"Cách mạng màu" – nỗi ám ảnh của chế độ hay chỉ là chiêu bài chính trị ? (Thái Hà)
Vừa qua, Tuyên giáo cộng sản đã giật dây cho một số trang dư luận viên, vu cáo Đại học Fulbright là âm mưu ươm mầm cho "cách mạng màu". Kế hoạch này rất bài bản, có cả phóng sự trên kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó phóng sự này đã bị gỡ bỏ âm thầm.
Sau khi bà Hasina rời Bangladesh ngày 5/8/2024, đám đông phấn khích công kênh một binh sĩ lên vai. Ảnh minh họa
Nếu không có ai đó bật đèn xanh, thì sẽ chẳng có trò vu cáo này. Đại học Fulbright cho biết, họ đang tiến hành những bước đi pháp lý, để tự bảo vệ danh dự. Tuy nhiên, nếu có kiện và tố nhau ra tòa, thì chắc chắn, chỉ những con rối cấp dưới bị đem ra xử, chứ những kẻ trên cao sẽ không bị điều tra.
Hiện nay, ở Trung ương hình như có 2 xu hướng ngoại giao trái ngược nhau, ông Tô Lâm vội vã sang Bắc Kinh triều kiến, trong khi, ông Phan Văn Giang liên lục có những bước đi, Ít nhất, cho thấy, ông Giang đang có đường lối ngoại giao gần Mỹ hơn. Vậy thì, trong 2 nhóm trên, nhóm nào muốn chống lại cái gọi là "cách mạng màu" hay là cả hai đều chống ?
Cách mạng màu là cách gọi những phong trào phản kháng phi bạo lực, nhằm lật đổ chế độ độc tài hoặc tham nhũng, hoặc đòi hỏi sự cải cách chính trị, dân quyền, dân chủ. Rõ ràng, nhà nước độc tài cộng sản vừa độc tài, vừa tham nhũng khủng, vừa thiếu dân chủ và không có nhân quyền.
Nếu có cơ hội, người dân Việt Nam không đời nào để Đảng cộng sản tồn tại, chắc chắn, số đông sẽ ủng hộ cách mạng màu. Tuy nhiên, với Đảng cộng sản, thì bất kỳ phe nào cũng đều sợ "cách mạng màu". Cho nên, có thể hiểu, cả Phan Văn Giang và Tô Lâm đều sợ cách mạng màu.
Vậy, ai chủ trương dùng cái gọi là "cách mạng màu" để vu cáo Đại học Fulbright ?
Thực chất, dùng cái gọi là "cách mạng màu" để vu cáo Đại học Fulbright, chủ yếu là các phe phái trong Đảng đều dùng nó như một chiêu bài để đấu nhau mà thôi. Phan Văn Giang sẽ có chuyến thăm Mỹ, và sau đó Tô Lâm cũng có chuyến công du Mỹ trong tháng 9 này, trong khi đó, Đại học Fulbright là kết quả hợp tác giáo dục giữa Việt – Mỹ. Có thể hiểu, lực lượng trong Đảng không muốn ông Giang hoặc Tô Lâm gần Mỹ, đang tấn công vào Fulbright, như muốn ám chỉ, Mỹ đang có âm mưu lật đổ Đảng bằng "cách mạng màu". Theo Mỹ là phản bội Đảng.
Khả năng cao là lực lượng theo Trung Quốc nằm trong cả 2 phe Công an và Quân đội đứng sau trò tố cáo Fulbright vừa qua. Tất nhiên, phe quân đội và phe công an không phải là "vừa", họ cũng có thế và lực của riêng họ, không dễ chụp mũ họ, như chụp mũ dân.
Nếu Đại học Fulbright có âm mưu làm cách mạng màu, thì họ không thể tồn tại ở Việt Nam. Bởi chỉ cần một mầm mống xuất hiện, thì bộ máy công an khổng lồ chắc chắn sẽ không tha cho họ. Đại học Fulbright được chính quyền cộng sản chấp nhận và cấp phép, có nghĩa, họ là một tổ chức giáo dục hoạt động theo luật pháp của cộng sản. Nếu bên vu cáo có bằng chứng, thì họ đã không rút bài.
Hiện nay, các phe trong Đảng đều đang sử dụng những trò đánh dưới thắt lưng. Chính trường trong thời gian tới hứa hẹn sẽ có sôi động hơn. "Tứ trụ + Công an" đấu với "Tứ trụ + Quân đội", sẽ là trận đấu ngang tài ngang sức, sẽ là "bạo lực cách mạng" đấu với "bạo lực cách mạng".
Bao năm qua, các thế lực được cho là thân Mỹ cũng không thể xích lại gần hơn với cường quốc số 1 thế giới này. Ngay cả cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – người được cho là có xu thế thân Mỹ, cũng không thể phá rào, để kết nối mạnh hơn với Mỹ. Ông Dũng cũng phải trôi theo dòng chảy của Đảng, nghĩa là, vẫn không thể thoát khỏi Tàu. Ông Dũng chỉ thể hiện thân Mỹ khi cho con cái du học Âu Mỹ, gả con gái cho một Việt kiều Mỹ, là con của cựu quan chức Việt Nam Cộng hòa.
Lần này đi Mỹ, có lẽ Phan Văn Giang hoặc Tô Lâm cũng chỉ xích lại gần Mỹ một cách giới hạn. Sẽ khó có một lực lượng nào dám "bạo gan" tiến sát Mỹ, như Đài Loan đang làm.
Thái Hà
Nguồn : Thoibao.de, 05/09/2024