Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng: Nhóm lửa giữa rừng khuya (Đinh Hoàng Thắng)

 Rừng khuya rồi sẽ sáng. Không hôm nay thì ngày mai. Bởi vì, ‘bao giờ mai cũng sẽ là một ngày mới’ (After all, tomorrow is another day). Xã hội dân sự là quá trình tiệm tiến và phi bạo lực. Sứ mệnh cao cả của ‘Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng’ chính là thắp sáng niềm tin từ đêm dài toàn trị…

Đinh Hoàng Thắng

Trong đêm trường của thể chế công an trị, đốm lửa của tổ chức dân sự có tên ‘Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng’ vẫn không tắt. Thư tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản của ông Lê Hiếu Đằng. Ảnh minh họa

Ngày 24/2/2024, ‘Bố cáo nhân mười năm ra đời của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng’ xuất hiện như một đốm lửa, như một ngọn nến giữa rừng khuya của chế độ.

Chế độ ấy giờ đây chỉ còn cộng sản ở cái tên, chỉ cộng sản trên danh xưng nên lại càng sắt máu. Trong lịch sử, khi người Pháp thốt lên ‘cách mạng ăn thịt chính những đứa con của mình’ (la révolution mange ses enfants), tức là họ đã cảnh báo trước nguy cơ ‘quyền lực bị tha hóa’, có nghĩa là cuộc đổi đời nào cũng dễ bị phản bội.

Đó chính là lý do vào phút cuối trên giường bệnh, trước khi nhắm mắt lìa đời, Lê Hiếu Đằng đã nhận thức ra, và dám kêu gọi hành động để chứng tỏ sự ‘phản tỉnh hoàn toàn’ của mình. Ngọn cờ thiêng ngày nào nhưng tay những người phất cờ giờ đã bị hoen ố.

Trong đêm trường của thể chế công an trị, đốm lửa của tổ chức dân sự có tên ‘Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng’ vẫn không tắt. Những tia lửa ấy lấp lánh xuyên màn đêm.

Bằng chứng là Câu lạc bộ đã ra đời từ mười năm trước nhưng cam kết trong ‘Bố cáo’ mới đây vẫn khẳng định: ‘Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng (Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng) tiếp tục kiên trì, bền bỉ thực hiện sứ mệnh của mình’, cùng với các tổ chức xã hội dân sự khác như Câu lạc bộ Phan Tây Hồ, Diễn đàn Xã hội Dân sự..". (1).

‘Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ’ (Tố Hữu), vừa ra đời, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng bị mắc kẹt ngay giữa hai làn đạn. Một số anh chị em từ hải ngoại đã công kích, coi những người khởi xướng Câu lạc bộ muốn noi gương Lê Hiếu Đằng, nhưng lại không vượt qua nỗi sợ hãi, thay vì thành lập ngay một chính đảng đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam giống với Đảng Dân chủ Xã hội, như ước muốn chưa đạt của người đã khuất, các anh chỉ thành lập ‘Câu lạc bộ mang tên Lê Hiếu Đằng’.

‘Phản pháo’ từ đảng cộng sản và chính quyền trong nước cũng kịch liệt không kém, đã quy kết cho các tổ chức xã hội dân sự nói chung và bản thân Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng nói riêng ‘được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm thực hiện mưu đồ chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam’. Vẫn theo lập luận của Tuyên giáo, sau thất bại trong hoạt động chống phá Việt Nam ở các giai đoạn trước, hiện nay, các thế lực thù địch xem việc củng cố và thúc đẩy ‘xã hội dân sự’ theo mô hình phương Tây là một hướng đi mới, là một trong những phương thức tác động cơ bản của chiến lược ‘diễn biến hòa bình’, với mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Mục đích bị tố giác ở đây là ‘lợi dụng vấn đề xã hội dân sự để tìm cách thúc đẩy sự xuất hiện các lực lượng, tổ chức chính trị đối lập, làm suy yếu sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam’ (2).

