Ai sẽ vào thay chức vụ Chủ tịch nước của Võ Văn Thưởng? (Benoît de Tréglodé, Thu Hằng, BBC tiếng Việt)

 Việt Nam : Chủ tịch nước bị cách chức, tổng bí thư bị tiếm quyền ?

Benoît de Tréglodé , Thu Hằng, RFI, 25/03/2024

Chưa đầy hai năm, Việt Nam lại tìm chủ tịch nước lần thứ ba. Ông Võ Văn Thưởng, người được ông Nguyễn Phú Trọng che chở, không thoát khỏi chiến dịch "đốt lò" dù trước đó ông đã được tổng bí thư "cứu" một lần. Trái với người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng ra đi với những lời chỉ trích gay gắt của Đảng : Những vi phạm, khuyết điểm của ông "đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân".


Ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam ngày 02/03/2023 trước Quốc hội, Hà Nội, Việt Nam.  AP - Nhan Huu Sang

Tại sao lần này ông Thưởng không qua được cửa ải ? Một trong những lý do gián tiếp có lẽ là tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng. Tổng bí thư dường như bị những người giúp ông làm trong sạch bộ máy đảng tiếm quyền. Trên đây là một trong những nhận định của giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM) trong buổi phỏng vấn với RFI tiếng Việt ngày 21/03/2024.


RFI : Ông Võ Văn Thưởng là chủ tịch nước thứ hai phải từ chức trong vòng hơn một năm. Đây là chuyện vô cùng hiếm trong lịch sử Việt Nam. Nên hiểu hiện tượng này như thế nào ?

Benoît de Tréglodé : Trước hết phải nói rằng đây là một sự kiện có nhiều ý nghĩa. Ông Võ Văn Thưởng, người thân cận và được tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng che chở, đã được vạch cho một sự nghiệp sáng lạn từ năm ngoái (2023). Mọi người đều cho rằng ông sẽ nắm giữ những vị trí quan trọng, kể cả chức tổng bí thư Đảng thay ông Nguyễn Phú Trọng vào thời điểm thích hợp. Ông Thưởng có cả một quá trình công tác, một sự nghiệp hoàn toàn phù hợp với những gì mà ông Trọng trông đợi ở một nhà lãnh đạo cấp cao cho Nhà nước Việt Nam. Vậy mà bỗng dưng ông Thưởng "ngã ngựa", lại vào lúc chưa đầy hai năm nữa là tới kỳ Đại hội Đảng.

Vậy có thể rút ra những bài học gì từ sự kiện này ? Trước mắt, tôi thấy được ba bài học. Thứ nhất, kể cả người được ông Trọng bảo vệ cũng "ngã ngựa", có nghĩa là ông Trọng không còn mạnh như trước đây, cho nên các đối thủ của ông tự cho phép đánh bật ông Võ Văn Thưởng. Vì vậy, bài học rút ra, đó là chủ tịch nước bị buộc thôi chức cũng đồng nghĩa với việc ông Nguyễn Phú Trọng không còn đủ khả năng ngăn cản việc này. Nên nhớ là cách đây ít lâu, đích thân ông Trọng đã can thiệp vào bộ máy Nhà nước để bảo vệ ông Võ Văn Thưởng vì một vài rắc rối liên quan đến gia đình. Nhìn từ khía cạnh này thì đây là một điểm rất đáng quan tâm.

Yếu tố thứ hai, để buộc chủ tịch nước Việt Nam từ chức, người ta lôi lại một vụ tham nhũng từ cách đây 12 năm khi ông Võ Văn Thưởng làm bí thư tỉnh Quảng Ngãi. Hậu quả vụ tham nhũng bất ngờ ập xuống sau 12 năm. Cho nên, có thể thấy đây chỉ là một cái cớ chính trị để hạ gục một người hiện trở thành mối nguy hiểm cho những mục tiêu và tham vọng của một số người khác.

