Đảng "quyết liệt" diệt tham nhũng do tình trạng sức khỏe của tổng bí thư? (Thu Hằng, Benoît de Tréglodé)
Đảng và Nhà nước coi tham nhũng là "giặc nội xâm". "Công cuộc đốt lò" năm 2023 đã buộc "9 cán bộ diện Trung ương quản lý thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác" (1), trong đó có chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ba bộ trưởng liên quan đến các vụ Việt Á, "chuyến bay giải cứu" tại Cục lãnh sự, Bộ ngoại giao. Năm 2023, số vụ phạm tội tham nhũng và chức vụ được phát hiện tăng 51,63%, theo số liệu được bộ trưởng công an Tô Lâm công bố (2).
Tổng bí thư Đảng cộng sản việt Nam tiếp đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/12/2023. AP - Minh Hoang
Năm 2024 được đánh dấu với đại án Trương Mỹ Lan - tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị đưa ra xét xử trong hai tháng 3 và 4 liên quan đến nhiều cán bộ Nhà nước. Báo mạng Gavroche-thailande nhận định vụ Vạn Thịnh Phát, với số tiền chiếm đoạt lên tới 304.000 tỷ đồng (12,4 tỷ đô la), có lẽ là vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Đông Nam Á, vượt qua cả vụ biển thủ 4,4 tỷ đô la từ quỹ 1MDB ở Malaysia.
Tình trạng tham nhũng và chống tham nhũng tại Việt Nam được thể hiện qua hai ý trong câu hỏi được nêu trong hội thảo ngày 18/10/2023 của Ban Nội chính Trung ương ở Hà Nội : "Chúng ta đã quyết liệt xử lý cán bộ, vì sao vẫn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng lớn ?". Chủ trương chống tham nhũng trong năm 2024 sẽ "tiếp tục tinh thần của tổng bí thư" là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", với chủ trương 6 "hơn", trong đó có "năm nay phải tốt hơn năm trước".
Tuy nhiên, một số nhà quan sát e rằng chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt tác động đến ổn định về kinh tế. Nhiều lãnh đạo địa phương hoặc cán bộ "ngại" ký các hợp đồng đầu tư vào cơ sở hạ tầng do sợ bị cáo buộc tham nhũng. Một số khác, được trang Gavroche trích dẫn, cho rằng các cuộc điều tra tham nhũng trong lĩnh vực tư nhân tác động đáng kể đến lòng tin của các doanh nghiệp ở Việt Nam, dẫn đến tâm lý lo ngại chung về các cuộc điều tra và giám sát của Đảng cộng sản (3).
Một hệ quả khác của "công cuộc đốt lò" là hiện giờ, dường như ông Nguyễn Phú Trọng chưa tìm được người thay thế dù đã già yếu và giữ chức tổng bí thư ba nhiệm kỳ liên tiếp. Đây là một trong những nhận định của giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược (IRSEM), Trường Quân sự Pháp, khi trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt.
************************
RFI :Trong cuộc họp ngày 01/02/2024, Ban Chỉ đạo Trung ương nhấn mạnh "Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực : Năm nay phải tốt hơn năm trước". Ngay đầu năm đã có hàng loạt đại án tham nhũng. Liệu 2024 sẽ là "năm chống tham nhũng" của Việt Nam ?
Benoît de Tréglodé : Trước tiên, việc gia tăng chống tham nhũng ở Việt Nam cho thấy một điều, đó là cuộc chiến kế thừa vị trí của ông Nguyễn Phú Trọng giờ đã được khởi động. Thường thì cuộc đua diễn ra vào năm trước kỳ Đại hội Đảng, giờ còn đến hai năm nữa, nhưng điều này diễn ra trong bối cảnh tình trạng sức khỏe khó lường của tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, cũng như những tin đồn về sức khỏe của ông.
Năm trước mỗi kỳ Đại hội Đảng, thay đổi thành phần lãnh đạo Nhà nước, là năm đầy những chiến dịch chống tham nhũng. Cũng cần biết là khi chính quyền Việt Nam tung một chiến dịch chống tham nhũng thì ẩn sau những phát biểu tốt đẹp thường còn có ý đồ làm mất uy tín hoặc bỏ tù những nhân vật chủ chốt của phe cạnh tranh chính trị.
Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 14 dự kiến tổ chức tháng 01/2026. Hiện có nhiều thắc mắc về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, cho nên, nếu nhìn từ khía cạnh này thì chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ hiện nay là chuyện bình thường. Nhưng để hiểu thực sự về việc tăng cường mạnh mẽ chiến dịch này, câu hỏi đặt ra : Ai là người kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng ?
Chúng ta thấy tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 13 tháng 10/2023, ông Nguyễn Phú Trọng quyết định đứng đầu Tiểu ban Nhân sự (chuẩn bị Đại hội lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương đảng). Điều vô cùng ngạc nhiên là ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu tiểu ban này. Việc này có thể diễn giải là thứ nhất, sức ảnh hưởng của ông vẫn rất lớn ; thứ hai là ông chưa tìm được những người kế nhiệm rõ ràng tại hội nghị tháng 10/2023.
Cuối cùng, tôi cho rằng việc gia tăng chống tham nhũng trong năm 2024 còn cho thấy, vì chưa có người kế nhiệm nên ông Nguyễn Phú Trọng cần khẩn trương tìm ra một lãnh đạo tương lai nếu nhìn vào tình trạng sức khỏe của ông hiện nay. Nói một cách khác, những gì diễn ra trong năm nay (2024) là điều lẽ ra đến năm tới (2025) mới diễn ra.
