Võ Văn Thưởng, The day after (Trường Sơn, JB Nguyễn Hữu Vinh)

 Cuộc đua chức Tổng bí thư ra sao khi ông Võ Văn Thưởng rời ghế Chủ tịch nước ?

Trường Sơn, RFA, 25/03/2024

Nhậm chức Chủ tịch nước ở tuổi 52 với lý lịch làm việc bên ngạch Đảng ấn tượng, ông Võ Văn Thưởng từng được kỳ vọng sẽ là ứng cử viên nặng ký thay thế ông Nguyễn Phú Trọng ở chức vụ Tổng bí thư.


                                         Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại buổi tiệc tiếp Tổng thống Hoa Kỳ ngày 11/9/2023 - AFP

Thế nhưng, chỉ sau 1 năm 19 ngày, đường quan lộ những tưởng thênh thang của ông Thưởng bỗng tiêu tan, khi ông nhận quyết định cho thôi mọi chức vụ trong Đảng lẫn nhà nước. 

Điều duy nhất mà vị chính trị gia này còn lại là chút thể diện khi thay vì bị cách chức, người ta để cho ông được "thôi chức". 

Sự ra đi của ông Võ Văn Thưởng không chỉ khiến chiếc ghế Chủ tịch nước bị bỏ trống, một trong bốn vị trí quyền lực nhất trong nền chính trị Việt Nam thường được biến đến với cái tên "tứ trụ", mà nó còn khiến cho cuộc đua tranh chức Tổng bí thư, vị trí quyền lực nhất trong hệ thống chính trị cộng sản, trở nên gay cấn hơn. 

Thời điểm ông Thưởng bị mất chức trùng vào thời điểm mà tiểu ban nhân sự của Đảng cộng sản đang chuẩn bị công tác nhân sự cho Đại hội 14, sẽ diễn ra vào đầu năm 2026. 

Theo thông lệ, trước khi Đại hội Đảng diễn ra thì khâu bố trí nhân sự cho các chức danh cao cấp nhất, gồm các Ủy viên bộ chính trị, các thành viên tứ trụ - trong đó ghế Tổng bí thư là quan trọng nhất, cần phải được chuẩn bị kỹ càng. 

Điều này không có nghĩa mọi sự sắp đặt từ trước sẽ trở thành hiện thực, vì trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, việc bầu chọn chức danh Tổng bí thư luôn tiềm ẩn những bất định, mà theo ngôn ngữ dân gian, phải đến phút chót mới biết chiến thắng thuộc về ai. 

Thế nhưng, để được trở thành ứng viên cho chức danh đảng trưởng, một người cần phải hội tụ những tiêu chuẩn nhất định, trong đó bao gồm việc phải giữ trọn một nhiệm kỳ Ủy viên Bộ chính trị, và từng kinh qua các chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ, trưởng ban, bộ, ngành của trung ương. 

Nếu không ngã ngựa thì Võ Văn Thưởng đương nhiên sẽ là một ứng viên cho chức danh Tổng bí thư, bởi ông ta hội tụ đầy đủ mọi tiêu chuẩn do Đảng đề ra. 

Từ việc đã từng nắm giữ chức Bí thư tỉnh Ủy Quảng Ngãi, đến phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho đến chức Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, và Chủ tịch nước, cộng với việc đã là thành viên bộ chính trị hơn một nhiệm kỳ.

Do vậy, sự ra đi của vị chính trị gia quê Vĩnh Long đã dấy lên nghi vấn về một cuộc cạnh tranh quyền lực giữa những "tay đua" muốn trở thành người kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng, vì dù sao, bớt đi một đối thủ ở thời điểm quan trọng này thì vẫn tốt hơn. 

Câu hỏi đặt ra ở đây là ai được lợi từ cú ngã của ông Võ Văn Thưởng ? 

Để trả lời câu hỏi này thì cần phải xét xem những ai đang là ứng viên tiềm tàng cho chức danh Tổng bí thư ở Đại hội 14 tới đây. 