Điểm thứ ba, tôi cho là vô cùng quan trọng, đó là những chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Nguyễn Phú Trọng trong khi ông vốn là một trong những người đấu tranh mạnh mẽ chống tệ nạn này ngay từ nhiệm kỳ đầu vào năm 2011. Hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ bộ Công An, dưới trướng ông Tô Lâm và bộ trưởng Công An gần như là chỉ huy chính những chiến dịch này. Trước đây, ông Tô Lâm luôn phải đối phó với ảnh hưởng rất mạnh của ông Nguyễn Phú Trọng.

Đây là ba bài học từ việc chủ tịch nước bị lật đổ mà theo tôi, mang đầy tính chính trị và tình thế.

RFI : Với tư cách là một nhà nghiên cứu, quan sát nước ngoài, ông nhận định như thế nào về việc hai chủ tịch nước bị buộc từ chức chỉ trong hơn một năm ?

Benoît de Tréglodé : Trước tiên phải nói là tôi không quá bất ngờ. Đúng là cách đây vài tháng, thậm chí là vài tuần, nhiều nhà quan sát về tình hình chính trị Việt Nam, cũng như nhiều người Việt mà tôi vẫn trao đổi, đều tin vào tương lai sự nghiệp của ông Võ Văn Thưởng. Vậy mà ông bất ngờ bị hạ bệ, một cách khá tàn bạo.

Đối với tôi, nếu nhìn vào ba bài học đã đề cập ở trên thì thời thế đã thay đổi và cuộc chiến thừa kế trong Đảng đã bắt đầu. Có thể là một số người trong vòng quyền lực thứ nhất biết được tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng và tự cho phép khơi mào cuộc chiến hay còn gọi là cuộc đấu tranh nội bộ để giữ những vị trí cao nhất trong bộ máy Nhà nước Việt Nam. Có nghĩa là cuộc tranh giành kế thừa ông Trọng đã được phát động. Nếu tình trạng sức khỏe của tổng bí thư Đảng không suy yếu như hiện nay thì chuyện lẽ ra phải xảy ra trong năm 2025 thì lại đến sớm hơn, ngay từ bây giờ. Cuộc chiến kế thừa sẽ không chờ đến tháng 01/2026 vào kỳ Đại hội Đảng sắp tới.

Một điểm khác cần lưu ý, khi tổng bí thư Đảng nắm giữ chức chủ tịch tiểu ban nhân sự, ông Nguyễn Phú Trọng cho phần còn lại của giới lãnh đạo thấy rằng ông chưa tìm được người kế nhiệm rõ ràng. Ông cho thấy là vẫn muốn có ảnh hưởng đến việc chọn người kế nhiệm. Tuy nhiên, hiện giờ, việc ông Võ Văn Thưởng bị loại cho thấy ông Trọng không còn ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm người kế nhiệm tương lai.

Tại sao chiến dịch chống tham nhũng, không biết lần thứ bao nhiêu, dường như lại loại bỏ chính người được ông Trọng bảo vệ ? Tại sao lại viện đến cái cớ cũ rích là một vụ tham nhũng ở tỉnh Quảng Ngãi cách đây 12 năm để loại ông Thưởng ? Đối với tôi, rõ ràng sự kiện này cho thấy khởi đầu của một cuộc đấu đá nội bộ giành quyền kế vị giữa các phe phái đang chi phối quyền lực Nhà nước Việt Nam.

RFI : Việc thay đổi một vị trí trong "Tứ trụ" trong khoảng thời gian ngắn như vậy sẽ tác động như nào đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế ?

Benoît de Tréglodé : Trong số 18 ủy viên Bộ Chính Trị, thực ra, theo tôi hiểu giờ còn 14, nếu căn cứ vào điều lệ Đảng để có thể được bầu vào vị trí tổng bí thư, thì có lẽ chỉ còn 4 ứng cử viên có thể đủ điều kiện. Có thể thấy là có sự thắt chặt và thay đổi khá rõ ràng.