RFI :Trong một hội thảo được Ban Nội chính Trưng ương tổ chức ngày 18/10/2023 tại Hà Nội, một câu hỏi đã được đặt ra : "Chúng ta đã quyết liệt xử lý cán bộ, vì sao vẫn xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn, tiêu cực lớn, gây bức xúc trong dư luận" ? Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng này ?
Benoît de Tréglodé : Tôi không muốn sa vào đánh giá chung hoặc mang tính khiêu khích, nhưng ở Việt Nam là "phải tham nhũng". Để làm chính trị ở Việt Nam thì phải có tiền, phải có sự hậu thuẫn của một doanh nhân, phải có ngân sách lớn để có thể thăng tiến trong môi trường chính trị.
Ngược lại, để làm ăn, để kinh doanh ở Việt Nam thì cũng cần sự ủng hộ của một chính trị gia. Nhìn chung, giống như ở Trung Quốc, người ta thường thấy trong guồng máy chính trị hiện tượng mua quan bán chức và phải có tiền. Hiện tượng này làm lưu thông những khối lượng tiền lớn và gây bức bối bên trong hệ thống chính trị.
Tôi muốn nói đến hệ quả thứ hai của hiện tượng này, đó là những tranh cãi trên thượng tầng Nhà nước cho thấy cạnh tranh về lợi ích kinh tế giữa các cá nhân, giữa các phe phái, các nhóm nhưng không hẳn thể hiện rằng hệ thống bị suy yếu. Không phải vì có những chiến dịch chống tham nhũng, vì có những trường hợp tham nhũng, mà hệ thống kinh tế bị suy yếu. Ngược lại, ở một khía cạnh nào đó và đây cũng là điều nghịch lý, chế độ chính trị lại được củng cố hơn nhờ những vụ tham nhũng này.
Công cuộc "hiện đại hóa đất nước" diễn ra thông qua việc tham nhũng đại trà ở mọi tầng lớp trong xã hội. Mức lương vẫn còn thấp trong khu vực hành chính và tư nhân, số người giàu trong xã hội đã tăng lên, cho nên tiền phải đến từ đâu đó.
RFI :Chiến dịch chống tham nhũng có quy mô lớn này mang lại những kết quả nào cho Đảng và Nhà nước ?
Benoît de Tréglodé : Khi theo dõi đời sống chính trị Việt Nam, người ta nhận thấy có một khái niệm quan trọng, đó là các cuộc khủng hoảng được coi là có lợi cho chính quyền để có thể tiếp tục tồn tại, vững mạnh hơn và trường tồn.
Nhìn từ khía cạnh này, trên bình diện quốc tế, từ lâu người ta vẫn nhắc đến những tranh chấp hàng hải ở Biển Đông. Đây là một cuộc khủng hoảng có lợi cho chính quyền Việt Nam, bởi vì những vụ tranh chấp đó làm tăng tính chính đáng của Đảng cộng sản, được coi là người đang bảo vệ đất nước, bảo vệ người dân khỏi những vụ tấn công của nước ngoài.
Về chính trường trong nước, các chiến dịch chống tham nhũng thực sự là một cuộc khủng hoảng có lợi cho lãnh đạo Nhà nước, cho tổng bí thư Đảng cộng sản, để thể hiện với nhân dân rằng Đảng cộng sản đang ở đây bảo vệ họ, đảng ở đây để thường xuyên tóm những con cá lớn, bảo vệ lợi ích của những người thấp cổ bé họng, dù đều là ảo tưởng. Rất ít người Việt Nam tin hoàn toàn vào thực tế của những chiến dịch chống tham nhũng trong giới chính trị.
RFI :Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng tại vị cho đến năm 2026. Tương lai của chiến dịch chống tham nhũng sẽ ra sao, trong khi dường như ông hiện là người đấu tranh nhiệt thành duy nhất ?
Benoît de Tréglodé : Trước hết, rất khó đưa ra được bất kỳ dự đoán nào trong bầu không khí bí hiểm như hiện nay. Điều gần như chắc chắn hiện nay là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục giữ chức tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam cho đến hơi thở cuối cùng. Khi đứng đầu Tiểu ban Nhân sự ở Đại hội tháng 10/2023, ông đã cho thấy rằng kế nhiệm ông là một vấn đề nhạy cảm và nhân vật đó chưa được chọn.
Ông Nguyễn Phú Trọng thực sự muốn đích thân tác động đến việc lựa chọn người lãnh đạo tương lai của Đảng. Như vậy, khi kiểm soát các chiến dịch chống tham nhũng mới, hiện rất mạnh mẽ trong năm 2024, ông còn cho thấy chính ông là người sẽ quyết định tương lai của Việt Nam.
Điểm tương đối mới hiện nay, đó là chúng ta chưa thấy những gương mặt nổi trội có tiềm năng kiêm nhiệm cùng lúc 3, 4 chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thứ nhất, đó là vì ông Nguyễn Phú Trọng vẫn có trọng lượng và ảnh hưởng rất lớn trong đời sống chính trị Việt Nam. Tiếp theo, cũng là vì ngày càng có ít thông tin rò rỉ ở Việt Nam kể từ khi luật an ninh mạng được áp dụng năm 2019. Luật này rất linh hoạt và quản lý rất nghiêm ngặt mọi rò rỉ chính trị về vấn đề nhân sự này.
RFI :RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược (IRSEM), Trường Quân sự Pháp.
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI 04/03/2024
Chú thích :
(1) Báo Điện tử Chính phủ, "Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực : Năm nay phải tốt hơn năm trước".
(2) Nhân dân, "Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện tăng 51,63% trong 12 tháng".
(3) Gavroche-thailande.