Chuyến tông du của Giáo hoàng Francis tại Indonesia (RFI tổng hợp)
Giáo hoàng và lãnh đạo Hồi giáo Indonesia ra tuyên bố chung vì Hòa bình và Môi trường
Trọng Thành, RFI, 05/09/2024
Hôm nay, 05/09/2024, tại thủ đô Jakarta của Indonesia, giáo hoàng Francis và một lãnh đạo Hồi giáo Indonesia đã ký một tuyên bố chung kêu gọi chống việc "lợi dụng tôn giáo" để kích động xung đột và "có các hành động kiên quyết" để bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Giáo hoàng Francis (ngồi) và đại giáo sĩ Hồi giáo Indonesia, Nasaruddin Umar tại Jakarta, Indonesia, ngày 05/09/2024. AP - Yasuyoshi Chiba
Theo AFP, trong "Tuyên bố chung Istiqlal", tên của thánh đường Hồi giáo Istiqlal, lớn nhất Đông Nam Á, giáo hoàng Francis và đại giáo sĩ Nasaruddin Umar đã bày tỏ lo ngại về "tình trạng mất nhân tính ngày càng trầm trọng" gắn liền với việc "xung đột và bạo lực trở nên phổ biến". Trả lời AFP, đại giáo sĩ Jakarta nhấn mạnh "chúng tôi có hai thông điệp chủ yếu. Thứ nhất là nhân loại là một, không thể chia cắt. Thứ hai là phải hành động để cứu lấy môi trường".
"Tuyên bố chung Istiqlal" là một sự kiện quan trọng hàng đầu trong chuyến tông du ba ngày của nhà lãnh đạo Giáo hội Công Giáo tại thủ đô của Indonesia, quốc gia đứng đầu thế giới về số tín đồ Hồi giáo, với hơn 241 triệu người. Đại diện của tất cả sáu tôn giáo được công nhận ở Indonesia, gồm Hồi giáo, Tin Lành, Công Giáo, Phật Giáo, Ấn Độ Giáo và Khổng Giáo, đồng ký tên vào Tuyên bố chung Istiqlal vì hòa bình và môi trường.
Theo giới quan sát, việc ký kết Tuyên bố chung Istiqlal nói trên với lãnh đạo Hồi giáo Indonesia nằm trong nỗ lực thúc đẩy đối thoại liên tôn giáo, đặc biệt là với Hồi giáo, mà giáo hoàng chủ trương. Năm 2019, giáo hoàng Francis từng ký kết một văn bản thúc đẩy nhân loại đoàn kết với đại giáo sĩ Al-Azhar, ở Abu Dhabi, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Sau chặng đầu tiên Indonesia, giáo hoàng Francis sẽ đến các nước Papua New-Guinea, Đông Timor và Singapore.
Trọng Thành
*************************
Tại Indonesia, giáo hoàng kêu gọi chống "chủ nghĩa cực đoan và thái độ thiếu khoan dung"
Thanh Phương, RFI, 04/09/2024
Indonesia là chặng đầu tiên trong chuyến tông du Đông Nam Á và Thái Bình Dương của giáo hoàng Francis. Hôm nay, 04/09/2024, tại thủ đô Jakarta, ngài đã kêu gọi "tăng cường đối thoại liên tôn giáo" để chống "chủ nghĩa cực đoan và thái độ thiếu khoan dung".
Giáo hoàng Francis và tổng thống Indonesia Joko Widodo trong buổi gặp với các nhà lãnh đạo Indonesia, xã hội dân sự và các cơ quan ngoại giao, tại phủ tổng thống ở Jakarta, Indonesia, ngày 04/09/2024. AP - Willy Kurniawan
Giáo hoàng Francis đã đưa ra lời kêu gọi trong bài phát biểu trước các đại diện chính quyền Jakarta và ngoại giao đoàn. Đối thoại liên tôn giáo là một trong những chủ đề chính của chuyến thăm Indonesia kéo dài 3 ngày. Ngày mai, ngài dự kiến gặp đại diện của 6 tôn giáo chính thức được công nhận tại nước này.
Trước đó, vào đầu buổi sáng hôm nay, giáo hoàng Francis, với vẻ khỏe mạnh và tươi cười, đã được tổng thống mãn nhiệm Joko Widodo đón tiếp trọng thể tại điện Merdeka (phủ tổng thống). Ngài đã có cuộc hội đàm riêng với nguyên thủ quốc gia Indonesia. Giáo hoàng cũng đã đến chào xã giao bộ trưởng Quốc Phòng Prabowo Subianto, người sẽ kế nhiệm ông Widodo vào tháng 10 tới sau khi đắc cử tổng thống vào tháng 2 năm nay.
Theo hãng tin AFP, khi tiếp giáo hoàng, tổng thống Widodo đã tuyên bố : "Tinh thần tự do và khoan dung là điều mà Indonesia và Vatican muốn loan truyền, nhất là trong một thế giới ngày càng bị xáo trộn".
An ninh đã được tăng cường cho chuyến thăm Jakarta của giáo hoàng. Chính quyền đã huy động khoảng 4.000 binh lính và cảnh sát cùng với các tay súng thiện xạ, đồng thời phong tỏa một số trục lộ.
Trong những thập niên gần đây, Indonesia đã phải đối phó với Hồi giáo cực đoan, mà cao điểm là các vụ khủng bố bằng bom trên đảo Bali năm 2002, khiến 202 người thiệt mạng. Sau các vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử Indonesia này, chính quyền Jakarta đã trấn áp mạnh mẽ các phong trào Hồi giáo cực đoan.
Indonesia, quốc gia có đến 17.500 đảo, là nước có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất thế giới, 242 triệu tín đồ, tức 87% dân số, trong khi cộng đồng Công Giáo chiếm chưa tới 3% dân số, chỉ khoảng 8 triệu giáo dân.
Thanh Phương