Liên quan hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tôi cho là tác động sẽ ở mức vừa phải trong thời gian đầu. Tất cả các nhà quan sát, kể cả thuộc các tổ chức công hay tư đều biết rằng bộ máy chính trị Nhà nước sẽ có biến động trước kỳ Đại hội Đảng tới. Dĩ nhiên, chuyện lại xảy ra sớm hơn dự kiến vì như tôi nói, điều được cho là có thể xảy ra vào năm 2025 lại xảy ra ngay năm 2024. Nhưng giới quan sát đã đoán được chuyện đó.

Tuy nhiên, những xáo trộn trong nội bộ không có nghĩa là bộ máy Nhà nước Việt Nam sụp đổ, mà ngược lại, lại được củng cố. Đây chỉ là cuộc tranh giành những vị trí trống và để biết được thực sự rằng liệu nhân vật quyền lực hiện nay - tôi nghĩ chủ yếu đến bộ trưởng Công An - có đạt được mục tiêu của ông trong khuôn khổ tái cơ cấu các vị trí quyền lực đứng đầu Đảng hay không, nếu thực sự là sức khỏe của tổng bí thư tiếp tục suy yếu.

Theo tôi, hình ảnh của Việt Nam sẽ bị tác động vừa phải bởi vì điều quan trọng là tăng trưởng của Việt Nam, đúng là thấp hơn một chút so với mong đợi nhưng vẫn ở mức đáng ngạc nhiên. Nền kinh tế Việt Nam được lợi rất nhiều từ các chính sách giảm thiểu rủi ro với Trung Quốc. Tôi tin chắc là các chuyên gia về rủi ro chính trị của những đại tập đoàn, những nhà đầu tư nước ngoài lớn không thấy mầm mống bất ổn trong nước cho nên tác động kinh tế từ những biến cố chính trị sẽ ở mức vừa phải.

RFI : Việt Nam luôn ca ngợi và lấy "sự ổn định chính trị" làm lý do thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chuyện hai chủ tịch nước lần lượt phải từ chức có đi ngược lại với khẳng định này không ?

Benoît de Tréglodé : Trước tiên, quyết định tước chức vụ chủ tịch nước của ông Thưởng không phải được đưa ra trong hỗn loạn hay bất cẩn. Chúng ta biết là trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, ông Lê Hoài Trung, đã thăm Trung Quốc trong hai ngày 18-19/03. Tại tỉnh Cát Lâm, ông hội đàm với ông Lưu Kiến Siêu, trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Đây là người đối thoại của Đảng cộng sản Việt Nam trong trường hợp cần trao đổi với nước láng giềng. Có thể hình dung là vấn đề cách chức chủ tịch nước Việt Nam đã được bàn thảo ở Cát Lâm ngay hôm 18/03.

Giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có một truyền thống chính trị, đó là đề cập, trao đổi các vấn đề chính trị quan trọng. Đây hoàn toàn không phải là chuyện giới hạn chủ quyền. Cuộc gặp hôm thứ Hai (18/03) ở Cát Lâm có ý nghĩa quan trọng, cho thấy là các nhà lãnh đạo Việt Nam biết là họ đi về đâu. Quyết định không được đưa ra trong hoảng loạn mà được tham vấn kỹ càng. Quyết định đó hướng tới một mục tiêu đã xác định, đó là cân nhắc đến việc tổ chức lại các vị trí lãnh đạo, có thể sẽ được thực hiện trước dịp Đại hội Đảng lần tới vào năm 2026.

Sự ổn định này là mục tiêu trước tiên của tầng lớp chính trị Việt Nam. Họ biết tăng trưởng kinh tế là mục tiêu đầu tiên của Đảng cộng sản. Họ biết đất nước giầu mạnh là một dữ liệu căn bản để tạo ra sự ổn định về kinh tế, xã hội của đất nước. Mục tiêu này sẽ không bị ảnh hưởng vì chủ tịch nước đột ngột từ chức.

RFI : Liệu sắp tới chuyện gì có thể xảy ra ?