Án tại hồ sơ ! Nếu chiểu theo các điều 117 và 331 của Bộ Luật hình sự thì tất cả những ai đến với Câu lạc bộ đều có thể vào "nhà đá".

Nhưng rồi Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng vẫn cứ ra đời, vẫn cứ an nhiên tồn tại và phát triển liên tục suốt hơn mười năm qua ! Đơn giản là bởi vì, sứ mệnh của Câu lạc bộ không phải như anh em bên ngoài tưởng tượng, mà cũng chẳng giống với các điều tra bên an ninh Bộ Công an quy kết. Như ‘Bố cáo’ đã chỉ rõ, mục đích và sứ mệnh của Câu lạc bộ là ‘truyền bá và thực hành tư tưởng của chí sĩ Phan Châu Trinh : Góp phần ‘KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH’ một cách ôn hòa, bất bạo động. Từ đó mong muốn hình thành nên xã hội dân sự, góp phần thúc đẩy dân chủ hóa, tiến bộ xã hội. 

Bởi lẽ, đấy là chiều hướng phát triển tất yếu của thực tiễn và lịch sử Việt Nam, đồng thời hoàn toàn phù hợp với các xu thế thời đại : toàn cầu hóa chính trị (dân chủ hóa), toàn cầu hóa kinh tế (tự do hóa thị trường) và kiến tạo một chế độ do dân, vì dân (nhà nước pháp quyền). Sự hình thành ‘tam vị nhất thể’ này là xu hướng không thể đảo ngược. Để thực hiện tôn chỉ mục đích của mình, Câu lạc bộ chủ trương đấu tranh cải thiện tình hình từng bước một, dù kết quả ban đầu còn khiêm tốn thì vẫn hơn các hoạt động lật đổ. Đối lập chưa bao giờ đồng nghĩa với lật đổ !

Với những chủ trương như thế, thiết nghĩ tất cả anh chị em cả trong nước lẫn hải ngoại, đều đồng lòng nhất trí. Với quá trình chắt lọc, chuyển hóa chế độ độc tài, tích lũy cho đủ ‘lượng dân chủ’ để chuyến hóa ách ‘độc tài’ thông qua tiến trình ‘dân chủ hóa’. Giống như hiện tượng nước sôi ngưỡng 100 độ thì mới bốc hơi ; hay giống như thời gian cần và đủ cho con ngài ‘lột xác’ thành bướm. Đấy là qui luật khách quan mà ý chí chủ quan của con người không ai có thể cưỡng lại được, không một thế lực nào dù chuyên chế đến mấy cũng không thể ngăn chặn nổi.

Chính những người ban đầu phê phán Câu lạc bộ về sau hẳn cũng sẽ đồng ý như thế (3) ! Sự nghiệp đổi mới càng diễn tiến, Việt Nam ngày càng đi vào giai đoạn của sự cởi mở tương đối, bao gồm cả xã hội dân sự. Một trong những đỉnh cao đáng ghi nhớ là năm 1995, sau khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, ký Hiệp định khung với EU và gia nhập ASEAN. Từ đấy, các nguồn đầu tư nước ngoài bắt đầu gia tăng, số lượng đáng kể các tổ chức phi chính phủ (NGO) bắt đầu hoạt động trong nước. Cục diện địa-chính trị và địa-kinh tế của Việt Nam từ 2023 càng mở ra một số hứa hẹn…

Mười năm chỉ là một chặng. So với toàn bộ cuộc tiến hóa, con đường phía trước không kém phần chông gai và thách thức. Nhưng sự vật rồi sẽ không phải phát triển theo cấp số cộng, chúng sẽ tiến hóa theo ‘phép lũy thừa’ một khi bắt đầu có sự chuyển động. Cho nên hãy tạo các cơ sở nền tảng để sự vật tự nó vận động và phát triển. Cộng đồng người Việt trong và ngoài nước có nhiều quan điểm khác nhau về đánh giá tình hình là chuyện bình thường.