Theo giáo sư Johnathan London, chuyên gia nghiên cứu chính trị Việt Nam, thì với việc ông Thưởng bị loại, cuộc đua chức Tổng bí thư giờ đây sẽ là cuộc đua song mã : 

"Tuy rất khó để nhận định ai hưởng lợi nhiều nhất (từ việc ông Thưởng rớt đài), nhưng việc này tạo ra một cuộc cạnh tranh gay cấn giữa đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính - người thuộc bên chính phủ và có chuyên môn về phát triển kinh tế, với người đứng đầu lực lượng Công an, Tô Lâm, cả hai giờ đây là các ứng viên tiềm năng nhất cho vị trí lãnh đạo Đảng". 

Và giữa hai người này, mọi sự chú ý đổ dồn về ông Tô Lâm, người được cho là có động cơ lẫn năng lực để loại bỏ ông Võ Văn Thưởng. 

Trao đổi với đài Á Châu Tự do, tiến sĩ Lê Minh Nguyên - cựu chủ tịch đảng Tân Đại Việt, cho biết nhận định của ông : 

"Ông Tô Lâm đã đến tuổi về hưu, nhưng hiện giờ đang có rất nhiều kẻ thù, nên nếu bước ra khỏi chức Bộ trưởng Bộ Công an thì sẽ rất nguy hiểm. Ngoài chức Tổng bí thư ra thì không còn chức danh nào có thể bảo vệ ông ta. Thành ra, con đường an toàn nhất và cũng là tham vọng của ông ta là trở thành Tổng bí thư". 

Bộ Công an do ông Tô Lâm đứng đầu trong những năm qua đã điều tra hàng loạt vụ án dính dáng đến các quan chức cấp cao ở cả cấp địa phương và trung ương. 

Dân chúng đã quen thuộc với những thông báo từ tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an, mỗi khi có án tham nhũng mới. 

Nhận chức Bộ trưởng Bộ Công an từ năm 2016, nếu tiếp tục giữ chức vụ này cho đến Đại hội Đảng năm 2026, thì ông Tô Lâm sẽ hoàn thành hai nhiệm kỳ, cộng với vấn đề tuổi tác (68 tuổi khi đại hội Đảng diễn ra), và sẽ phải về hưu theo thông lệ. 

Do vậy, theo luật sư Nguyễn Văn Đài, đây là thời điểm quyết định đối với sự nghiệp chính trị của ông Tô Lâm :

"Ông Tô Lâm sẽ hoàn tất hai nhiệm kỳ trên cương vị Bộ trưởng, và theo quy định bất thành văn trong hệ thống chính trị, không người nào được giữ nhiệm kỳ Bộ trưởng thứ ba, đồng thời ở lứa tuổi của ông ấy, vào đầu năm 2026 thì đã quá 68 tuổi, cho nên cũng quá tuổi để ở lại". 

Ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Công an Tô Lâm, còn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cùng với Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai, cũng được coi là những ứng viên tiềm năng cho chức danh Tổng bí thư ở Đại hội 14. 

Riêng trường hợp của bà Trương Thị Mai thì yếu tố giới tính có thể sẽ là lực cản để bà trở thành lãnh đạo tối cao của Đảng cộng sản, bởi đảng cầm quyền chưa từng có tiền lệ bầu phụ nữ giữ chức vụ cao nhất. 

Còn cá nhân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong thời gian gần đây đang trở thành tâm điểm của các tin đồn tiêu cực liên quan đến đời sống cá nhân. 

Vấn đề đối với Bộ trưởng Công an Tô Lâm trong trường hợp ông ta thực sự có tham vọng trở thành lãnh đạo tối cao của Đảng cộng sản, đó là việc chưa từng có tiền lệ một vị Bộ trưởng được bầu thẳng lên làm Tổng bí thư. 

Các đời tổng bí thư gần đây đều xuất thân từ các vị trí thuộc "tứ trụ" hoặc vị trí Thường trực Ban bí thư. 

Do vậy, giới quan sát cho rằng rất có thể ông Tô Lâm sẽ chạy đua vào chức Chủ tịch nước thay thế ông Võ Văn Thưởng, để làm bàn đạp cho chức Tổng bí thư sau đó. 

Rất có thể trong những tuần tới đây, khi chức danh Chủ tịch nước được công bố, thì cuộc đua vào chức Tổng bí thư cũng sẽ trở nên rõ ràng hơn, khi các ứng viên lộ diện.