Benoît de Tréglodé : Chuyện này phức tạp, đó là điều mà giới chuyên gia về vấn đề chính trị ở Việt Nam thường mượn từ "Criminologie", tức một kiểu "tin đồn, tin nói hớ" để hiểu được chuyện sẽ xảy ra như nào. Tôi là một nhà nghiên cứu về Việt Nam đương đại, tôi không nằm trong nội bộ guồng máy quyền lực Việt Nam nên dĩ nhiên đối với tôi, tất cả những đồn đại này chỉ là các giả thuyết.

Một trong những giả thuyết, đó là sẽ chọn ra được một ứng viên thay thế ông Võ Văn Thưởng từ nay đến tháng Năm. Nhưng nhiều nhà quan sát nghi ngờ là liệu quyền chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân có giữ luôn thêm một thời gian chức vụ này hay không.

Ngoài ra cũng có giả thuyết là gộp hai chức chủ tịch nước và tổng bí thư, như ông Nguyễn Phú Trọng đã giữ từ 2018 đến 2021, chuyện này cũng có thể xảy ra. Đúng là một số người có thể nghĩ rằng ông Trọng sẽ kiêm nhiệm hai chức vụ nhưng tôi cho rằng một trong những lý do lật ông Võ Văn Thưởng có thể là do sức khỏe của ông Trọng xấu đi, dù chúng ta không có bất kỳ thông tin y tế nào để nắm rõ. Trong trường hợp này, ông Trọng có lẽ không đủ sức khỏe để giữ cả hai vị trí về lâu dài.

Trong số những ứng viên được nêu lên, người ta cũng nhắc đến nhân vật quyền lực hiện nay ở Việt Nam là bộ trưởng Công An có thể cũng muốn kiêm nhiệm cả hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước. Đừng quên là ông Tô Lâm đã từ chối nếu chỉ giữ một mình chức chủ tịch nước. Nhìn vào ảnh hưởng của ông trong bộ máy Nhà nước, điều quan trọng đầu tiên đối với ông Tô Lâm, có lẽ là phải tìm ra được người kế nhiệm. Đã có một vài tên tuổi và có một người thân cận mà ông muốn giao trọng trách đứng đầu bộ Công An. Vị trí này có tầm quan trọng đối với ông Tô Lâm bởi vì phải để những chiến dịch chống tham nhũng trong tương lai không "động" đến ông ấy. Cho nên ông Tô Lâm thực sự cần đến một trợ thủ đắc lực, sau đó để ông có thể rảnh rang giữ chức vụ mà ông có nhiều khả năng sẽ được giao. Nhưng đó chỉ là những giả thuyết !

Điều chắc chắn là ông Tô Lâm hiện là nhân vật trung tâm của công tác bổ nhiệm các lãnh đạo lớn sắp tới của bộ máy Nhà nước Việt Nam nên ông ấy sẽ cân nhắc và tính toán. Và có thể nói chắc chắn chính ông đã khéo léo can thiệp đến chuyện xảy ra hôm nay (21/03) với sự từ chức bất ngờ của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 25/03/2024

****************************

Khi nào Việt Nam sẽ có tân chủ tịch nước ?

BBC, 25/04/2023

Liệu Việt Nam sẽ có tân chủ tịch nước trong vòng hai tháng nữa như năm 2023 ?

Theo quy trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu chủ tịch nước.


     Việc ông Võ Văn Thưởng mất chức được coi là một 'cơn địa chấn chính trị

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu chủ tịch nước, bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, và Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu chủ tịch nước. Sau khi được bầu, chủ tịch nước sẽ tiến hành tuyên thệ nhậm chức.

Đấy là quy trình chính thức. Trên thực tế, các sắp xếp trong Đảng cộng sản Việt Nam được coi là quyết định và việc bỏ phiếu tại Quốc hội là bước hợp pháp hóa sự sắp xếp ấy của Đảng.