Câu lạc bộ lắng nghe tất cả, vì quan điểm thì không thể nói đúng hay sai, đó chỉ là quan điểm. Đúng hay sai phải có thời gian kiểm nghiệm. Nhưng những người trên thực địa, thông qua trải nghiệm đấu tranh từ chính cuộc đời của họ, bao giờ cũng có cách nhìn gần sát với thực tế. Bàn về quá trình tiến hóa để đi đến dân chủ, ở Việt Nam hiện đang sôi động một cuộc thảo luận về ‘con đường Phan Châu Trinh’. Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A có một tiểu luận đi tìm trả lời cho câu hỏi : ‘Vì sao Phan Châu Trinh chưa thành công ?’

Sau khi nêu sáu tư tưởng của Phan Châu Trinh, Nguyễn Quang A cho rằng, công cuộc hiện đại hóa không nhất thiết dẫn đến dân chủ, nó tạo ra một số điều kiện cần nhưng chưa đủ cho quá trình dân chủ hóa (chẳng hạn các nước rất giàu ở Vùng Vịnh, hay sự phát triển về kinh tế, khoa học công nghệ, hiện đại hóa của Trung Quốc đã không trực tiếp dẫn đến dân chủ).

Nhưng điều tuyệt vời là, theo nghiên cứu của Nguyễn Quang A, lý thuyết dân chủ hóa toàn diện nhất hiện nay – được công bố năm 2013 – lại minh chứng rất rõ ràng cho các tư tưởng chủ đạo mà Phan Châu Trinh đã đưa ra hơn một trăm năm trước đây (4). Tiếc thay Phan Châu Trinh mất quá sớm, tư tưởng của Cụ chưa thâm nhập sâu vào các tầng lớp nhân sĩ trí thức và quần chúng nhân dân, trong khi tình hình thế giới thì chuyển biến quá mau lẹ. Vì thế, quan điểm bạo lực cướp chính quyền áp đảo quan điểm cải tạo ôn hòa. Việc cải tạo ôn hòa đòi hỏi phải có thời gian dài đấu tranh chuyển hóa sự vật từng bước một.

Ngày nay chúng ta tiếp tục thực hành tư tưởng của chí sĩ Phan Châu Trinh như thế nào có thể tìm thấy tại các kết luận của tiểu luận. Nội dung các kết luận ấy ‘update’ kiến thức mới của thời đại, xứng đáng được bàn luận rộng rãi trong nhiều giới, nhằm đạt tới những suy nghiệm nghiêm túc để hành động trong tình hình hiện nay. 

Ở đây, chỉ nhấn mạnh một trong những kết luận quan trọng nhất, Phan Châu Trinh chưa thành công, bởi vì người Việt thời bấy giờ chưa hiểu hết các ý tưởng của Cụ. Thậm chí, các nhà cầm quyền ở Việt Nam từ bấy đến nay hầu như đều làm ngược lại tư tưởng của Cụ, đặt nặng duy nhất vào phương pháp bạo động, vọng ngoại, không chú ý đến việc xây dựng các nguồn lực hành động của nhân dân, thậm chí có những lúc còn hủy hoại chúng (cải tạo công thương, tiêu diệt khu vực kinh tế tư nhân, ngăn sông cấm chợ gây khó khăn cho phát triển kinh tế, cho các nguồn lực vật chất ; ngăn cản sự phát triển lành mạnh của xã hội dân sự gây hại cho nguồn lực kết nối ; đàn áp khốc liệt các phong trào xã hội) (5). Muốn phát triển đất nước, chúng ta cần tiếp tục bổ sung và làm phong phú thêm các tư tưởng của Cụ Phan và thực hiện chúng ngay trong hiện tại và tương lai để tiếp tục ‘con đường của Phan Châu Trinh’.