Trường Sơn

Nguồn : RFA, 25/03/2024

***************************

Một năm, xung quanh chân Chủ tịch nước

JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 25/03/2024

Chủ tịch nước, một trong hàng 4 nhân vật quan trọng nhất trong triều đình cộng sản, dù vẫn được coi là nhân vật ít có sức nặng bằng các chân khác, thậm chí là "hữu danh, vô thực" trong một số trường hợp.

Nhưng, là một trong bốn nhân vật được coi là đứng đầu đất nước, câu chuyện quanh chiếc ghế này cũng nói lên nhiều điều.


                                                             Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh minh họa

Chuyện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị đuổi thẳng cổ về vườn lần này gây chấn động không giống như sự kiện Nguyễn Xuân Phúc nối gót hai Phó thủ tướng là Ủy viên Bộ Chính Trị Phạm Bình Minh và Ủy viên trung ương Vũ Đức Đam ngã ngựa năm ngoái.

Cuộc "nội chiến" vẫn còn tiếp diễn

Năm trước, vụ đuổi cổ đồng chí được thực hiện ngay trước Tết, giữa mùa làm ăn và thu hoạch của lãnh đạo cấp cao, khi mà cả nước đang lo lắng, dớn dác bước vào chuẩn bị Tết nhất thì các đồng chí lãnh đạo tối cao lôi nhau ra thịt. Vậy là cái cách chơi nhau miếng ăn đến miệng còn gạt của nhau đi. Một năm làm ăn, tết nhất giỗ chạp là một dịp để các lãnh đạo có cơ hội thu hoạch, đành rằng là với hệ thống sân sau và vệ tinh, thì chuyện thu hoạch là quanh năm, nhưng dù sao thì Tết nhất vẫn cần cái không khí trịnh trọng đã.

Thế mà bỗng dưng lại cắt cơm chim của nhau, lại lôi nhau làm mục tiêu đàm tiếu cho cả nước trong ngày tết, ngày xuân rảnh rỗi và hiếm chuyện giật gân. Vậy thì đời nào cho hết nhục, rồi sau này mỗi lần nguyên Chủ tịch nước vác mặt lên họp hành, dạy dỗ dân chúng thì ai mua mo cho kịp, cho đủ để ngài nguyên Thủ tướng, nguyên Chủ tịch nước có thể đeo vào trước mặt thiên hạ.

Vậy thì cha ông đã nói rồi : "Miếng ăn là miếng nhục" vậy là nó thể hiện rõ ngay trong những lúc đó, nó đeo đẳng cuộc đời Thủ tướng, các Phó thủ tướng, Chủ tịch nước đến tận huyệt vẫn chưa hết.

Giàu có đến mấy đời chưa biết, nhưng nỗi nhục thì ngàn đời khó rửa nếu còn cái gọi là liêm sỉ, là sự xấu hổ, là nhân cách. Và không rõ, những ngài lãnh đạo ấy sẽ nghĩ gì nếu con cái có hỏi về quá trình lịch sử cống hiến cho đảng, cho dân, cho đất nước như những lời của họ đã rao giảng ngày ngày trên mọi lúc, mọi nơi ?

Biết vậy, thế nhưng dù biết "miếng ăn là miếng nhục", mà "Miếng nhục là cục thịt" nên khó có thể từ chối.

Thế mới biết rằng các đảng viên của đảng đã thấm nhuần rất sâu sắc cái quan niệm : "Vật chất quyết định ý thức" mà Chủ nghĩa Mác – Leinin đã dạy. Còn bây giờ, thì họ cũng thấm được cái gọi là "Vật chất có trước, tinh thần có sau" mà cũng Chủ nghĩa Mác – Lenin dạy họ từ xưa.

Vấn đề, là cái vật chất ấy, có được như thế nào. Chứ không phải bằng cách cướp, bằng cách lật đổ, bằng cách cách mạng như đảng vẫn quan niệm và hành động.

Cái đó mới đáng nói, chứ còn về nguyên nhân, tội trạng vì sao mà được "từ chức" thì thiên hạ đã rõ mười mươi nên không đến mức quá ngạc nhiên ở vụ ấy.

Cái đáng ngạc nhiên, là ở chỗ đằng sau vụ "từ chức" vì trách nhiệm chính trị" của "Người đứng đầu" ấy, thì cách hành xử của "Người đứng đầu" thật sự của băng đảng mới đáng nói, mới đáng để thiên hạ bàn luận suốt cả cái tết năm ngoái. Hành động của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tấp tểnh ra thò mặt lên Truyền hình chúc Tết đầu năm, tiếm quyền của Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân mới là vấn đề mà dân tình bàn luận.