Điều này cũng tương tự như việc miễn nhiệm chức vụ chủ tịch nước - mà trường hợp mới nhất là ông Võ Văn Thưởng . Chúng ta có thể thấy rằng sau khi Bộ Chính trị quyết định và Trung ương Đảng tán thành việc thôi chức của ông Thưởng (trong cuộc họp ngày 20/3), cuộc bỏ phiếu miễn nhiệm ở Quốc hội sau đó một ngày chỉ là một thủ tục mà thôi.

Có thể vào tháng 5

Xét vào thời điểm ông Nguyễn Xuân Phúc bị miễn nhiệm chức Chủ tịch nước vào tháng 18/1/2023 thì ông Võ Văn Thưởng đã nhậm chức chủ tịch nước chưa đến hai tháng sau đó, vào ngày 2/3/2023.

Quốc hội Việt Nam mỗi năm họp thường lệ hai kỳ, ngoài ra có thể triệu tập họp bất thường khi hữu sự.

Kỳ họp thường kỳ sắp tới của Quốc hội khóa 15 là kỳ họp thứ 7, dự kiến khai mạc vào ngày 20/5/2024.

Dự kiến chức danh chủ tịch nước sẽ chính thức được đưa ra để Quốc hội xem xét trong kỳ họp này.

Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales nhận định với BBC News Tiếng Việt :

"Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức Chủ tịch nước, và thông thường có kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 và tháng 10. Và chúng ta có thể phải đợi từ nay đến tháng 5 để Ban Chấp hành Trung ương đạt sự đồng thuận và sau đó Quốc hội sẽ bầu chủ tịch nước".


Thời gian tại nhiệm của các cựu chủ tịch nước Việt Nam gần đây : ông Trần Đại Quang (2 năm 172 ngày), ông Nguyễn Xuân Phúc (1 năm 288 ngày), ông Võ Văn Thưởng (1 năm 19 ngày)

Theo Reuters, cuộc bầu cử chủ tịch nước có thể diễn ra trong tháng 5 khi Quốc hội tiến hành phiên họp thường lệ, trừ khi có khả năng có phiên họp bất thường được tổ chức sớm hơn.

Trở lại với vụ việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị bãi nhiệm, đã xuất hiện một thông tin đáng chú ý về các cáo buộc liên quan đến ông. Trong bài bình luận  trên kênh Channel News Asia hôm 22/3, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cấp cao từ Viện ISEAS - Yusof Ishak (Singapore), viết :

"Các nguồn tin không chính thống nhưng khả tín đã cho biết trong thời gian ông Thưởng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (2011-2014), một trong những người họ hàng của ông đã nhận 60 tỷ đồng từ tập đoàn Phúc Sơn, được cho là để ông Thưởng xây nhà thờ tổ tiên".

BBC News tiếng Việt không thể kiểm chức độc lập thông tin này.

'Công an trị'


Hàng trên: bà Trương Thị Mai, ông Vương Đình Huệ. Hàng dưới : ông Phan Văn Giang, ông Tô Lâm. Đây là những gương mặt được đánh giá có tiềm năng trở thành chủ tịch nước.

Bộ trưởng Công an Việt Nam, Đại tướng Tô Lâm đang nằm trong danh sách những ứng viên có thể trở thành tân chủ tịch nước, theo giới quan sát hiện nay.

Ông Tô Lâm, sinh năm 1957, đã giữ chức Bộ trưởng Công an gần hai nhiệm kỳ. Ông vào Bộ Chính trị từ năm 2016, hiện tham gia Bộ Chính trị ở nhiệm kỳ thứ hai của mình.

Ông cũng được cho là ứng viên cho chức Tổng bí thư trong Đại hội Đảng lần thứ 14 vào năm 2026.

Trong lý lịch của Đại tướng Tô Lâm, không thể bỏ qua vụ bê bối về thịt bò bít tết dát vàng vào tháng 11/2021 tại nhà hàng của đầu bếp Salt Bae tại Anh và đã gây bão dư luận cả trong nước lẫn quốc tế.

