dân Hoa Kỳ sẽ mua quần áo ở đâu ? Châu Mỹ Latinh bị đánh thuế 10 % liệu có đủ sức cung cấp hàng may mặc cho thị trường của Hoa Kỳ ? Thời  kỳ Vàng Son phải chăng có nghĩa là dân Mỹ phải tự may quần áo, tự chế tạo ra điện thoại ? Người Mỹ trong thế giới vàng son đó có đủ tiền để mua hàng tự nước Mỹ sản xuất ra hay không ? » 

Sức ép của công luận trong nước

Do vậy truyền thông quốc tế (ngày 10/04/2025) cho rằng tổng thống Trump đã đột ngột thay đổi chiến thuật chỉ vài giờ khi kế hoạch « Giải Phóng » nước Mỹ có hiệu lực trước hết là do « áp lực quá lớn ở trong nước », khi mà chiến tranh thương mại ông khai mào lại« đánh vào túi tiền của các hộ gia đình Mỹ ».

Song « khó khăn của các doanh nghiệp và các hộ gia đình Mỹ » chỉ là phần nổi của tảng băng. Chính trong thông báo hôm 09/04/2025 Donald Trump nhìn nhận « ông theo dõi sát diễn tiến tình hình trên thị trường » nên đã « có một sự uyển chuyển » trong đường lối lãnh đạo đất nước.

Mỹ lo thiếu tiền mặt

Hoa Kỳ hiện là quốc gia mang nợ « lớn nhất thế giới », với hơn 30.000 tỷ đô la và phải liên tục đi vay tín dụng để đài thọ cho mức sống « trên khả năng thực sự » của mình. Có điều chính sách thương mại và kinh tế của chính quyền Trump khiến các nhà đầu tư quốc tế ngờ vực. Sự ngờ vực đó phác họa ra viễn cảnh nền kinh tế số 1 toàn cầu bị « thiếu hụt thanh khoản » tương tự như trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 sau vụ ngân hàng Lehman Brothers vỡ nợ.

Lãi suất của tín dụng mà Mỹ phải đi vay đã liên tục tăng thêm trong những tuần qua. Thậm chí đầu giờ phiên giao dịch 09/04/2025, lãi suất tín dụng dài hạn (10 năm) Hoa Kỳ phải đi vay đã suýt chạm ngưỡng 5 % …

Do vậy giới trong ngành coi đây mới là động lực chích thúc đẩy tổng thống Trump « tạm lùi bước ».

Chiến tranh thương mại chưa kết thúc

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng tổng thống Mỹ đã từ bỏ chính sách bảo hộ, bằng chứng rõ rệt nhất là Washington vẫn « quyết liệt » thách thức Bắc Kinh.

Không có chuyện Nhà Trắng « khai tử » chiến tranh thương mại và để chìm vào quên lãng « Ngày Giải Phóng » nước Mỹ khỏi hàng nhập khẩu của nước ngoài. Donald Trump và các cố vấn thân cận nhất của ông vẫn tin vào chiến thuật gây áp lực tối đa để bắt cả thế giới phải đàm phán. Có điều, không chắc là những tuyên bố tự mãn và những lời lẽ khiếm nhã của tổng thống Hoa Kỳ về những quốc gia đang hối hả tìm đến Washington để thương lượng sẽ cho phép nhanh chóng đem lại những kết quả như Donald Trump mong muốn.  

Thanh Hà

10/04/2025

Nguồn: RFI Tiếng Việt