Đinh Hoàng Thắng

Nguồn : VOA, 01/03/2024

Tham khảo :

(1) https://baotiengdan.com/2024/02/25/bo-cao-nhan-10-nam-ra-doi-cua-cau-lac-bo-le-hieu-dang/

(2) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-tieu-diem-10-06/-/2018/499787/nhan-dien-va-dau-tranh-voi-am-muu%2C-hoat-dong-loi-dung-van-de-%E2%80%9Cxa-hoi-dan-su%E2%80%9D-de-chong-pha-dang%2C-nha-nuoc%2C-hong-chuyen-hoa-che-do-chinh-tri-o-viet-nam.aspx

(3) https://www.voatiengviet.com/a/viet-ve-va-viet-cho-nhung-nguoi-sang-lap-cau-lac-bo-mang-ten-le-hieu-dang/3026372.html

(4 và 5) https://www.luatkhoa.com/2024/02/vi-sao-phan-chau-trinh-chua-thanh-cong/

**************************

Bố cáo nhân 10 năm ra đời của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng

Lê Thân, Nhật Ký Yêu Nước, 27/02/2024

Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng được thành lập tính đến nay đã tròn 10 năm (10/2/2014 – 10/2/2024).


Lê Hiếu Đằng đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước, chống xâm lăng, đấu tranh ôn hòa, chống độc tài, đòi dân chủ và đa nguyên cho Việt Nam. Ảnh minh họa ông Lê Hiếu Đằng trong một lần biểu tình chống Trung Quốc ở Sài Gòn năm 2013. Nguồn : RFA

1. Bối cảnh ra đời

Lê Hiếu Đằng là thủ lĩnh phong trào đấu tranh của sinh viên Sài Gòn và các đô thị miền Nam trước năm 1975 ; ông từng bị nhà chức trách Việt Nam Cộng Hòa kết án tử hình. Sau năm 1975 ông là luật sư, chức vụ trong chính quyền là Phó Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Lê Hiếu Đằng mất ngày 22/1/2014 (nhằm 22 tháng Chạp, Quý Tỵ). Trong thời gian trọng bệnh, ông đã chia sẻ những nỗi niềm trăn trở, những lời tâm huyết với các bạn bè về thực trạng đất nước và những sai lầm của đảng cầm quyền đi ngược lại ý nguyện và những đóng góp của những người đã xây dựng nên chế độ, trong đó có ông.

Lê Hiếu Đằng là một trong 72 người đầu tiên đã kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 2013. Ông cũng là người đi đầu trong các cuộc biểu tình ở thành phố Hồ Chí Minh chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam. Ông lớn tiếng phê phán chính quyền đã vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền khi trấn áp những người Việt Nam yêu nước biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo. Lê Hiếu Đằng đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước, chống xâm lăng, đấu tranh ôn hòa, chống độc tài, đòi dân chủ và đa nguyên cho Việt Nam.

Trung thành với những di sản, tâm nguyện của Lê Hiếu Đằng, sau khi ông mất, ngày 10/2/2014, các đồng đội cũ của ông đã họp mặt tại công viên Văn Thánh, thành phố Hồ Chí Minh, chính thức thành lập Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng và bầu bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm làm Chủ nhiệm câu lạc bộ. Ba năm sau, Hội nghị ngày 19/2/2017 bầu ông Lê Thân, bạn chiến đấu của ông Lê Hiếu Đằng làm Chủ nhiệm.

2. Mục đích / Sứ mệnh của Câu lạc bộ

Truyền bá và thực hành tư tưởng của chí sĩ Phan Chu Trinh : Góp phần "KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH" một cách ôn hòa, bất bạo động ; từ đó mong muốn hình thành nên xã hội dân sự, góp phần thúc đẩy dân chủ hóa, tiến bộ xã hội.

3. Một số hoạt động của Câu lạc bộ 10 năm qua

Trong 10 năm qua, Câu lạc bộ Lê Hiếu đằng đã theo sát tình hình chính trị xã hội, kinh tế của đất nước và thời sự thế giới, để có những phản ứng phù hợp.