Ngoài ra ông Tô Lâm, trong vai trò Bộ trưởng Công an, được đánh giá là người không khoan nhượng với những quan điểm, hành động khác biệt với đường lối chính thống của Đảng cộng sản Việt Nam.

Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ) đánh giá với BBC News Tiếng Việt về cách thức mà Bộ trưởng Công an Tô Lâm "tận dụng" :

"Một khi đã dùng công cuộc chống tham nhũng làm vũ khí thì thật khó bỏ vị thần đèn trở lại trong cây đèn. Ông Tô Lâm có thể sử dụng Bộ Công an để vô hiệu hóa một cách hiệu quả các đối thủ trong Bộ Chính trị và ông ta đã làm điều này rất hiệu quả", ông Abuza đánh giá.

Giáo sư Zachary Abuza cũng nhận định nếu tân Chủ tịch nước là Đại tướng Tô Lâm thì ấn tượng "nhà nước công an trị" của Việt Nam càng đậm đà.

"Tôi nghĩ chúng ta phải xét đến bối cảnh Chỉ thị mật 24, do Bộ Chính trị Việt Nam công bố hồi tháng 7, gần đây đã bị rò rỉ. Tài liệu này đã nêu quan ngại của Bộ Chính trị về nguy cơ xảy ra cách mạng màu, diễn biến hòa bình, và tầm quan trọng của đàn áp, không chỉ nhằm vào giới bất đồng chính kiến mà còn những đối tượng tình nghi khác, xét về mặt hệ thống là nhằm vào xã hội dân sự. Điều này giống tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc".

"Chúng ta cũng nên nói đến sự thống trị của quân đội trong nền chính trị của Việt Nam, đó là sự thống lĩnh của Bộ Công an với Tô Lâm giữ vai trò lãnh đạo. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là một cựu quan chức tình báo trong Bộ Công an. Có hai ủy viên Bộ Chính trị khác cũng có xuất thân từ Bộ Công an. Nếu tính ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính, thì trong số 14 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay thì có đến 4 người là quan chức trong Bộ Công an. Đây là một điều rất đáng lưu tâm đối với người dân Việt Nam".

Hai ủy viên Bộ Chính trị khác cũng công tác trong Bộ Công an ngoài ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính mà Giáo sư Zachary Abuza nhắc tới là ông Phan Đình Trạc, cựu Giám đốc Công an Nghệ an và ông Nguyễn Hòa Bình, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, Bộ Công an.

Giới quan sát cũng cho rằng nếu ông Tô Lâm lên làm Chủ tịch nước, thì ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương, có thể là một trong những ứng viên có khả năng kế nhiệm chức Bộ trưởng Công an.

Hiện Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đàn áp những người chỉ trích Đảng cộng sản Việt Nam giữa lúc chính phủ nước này vận động để có chân trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ tiếp theo, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) nhận định.

"Chính quyền Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 160 người vì đã ôn hòa thực hành các quyền dân sự và chính trị của mình. Chỉ tính riêng trong mười tháng đầu năm 2023, các tòa án đã kết tội ít nhất là 28 người vận động cho nhân quyền và xử họ các bản án tù nhiều năm", theo thống kê của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) vào tháng 1/2024.

Ba tiếng nói bất đồng mới nhất bị bắt giữ đều với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" là Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Vũ Bình vào ngày 29/2 và Hoàng Việt Khánh, bị khởi tố vào ngày 1/3 tại Lâm Đồng.

Làn sóng trấn áp còn lan sang các nhà hoạt động môi trường với tội danh "trốn thuế" hoặc "chiếm đoạt tài liệu" sau khi họ tham gia hoạt động nhằm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhiệt điện than.

Giới quan sát cho rằng rõ ràng đã có làn sóng đàn áp mới đối với xã hội dân sự, đặc biệt là khu vực tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước, với một số người làm trong các NGO bị bắt, như Hoàng Thị Minh Hồng, Ngô Thị Tố Nhiên...

Nguồn : BBC, 25/03/2024