Người ta ngạc nhiên hỏi : Ai mời ông ấy nhỉ ? Ông ta có chức năng quyền hạn như thế nào được quy định trong Hiến pháp hoặc luật pháp nhỉ ? Ai lại để một lão già lụ khụ ôm bỉm không xong, đầu óc lú lẫn, gây họa bao người leo lên xông nhà thiên hạ đầu năm để vận xui vận rủi cả năm không hết cho cả đất nước, cả dân tộc ?

À thì ra vậy, dù leo lẻo cái mồm là "Đảng không làm thay, đảng không bao biện" rồi thì nào là "Bình đẳng giới, tôn trọng phụ nữ"… chỉ là những câu trẻ con nói với nhau để xin kẹo mà thôi. Còn cái gọi là Nhà nước Pháp quyền thì chỉ là một trò lừa đảo.

Thế rồi cũng như bao nhiêu chuyện xã hội lôi cuốn cả đất nước đi theo những cơm áo, gạo tiền và… theo dõi những cuộc bắt bớ khác, theo dõi đại gia bị bắt và các đại án đua nhau mở như mở hội.

Thế rồi, khi cả nước đang nín thở theo dõi xem các vụ án như Vạn Thịn Phát, được báo chí cho biết là án tử ít nhất cũng được để nghị cho hơn chục nhân vật với hơn 6 tấn tài liệu, hàng ngàn bất động sản, sổ đỏ sổ hồng và hàng triệu tỷ đồng tham nhũng kia, thì nạn nhân có được ra trước tòa để đòi lại tiền của mình không, hay lại tất cả đổ vào tay đảng và nhà nước, còn nạn nhân thì được… ngồi xem Tivi.

Thế rồi khi cả nước lại bùng lên nạn "Truy vết, tốc hành, thần tốc" không phải để truy Covid-19 như trước, mà là để truy người dân uống rượu mà tham gia giao thông.

Thế rồi đủ chuyện bi hài như một tấn kịch mà người ta biết rõ tỏng tòng tong là anh Tô Lâm muốn làm ra quan trọng để cái gọi là Quốc hội có cớ mà thông qua Luật An ninh cơ cở, giao cho công an những ngành nghề nào kiếm ăn dễ nhất, lắm tiền bạc nhất. Thậm chí được "Đặc cách" giữ lại tiền phạt của người dân tham gia giao thông mà bị Công an bắt được.

Mà không chỉ tiền phạt, kể cả tiền bán biển số đẹp, tiền đấu giá thì cũng phải chia 1/3 cho công an mới được.

Sở dĩ phải công phu vậy, bởi dư luận không dễ xiêu lòng nghe anh Tô Lâm than ngắn thở dài là "Tình hình tội phạm và trật tự xã hôi phức tạp, Giấy phép lái xe bị làm giả nhiều nên phải giao công an làm cho chắc". Có điều, là dân hỏi lại : Vậy chứ bây giờ tiền giả nhiều, thẻ đảng giả cũng lắm, rồi có giao cho công an được cấp thẻ đảng và in luôn tiền cho đỡ giả không đây ?

Và ai cấp cái Chứng nhận Công an, mà bây giờ thẻ công an giả đầy chợ, đầy mạng vậy ?

Còn cái vụ để công an ăn luôn cái tiền phạt, thì các ngành khác có được giữ lại tiền phạt chia nhau không ? Các ngành như khoáng sản, dầu khí, đất đai, sau khi thu hồi được của dân, quan có chia nhau được không ? Hay chỉ là công an được quyền như vậy ?

Dân tình đang thắc mắc, đang râm ran dư luận, mọi người dân đang nín thở xem cái màn "Nồng độ cồn" nó nóng đến đâu, vụ Vạn Thịnh Phát lại đầu voi, đuôi chuột thế nào...

Thì bỗng nhiên, báo chí loan tin bắt cả cụm bí Thư Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc, cả Cựu và đương kim Chủ tịch Tỉnh Quảng Ngãi rồi cán bộ tận Vĩnh Long.

Võ Văn Thưởng "theo bước đàn anh".