3.1. Các hoạt động thực tế :

- Các thành viên Câu lạc bộ đã tham gia một số cuộc biểu tình phản đối Trung quốc gây hấn ở Biển Đông, cướp phá tàu thuyền của ngư dân đánh bắt trên vùng biển Việt Nam, đưa giàn khoan 981 xâm phạm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phản đối Tập Cận Bình sang Việt Nam phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, phản đối Luật Đặc khu cho Trung Quốc thuê đất 99 năm ở những vị trí trọng yếu bảo vệ đất nước là Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc.

- Tổ chức tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh bảo vệ Tổ quốc : Thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa 19/1/1974, các đồng bào, chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 17/2/1979, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh trên đảo Gạc Ma, thuộc Trường Sa 14/2/1988.

- Thường xuyên tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ bà con dân oan ở một số nơi ; thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình tù nhân lương tâm trong điều kiện cho phép.

3.2. Ra những tuyên bố, kiến nghị :

Trước những sự kiện, những vấn đề cấp thiết của đất nước, Câu lạc bộ luôn lên tiếng có tính phản biện, góp ý, kiến nghị :

- Tuyên bố Biển Đông số 1, 2, 3, 4, 5, 6.

- Tuyên bố về Thủ Thiêm 1, 2, 3.

- Thổi bùng Ngọn lửa Phan Chu Trinh.

- Tuyên bố về Quyền tự do lập hội và quyền biểu tình.

- Thư gởi ông Nguyễn Phú Trọng về thay đổi nội dung điều 4 Hiến Pháp.

- Hãy cứu lấy Đồng bằng sông Cửu Long.

- Thư ủng hộ Nhân dân Ukraine.

- Chống Tham nhũng và sửa đổi Luật Đất đai.

- Tuyên bố đã đến lúc thực hiện điều 25 Hiến pháp.

- Tuyên bố Phản đối chặt phá 600 ha rừng nguyên sinh Bình Thuận để làm hồ thủy lợi.

- Tuyên bố yêu cầu nhà nước Việt Nam nâng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

- Thư ủng hộ Nhân dân Ukraine.

- Thư gởi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa.

- Tuyên bố về 50 năm ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm.

- Tuyên bố 45 năm cuộc chiến tranh tự vệ chống xâm lược Trung Quốc (17/2/1979).

- và nhiều tuyên bố khác…

3.3. Tác dụng của những tuyên bố, kiến nghị nói trên :

Mỗi tuyên bố, kiến nghị của Câu lạc bộ trước khi công bố đều được gửi đến các thành viên để lấy ý kiến, được gửi đến các Tổ chức xã hội dân sự trong nước để góp ý và cùng lên tiếng. Nhờ vậy, các tuyên bố, kiến nghị đã được một số tổ chức, đông đảo nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp xã hội trong và ngoài nước đồng ký tên.

Các tổ chức xã hội dân sự đồng hành :

- Lập Quyền dân, do Nhà Nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Khắc Mai đại diện ;

- Diễn Đàn xã hội dân sự, do Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A đại diện ;

- Bauxite Việt Nam, do Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đại diện ;

- Câu Lạc Bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, do Giáo sư Nguyễn Đình Cống đại diện ;

- Câu Lạc Bộ Phan Tây Hồ, do Tiến sĩ Hà Sĩ Phu đại diện ;

- Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập, do Nhà văn Nguyên Ngọc đại diện.

Kết luận :

Tình hình đất nước và thế giới ngày càng thay đổi. Sự ra đời của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng và các tổ chức xã hội dân sự là xu hướng tất yếu của các xã hội tiến bộ, văn minh. Những việc làm của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng chỉ là bước đầu vô cùng khiêm tốn, nhưng nó gợi ra phương hướng hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự trong bất kỳ một quốc gia nào muốn tiến tới dân chủ, văn minh và phồn thịnh trong hoà bình, ổn định, tránh được những bất ổn xáo trộn, đổ máu không đáng có.

Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng sẽ tiếp tục kiên trì, bền bỉ thực hiện sứ mệnh của mình.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng hai năm 2024

TM Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng

Chủ nhiệm Lê Thân

Nguồn : fb.NhatKyYeuNuoc, 27/02/2024