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại buổi làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tháng 9/2022. Ảnh : Dũng Phương

Chuyện bắt cả ổ bây giờ không còn là chuyện lạ, bởi bây giờ tham nhũng không đơn lẻ như xưa. Nhà thơ Nguyễn Duy đã có thơ rằng :

"Cướp xưa băng nhóm làng nhàng

Cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi

Có con dấu đóng đỏ tươi

Có còng có súng dùi cui nhà tù

Cướp xưa lén lút tù mù

Cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa

Con trời bay lả bay la

Cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng"

Thế nên, bây giờ hễ cứ đụng vào đâu, là ở đó y như "đi cả ổ". Có thể khó thống kê con số các địa phương đã tiễn cả Bí thư, Chủ tịch tỉnh và các Phó Chủ tịch cùng với Giám đốc các ban bệ, ngành nọ ngành kia vào tù. Chỉ tính gần đây thôi thì đã không đủ ngón tay để đếm như Lao Cai, Hải Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai, Lâm Đồng, Thanh Hóa… rồi các ngành như Đăng Kiểm, khi sờ vào bắt từ cựu đến kim, từ Giám đốc đến nhân viên, công nhân. Đến mức là cả hệ thống tê liệt.

Bởi Nguyễn Sinh Hùng, nguyên là Chủ tịch Quốc hội đã nói : "Cứ cán bộ sai mà kỷ luật, cứ bắt hết, lấy ai mà làm việc".

Bởi cả hệ thống chính trị đã như một mớ ung nhọt, như một thi thể thối rữa bên trong, hễ chọc thủng vào bất cứ chỗ nào của tấm da, thì sẽ lúc nhúc dòi bọ chui ra hàng đống.


                            Võ Văn Thưởng ôm người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc cách đây một năm khi nhận bàn giao công việc

Điều ngạc nhiên, là ngay sau đó, có tin tức về việc Võ Văn Thưởng sẽ bị hạ bệ vì liên quan đến vụ tham nhũng vừa bị lôi ra. Những tin đồn được khẳng định và mọi sự diễn ra ngay sau đó như kịch bản đã được bí mật dưa ra trước : Võ Văn Thưởng được cho về vườn mà hưởng "Hồng phúc dân tộc".

Và người ta ngạc nhiên, không phải vì chuyện "bắt cả cụm" như đã nói ở trên. Mà người ta ngạc nhiên, là vì người ta đã nhầm, đã không hiểu về Thưởng.

Lần này, việc Võ Văn Thưởng rớt đài khác với lần Chủ tịch nước "Từ chức" vào năm ngoái. Năm đó, Nguyễn Xuân Phúc từ chức, thì vẫn còn đó câu hỏi và câu tự trả lời của người dân ngay sau khi vụ Việt Á được đưa ra để trình diễn cái gọi là xét xử.

Ở đó, con số 80% vốn của Việt Á là của ai vẫn là một bí ẩn.

Ở đó, con số 4.000 tỷ đồng thu lợi bất chính nhanh chóng được giảm xuống còn 1.235 tỷ đồng. Còn con số tiền đưa đi hối lộ từ hơn 800 tỷ, thì đột ngột giảm xuống chỉ còn lại 106 tỷ đồng.


Nên nhớ rằng, những con số nói trên đều được công bố từ cơ quan điều tra của Công an, nghĩa là "Nói có chứng, có cớ, có cơ sở chứ không phải nói mò".

Và người ta hiểu ra rằng cái quy luật "Sự vật luôn luôn vận động" đã tác động đến vụ án trong quá trình điều tra ra sao.

Còn Võ Văn Thưởng rớt đài, từ chức thì đảng đã ghi rõ ràng rằng : Vi phạm pháp luật.

Thông thường, nếu là dân vi phạm luật pháp, thì hẳn nhiên là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng Võ Văn Thưởng không phải là dân, mà là "Ta" hoặc "Chúng ta" – theo định nghĩa của Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng Văn Phòng chính phủ - Vì thế, nó phụ thuộc vào ý đảng, pháp luật chẳng thể nào dám sờ đến những nhân vật này.

Vậy thì đảng sẽ xử lý Thưởng ra sao ?

Hãy chờ xem để nhận rõ bộ mặt thật đằng sau cái "Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa" này.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 25/03/2024